Ly kỳ trấn yểm sông Tô Lịch
Hà Nội có một con sông gắn liền với huyền sử linh thiêng và rất nhiều giai thoại ly kỳ, đó là sông Tô Lịch.
Năm 2001, đội thi công xây dựng đã phát hiện các cọc gỗ đóng dưới lòng sông xếp theo hình bát quái. Và từ đó đến nay, câu chuyện về trấn yểm long mạch sông Tô Lịch đã trở thành bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian để tìm hiểu về phong thủy và những truyền thuyết xung quanh chủ đề này.
Mảnh đất kinh kỳ Thăng Long là nơi có hình thế “sông tụ – núi chầu”, cũng là một phần của long mạch Á Châu. Bắt đầu từ dãy núi Himalaya, chạy vòng vèo như một con rồng lớn, mãi cho đến dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phanxipang, xuống đến Việt Trì rồi lặn xuống, sau đó lại tỏa ra và trồi lên ở Ba Vì.
Nhìn một cách tổng thể, địa mạch Việt Nam có cấu trúc âm dương hoàn chỉnh. Nối liền các đỉnh núi cao đi qua Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, tới Ba Vì, qua cầu Hàm Rồng, dọc theo sông Lam và núi Hồng Lĩnh đổ ra biển… Đây là nhánh Bạch Hổ mang hành khí âm. Tiếp theo, lại nối liền các đỉnh núi cao đi qua Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, tới Tam Đảo, dọc theo sông Tô Lịch rồi vòng qua Cổ Loa, kéo dài tới sông Thái Bình, đi qua dãy Yên Tử và theo hướng Đông Bắc ra tới Quảng Ninh và chìm xuống ở Vịnh Hạ Long… Đây chính là nhánh Thanh Long, mang hành khí Dương. Hai nhánh Thanh Long và Bạch Hổ tạo thành thế “Long chầu – Hổ phục”, giúp Thăng Long trở thành nơi địa mạch trọng yếu của trời Nam. Hơn 1000 năm trước, khi Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, Nhà vua đã nhận xét: Thăng Long là “nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước”. Như vậy, sông Tô Lịch nằm trên nhánh Thanh Long, hơn nữa lại ở vị trí trọng yếu bảo vệ cho kinh thành. Long mạch này mang theo vượng khí cực thịnh, tạo thành thế đất rồng bay, xứng đáng là “đệ nhất đại huyết mạch”, là “đế vương quý địa”. Chính vì long mạch này mà năm xưa bậc thầy phong thủy Cao Biền đã phải nhiều lần khổ dụng tâm trí tìm cách trấn yểm. Cao Biền sinh năm 821 là một tướng lĩnh dưới đời Đường Ý Tông, từng làm Tiết độ sứ của trị sở Tĩnh Hải quân. Biền không chỉ là một vị tướng tài, mà còn là bậc thầy về phong thủy. Tương truyền, Cao Biền từng dùng 8 vạn tháp đất nung để trấn yểm núi Tản Viên (Ba Vì), sau đó lại dùng rất nhiều sắt, đồng, vàng, và bạc để trấn yểm các vị trí trọng yếu dọc theo sông Tô Lịch.
Nhìn sao các thầy phong thủy lại muốn trấn yểm long mạch? Giới Phong thủy học cho rằng: “Thiên – Địa – Nhân hợp nhất”, vạn sự vạn vật trong trời đất đều có sinh mệnh, đều tuân theo các quy luật chung. Trái Đất này của chúng ta cũng như vậy, cũng là một cơ thể sống chứ không phải một “cục đất” vô tri vô giác. Nếu như thân thể người có hệ thống kinh, mạch, lạc và các huyệt vị, thì Trái Đất cũng có các địa mạch, địa huyệt. Trong Đông y, châm mạch hoặc điểm huyệt có thể đả thông hoặc làm tê liệt một bộ phận nào đó của cơ thể, khiến bộ phận đó không thể cử động được. Phong thủy cũng tương tự như vậy, trấn yểm có thể làm phong bế hoặc ngăn chặn đường đi của nguyên khí trong long mạch. Phong thủy học cho rằng: Nguyên khí cũng giống như hệ thống kinh mạch trong Đông y. Khí gắn với nước, nước giúp khí di chuyển, nước đi thì khí cũng đi, nước dừng thì khí cũng dừng. Sinh khí mạnh nhất là ở nơi giao hội của nước, nhất là nơi các dòng sông hội tụ. Vị trí được coi là nơi Cao Biền trấn yểm cũng là ngã ba sông – điểm giao hội của sông Tô Lịch và sông Thiên Phù.
Vậy, Cao Biền đã trấn yểm sông Tô Lịch như thế nào? Câu chuyện này không được ghi chép lại trong chính sử, nhưng lại được lưu truyền qua các truyền thuyết trong dân gian và các ghi chép trong huyền sử.
Sách “Lĩnh Nam chích quái” có ghi chép đại ý rằng:
Năm Hàm Thông thứ 6, vua Đường Ý Tông sai Cao Biền làm đô hộ tướng quân, đem binh đánh quân Nam Chiếu. Biền thắng trận trở về và được vua phong cho làm tiết độ sứ đất An Nam.
Không lâu sau khi đặt chân lên đất An Nam, Cao Biền đã có ý định xây thành Đại La để phòng thủ. Cao Biền xem xét hình thế đất, thấy các sông khác đều chảy theo về hướng Đông Nam, nhưng riêng có một dòng sông con từ Lô Giang lại chảy ngược theo hướng Tây Bắc. Có lần, Cao Biền cưỡi thuyền đi trên sông, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, đang tắm ở giữa dòng. Biền hỏi họ tên, cụ già đáp: “Ta họ Tô, tên Lịch”. Biền lại hỏi: “Nhà cụ ở đâu?” Cụ già nói: “Nhà ở trong sông này”. Dứt lời, cụ già đập tay xuống làm nước bắn tung mù mịt rồi biến mất. Biền biết là Thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch.
Một buổi sớm khác, Cao Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang phía đông thành Đại La, bỗng một trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, sau đó xuất hiện một dị nhân đứng trên mặt nước, thân cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn mù mịt. Cao Biền thấy kinh hãi, có ý muốn yểm Thần. Đêm hôm ấy nằm mộng, có Thần nhân tới nói với Biền rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh. Ông xây thành ở đây cho nên ta tới xem đó thôi, nào ta có sợ gì bùa phép?”. Biền kinh hãi, sáng hôm sau bèn lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đêm hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo làm kinh thiên động địa, khiến kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro tàn bay trên không. Biền càng kinh hãi hơn, than rằng: “Xứ này có Thần linh dị, ta ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”.
Thành Đại La do Cao Biền xây dựng rất uy nghi bề thế, chu vi 3000 bộ, bên trong có hơn 400,000 gian nhà. Nhưng việc xây thành không được thuận lợi, đoạn gần sông Tô Lịch liên tục bị sụt lở và đã phải xây đi xây lại nhiều lần. Cao Biền bèn dạo một vòng đến vị trí sụt lở để tìm hiểu nguyên do. Khi lấy phương vị Bát Quái ra đối chiếu, Biền giật mình nhận ra vị trí từ tâm thành đến chỗ sụt lở chiếu thẳng về hướng núi Tản Viên (Ba Vì). Thì ra, nguyên nhân chính là do long mạch từ núi Tản dẫn thẳng về Tô Lịch, chẳng những khó có thể xây thành, mà về sau đất này sẽ còn nhiều nhân tài kiệt xuất nổi lên xưng bá, xưng vương, sánh ngang với Đường triều ở Bắc quốc.
Là bậc thầy phong thủy, Cao Biền sớm nhận ra rằng khởi nguồn của long mạch nước Nam là từ khu vực núi Tản Viên (Ba Vì), do đó Tản Viên còn được gọi là “Tổ Long Sơn”. Long mạch chạy từ núi Tản Viên dọc theo hình thế đất đến sông Tô Lịch rồi vòng quanh thành Đại La, do đó điểm trấn long huyệt nằm trong lòng sông Tô Lịch. Biền bèn dùng Bát Quái Tiên Thiên Đồ lập trận trấn yểm, làm con rồng không cựa được và bị giam trong đất, như vậy đất sẽ cứng hơn và việc xây thành mới có thể thực hiện.
Cao Biền không chỉ trấn yểm dưới lòng sông mà còn dùng “nhân chấn” hai bên bờ làm âm binh. Tương truyền, Cao Biền đã lấy 100 hạt đỗ và 100 nén nhang, nhờ bà cụ bán hàng nước ở bờ sông mỗi ngày gieo một hạt đỗ và thắp một nén nhang để nuôi âm binh. Bà lão không hiểu nên vâng lời làm theo. Đến đêm thứ ba, bà lão nằm mơ thấy vị Thánh mặt mũi phương phi, tay cầm gậy trúc đến gặp bà và nói: “Con có biết con đang làm gì không?”.
Bà cụ ngơ ngác: “Dạ thưa không”.
Vị Thánh lại nói: “Con làm như vậy là đã giúp nuôi âm binh cho Cao Biền. Muốn hóa giải, con hãy mang số hạt đỗ còn lại, đào một cái hố rồi đổ hết xuống đó, sau đó con đốt tất cả số nhang còn lại và cắm lên trên”.
Bà cụ làm theo lời dặn rồi thu xếp đồ đạc trốn đi. Ba ngày sau, Cao Biền ra bờ sông thì không còn thấy bà cụ nữa, nhìn ra nơi gieo đỗ thì thấy những hạt đỗ mọc lên cong queo, yếu ớt. Từ đó dân gian mới có câu: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”.
Lại nói về chuyện trấn yểm dưới lòng sông. Có nhà phong thủy học cho rằng, Cao Biền đã dùng “Lục Quyết chấn” gồm có: Độc Chấn – Tam Chấn – Tứ Chấn – Ngũ Chấn – Bát Chấn – Cửu Chấn, và dùng “Tứ Yểm chấn”, bao gồm: Nhân Chấn – Kim Chấn – Thạch Chấn – Mộc Chấn để trấn yểm sông Tô Lịch. Do đó trong trận đồ có các loại gỗ quý như gỗ Sưa, gỗ Vàng Tâm, gỗ Ngọc Am, các loại đá quý như đá trắng, đá xanh, và các loại kim loại quý như vàng, bạc, đồng. Sau, Biền lại nuôi âm binh dọc hai bên bờ sông và chôn theo các loại vật dụng sinh hoạt như bát, đĩa, kim tiền, đao, kiếm v.v. cho âm binh sử dụng.
Đến năm 2001, nghĩa là hơn 1000 năm sau, đội thi công xây dựng tiến hành kè bờ và nạo vét đoạn sông Tô Lịch thuộc làng An Phú, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội – nơi xưa kia vốn là thôn Đoài Môn – cửa phía Tây thành Đại La. Tại đây, đội thi công đã phát hiện các cọc gỗ bố trí theo hình bát quái, lại có nhiều bộ hài cốt và các di vật cổ, trong đó có rất nhiều xương động vật (như voi, ngựa, trâu), hơn 10 cái liễn lớn nhỏ bằng sành, nhiều đồ gốm, đồ sắt, đồ dùng như bát đĩa, dao, liềm, kim khâu, một số mảnh gốm men ngọc đã bị vỡ và rất nhiều đồng tiền cổ hình tròn có lỗ vuông.
Sau khi nhổ cọc gỗ và an táng các bộ hài cốt lên nghĩa trang Bất Bạt đã xảy ra rất nhiều hiện tượng kỳ lạ. Ví dụ như máy xúc Komatsu tự nhiên lao xuống sông, các công nhân xây dựng đang khỏe mạnh bỗng ngã lăn ra đất, chân tay co rúm, cứng đờ và mất ý thức trong nhiều giờ liền. Thân nhân gia đình của các công nhân trực tiếp ngụp lặn vớt hài cốt và nhổ cọc dưới lòng sông cũng gặp các tai nạn thảm khốc. Sự việc lên đến đỉnh cao khi có tới 43 công nhân đã bỏ không làm việc tại công trường nữa. Nhiều người cho rằng tai nạn xảy ra chỉ là ngẫu nhiên, những người không tin vào phong thủy còn nói rằng trấn yểm chỉ là điều “nhảm nhí”, nhưng cũng không ít người than rằng đó là do phạm vào trận đồ trấn yểm của Cao Biền năm xưa.
Sự việc đã xảy ra hơn 1000 năm rồi, người xưa đã khuất, giờ chỉ còn cát bụi thời gian. Sự thật đằng sau câu chuyện trấn yểm ly kỳ ấy là gì? Có thực là trận đồ của Cao Biền hay không? Vả chăng nếu có, thì mục đích thực sự để làm gì? Lời giải cho hết thảy những câu hỏi này, kẻ hậu thế chúng ta không thể biết, chỉ có thể chắp nối từ những thuyết lưu truyền trong dân gian để mò mẫm và suy đoán mà thôi.
Cho dù bạn có tin phép thuật hay các trận đồ phong thủy hay không, thì cũng không thể không thừa nhận rằng: Trong lịch sử quả thật có những bậc cao nhân trên có thể hô mưa gọi gió, dưới có thể yểm mạch tầm long, lợi dụng thuật pháp mà làm hưng vượng hay suy bại một quốc gia. Không chỉ riêng Cao Biền mà những bậc cao nhân của nước Việt như thầy địa lý Tả Ao, thiền sư Từ Đạo Hạnh, hòa thượng Nguyễn Minh Không, v.v. đều là những nhân vật có thật trong lịch sử, huyền tích về họ vẫn được ghi chép trong các thư tịch cổ và được lưu truyền qua các thời đại.
Đến đây có thể sẽ có người thắc mắc: Nếu trấn yểm có thể làm quốc gia hưng thịnh hay suy bại, vậy thì có thể dùng phong thủy để trị quốc được không? Và nếu phong thủy quyền năng như thế, thì người tài đức đâu còn đất dụng võ, cũng đâu cần tu dưỡng hay học tập làm chi?
Kỳ thực, các bậc cao nhân phong thủy đều hiểu rằng: bùa phép cũng giống như con dao hai lưỡi, lạm dụng nó sẽ làm hại chính bản thân mình. Hậu thế đều biết Cao Biền là một bậc phong thủy đại tài, một tay có thể dời non lấp bể, sai khiến quỷ Thần. Nhưng ít ai biết rằng, những năm cuối đời của ông lại vô cùng bi thảm, thuật pháp phong thủy cũng không thể giúp ông thay đổi mệnh Trời, cải biến hậu vận của chính mình.
Trong cuốn sách bí truyền của “Thánh địa lý” Tả Ao có lời nhắn nhủ hậu thế rằng: “Tiên là tích đức, hậu là tầm long”. Các trận pháp đồ, dẫu sao, cũng chỉ là thế gian tiểu đạo, sao có thể sánh với Đại Pháp vô biên? Phật gia cũng vậy, mà Đạo gia cũng vậy, các Giác Giả hạ thế truyền Pháp không hề dạy các phép lập trận, yểm bùa, mà chỉ dạy con người hướng Thiện, tu tâm, chỉ một mực dựa vào tu tâm tính mà có thể công thành viên mãn, trở thành Phật, Đạo, Thần, thành bậc Giác Giả chí cao vô thượng. Ấy là bởi, sức mạnh lớn nhất của con người là ở Đức, và phong thủy lớn nhất của đời người là chính mình. Phúc phận của một người cũng vậy, mà phúc phận của cả một dân tộc cũng vậy, không phải đến từ dăm ba trận đồ hay các phép thuật phong thủy, mà chính là từ Đức mà nên.
Thảo Ngọc