Mất đi Tự do
Nếu ai đó nói rằng đại dịch đã có rất nhiều ảnh hưởng tích cực với chúng ta, thì đó là giúp chúng ta chú tâm đến việc bị mất đi tự do là như thế nào. Những tổn thất như vậy không diễn ra ngay tức khắc mà bị xói mòn theo thời gian khi mà người dân ngày càng cảm thấy thoải mái với việc chính phủ tuyên bố họ biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta.
Chính phủ ông Biden đang tiến lên theo một đường xoắn ốc xuôi xuống dần mà điểm kết thúc là sự tự do bị đánh mất ở các quốc gia trong quá khứ bằng cách gia tăng nắm giữ lượng quyền lực cho chính phủ thông qua một loạt các sắc lệnh mà không có sự đồng thuận của người dân hay Quốc hội.
Khi công bố các sắc lệnh kiểm soát súng vào tuần lễ từ 05-11/4, Tổng thống Biden đã đề cập đến Tu chính án Thứ Hai cùng quyền sở hữu và trang bị vũ khí. Ông khẳng định rằng các sắc lệnh của mình không vi phạm quyền này, tuy nhiên cũng nói thêm rằng, “Không Tu chính án nào là tuyệt đối cả.” Điều đó hơi đáng ngại.
Ông cũng thông báo về việc bổ nhiệm Ủy ban Tổng thống về Tối cao Pháp viện. Một thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc đã tìm cách che giấu mục tiêu thực sự của ủy ban này–mở rộng tòa án: “Mục tiêu của Ủy ban nhằm mang lại phân tích các lập luận chính trong cuộc tranh luận công khai đương thời và chống lại việc cải tổ Tối cao Pháp viện, bao gồm đánh giá về giá trị và tính hợp pháp của các đề nghị cải cách cụ thể. Các chủ đề mà ủy ban sẽ kiểm tra bao gồm nguồn gốc của cuộc tranh luận về cải tổ; vai trò của Tối cao Pháp viện trong hệ thống Hiến pháp; thời gian phụng sự và thành quả thu được của các thẩm phán tại Tòa án; số thành viên và quy mô của Tòa án; và việc chọn lọc các phiên tòa, các quy tắc và thông lệ của Tòa án.”
Vai trò của tòa án như trên được nêu trong hệ thống hiến pháp và trong các Tài liệu Liên bang. Trong bài tiểu luận “Người theo chủ nghĩa liên bang số 81” (Federalist 81), ngài Alexander Hamilton đã trở thành trọng tâm của cuộc tranh luận khi đề cập đến một Tối cao Pháp viện toàn năng có thể vượt qua cả Quốc hội, tự mình đưa ra luật một cách hiệu quả.
Ngài Hamilton cho biết, nếu Tòa án được phép sở hữu quyền lực như vậy, nó sẽ tạo ra những hệ quả tiêu cực nghiêm trọng: “Thẩm quyền của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, vốn được đề nghị là một cơ quan độc lập và riêng biệt, lúc này sẽ có thẩm quyền cao hơn cơ quan lập pháp. Quyền lực để giải thích các luật lệ theo TINH THẦN của Hiến pháp sẽ cho phép tòa án đó uốn nắn chúng thành bất cứ hình dạng nào mà tòa cho là phù hợp; đặc biệt là các quyết định của tòa án sẽ không tuân theo bất kỳ hình thức nào đưa ra để cơ quan lập pháp sửa đổi hoặc bổ sung. Điều này là chưa từng có tiền lệ vì nó rất nguy hiểm.”
Trong một bài diễn văn hồi tuần trước (05-11/4) tại Harvard, Thẩm phán Stephen Breyer, người được cựu Tổng Thống Bill Clinton bổ nhiệm đã cảnh báo rằng lý do chính mà công chúng tin tưởng hầu hết vào các phán quyết của Tòa án là do nhận thức rằng “Tòa án được chỉ dẫn dựa trên các nguyên tắc pháp lý, chứ không phải là chính trị.”
Không có gì ngạc nhiên khi một số người thuộc phe tả khuynh đang yêu cầu vị thẩm phán 82 tuổi này nghỉ hưu để Tổng thống Biden có thể đề cử một ai đó theo ý muốn của họ.
Nỗ lực này nhằm tái định hình Tối cao Pháp viện theo những cách thức duy trì các chính sách tự do là một điều bất lợi đối với Hiến pháp và “chúng tôi [là] người dân [Hiệp Chủng Quốc]” (“we the people”). Như một bài xã luận của tờ Wall Street Journal đã nhấn mạnh rằng ủy ban gồm 36 thành viên này “nghiêng hẳn về chính trị tả khuynh.”
Lãnh đạo Thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã đúng trong phản ứng của ông đối với Ủy ban của ông Biden: “Nghiên cứu mang tính hàn lâm giả tạo về một vấn đề không hề tồn tại này hoàn toàn vừa vặn với chiến dịch kéo dài nhiều năm của những người theo chủ nghĩa tự do nhằm chính trị hóa tòa án, đe dọa các thành viên, và lật đổ tính độc lập của nó.”
Tổng thống Franklin Roosevelt đã từng nỗ lực mở rộng tòa án nhằm thúc đẩy các chính sách của mình. Nhưng thật may, ông ta đã thất bại.
Trong một bài diễn văn năm 2014, cố Thẩm phán Antonin Scalia đã nói rằng: “Hiến pháp không phải là một sinh vật sống. Nó là một tài liệu pháp lý, và tài liệu đó nói những gì nó nói và không nói những gì nó không nói.”
Chính phủ ông Biden và phe tả khuynh muốn có quyền làm luật của riêng họ mà không bị ràng buộc bởi hiến pháp. Họ tin rằng Hiến pháp là những gì mà các thẩm phán theo phe tự do diễn giải và mục tiêu của họ là bổ nhiệm thêm các thẩm phán có chung niềm tin với họ vào các ghế tòa án liên bang.
Ông John Calvin Thomas hiện là một ký giả chuyên mục, tác giả và là nhà bình luận trên đài phát thanh trong hơn 35 năm. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Ngày tới hạn của Hoa Kỳ: Sự sụp đổ của các Đế Chế, Siêu Cường và Tương Lai của Hoa Kỳ.”
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Cal Thomas thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: