Luật sư nhân quyền: ĐCSTQ đang phạm tội diệt chủng Pháp Luân Công
Nói về cuộc chiến đang diễn ra của Bắc Kinh chống lại môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công kéo dài đến nay đã 24 năm, một luật sư nhân quyền nhận định rằng cách hành xử của nhà cầm quyền Trung Quốc với các học viên Pháp Luân Công là một tội ác diệt chủng khác.
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền và là người được đề cử giải Nobel, cho biết các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu của một “cuộc diệt chủng lạnh” kéo dài vốn khó xác định hơn là những vụ sát nhân hàng loạt trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định của Trung Quốc bao gồm các bài công pháp khoan thai và bài giảng đạo đức về “Chân Thiện, và Nhẫn.”
Người ta ước tính rằng môn tu luyện phổ biến này đã thu hút khoảng 70 triệu người theo học trước khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), do người đứng đầu đảng lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân lãnh đạo, phát động cuộc đàn áp hồi năm 1999.
Kể từ đó, các học viên ở Trung Quốc đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và bệnh viện tâm thần. Họ cũng từng là mục tiêu bị xã hội loại trừ, xâm phạm tình dục, và tra tấn, mà trong một vài trường hợp đã gây ra tử vong.
Năm 2019, một tòa luận tội nhân dân độc lập do luật sư kiêm thẩm phán nổi tiếng người Anh Geoffrey Nice KC chủ trì đã phát hiện ra rằng các học viên Pháp Luân Công đã và tiếp tục là nhóm nạn nhân chính bị sát hại để lấy nội tạng. Bằng chứng cũng cho thấy nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong những năm gần đây.
Theo Liên Minh Quốc Tế Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc ̣̣(ETAC), nhóm lớn những người bị giam giữ ở Trung Quốc đã trở thành một hệ thống “tương thích ngược,” trong đó “một tù nhân nào tương thích nhất với người nhận [nội tạng] trả tiền sẽ được chọn từ một nhóm lớn của những người bị giam giữ. Tù nhân sau đó bị sát hại và nội tạng của họ bị lấy ra để cấy ghép,” ETAC cho biết trong một video giải thích về hoạt động này.
Ông Matas cho biết đó là một “cuộc diệt chủng lạnh” đang “tiến triển chậm theo thời gian.”
“Khi quý vị gặp vụ sát nhân hàng loạt trong một khoảng thời gian ngắn … thì việc xác định sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, giống như chúng ta đã chứng kiến vụ diệt chủng người Tutsis ở Rwanda,” ông nói với NTD, đồng thời nói thêm rằng “cuộc diệt chủng Pháp Luân Công” ít bị phát hiện hơn bởi vì việc sát hại xảy ra với tốc độ “vài ngàn người một năm chứ không phải tất cả mọi người cùng một lúc.”
Tội diệt chủng được định nghĩa trong luật pháp quốc tế là hành vi cố ý tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc, hoặc tôn giáo.
Ông Matas cho biết ông không đồng tình với những lập luận cho rằng việc sát hại hàng loạt các học viên Pháp Luân Công không phải là tội ác diệt chủng, bởi vì các vụ sát nhân có động cơ lợi nhuận hoặc bởi vì mọi người có thể từ bỏ Pháp Luân Công để tránh bị sát hại.
“Đầu tiên, người ta có thể có nhiều động cơ khác nhau. Thứ hai, việc chỉ thị đàn áp Pháp Luân Công không dựa trên tiền bạc. Hành vi này hoàn toàn dựa trên hệ tư tưởng,” ông nói.
“Hành vi diệt chủng là sát hại một nhóm có thể xác định được. Và nếu quý vị từ bỏ nhóm đó, quý vị sẽ ở ngoài nhóm bị nhắm là mục tiêu của nạn diệt chủng. Vì vậy, tôi không đồng tình với những lập luận này,” ông nói.
Ông Matas đã đưa ra nhận xét này tại một cuộc tập hợp ở London đánh dấu sự khởi đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ trong 24 năm qua.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cuộc đàn áp chính thức bắt đầu vào ngày 20/07/1999, khi đó các học viên trên khắp Trung Quốc bị bắt giữ vào lúc nửa đêm.
Hai ngày sau, Bộ Nội Vụ tuyên bố Pháp Luân Công là bất hợp pháp, và Bộ Công An cấm các học viên tụ tập đông người, trưng biển hiệu của Pháp Luân Công, quảng bá môn tập, kháng cáo hoặc phản đối nghị định (pdf).
Trong một văn bản cấm các đảng viên ĐCSTQ tu luyện Pháp Luân Công, ủy ban trung ương đảng đã nói rằng môn tu luyện của trường phái Phật Giáo “về căn bản mâu thuẫn với” lý thuyết của chủ nghĩa Marx, vốn có bản chất là vô thần hoặc phản thần.
Xem thêm video: Cuộc Đại Thảm Sát của thế kỷ 21
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times