Lý Long Tường – Vị bạch mã hoàng tử đánh bại quân Mông Cổ trên xứ Cao Ly (P2)
Phần 1:Lý Long Tường – Vị bạch mã hoàng tử đánh bại quân Mông Cổ trên xứ Cao Ly
Lịch sử hay nhắc đến nhà Trần với ba lần thắng quân Mông Cổ như một thần tích. Nhưng ít ai biết là trên xứ Cao Ly xa xôi kia có một dũng tướng Đại Việt cũng đường hoàng đánh bại chính diện quân Nguyên Mông đến hai lần. Đó chính là hoàng tử tỵ nạn Lý Long Tường.
Vào năm 1225, dưới triều vua Cao Tông (trị vì từ 1213-1259), vị vua thứ 23 của nhà Cao Ly, Đế quốc Mông Cổ gửi sứ giả đến Cao Ly yêu cầu cống nộp nhưng Cao Ly từ chối, đồng thời còn giết chết sứ giả của Mông Cổ là Trứ Cốc Dư (Chu-ku-yu).
Năm 1232, Đại hãn Oa Khoát Đài (Ogotai) đem quân tiến đánh Cao Ly bằng hai đường thủy bộ. Về đường thủy, quân Nguyên Mông vượt biển tiến đánh tỉnh Hoàng Hải nhưng bị Lý Long Tường lãnh đạo tướng sĩ, gia thuộc và quân dân địa phương đẩy lui. Khi ra trận, ông thường cưỡi ngựa trắng mặc áo giáp trắng bào trắng đôn đốc quân sĩ, nên nhân dân gọi ông là “Bạch Mã tướng quân”.
Nói vui một chút, bản thân ông cũng từng là hoàng tử, chẳng lẽ nào xưng hiệu “Bạch Mã hoàng tử” xuất hiện từ đây? Chỉ có điều là hơi trái với mơ ước thực tế của chị em về một anh chàng trẻ trung lịch lãm, tướng quân Lý Long Tường vẫn oai hùng lịch lãm nhưng năm đó đã 58 tuổi rồi.
Nhà Nguyên nổi tiếng với các chiến dịch trên bộ nhưng sau này đã phát triển thêm thủy quân để tấn công các nước như Đại Việt, Cao Ly, Nhật Bản. Lúc ấy lực lượng gửi đến Cao Ly cũng là lực lượng hùng mạnh ghê gớm. Xứ Cao Ly thời đó hải quân không mạnh lắm, vậy vì sao trong thời gian ngắn lại có thể đánh bại quân Nguyên Mông mạnh như thế? Điều này có được là hoàn toàn nhờ công của Lý Long Tường.
Cũng cần nhấn mạnh một chút là, xét về khả năng chiến đấu của hải quân thì hải quân nhà Lý thời đó là không có đối thủ ở châu Á (lục quân cũng không kém khi có thể đánh bại nhà Tống xâm lược). Nước mạnh nhất châu Á thời đó là nhà Tống cũng chịu nhục khi Lý Thường Kiệt ngang nhiên mang hải quân viễn chinh hoành hành vô địch ngay trong lãnh thổ Tống ở Khâm Liêm hai châu.
Vì thế Lý Long Tường khi ấy là Đại đô đốc Hải quân, ông đã đem đi ba hạm đội mạnh nhất gồm 6000 thủy thủ và gia thuộc, đó là những tinh anh trong hải quân nhà Lý. Cái cần thiết nhất để xây dựng hải quân tinh nhuệ chính là lực lượng thủy thủ nòng cốt tinh thông hải chiến và một vị đô đốc cùng bộ chỉ huy chuyên tác chiến biển xa. Lý Long Tường đã đem cả hai thứ này dâng lên cho vua Cao Ly, đồng thời lại thành lập giảng võ đường chuyên đào tạo võ công và binh pháp cho sĩ quan cả thủy lẫn bộ. Quân Nguyên Mông cay cú không phục nên lại đánh phục thù lần nữa vào 21 năm sau. Nhưng có lẽ người Việt Nam trời sinh là khắc tinh của dân du mục Mông Cổ, quả đúng là:
“Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý.Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách niên”.
Tạm dịch:
“Đất mà chuyển dân Việt ta sống phương Bắc, vó ngựa Mông Cổ không thể tung hoành châu Âu ngàn vạn dặm.Trời mà sinh thiên tài này ở nhà Tống, sử Trung Hoa đâu ghi dấu đô hộ Nguyên triều một trăm năm”.
Vì đụng phải khắc tinh vĩ đại nhất lịch sử của mình nên Nguyên Mông đành phải nuốt hận lần nữa dù kẻ địch của chúng đã gần 80 tuổi.
Năm 1253, Đại hãn Mông Ca lại đem quân đánh Cao Ly lần thứ hai. Quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải cả đường thủy lẫn đường bộ. Lý Long Tường lãnh đạo quân dân trong vùng chống trả quân Nguyên Mông suốt 5 tháng ròng. Các đệ tử và tướng lãnh quân dân trong vùng bằng binh pháp của Đại Việt do ông truyền dạy đã đánh cho quân giặc nhiều trận thua đau. Quân Mông Cổ hết cách bèn bày mưu ám sát ông, chúng giả vờ giảng hòa, tặng ông năm hòm vàng bạc châu báu lớn để làm lễ vật, nhưng lại cho thích khách núp ở bên trong để khi mở hòm ra là ám sát.
Đoán biết âm mưu của giặc, ông cho người khoét lỗ hòm rồi đổ nước sôi vào, cả năm tên thích khách bị “luộc” chín, sau đó ông cho xe trả quân giặc. Quân Mông Cổ không còn cách nào khác đành phải xin rút về nước, lập đàn thề không bao giờ xâm lược Cao Ly. Nơi quân Mông Cổ đầu hàng được gọi là Thụ Hàng Môn, vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công ông (di tích này hiện nay vẫn còn).
Sau chiến công này, vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn quân hay Hoa Sơn tướng quân (Hwasan Sang Gung), lại ban cho vùng Hoa Sơn làm thực ấp để sinh sống và thờ cúng tổ tiên. Kể từ đó đã bắt đầu huyền thoại của một trong những dòng họ cổ xưa và danh giá nhất Hàn Quốc – Hoa Sơn Lý Thị.
Vinh hoa phú quý như mây nổi, quê nhà đau đáu mỗi chiều về
Bản thân lập đại công được phong tước vị, gia tộc định cư hưởng vinh hoa phú quý đời đời ở Cao Ly, ngỡ tưởng Lý Long Tường sẽ hài lòng với những gì đã đạt được những năm tháng cuối đời nơi xứ người. Nhưng trong lòng ông, dẫu có xa xôi cách trở thì nỗi nhớ quê nhà vẫn thắt ruột mỗi chiều về.
Sống ở Hoa Sơn, Lý Long Tường đặt hiệu là Vi Tử Động. Mục đích ra đi của ông là để giữ việc thờ cúng tổ tiên như trường hợp Vi Tử đời Ân đã làm, nên ông đặt hiệu là Tiểu Vi Tử và nơi ở là Vi Tử Động.
Tại đây ông cho xây một ngôi đình làng y như kiểu đình làng ở quê hương. Hàng năm vào dịp Tết và hội, người Lý Hoa thôn dù đi làm ăn xa khắp lãnh thổ Cao Ly cũng trở về làng ăn Tết, cũng có “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” như phong tục Đại Việt.
Khi dân làng cúng lễ dâng hương tại đình thì vị tiên chỉ mở Quốc phả ra đọc cho con cháu nghe về nguồn gốc của người Lý Hoa thôn. Ba hồi chuông, trống âm vang trong không khí thiêng liêng. Sau khi dâng hương, người dân Lý Hoa thôn khấn vái, đầu phủ phục trước đình, hướng về phương Nam cố quốc. Phong tục ấy được nối tiếp đời đời qua nhiều thế hệ.
Tại Hoa Sơn có một ngọn núi cao nhất gọi là Quảng Đại Sơn. Tương truyền rằng ngày ngày lão tướng quân Lý Long Tường dẫu tuổi cao sức yếu nhưng vẫn lên đó ngóng trông về phương Nam mà khóc. Vì thế, ngọn núi mang tên “Vọng Quốc Đàn” hay “Vọng Cố Hương”. Có lẽ kế thừa tình cảm yêu quê hương da diết từ vị tổ Lý Long Tường, mà các thế hệ con cháu họ Lý Hoa Sơn luôn hướng về quê cha đất tổ.
Ngày nay trên đại lộ từ phi trường Gimpo về thủ đô Seoul, du khách được chiêm ngưỡng pho tượng Bạch Mã Tướng Công do chính phủ Hàn Quốc xây dựng từ thập niên 1960.
Minh Bảo
(Còn tiếp)