Microsoft vẫn đồng ý trợ giúp Trung Quốc dù từng bị tấn công mạng
Xét cho cùng, trong thế giới ngày nay, tất cả đều là dữ liệu, và dữ liệu là tất cả. ĐCSTQ muốn kiểm soát mọi dữ liệu, có nghĩa là kiểm soát tất cả. Tham vọng về điện toán đám mây của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Á Châu mà có bản chất toàn cầu hơn rất nhiều. Họ muốn thống trị cả thế giới. Để làm được điều đó, họ sẽ cần phải có một lượng dữ liệu phong phú. Microsoft vẫn đồng ý trợ giúp Trung Quốc đạt được “đổi mới kỹ thuật và chuyển đổi kinh doanh” ở những mức độ lớn hơn nhiều, bao gồm cả việc tăng gấp đôi “dung lượng danh mục đầu tư điện toán đám mây thông minh của Microsoft tại Trung Quốc.”
Cách đây hơn một năm, một làn sóng tấn công mạng và xâm phạm dữ liệu toàn cầu đã làm rung chuyển thế giới.
Sau khi xâm nhập thành công Máy chủ Microsoft Exchange, những kẻ tấn công mạng đã có toàn quyền truy cập vào hàng trăm nghìn email, mật khẩu, và các tập tin nhạy cảm. Tổng cộng 250,000 máy chủ, bao gồm ít nhất của 30,000 tổ chức ở Hoa Kỳ, đã trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công này.
Theo nhiều báo cáo đáng tin cậy, những kẻ tấn công có mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ/Trung Cộng). Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao Microsoft vẫn đang tiếp tục giúp đỡ ĐCSTQ?
Theo một cuộc điều tra trên diện rộng do National Public Radio (NPR) thực hiện, cuộc tấn công nói trên là một phần của kế hoạch lớn hơn nhiều. Việc đánh cắp email và tài sản trí tuệ chỉ là bước khởi đầu. Vụ xâm nhập này dường như là “phục vụ cho một điều gì đó to lớn hơn”. Cái “điều gì đó to lớn hơn” ấy là có liên quan đến “những tham vọng trí tuệ nhân tạo” của ĐCSTQ.
Ông Kiersten Todt, cựu giám đốc điều hành của ủy ban lưỡng đảng về an ninh mạng của chính phủ ông Obama, nói với NPR rằng “có một dự án dài hạn đang được tiến hành”. Ông Todl, người hiện đang điều hành Cyber Readiness Institute (CRI) lưu ý rằng, mặc dù phần nào chưa biết được chính xác những gì Trung Quốc đang xây dựng, nhưng “tính đa dạng của dữ liệu, chất lượng tổng hợp của dữ liệu, sự tích tụ của dữ liệu” toàn bộ đều là “then chốt đối với sự thành công của họ.”
Liệu sự trợ giúp của các đại công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty có trụ sở ở ngoại quốc, có giúp ĐCSTQ đạt được các mục tiêu của mình không? Người ta có thể hình dung ra điều này.
Nỗ lực trợ giúp Trung Quốc
Microsoft gần đây đã đình chỉ việc bán các sản phẩm và dịch vụ mới của mình tại Nga. Hành động này thật tuyệt. Hy vọng rằng nhiều công ty cũng sẽ làm như vậy.
Tuy nhiên, khi nói đến Trung Quốc, một quốc gia có vấn đề tương đương (nếu không muốn nói là tồi tệ hơn), thì Microsoft đã chọn cách tăng trợ giúp.
Theo một tuyên bố khá gây chú ý do công ty này đưa ra, vào đầu tháng 03/2022, tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Hoa Kỳ này đã bổ sung thêm “khu vực Azure (trung tâm nền tảng dữ liệu riêng cho khu vực) thứ năm vào thị trường Trung Quốc”, tăng gấp đôi “dung lượng danh mục đầu tư điện toán đám mây thông minh của Microsoft tại Trung Quốc.”
Tại sao Microsoft tăng sự trợ giúp Trung Quốc?
Chà, như mọi người nói, tiền luôn là động lực quan trọng.
Theo ông Yang Hou, Phó chủ tịch tập đoàn kiêm Giám đốc điều hành của Microsoft Khu vực Trung Quốc, công ty Hoa Kỳ này nhận ra “nhu cầu ngày càng tăng nhanh đối với các dịch vụ điện toán đám mây công cộng toàn cầu tại thị trường Trung Quốc, từ các công ty đa quốc gia tới Trung Quốc làm ăn, các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm sự hiện diện toàn cầu, và cả từ các công ty Trung Quốc mong muốn chuyển đổi kỹ thuật số trên điện toán đám mây cho doanh nghiệp và quy trình của họ.”
Ông Yang nhấn mạnh rằng mong muốn mở rộng và nâng cấp các dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft ở Trung Quốc vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và rằng điện toán đám mây thông minh của công ty này là “cách tiếp cận toàn diện nhất về bảo mật trên thế giới”. Công ty Hoa Kỳ này cũng cam kết trợ giúp Trung Quốc đạt được “đổi mới kỹ thuật và chuyển đổi kinh doanh” ở những mức độ lớn hơn nhiều.
Đối với người chưa thạo về chuyên môn, Azure là một nền tảng điện toán đám mây công cộng. Nền tảng này cung cấp một loạt các dịch vụ đám mây, bao gồm phân tích và lưu trữ lượng lớn dữ liệu. Theo Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC), Trung Quốc hiện là thị trường đám mây công cộng mới nổi nhanh nhất thế giới: Đến năm 2024, thị phần toàn cầu của thị trường Trung Quốc sẽ tăng tới hơn 10.5%.
Tuyên bố nói trên của Microsoft cho rằng “sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc cần các công nghệ và dịch vụ tiên tiến như Azure của Microsoft, để hỗ trợ quá trình đổi mới kỹ thuật số và chuyển đổi kỹ thuật số công nghiệp đang diễn ra của họ”. Vậy thì tại sao bất kỳ sự trợ giúp nào của Microsoft lại có vấn đề? Rốt cuộc, đó chỉ là một thương vụ kinh doanh khác. Đâu có gì đặc biệt kỳ lạ về việc một công ty Hoa Kỳ đi ngược lại nguyên tắc của mình và trợ giúp Trung Quốc. Phải vậy không?
Đúng, không có gì đặc biệt kỳ lạ về hành vi của Microsoft. Tuy nhiên, “sự đi ngược nguyên tắc” này có một chút khác biệt.
Như ông Jonathan E. Hillman, một chuyên gia an ninh mạng, nói với tờ Politico, điện toán đám mây sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc ĐCSTQ tìm cách kiểm soát hoàn toàn chuỗi cung ứng thông tin. Mục tiêu ấy bao gồm việc kiểm soát dữ liệu được lưu trữ trên thiết bị cầm tay và máy chủ dữ liệu. Nó cũng bao gồm việc kiểm soát mạng 5G và 6G. Nói tóm lại, ĐCSTQ muốn kiểm soát mọi dữ liệu, có nghĩa là kiểm soát tất cả. Xét cho cùng, trong thế giới ngày nay, tất cả đều là dữ liệu, và dữ liệu là tất cả.
Như lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố trong năm 2014, “Luồng thông tin dẫn dắt luồng công nghệ, vốn, và tài năng”, và “lượng thông tin được kiểm soát đã trở thành một chỉ số quan trọng cho sức mạnh mềm và khả năng cạnh tranh của một quốc gia.”
Bài báo này của tờ Politico đã chỉ ra tầm quan trọng của đám mây, nói rằng “đó là nơi mọi thứ hội tụ với nhau”. Điện toán đám mây không chỉ lưu trữ email và lượng lớn dữ liệu, nó còn hỗ trợ trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử dựa trên điện toán đám mây. Cũng theo bài báo này, điện toán đám mây ở khắp mọi nơi, “nhưng không được quản lý — và đối với nhiều nhà hoạch định chính sách, thì thuộc diện không quan tâm.”
Đám mây chỉ là một suy nghĩ muộn màng đối với nhiều chính trị gia, bao gồm cả những người sống ở Hoa Kỳ. Có bao nhiêu người trong số họ thực sự hiểu được tầm quan trọng của điện toán đám mây? Rất ít, tôi cho là vậy. Có bao nhiêu người nghĩ rằng đó chỉ là thứ gì đó tồn tại trên bầu trời?
Như ông Hillman đã nhận định, “tham vọng về điện toán đám mây của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Á Châu.”
Tất nhiên, tham vọng của họ không chỉ là vậy. Tham vọng của Trung Quốc có bản chất toàn cầu hơn rất nhiều. ĐCSTQ không bằng lòng với việc thống trị lục địa Á Châu. Họ muốn thống trị cả thế giới. Để làm điều đó, họ sẽ cần phải có một lượng dữ liệu phong phú.
Đáng buồn thay, Microsoft, một trong những công ty thành công nhất của Mỹ, lại quá đỗi vui mừng khi giúp ĐCSTQ hiện thực hóa tham vọng toàn cầu của mình.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: