Malaysia sẽ tổ chức bầu cử sớm sau khi Thủ tướng giải tán Quốc hội
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã giải tán Quốc hội nước này, mở đường cho một cuộc bầu cử sớm trong bối cảnh liên minh cầm quyền của ông kêu gọi tổ chức bỏ phiếu trước thời hạn do tranh đấu nội bộ.
Hôm 10/10, ông Ismail thông báo rằng ông đã được Quốc vương Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah chấp thuận giải tán Quốc hội đương nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ năm năm vào tháng 07/2023.
Ủy ban Bầu cử Malaysia sẽ xác định ngày Tổng tuyển cử lần thứ 15 (GE15), phải diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ ngày Quốc hội giải tán.
Ông Ismail nói trong một bài diễn văn trước toàn quốc rằng, “Với thông báo này, sự ủy nhiệm sẽ được trao lại cho người dân. Sự ủy nhiệm của dân chúng là liều thuốc giải độc mạnh mẽ để thể hiện sự ổn định chính trị và hình thành một chính phủ mạnh mẽ, ổn định, và được tôn trọng sau GE15.”
Theo The Malaysia Reserve, ông nói thêm rằng, “Thông báo giải tán quốc hội được đưa ra nhằm ngăn chặn tất cả những tiếng nói nghi ngờ tính hợp pháp của cái được gọi là chính phủ cửa hậu.”
Ông Ismail cũng kêu gọi giải tán các hội đồng tiểu bang và tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp tiểu bang cùng lúc với GE15.
Ông nói: “Việc các cuộc bầu cử cấp tiểu bang được tổ chức đồng thời mới là điều đúng đắn nhằm bảo đảm rằng người dân không bị áp lực, bên cạnh đó bảo đảm quá trình dân chủ diễn ra suôn sẻ và giảm chi phí chung.”
Tổng cộng có 222 ghế quốc hội sẽ được tranh cử trong GE15 để cho phép thành lập một chính phủ mới. Bốn trong số 13 tiểu bang của nước này — trong đó có Sabah, Melaka, Sarawak, và Johor — đã tổ chức bầu cử trước đó.
Đảng Tổ chức Quốc gia Mã Lai Hợp nhất (United Malay National Organization, UMNO) của ông Ismail, đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, đang tranh luận với các đồng minh và các đảng đối lập về những lời kêu gọi tổ chức bầu cử trong đợt gió mùa khiến hơn 50 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải di tản hồi năm ngoái.
Nhưng gần đây các nhà lãnh đạo cao nhất của UMNO đã quyết định rằng các cuộc bầu cử phải được tiến hành trong năm nay để UMNO tận dụng sự ủng hộ của các cử tri dân tộc Mã Lai, một phe đối lập đang rối loạn, và trước khi nền kinh tế dự kiến sẽ suy yếu vào năm tới.
Ngân sách năm 2023
Việc giải tán Quốc hội diễn ra sau khi chính phủ công bố ngân sách dự kiến cho năm 2023 hôm 07/10, phân bổ 372 tỷ ringgit Malaysia (80 tỷ USD) cho năm 2023. Ngân sách đề nghị này đang chờ Quốc hội thông qua.
Bộ trưởng Tài chính Datuk Seri Tengku Zafrul Abdul Aziz đã nói rằng ngân sách năm 2023 có thể được đưa ra thảo luận sau khi các cuộc bầu cử kết thúc, bất chấp các nhà phê bình tuyên bố rằng sẽ vô ích nếu Quốc hội bị giải tán trước khi thông qua ngân sách này.
Theo Malay Mail, ông đã nói với các phóng viên: “Trước đây điều này đã xảy ra, quý vị có thể tham khảo lại những gì đã xảy ra hồi năm 1999. [Dự thảo] ngân sách đã được đưa ra và rồi giải tán Quốc hội, sau đó ngân sách được đưa ra trở lại.”
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại của nước này bắt đầu khi Pakatan Harapan, một liên minh cải cách do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo, sụp đổ do các thành viên rời khỏi liên minh này hồi tháng 02/2020.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times