Luật sư nhân quyền: Bộ phim đạt giải ‘Unsilenced’ nêu bật ‘sự dũng cảm’ của nhóm người bị bức hại ở Trung Quốc
MELBOURNE, Úc — Một luật sư nhân quyền đã mô tả những cố gắng của các học viên Pháp Luân Công trong việc loan tin cho cộng đồng quốc tế biết tin tức về cuộc đàn áp ở Trung Quốc đại lục là “dũng cảm.”
Đó là những gì mà ông David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada từng đạt giải thưởng và là một thành viên nhận được Huân chương Order of Canada, nói về bộ phim đạt giải “Unsilenced”, được công chiếu tại rạp chiếu phim Lido ở Melbourne hôm 08/12.
Ông Matas được đề cử giải Nobel Hòa bình cho công trình của ông liên quan đến việc điều tra tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Sự kiện này diễn ra khi thế giới kỷ niệm Ngày Nhân quyền hôm 10/12 — đánh dấu 75 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được thông qua. Lễ kỷ niệm này là dịp nhắc nhở người dân đứng lên bảo vệ nhân quyền, vốn đang tiếp tục diễn tiến xấu đi ở Trung Quốc cộng sản.
Ông Matas nói rằng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã phối hợp với nhau để vượt qua bức tường lửa và sự kiểm duyệt nhằm chống lại tuyên truyền của cộng sản.
“Có rất nhiều người Trung Quốc rời khỏi Trung Quốc và có thể tiếp cận thông tin bên ngoài, cũng như có những sự cố gắng dũng cảm khác mà chúng ta đã thấy trong bộ phim này,” ông Matas cho biết tại cuộc thảo luận nhóm cùng với ông Tiêu Trung Hoa (John Xiao), tổng biên tập tờ The Epoch Times chi nhánh Úc Châu hôm 08/12.
Ông Matas nói, “Thực ra, đòn bẩy cho sự thay đổi phải đến từ bên ngoài Trung Quốc.”
“Người dân [ở Trung Quốc] đối mặt với quá nhiều rủi ro, ngay cả khi họ biết điều gì đang xảy ra, và ngay cả khi họ phản đối những gì đang diễn ra, thì họ cũng đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm nếu cố gắng thay đổi điều đó. Thậm chí để nói rõ sự thay đổi đó là cần thiết.”
“Vì vậy, nếu chúng ta muốn chứng kiến một sự thay đổi ở Trung Quốc, thì chúng ta phải trở thành tiếng nói cho sự thay đổi ấy.”
Bộ phim “Unsilenced” dựa trên một câu chuyện có thật kể về trải nghiệm của hai cặp đôi sinh viên trẻ đến từ một trường Đại học danh tiếng và một ký giả người Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc. Trong khi đối mặt với cuộc bức hại tàn bạo vì niềm tin của họ đối với Pháp Luân Công, hai cặp đôi sinh viên này đã sẵn sàng hy sinh bản thân để nói lên sự thật về cuộc bức hại cho cộng đồng quốc tế.
Ông Tiêu nói với khán giả rằng sự kiên định của các học viên Pháp Luân Công trong việc nói lên sự thật về cuộc bức hại trong hơn 20 năm qua đã gây ấn tượng rất mạnh. Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong buổi trình chiếu phim hôm 08/12.
“Để cung cấp cho mọi người tất cả các loại thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau, họ phải mạo hiểm tính mạng của mình, chẳng hạn như những gì được thể hiện trong bộ phim (Unsilenced) này, cũng như mất đi người thân, [sự nghiệp] của họ, và thậm chí còn bị cầm tù suốt phần đời còn lại, nhưng họ vẫn tiếp tục tu luyện chiểu theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.”
Ông Blair Barker, Ủy viên Hội đồng Box Hill, người đã xem bộ phim này hôm 08/12, cho biết mặc dù ông đã biết về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, nhưng cảnh các học viên bị tra tấn trong tù thực sự “chấn động đến tâm can.”
“Tôi biết đó là sự thật bởi vì tôi đã nói chuyện với những người mà tôi đại diện, họ phải chịu đựng sự lạm dụng đó, và điều đó không nên xảy ra ở bất cứ nơi nào,” ông Barker nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng ông rất ấn tượng trước sự kiên cường của nhân vật chính trong phim.
“1.4 tỷ người dân Trung Quốc đều là những nạn nhân của chính quyền ĐCSTQ, và toàn bộ dân chúng nên được sống trong tự do,” Cựu chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Úc Bon Nguyen nói. “Nhưng để họ làm được điều đó, thì ĐCSTQ phải sụp đổ và trở thành một hệ thống dân chủ.”
“Chỉ khi đó mọi người mới có thể nói lên sự thật mà không bị bức hại.”
Ông Gerard Flood, Trưởng phòng Tài vụ của Đảng Lao động Dân chủ, cho biết Úc và các quốc gia trên thế giới nên công nhận sự đóng góp của cộng đồng Pháp Luân Công.
“Nếu không có sự dẫn dắt của họ, thì chúng ta sẽ ở dưới cái bóng của ĐCSTQ, vốn gây nguy hiểm cho người dân ở khắp mọi nơi, trong đó có Myanmar, Tây Tạng, và Tân Cương,” ông Gerard nói với The Epoch Times.
Cựu nhân viên Lực lượng Không quân Robert Gray, người cũng tham dự buổi công chiếu hôm 08/12, nói với The Epoch Times rằng những cố gắng lặng thầm mà các học viên Pháp Luân Công thực hiện, chẳng hạn như phát tờ rơi được in sẵn ở Trung Quốc, dường như là cách duy nhất để truyền tải thông điệp của họ.
“Nếu quý vị cố gắng làm bất cứ điều gì khác biệt, thì quý vị sẽ bị giam giữ mà không cần biết lý do; quý vị sẽ bị tra tấn và sát hại,” ông nói.
“Tận mắt chứng kiến và hiểu được những gì [nhân vật chính] đã trải qua, những gì gia đình anh ấy đã trải qua, những gì đồng nghiệp của anh ấy đã trải qua, và nghĩ rằng điều đó đang xảy ra và trong nhiều trường hợp còn tồi tệ hơn, với nạn thu hoạch nội tạng, v.v., thì chuyện này phải chấm dứt ngay.”
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Kể từ tháng 07/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây ra “tội ác phản nhân loại” đối với các học viên Pháp Luân Công, trong đó thu hoạch nội tạng cưỡng bức vẫn là một trong những “tội ác tàn bạo nhất của thế kỷ 20.”
Hồi tháng 06/2019, một Tòa án Luận tội Trung Quốc độc lập do Ngài Geoffrey Nice KC đứng đầu, người trước đây từng chủ trì vụ truy tố cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic ở The Hague, đã phát hiện “vượt quá mọi nghi ngờ hợp lý” rằng hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm, cụ thể là các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ, đã được tiến hành trong một thời gian rất dài liên quan đến một số lượng rất lớn các nạn nhân.
Công trình điều tra của ông Matas về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, với sự cộng tác của ông David Kilgour, một luật sư nhân quyền quốc tế kiêm cựu Quốc vụ khanh đặc trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, được phát hành lần đầu vào năm 2006.
Sau đó, một dự án hợp tác chung với ký giả điều tra Ethan Guttman đã dẫn đến việc phát hành “Bản cập nhật của Kilgour Matas Gutmann” vào năm 2016.
Ông Matas nói với The Epoch Times hôm 08/12: “Có rất nhiều tài liệu về số lượng rất lớn các ca cấy ghép mà không thể lý giải được theo bất kỳ cách nào khác.”
“Quý vị có rất nhiều tài liệu về các du khách ghép tạng. Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng của các nhân chứng … có rất nhiều tình tiết khác nhau xảy ra. Vì vậy, việc thu hoạch nội tạng không xảy ra một lần tại một địa điểm, mà là một chuỗi các bước tiến hành.”
Ông Matas nói rằng có một phần bản ghi từ cuộc điện thoại điều tra của một người được cho là đã nhận được chỉ thị do chính cựu lãnh đạo Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân, hiện đã qua đời, chấp thuận để lấy nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.
Theo một báo cáo (pdf), hàng trăm bệnh viện đã cung cấp các dịch vụ cấy ghép, hàng ngàn bác sĩ phẫu thuật cấy ghép đã được đào tạo, trong khi đó quân đội tiến hành nghiên cứu cấy ghép, còn nhà nước thì trợ cấp cho ngành ức chế miễn dịch.
Ngành ghép tạng của Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh vào năm 2000, trùng hợp với lệnh cấm Pháp Luân Công.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phủ nhận các cáo buộc cho rằng họ đã tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng, đồng thời tuyên bố rằng những người hiến tặng tự nguyện là nguồn chính cho việc tăng hàng chục nghìn ca phẫu thuật mỗi năm.
Ông Matas cho biết hiện tại, 19 quốc gia đã ban hành luật cấm du lịch ghép tạng.
Ông Matas nói: “Nhưng tổng cộng có đến 194 quốc gia. Còn ở Úc, Ủy ban Liên ngành đã đề xướng dự luật này, và chính phủ đã chấp nhận khuyến nghị đó, nhưng dự luật này vẫn chưa được ghi nhận.”
“Ở Canada, một dự luật tương tự cũng chuẩn bị được thông qua, sau khi đã trải qua hầu hết các giai đoạn. Nhưng dự luật được đề xướng này đã được khởi động trong 10 năm.”
“Và tương tự, ngay tại nước Úc đây, đã có những đề xướng, những cuộc thảo luận, nhưng không có gì diễn ra nhanh chóng đối với hồ sơ này.”
Hồi tháng 12/2018, một báo cáo có nhan đề “Lòng trắc ẩn, Không phải Thương mại: Điều tra về nạn buôn bán nội tạng người và du lịch ghép tạng” đã được công bố và xem xét liệu có nên mở rộng luật buôn bán nội tạng của Úc để cấm công dân ra hải ngoại thực hiện các ca cấy ghép phi đạo đức hay không và liệu Úc có nên gia nhập Công ước của Hội đồng Âu Châu về Chống Buôn bán Nội tạng Người hay không.
“Tôi nghĩ rằng về nguyên tắc thì họ sẽ không phản đối điều đó. Chỉ là họ có những mối quan tâm khác, quá bận rộn với những việc khác, và quý vị không thấy được mức độ ưu tiên của vấn đề này, và thẳng thắn mà nói, không có nhiều người xem đó là một vấn đề ở những quốc gia này.”
Ông Matas nói rằng mặc dù ông Giang Trạch Dân là người đóng vai trò chính yếu trong cuộc bức hại, nhưng sự qua đời của ông ta có nghĩa là việc đưa ông ta ra trước công lý đã không còn hy vọng nữa.
“Nhưng vẫn còn hy vọng,” ông Matas nói.
Bản tin có sự đóng góp của Rita Li và Lis Wang
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times