Miến Điện: Bà Aung San Suu Kyi bị kết án 2 năm tù
BANGKOK — Hôm thứ Hai (06/12), bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân sự của Miến Điện (hay còn gọi là Myanmar), người bị lật đổ trong một cuộc tiếp quản đất nước trên thực tế là đảo chính trong năm nay, đã bị kết án với hai tội danh và phải chịu một bản án bốn năm tù được nhanh chóng giảm xuống còn một nửa. Quá trình tố tụng đã bị công chúng chỉ trích rộng rãi như một nỗ lực hơn nữa của các nhà cầm quyền quân sự Miến Điện nhằm cắt giảm những thành tựu dân chủ trong những năm gần đây.
Quá trình này nhằm củng cố một sự xoay vần đáng kể trong vận mệnh của nhà lãnh đạo đạt Giải Nobel Hòa Bình – bà Suu Kyi – người đã bị quản thúc 15 năm vì kháng cự các tướng lĩnh của quốc gia Đông Nam Á này, nhưng sau đó đã đồng ý hợp tác với họ khi họ hứa sẽ có chính quyền dân chủ.
Bản án hôm thứ Hai là bản án đầu tiên trong một loạt các vụ truy tố chống lại bà Suu Kyi, 76 tuổi, kể từ khi bà bị bắt vào ngày 01/02, ngày quân đội nổi dậy nắm chính quyền và ngăn cản Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà bắt đầu một nhiệm kỳ thứ hai tại vị.
Nếu bị kết tội với tất cả các tội danh mà bà phải đối mặt, bà Suu Kyi có thể bị kết án hơn 100 năm tù. Bà đang bị quân đội giam giữ tại một địa điểm không xác định, và truyền hình nhà nước đưa tin rằng bà sẽ thụ án ở đó. Bản án này đã được giảm vài giờ sau khi được tuyên theo những gì mà bản tin cho biết là một lệnh ân xá của lãnh đạo quân đội nước này, Thượng tướng Min Aung Hlaing.
Trước đó, tòa án đã đề nghị giảm 10 tháng trong thời hạn thụ án, theo một quan chức pháp lý, người đã chuyển thông tin về phán quyết cho AP và yêu cầu được ẩn danh vì sợ bị chính quyền trừng phạt. Bản tin của truyền hình nhà nước không đề cập đến bất kỳ lý do nào cho thời hạn thụ án này.
Quân đội tiếp quản đất nước đã tuyên bố có gian lận bỏ phiếu trên quy mô lớn trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 mà đảng của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội. Các nhà quan sát bầu cử độc lập không phát hiện ra bất thường lớn nào.
Sự phản đối việc tiếp quản đất nước nổi lên gần như ngay lập tức và vẫn còn mạnh mẽ, với sự phản kháng bằng vũ trang lan rộng sau cuộc đàn áp bạo lực của quân đội nhằm vào các cuộc biểu tình ôn hòa. Các phán quyết hôm thứ Hai có thể làm gia tăng căng thẳng hơn nữa.
Các vụ kiện chống lại bà Suu Kyi được nhiều người coi là nhằm làm mất uy tín của bà và khiến bà không thể tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đã gọi quá trình tố tụng này là một “phiên tòa giả tạo”, trong khi Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng đây là “ví dụ mới nhất về quyết tâm của quân đội nhằm loại bỏ mọi phản đối và bóp nghẹt các quyền tự do ở Myanmar.”
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết phiên tòa chỉ là bước khởi đầu của một quá trình “rất có thể sẽ bảo đảm rằng bà Suu Kyi không bao giờ được phép là một người phụ nữ tự do nữa.”
Cùng với những tiếng nói khác, Hoa Kỳ đã kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người khác đang bị giam giữ.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố, “Việc chế độ này tiếp tục coi thường pháp quyền và sử dụng bạo lực rộng rãi đối với người dân Miến Điện nhấn mạnh sự cấp thiết của việc khôi phục lại con đường tiến tới dân chủ của Miến Điện.”
Chính quyền cộng sản ở Trung Quốc, một nước láng giềng duy trì quan hệ hữu nghị với các lãnh đạo quân sự Miến Điện, như thường lệ đã từ chối chỉ trích phán quyết này.
Bà Suu Kyi được nhiều người kính trọng ở quê nhà vì vai trò của bà trong phong trào ủng hộ dân chủ của đất nước — và từ lâu đã được ngoại quốc xem như một biểu tượng của cuộc chiến đó, thể hiện trong 15 năm bị quản thúc tại gia của bà.
Nhưng kể từ khi được trả tự do hồi năm 2010, bà đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì sự đánh đổi mà bà thực hiện: thể hiện sự tôn trọng dành cho quân đội trong khi phớt lờ, và đôi khi, thậm chí biện minh cho các hành vi vi phạm nhân quyền — đáng chú ý nhất là cho một cuộc đàn áp hồi năm 2017 đối với người Hồi Giáo Rohingya mà các nhóm nhân quyền đã dán nhãn là một cuộc diệt chủng.
Mặc dù bà đã bác bỏ những cáo buộc rằng quân nhân sát hại thường dân, phóng hỏa đốt nhà, và cưỡng bức phụ nữ người Rohingya, nhưng bà vẫn vô cùng nổi danh ở quê nhà. Còn ở nước ngoài thì lập trường đó đã làm giảm uy tín của bà.
Hôm thứ Hai, bà đã phải đối mặt với một tội danh kích động vì các tuyên bố được đăng trên trang Facebook từ đảng của bà sau khi bà và các lãnh đạo đảng khác bị quân đội giam giữ. Bà bị buộc tội phát tán thông tin sai lệch hoặc có tính chất kích động có khả năng gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, bà còn bị buộc tội vi phạm các hạn chế về virus corona khi xuất hiện tại một sự kiện vận động tranh cử trước thềm cuộc bầu cử năm ngoái.
Các phiên tòa xét xử bà Suu Kyi không mở cửa cho giới truyền thông và khán giả, và các luật sư của bà, những người từng là nguồn cung cấp thông tin về quá trình tố tụng, hồi tháng Mười đã bị tống đạt các lệnh bịt miệng nhằm cấm họ tiết lộ thông tin.
Các luật sư bào chữa dự kiến sẽ nộp đơn kháng cáo trong những ngày tới cho bà Suu Kyi và hai người đồng sự cũng bị kết án hôm thứ Hai, quan chức pháp lý chuyển thông tin về phán quyết cho biết. Họ lập luận rằng bà Suu Kyi và một đồng bị đơn, cựu Tổng thống Win Myint, không thể chịu trách nhiệm về các tuyên bố mà theo đó tội danh kích động bị cáo buộc vì họ vốn dĩ đã bị giam giữ khi các tuyên bố này được đăng.
Bản án của ông Win Myint cũng được giảm cùng với bản án của bà Suu Kyi.
Việc tiếp quản [đất nước của quân đội] hồi tháng Hai đã vấp phải các cuộc biểu tình bất bạo động trên toàn quốc, mà lực lượng an ninh đã dập tắt bằng vũ lực gây tử thương. Họ đã sát hại khoảng 1,300 thường dân, theo một cuộc thống kê chi tiết do Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị tổng hợp.
Trong bối cảnh đàn áp nghiêm trọng các cuộc biểu tình ôn hòa, phản kháng bằng vũ trang đã gia tăng ở các thành phố và vùng nông thôn, tới mức các chuyên gia Liên Hiệp Quốc phải đưa ra cảnh báo rằng nước này đang rơi vào cuộc nội chiến.
Các cuộc tuần hành biểu tình phản đối chính quyền quân sự hôm Chủ Nhật đã kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người khác.
Phán quyết trong các vụ kiện khác chống lại bà Suu Kyi dự kiến sẽ được đưa ra vào tuần tới. Các vụ kiện khác chống lại bà bao gồm cáo buộc về việc các nhân viên bảo vệ của bà đã nhập cảng và sử dụng bộ đàm mà không đăng ký; vi phạm Đạo luật Bí mật Chính phủ, mà trong đó nhà kinh tế bị giam cầm người Úc Sean Turnell là đồng bị đơn; và các cáo buộc tham nhũng.
Ủy ban bầu cử do quân đội chỉ định cũng đã thông báo họ có ý định truy tố bà Suu Kyi và 15 nhân vật chính trị cao cấp khác vì cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua, có thể dẫn đến việc đảng của bà bị giải thể.
Quân đội nói rằng việc tiếp quản của họ là hợp pháp và không phải là một cuộc đảo chính vì hiến pháp năm 2008 — được thực thi dưới chế độ quân đội — cho phép họ nắm quyền kiểm soát trong một số trường hợp khẩn cấp. Họ lập luận rằng cuộc tổng tuyển cử năm 2020 có những bất thường trên diện rộng và do đó tạo thành một tình trạng khẩn cấp như vậy.
Ủy ban bầu cử quốc gia và các quan sát viên độc lập đã tranh cãi rằng có gian lận đáng kể. Các nhà phê bình cũng khẳng định rằng việc tiếp quản đất nước đã bỏ qua quy trình pháp lý để tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: