Máy kéo hội tụ về Athens khi nông dân Hy Lạp tham gia phong trào biểu tình đang tiến triển nhanh chóng
Nông dân Ba Lan cũng đang gia tăng các cuộc biểu tình phản đối làn sóng ngũ cốc miễn thuế nhập cảng từ nước láng giềng Ukraine.
Hôm 20/02, nông dân Hy Lạp đã hội tụ về Athens để phản đối chi phí năng lượng ngày càng tăng và các chính sách thương mại của EU mà họ cho là đang khiến hoạt động kinh doanh của họ không thể trụ vững.
“Có nhiều vấn đề, trên hết là chi phí nhiên liệu và năng lượng,” một nông dân biểu tình nói với Reuters tại thị trấn Kastro của Hy Lạp, cách Athens khoảng 75 dặm về phía bắc.
“Năm ngoái thật là thê thảm cho nông dân,” ông than thở. “Chúng tôi đã không sản xuất nho hay dầu ô liu, chỉ được một ít bông mà bán ra không được bao nhiêu cả.”
Những bất bình của ông giống như của nông dân ở Đức, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, và Ba Lan, những quốc gia có các cuộc biểu tình tương tự — với quy mô và cường độ khác nhau — đã nổ ra kể từ đầu năm nay.
Với hy vọng xoa dịu cuộc khủng hoảng, chính phủ của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis bắt đầu đàm phán với các hiệp hội của nông dân Hy Lạp. Chính phủ đề nghị cho nông dân những khoản giảm có giới hạn vào hóa đơn năng lượng và gia hạn giảm thuế thêm một năm đối với nhiên liệu diesel nông nghiệp.
Tuần này, Athens cho biết họ sẽ sẵn sàng thảo luận việc giảm thêm thuế trong tương lai, nhưng loại trừ bất kỳ nhượng bộ nào nữa trong năm nay.
“Chúng tôi không còn gì để cho nữa,” ông Mitsotakis nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 19/02. “Tôi nghĩ nông dân … biết rất rõ rằng chính phủ có thể đã vượt quá cả mong đợi của họ, đặc biệt là về vấn đề hóa đơn tiền điện,” ông nói thêm.
Nông dân đã từ chối các nhượng bộ này, nói rằng những nhượng bộ này chưa đủ tương xứng cần có, một kiểu tâm lý phản ánh các cuộc đàm phán tương tự ở vài quốc gia Tây Âu.
Trong lúc diễn ra cuộc phỏng vấn của Thủ tướng, hàng trăm nông dân đã cho đậu những chiếc máy kéo và xe tải màu xanh lục giờ đây đã quá quen thuộc của họ ngang dọc theo vài xa lộ ở miền trung Hy Lạp. Sáng hôm sau, họ bắt đầu lái xe về phía thủ đô, nơi họ dự định bày tỏ sự bất bình ngày càng tăng bên ngoài Quốc hội Hy Lạp.
Rất nhiều nông dân cũng đi thuyền từ đảo Crete của Hy Lạp đến Cảng Piraeus của Athens. Dự kiến sẽ có nhiều người hơn đến bằng xe buýt — từ các vùng khác của nước này — để tham gia cuộc biểu tình đã được ấn định.
‘Những vấn đề giống nhau’
Đặc trưng bởi việc sử dụng xe dùng cho nông nghiệp để chặn xa lộ, các tuyến đường bộ, và cửa biên giới, các cuộc biểu tình của những người nông dân bất mãn ở châu Âu xảy ra đầu tiên ở Hà Lan hồi năm 2019. Kể từ đó, các cuộc biểu tình này đã lan sang vài quốc gia châu Âu khác, nơi nông dân và người đi làm trong ngành nông nghiệp khác ấp ủ nhiều mối bất bình giống nhau.
Đầu tháng này, nông dân ở Tây Ban Nha đã chặn đường trên toàn quốc để phản đối lạm phát gia tăng và những gì mà họ coi là cạnh tranh thương mại không công bằng từ các quốc gia ngoài khối EU.
Phó chủ tịch hiệp hội hàng đầu của nông dân Tây Ban Nha nói trong bài diễn văn trên truyền hình vào thời điểm đó, rằng: “Nông dân phải đối mặt với những vấn đề giống nhau trên khắp EU.” Giống như những người nông dân ở những nơi khác, nông dân Tây Ban Nha cũng chỉ trích bộ máy quan liêu thái quá của EU và các chính sách “thân thiện khí hậu” do Brussels tán thành.
Nhiều người biểu tình phàn nàn rằng Chính sách Nông nghiệp Chung của EU, một khi được thực thi, sẽ nhanh chóng khiến họ phá sản. Tháng trước, nông dân ở Đức cũng chặn đường trên toàn quốc — và thực hiện những hành vi bất tuân dân sự khác — như một phần của cuộc biểu tình kéo dài một tuần.
Lên đến đỉnh điểm là một cuộc biểu tình rầm rộ ở Berlin, nơi hàng ngàn nông dân đậu máy kéo và xe tải gần Cổng Brandenburg mang tính biểu tượng hôm 15/01. Hành động này được kích khởi bởi các kế hoạch của chính phủ nhằm tăng thuế đối với ngành nông nghiệp của Đức và loại bỏ trợ cấp nông nghiệp.
Đầu năm nay, Berlin đã tìm cách xoa dịu cơn phẫn nộ của nông dân bằng cách hứa hẹn sẽ tiếp tục miễn thuế trong lúc loại bỏ dần trợ cấp trong ba năm.
Tuy nhiên, những người nông dân biểu tình — được hiệp hội nông dân Đức hậu thuẫn — vẫn yêu cầu bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp này.
Những nông dân ‘tuyệt vọng’
Cuối tháng trước, nông dân ở Pháp cũng xuống đường, chặn các con đường trên khắp đất nước—bao gồm cả thủ đô Paris—trong vài ngày. Giống như những người nông dân ở các nước EU khác, nông dân Pháp yêu cầu chính phủ kiềm chế lạm phát và bảo vệ nông nghiệp địa phương khỏi sự cạnh tranh của ngoại quốc.
Với hy vọng tránh leo thang tình hình, Paris đã ngưng các kế hoạch loại bỏ dần trợ cấp dầu diesel và cam kết giảm bớt các hạn chế về môi trường đối với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nông dân cho rằng những hành động này chưa đi đủ xa và tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình cho đến khi những bất bình của họ được giải quyết.
Các cuộc biểu tình ở Pháp nhanh chóng lan sang nước láng giềng Bỉ, nơi những người nông dân tuyệt vọng đã tụ tập tại Cảng Zeebrugge, cảng biển lớn thứ hai của nước này.
“Nông dân thực sự tuyệt vọng,” ông Mark Wulfrancke, một phát ngôn viên của Hiệp hội Nông dân Bỉ, cho biết hôm 30/01. Cùng ngày hôm đó, hàng trăm nông dân giận dữ đã đậu máy kéo bên ngoài Nghị viện EU ở Brussels, nơi đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU.
Trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, những người biểu tình đốt những kiện cỏ khô lớn bên ngoài tòa nhà Quốc hội và ném trứng vào cảnh sát. Mặc dù các nhà lãnh đạo EU bày tỏ sự thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người nông dân, nhưng họ lại đưa ra rất ít giải pháp thực tế.
Biên giới Ba Lan-Ukraine bị phong tỏa
Khi cuộc biểu tình gần đây nhất bắt đầu ở Athens, một hoạt động tương tự cũng đang diễn ra ở Ba Lan, nơi nông dân tiếp tục phản đối dòng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn vào.
Nông dân Ba Lan từ lâu đã chỉ trích một quyết định năm 2022 của Brussels về việc bãi bỏ thuế quan đối với thực phẩm nhập cảng từ Ukraine. Nhiều máy kéo của người biểu tình mang theo biểu ngữ có dòng chữ, “Với ngũ cốc từ Ukraine tràn vào, nông dân Ba Lan sẽ phá sản.”
Trong nhiều ngày qua, nông dân đã làm gián đoạn giao thông trên toàn quốc và áp đặt một cuộc phong tỏa trên thực tế đối với biên giới của Ba Lan với nước láng giềng Ukraine.