Mạng lưới quân sự Trung Cộng đứng sau nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ ba thế giới
Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ ba thế giới và lớn thứ hai của Trung Quốc, đã phủ nhận các mối liên hệ của họ với quân đội nước này sau khi bị chính phủ Tổng thống Trump đưa vào danh sách đen là một công ty thuộc sở hữu của quân đội do Trung Cộng kiểm soát, tuy nhiên sau khi xem xét kỹ hơn bối cảnh và các mối liên hệ của người sáng lập và Giám đốc Điều hành của họ, ông Lôi Quân (Lei Jun), đã dẫn đến việc phát hiện ra một mạng lưới liên kết đan xen khổng lồ và chặt chẽ với quân đội của Trung Cộng.
Xiaomi: Bị đưa vào danh sách đen và sự phủ nhận
Hôm 14/01, chính phủ TT Trump đã thêm 9 công ty Trung Quốc, bao gồm cả Xiaomi, vào một danh sách các công ty thuộc sở hữu hoặc do quân đội của Trung Cộng kiểm soát. Các doanh nghiệp trong danh sách này phải chịu các hạn chế, bao gồm cả một lệnh cấm đầu tư của Hoa Kỳ.
Giá cổ phiếu của Tập đoàn Xiaomi ngay lập tức giảm mạnh sau thông báo này, với giá cổ phiếu của nó tại Hồng Kông có thời điểm giảm 13.6%.
Xiaomi đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố vào ngày hôm sau, nói rằng “công ty xác nhận rằng chúng tôi không thuộc sở hữu, kiểm soát hoặc liên kết với quân đội Trung Cộng, và không phải là một ‘công ty quân sự Trung Quốc Cộng sản’ theo định nghĩa của NDAA.”
Xiaomi đã cố gắng phát triển vi mạch (chip) của riêng mình nhưng không thành công. Mặc dù vậy, tập đoàn này đã rất nhanh chóng mở rộng ra toàn cầu, với các thị trường chính ở Ấn Độ, Đông Nam Á và Âu châu.
Đào sâu hơn: Những người đứng sau Xiaomi
Nhìn bề ngoài các hoạt động kinh doanh hoặc cơ cấu cổ phần của Xiaomi không thấy được các mối liên kết trực tiếp với quân đội của Trung Cộng. Tuy nhiên, khi điều tra đến một yếu tố quan trọng hơn—những người đã sáng lập, kiểm soát và điều hành công ty này—lại đi đến một kết luận khác.
Người sáng lập Xiaomi, ông Lôi Quân là một thành viên điều hành cao cấp và cổ đông của công ty phần mềm Trung Quốc Kingsoft. Ông gia nhập công ty này vào tháng 01/1992 và trở thành tổng giám đốc khi chỉ mới 25 tuổi vào năm 1994. Năm 2007, dưới sự lãnh đạo của ông ta, Kingsoft đã trở thành một công ty được niêm yết tại Hồng Kông.
Ông Trương Khải Khanh (Zhang Kaiqing) đến từ Trung Quốc là người sáng lập Kingsoft.
Ông Trương Khải Khanh: Phớt lờ các hạn chế do phương Tây áp đặt và vận chuyển chip sang Trung Quốc
Theo một câu chuyện đặc biệt được Tencent-một tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Trung Quốc-xuất bản vào năm 2019, ông Trương Khải Khanh sinh ra ở Mauritius và chuyển đến Trung Quốc vào năm 1935. Sau khi tốt nghiệp Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, ông này gia nhập Quân đoàn Hướng Nam của quân đội cộng sản ở Phúc Kiến, nơi mà ông phụ trách về mảng giáo dục và văn hóa tại Ủy ban Quản lý Quân sự Tuyền Châu và sau đó làm trưởng khoa giảng dạy tại Trường Y tế Tuyền Châu.
Năm 1972, mẹ ông Trương Khải Khanh qua đời tại Hồng Kông. Ông đến Hồng Kông với hy vọng được thừa kế một số tài sản của bà, nhưng cuối cùng lại chẳng nhận được gì. Sau đó, ông ở lại Hồng Kông và bước vào ngành kinh doanh chip.
Trong thời gian đó, các nước phương Tây đang hạn chế xuất cảng công nghệ sang Trung Quốc theo thỏa thuận của Ủy ban Điều phối Xuất cảng sang các Quốc gia Cộng sản. Do đó, Trung Cộng không thể mua chip trực tiếp từ phương Tây. Tuy nhiên, ông Trương Khải Khanh đã sử dụng các mối liên hệ cá nhân của mình để vận chuyển chip từ nước ngoài vào Trung Quốc, theo Sohu đưa tin.
Sau đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng (COSTIND) của Trung Cộng đã yêu cầu ông Trương Khải Khanh thành lập một công ty để họ có thể mua chip từ ông ta trong tương lai.
Các chip mua được thông qua ông Trương Khải Khanh đã được Trung Cộng sử dụng để chế tạo tàu ngầm, vệ tinh, và các ứng dụng khác.
COSTIND trực tiếp thuộc Quân ủy Trung ương Trung Cộng, nhưng chịu sự lãnh đạo kép của cả Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương. Ủy ban này quản lý nghiên cứu khoa học quốc phòng của Trung Cộng, sản xuất và giao thương các sản phẩm quân sự với nước ngoài thay mặt Quân ủy Trung ương.
Tháng 03/1998, thông qua một cuộc cải tổ tổ chức, COSTIND trước đây được tổ chức lại thành Bộ Tổng Trang bị Vũ trang và một COSTIND khác thuộc về nhánh chính phủ đã được thành lập.
Ông Trương Toàn Long: Nhân vật yêu thích của ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân
Năm 1978, sau khi cung cấp chip cho Trung Cộng được vài năm, công ty Kingsoft mới được thành lập. Ba năm sau, vào năm 1981, con trai của ông Trương Khải Khanh là Trương Toàn Long (Zhang Xuanlong) đã tiếp quản công ty này và chuyên kinh doanh chip.
Năm 1984, ông Trương Toàn Long chuyển đến Trung Quan Thôn ở Bắc Kinh, nơi mà ông ta đã làm ăn thành công với các công ty lớn như Sitong (còn được biết đến là Stone vào năm 1984), Tập đoàn Sáng lập của Đại học Bắc Kinh, và Lenovo. Cuối cùng ông ta giành được cho mình danh hiệu “Bố già của Trung Quan Thôn.” Trung Quan Thôn là một trung tâm công nghệ ở quận Hải Điến ở Bắc Kinh. Nhiều công ty công nghệ cao được đặt tại đó.
Ông Trương Toàn Long trở nên thành công đến mức ông được tháp tùng bởi cả hai lãnh đạo Trung Cộng là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào khi họ ra nước ngoài tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với tư cách là các thành viên của phái đoàn doanh nhân.
Ông Cầu Bách Quân: Giành giải thưởng do đích thân ông Giang Trạch Dân trao
Vào cuối những năm 1980, ông Trương Toàn Long quyết định xây dựng và bán nhu liệu của riêng mình. Ông ta mở văn phòng ở Thâm Quyến và tuyển dụng ông Cầu Bách Quân (Qiu Bojun) khi đó 24 tuổi, người đã phát triển WPS, một nhu liệu thực hiện văn bản tiếng Trung tương tự như Microsoft.
Sau đó, Kingsoft được chuyển đến Bắc Kinh vào năm 1988 và được giao cho ông Cầu Bách Quân.
Ông Cầu Bách Quân tốt nghiệp Đại học Quốc gia về Khoa học Quốc phòng và Công nghệ của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Năm 2001, ông này đoạt giải nhì Giải thưởng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Quốc gia và được đích thân ông Giang Trạch Dân trao thưởng. Đây là vinh dự quốc gia cao nhất từng được trao cho ngành công nghiệp nhu liệu.
Ông Lôi Quân và ông Cầu Bách Quân: Anh em và đồng chí 30 năm
Năm 1992, ông Cầu Bách Quân đã tuyển dụng một trong những người hâm mộ lớn của mình, ông Lôi Quân khi đó 23 tuổi, trở thành nhân viên thứ sáu của Kingsoft.
Kể từ đó ông Cầu Bách Quân và ông Lôi Quân của Xiaomi đã thân thiết như “anh em” và “đồng chí.” Trong một bài báo có tựa đề “Ba mươi năm của Cầu Bách Quân và Lôi Quân” được ông Lôi Quân trích đăng trên tài khoản mạng xã hội Weibo của mình rằng, “30 năm cuộc đời tôi, 30 năm tình anh em, tất cả đều rất đỗi thân thương trong trái tim tôi. Người ta có thể có bao nhiêu 30 năm trong cuộc đời mình, và người ta có thể có được bao nhiêu đồng chí như vậy trong suốt cuộc đời mình?”
Ông Lôi Quân và ông Cầu Bách Quân đã cùng nhau trải qua và đã vượt qua một số lần rất khó khăn vào đầu những năm 1990.
Năm 1998, Kingsoft đã có được khoản đầu tư 4.5 triệu USD từ Lenovo, và ông Lôi Quân 28 tuổi, được thăng chức làm Giám đốc Điều hành.
Ông Lôi Quân đã từ chức Giám đốc Điều hành của Kingsoft vào năm 2007 và sau đó được bổ nhiệm lại từ vị trí giám đốc điều hành thành vị trí không điều hành vào tháng 08/2008.
Ông Lôi Quân là Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Xiaomi từ năm 2010.
Xiaomi và Kingsoft: Nền tảng quân sự đan xen
Năm 2011, khi Kingsoft Office Limited được thành lập, ông Lôi Quân trở thành giám đốc điều hành. Ông này hiện là giám đốc công ty phát hành và chủ tịch danh dự của hội đồng quản trị.
Các dữ kiện trên cho thấy người sáng lập Xiaomi, ông Lôi Quân, có những mối liên hệ sâu sắc với Kingsoft, công ty có nền tảng quân sự vững chắc và được thành lập theo yêu cầu của COSTIND, ủy ban quân uỷ của Trung Cộng.
Ông Lôi Quân và GalaxySpace
Tuy nhiên, mối liên hệ của ông Lôi Quân với quân đội của Trung Cộng không chỉ dừng lại ở Kingsoft. Ông ta cũng là một nhà đầu tư vào GalaxySpace, công ty có sứ mệnh “sản xuất hàng loạt vệ tinh nhỏ hiệu suất cao, chi phí thấp” và tạo ra một “mạng truyền thông 5G hội tụ toàn cầu.”
Điều thú vị là tên của ông Lôi Quân chỉ được liệt kê trên trang “giới thiệu” của phiên bản Trung Quốc của GalaxySpace, như là một trong ba nhân vật quan trọng nhất, nhưng không xuất hiện trên trang “giới thiệu” của phiên bản tiếng Anh. Người ta sẽ tự hỏi công ty này muốn che giấu điều gì với những độc giả nói tiếng Anh.
Hai nhân vật quan trọng khác có trên trang “giới thiệu” tiếng Trung của GalaxySpace là Chủ tịch kiêm Nhà sáng lập Từ Minh (Xu Ming) và Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Đặng Tông Toàn (Deng Zongquan), một viện sỹ từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc.
Dự án Quốc phòng 973
Ông Đặng còn có các chức danh sau: Giám đốc Viện Hàng không Vũ trụ và Phòng thí nghiệm ngành Trọng điểm của Quốc phòng về Công nghệ Kiểm soát; và Khoa học gia trưởng của Dự án Quốc phòng 973, Trưởng Dự án Quốc gia “111.”
Vậy Đề án Quốc phòng 973 là gì?
Theo công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc, tên đầy đủ của Dự án Quốc phòng 973 là Chương trình Nghiên cứu Cơ bản Chính về An ninh Quốc gia, còn được gọi là Quân sự 973. Các sáng kiến của Dự án Quốc phòng 973 là những dự án chiến lược, cơ bản và hướng tới tương lai. Đây là những dự án nghiên cứu cơ bản trọng điểm cấp quốc gia do Bộ Tổng Trang bị Vũ trang của Trung Cộng lựa chọn để phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thiết bị trong tương lai, và được thực hiện với sự hợp tác của các cơ quan nghiên cứu hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan ở Trung Quốc.
Trên thực tế, hầu hết các dự án trong hạng mục này đều được bảo mật và không được tiết lộ cho công chúng. Tiền thân của Bộ Tổng Trang bị Vũ trang là COSTIND, cơ quan của Trung Cộng đứng sau Kingsoft.
Tiêu chuẩn Starlink của GalaxySpace
Bối cảnh của GalaxySpace thậm chí còn bí ẩn hơn.
Theo trang web của mình, “GalaxySpace được thành lập vào năm 2016. Chúng tôi cam kết sản xuất hàng loạt vệ tinh nhỏ hiệu suất cao, chi phí thấp thông qua phương thức phát triển nhanh và lặp lại nhanh chóng, đồng thời xây dựng chòm sao vệ tinh băng thông rộng LEO hàng đầu thế giới và một phạm vi phủ sóng toàn cầu với mạng lưới truyền thông 5G.”
Chỉ sau hơn một năm, GalaxySpace đã phát triển vệ tinh liên lạc băng thông rộng quỹ đạo thấp đầu tiên của Trung Quốc với khả năng liên lạc 10 gigabit/giây. Vệ tinh này được phóng vào hôm 16/01/2020, tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền. Hỏa tiễn là một chiếc Khoái Châu 1A do Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc phát triển. Vệ tinh này đã đi vào quỹ đạo dự kiến của nó thành công.
Một trong những sứ mệnh của GalaxySpace là cung cấp “phủ sóng toàn cầu với mạng truyền thông 5G.” Sứ mệnh này tương tự như chương trình Starlink của SpaceX, chương trình mà Trung Cộng đang theo dõi sát sao và rất quan tâm đến. Theo một báo cáo trên các phương tiện truyền thông Trung Cộng, “đối thủ cạnh tranh mục tiêu chính đối với hoạt động kinh doanh của GalaxySpace là chương trình ‘Starlink’ của SpaceX.”
Theo một báo cáo được công bố hôm 31/12/2020 của China Galaxy Securities, ông Từ Minh, Giám đốc điều hành của GalaxySpace, cho biết hồi tháng 02/2020 rằng sau khi GalaxySpace phóng vệ tinh đầu tiên, họ đã so sánh các chỉ số kỹ thuật của mình với các chỉ số thử nghiệm công khai của Starlink và đưa ra hai kết luận: thứ nhất, có thể tạo ra internet vệ tinh thông qua các vệ tinh quỹ đạo thấp cung cấp các kết nối mạng 4G và 5G; thứ hai, các công ty internet vệ tinh của Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng Starlink làm chuẩn về mặt công nghệ.
Rút ngắn khoảng cách với Hoa Kỳ trong vòng 2 năm
Hôm 11/11/2020, tờ Thời báo Hoàn Cầu (the Global Times) phiên bản tiếng Trung đã đăng một bài báo có tiêu đề “GalaxySpace nhận được nguồn tài chính mới. Giám đốc Điều hành Từ Minh: Xây dựng vệ tinh Internet của Trung Quốc.”
Theo bài báo này, vệ tinh truyền thông băng thông rộng được phát triển độc lập thứ hai của GalaxySpace hiện đã bước vào giai đoạn lắp ráp cuối cùng. Ông Xu Ming được dẫn lời cho biết rằng, “Bước tiếp theo, GalaxySpace sẽ tập trung vào việc xây dựng một siêu nhà máy ở Nantong sản xuất 300 đến 500 vệ tinh mỗi năm. Sau khi hoàn thành, nhà máy này sẽ là dây chuyền sản xuất thông minh đầu tiên trong ngành vũ trụ thương mại của Trung Quốc phù hợp với chương trình Starlink, và dự kiến sẽ rút ngắn khoảng cách giữa năng lực sản xuất vệ tinh thế hệ tiếp theo của Trung Quốc so với của Hoa Kỳ xuống trong vòng hai năm.”
Ông Từ Minh: Mối liên hệ giữa GalaxySpace và Kingsoft
Theo GalaxySpace, ông Từ Minh cũng là đồng sáng lập và là cựu chủ tịch của Cheetah Mobile, đồng thời là cựu giám đốc kỹ thuật của Qihoo 360.
Theo trang web của Cheetah Mobile, vào năm 2010, “Kingsoft Security hợp nhất với Conew Image để lập ra Kingsoft Network (sau này được đổi tên thành Cheetah Mobile).”
Từ điểm này người ta có thể thấy rằng ông Từ Minh cũng có liên hệ với Kingsoft, công ty có các mối liên kết chặt chẽ với quân đội.
Internet vệ tinh: Cơ sở hạ tầng mới cho Trung Cộng
Tháng 04/2020, Ủy ban Cải cách và Phát triển của Ủy ban Trung ương Trung Cộng cũng đưa internet vệ tinh vào phạm vi “cơ sở hạ tầng mới.”
Hiện tại, các đội quốc gia chính thức của Trung Cộng-do Nhóm Khoa học và Công nghệ Không gian và Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ của Trung Cộng đại diện-đã đề nghị riêng từng “Dự án Hồng Vân” và “Chòm sao Hồng Nhạn.”
Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân do GalaxySpace đại diện cũng đã tham gia vào ngành công nghiệp internet vệ tinh của Trung Cộng.
Trung Cộng coi Starlink là lợi ích chiến lược cốt lõi của Hoa Kỳ
Starlink là một dự án chòm sao internet vệ tinh do SpaceX đề nghị lần đầu tiên vào tháng 01/2015 để cung cấp truy cập internet tốc độ cao trên toàn thế giới thông qua các vệ tinh trên quỹ đạo gần Trái đất. Công ty này có kế hoạch phóng khoảng 12,000 vệ tinh vào quỹ đạo gần Trái đất từ năm 2019 đến năm 2024, xây dựng một mạng lưới vệ tinh ba lớp khổng lồ mà cuối cùng sẽ liên kết tất cả các vệ tinh thành một “chòm sao” khổng lồ để cung cấp internet vệ tinh phủ sóng toàn cầu tốc độ cao 24/7 với chi phí thấp.
Với hơn 700 vệ tinh đã được phóng và khai triển, Starlink có kế hoạch cung cấp các dịch vụ gần như có thể bao phủ toàn bộ trái đất vào cuối năm 2021 và sẽ xem xét mở rộng lên 42,000 vệ tinh trong tương lai.
Tháng 11 năm ngoái (2020), Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tiết lộ về chương trình Starlink của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ, nói rằng Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đang làm việc với SpaceX để khai triển một chuỗi mạng vệ tinh không gian khổng lồ, bổ sung các vệ tinh quân sự vào chương trình Starlink.
Các phương tiện truyền thông của Trung Cộng đã nhiều lần tuyên bố công khai rằng việc phát triển internet vệ tinh của Trung Cộng là nằm trong bối cảnh bảo vệ quốc gia của Trung Cộng và họ nhắm vào chương trình Starlink của Hoa Kỳ. Những gì họ muốn thách thức là các lợi ích chiến lược cốt lõi của Hoa Kỳ.
Ông Lôi Quân và vai trò của Shunwei Capital trong chương trình Internet vệ tinh của Trung Cộng
Là một thành viên của Đại hội Nhân dân Toàn quốc của Trung Cộng, ông Lôi Quân đã đưa ra các đề nghị tại những kỳ họp lưỡng hội của Trung Cộng trong hai năm liên tiếp. Tại Đại hội Nhân dân Toàn quốc năm 2019, ông Lôi đã đưa ra “Các Đề nghị về Nâng cao Năng lực Đổi mới và Phát triển Mạnh mẽ Ngành Công nghiệp Không gian.” Trong kỳ họp năm 2020, ông ta đã đưa ra “Một Đề nghị về việc Thúc đẩy sự Phát triển của ngành Công nghiệp Internet vệ tinh.”
Ông Lôi Quân cũng sử dụng công ty đầu tư mạo hiểm Shunwei Capital của mình để đầu tư trực tiếp vào một số doanh nghiệp hàng không vũ trụ.
Sau khi GalaxySpace phóng thành công vệ tinh đầu tiên, ông Lôi Quân đã nói trên Weibo, “Chúng tôi tại Shunwei Capital rất may mắn đã sớm đầu tư vào GalaxySpace và trở thành một nhà đầu tư lớn của GalaxySpace.”
Ông Lôi Quân cho biết, từ năm 2018 đến năm 2019, Shunwei Capital đã tồn tại dựa trên các khoản đầu tư vào GalaxySpace.
Thông tin công khai cho thấy Shunwei Capital được thành lập vào năm 2011 bởi ông Lôi Quân và ông Hứa Đạt Lai (Xu Dalai). Công ty này quản lý một quỹ 2.96 tỷ USD và một quỹ 2 tỷ nhân dân tệ.
Theo nhật báo National Business Daily của Trung Quốc, Shunwei Capital bắt đầu chú ý đến lĩnh vực không gian thương mại vào năm 2015 và 2016. Từ năm 2017, họ đã đầu tư vào bốn công ty không gian thương mại, bao gồm Interstellar Glory và Deep Blue AeroSpace trong lĩnh vực hỏa tiễn, và Qiansheng Exploration và GalaxySpace trong lĩnh vực vệ tinh.
Chỉ một ngày trước khi Xiaomi bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen, vào ngày 13/01, Cục Quản lý Chứng khoán Bắc Kinh đã thông báo rằng Interstellar Glory có kế hoạch trở thành một công ty niêm yết trên Ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc. Nếu công ty này được niêm yết thành công, nó sẽ trở thành cổ phiếu hỏa tiễn tư nhân đầu tiên.
Theo thông tin được công khai, Interstellar Glory được thành lập vào tháng 10/2016 và là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Trung Quốc hoàn thành việc phóng một hỏa tiễn vũ trụ (hỏa tiễn đẩy) lên quỹ đạo. Hỏa tiễn vũ trụ có khả năng chịu lực nén quy mô nhỏ do công ty này tự phát triển đã được phóng thành công từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền ở Trung Quốc vào ngày 25/07/2019.
Người Hoa Kỳ đã đầu tư bao nhiêu vào Xiaomi?
Hiện tại, chính phủ Hoa Kỳ đang sử dụng hai danh sách đen khác nhau cho những biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc có liên hệ với Trung Cộng: một danh sách các tổ chức do Bộ Thương mại tổng hợp và một danh sách các công ty quân sự của Trung Cộng do Bộ Quốc phòng tổng hợp. Có các biện pháp trừng phạt khác nhau cho từng loại công ty mục tiêu. Xiaomi và Huawei đều nằm trong danh sách của Ngũ Giác Đài, trong khi Huawei cũng nằm trong danh sách của Bộ Thương mại.
Các công ty được liệt kê trong danh sách của Bộ Thương mại bị cấm kinh doanh với các công ty Hoa Kỳ trừ phi có sự cho phép của chính phủ Hoa Kỳ, trong khi các công ty nằm trong danh sách của Bộ Quốc phòng gồm các Công ty Quân sự Trung Quốc Cộng sản bị cấm nhận đầu tư từ người Hoa Kỳ.
Theo thông tin trên trang web CCASS (Hệ thống Thanh toán và Bù Trừ trung tâm) Hồng Kông, kể từ ngày 09/02, các công ty Hoa Kỳ nắm giữ một tỷ lệ lớn cổ phần của Xiaomi.
Trong số các công ty Hoa Kỳ thì JP Morgan nắm giữ 2.468 tỷ cổ phiếu, chiếm 9.79% vốn cổ phần đã phát hành; Citibank nắm giữ 2.327 tỷ cổ phiếu, chiếm 9.23%; Goldman Sachs nắm giữ 722 triệu cổ phiếu, chiếm 2.86%; và Morgan Stanley nắm giữ 469.8 triệu cổ phiếu, chiếm 1.86%.
Tính toàn bộ thì bốn công ty Hoa Kỳ này nắm giữ 23.74% cổ phần của Xiaomi.
Theo sắc lệnh được ban hành vào ngày 14/01 của cựu Tổng thống Donald Trump, các nhà đầu tư Hoa Kỳ được yêu cầu thoái vốn chứng khoán của họ tại 9 công ty Trung Quốc, bao gồm cả Xiaomi, trước ngày 11/11/2021.
Chính phủ Trump đã lập luận rằng đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc hỗ trợ cho sự phát triển và mở rộng quân đội của Trung Cộng vốn đang theo đuổi chiến lược phát triển quân sự-dân sự hợp nhất. Chiến lược này hỗ trợ các mục tiêu hiện đại hóa quân đội của Trung Cộng bằng cách bảo đảm rằng quân đội có quyền tiếp cận các công ty, các trường đại học, và các chương trình nghiên cứu của Trung Quốc mà bề ngoài có vẻ như là các tổ chức dân sự, nhằm thâu tóm và phát triển kỹ năng chuyên môn và công nghệ tiên tiến.
Năm 2015, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xướng nâng cao “việc phát triển và hợp nhất quân sự-dân sự” thành chiến lược quốc gia của Trung Cộng.
Theo Reuters, một quan chức quản lý cao cấp nói rằng sắc lệnh ngày 14/01 “bảo đảm rằng Hoa Kỳ nắm giữ một công cụ quan trọng để bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ tránh khỏi việc tài trợ cho sự hiện đại hóa quân đội của Trung Cộng.”
Sắc lệnh này đã bị Tổng thống Joe Biden sửa đổi để lùi thời hạn 28/01 ngừng cho phép các khoản đầu tư thêm.
Hôm 27/01, trong một tuyên bố được đăng trên trang web của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, chính phủ Biden cho biết hầu hết các khoản đầu tư vào các công ty “có tên gần trùng khớp, nhưng không khớp chính xác, với tên của một công ty quân sự Trung Cộng” sẽ được cho phép cho đến ngày 27/05.
Do Jack Lee và Jennifer Zeng thực hiện
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: