Luật sư của FTX đe dọa các chính trị gia: Trả lại tiền quyên góp hoặc bị kiện
Một số người nhận quyên góp phải trả lại tiền, một số làm từ thiện, phía ông Biden từ chối trả lời.
Hồi tuần trước (06-12/02), các luật sư về phá sản của FTX đã gửi những bức thư riêng tới các chính trị gia và các ủy ban hành động chính trị (PAC) đã nhận tiền quyên góp từ công ty này, cho họ thời hạn đến ngày 28/02 để tự nguyện trả lại khoản tiền đó, hoặc sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý.
Theo một tuyên bố của công ty, “trong phạm vi các khoản thanh toán đó không được trả lại một cách tự nguyện, Bên nợ FTX có quyền bắt đầu các hành động trước Tòa án Phá sản để yêu cầu trả lại các khoản thanh toán đó, với tiền lãi tích lũy kể từ ngày bất kỳ hành động nào được bắt đầu.”
Dựa trên dữ liệu từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), Coindesk, một trang tin tức về mã kim, đã xác định được 196 thượng nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ đã nhận các khoản quyên góp của FTX. Trong khi đó, Unusual Whales, một nền tảng giao dịch bán lẻ, đã tổng hợp số liệu của riêng họ về những người nhận tiền FTX mang tính chính trị, gồm những ai đã quyên góp cho ai, và liệu số tiền đó có được trả lại hay không.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng có lẽ sẽ là điều khôn ngoan nếu các chính trị gia tuân thủ yêu cầu của các luật sư FTX trước khi mọi việc được đưa ra tòa.
Ông Thad Wilson, một đối tác kiêm chuyên gia về phá sản tại King & Spalding, nói với The Epoch Times: “Ông John Ray [CEO của FTX bị phá sản] và nhóm của ông ấy có thể sẽ theo đuổi việc khởi kiện về chuyển nhượng gian lận nhắm vào các chính trị gia và các PAC nếu họ không trả lại tiền, như FTX đã nhiều lần yêu cầu.” Ông nói, các chính trị gia tuy có thể có một luật sư biện hộ pháp lý, nhưng việc ra tòa sẽ rất tốn kém, và những ai nhận chỉ vài ngàn USD “có lẽ sẽ tốt hơn nếu trả lại tiền. Đối với những người nhận khoản tiền lớn hơn, như các PAC và các đảng phái, vấn đề tiền bạc này có thể rất khác.”
Ông Wilson trích dẫn tiền lệ của ông Craig Berkman, một nhà tài chính bị SEC buộc tội lừa gạt các nhà đầu tư, những người đã quyên góp cho các chiến dịch tranh cử tổng thống của các ông John McCain, Mitt Romney, Mike Huckabee, và Rudy Giuliani trong năm 2007–2008.
Ông Wilson nói: “Sau khi ông Berkman nộp đơn xin phá sản vào năm 2009, nhiều chiến dịch và ứng cử viên nhận tiền từ ông Berkman đã bị khởi kiện và/hoặc trả lại tiền cho tín viên tòa khánh tận của ông Berkman.”
Sự sụp đổ của FTX
Nhà sáng lập FTX, anh Sam Bankman-Fried, cùng với các giám đốc điều hành hàng đầu khác của FTX, đã chi hơn 70 triệu USD cho các chính trị gia và các tổ chức chính trị trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, đưa FTX trở thành nhà tài trợ chính trị lớn thứ ba và anh Bankman-Fried trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai cho Đảng Dân Chủ sau ông George Soros.
Theo dữ liệu được thu thập bởi tổ chức Committee to Unleash Prosperity do nhà kinh tế học Stephen Moore đứng đầu, chính anh Bankman-Fried đã trao 40 triệu USD, chủ yếu cho các ứng cử viên Đảng Dân Chủ. Đồng Tổng giám đốc của anh này, ông Ryan Salame, được cho là đã trao hơn 20 triệu USD cho Đảng Cộng Hòa và các nhóm theo phái bảo tồn truyền thống. Và giám đốc kỹ thuật FTX Nishad Singh được cho là đã trao gần 13 triệu USD cho Đảng Dân Chủ và các tổ chức cánh tả.
Hồi tháng 12/2022, anh Bankman-Fried đã bị bắt vì gian lận chứng khoán, sau sự sụp đổ của FTX, sàn giao dịch mã kim có trụ sở tại Bahamas của anh, và sự sụp đổ của Alameda Research, quỹ đầu tư mạo hiểm mã kim của mình. Sau đó, anh bị dẫn độ sang Hoa Kỳ để đối mặt với các cáo buộc hình sự bao gồm gian lận chứng khoán, lừa đảo chuyển khoản, rửa tiền, và vi phạm tài chính chiến dịch tranh cử. Anh nhanh chóng được trả tự do với khoản tiền bảo lãnh trị giá 250 triệu USD và đang cư trú tại nhà của cha mẹ anh ở California, nơi được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản tiền bảo lãnh đó.
‘Thời điểm buộc tội’
Hiện tại, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện đang tự mình tiến hành điều tra nhắm vào cuộc điều tra FTX. Hôm 10/02, Chủ tịch Ủy ban Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina) và Chủ tịch Tiểu ban Giám sát và Điều tra Bill Huizenga (Cộng Hòa- Michigan) đã gửi một lá thư cho Chủ tịch SEC Gary Gensler yêu cầu được biết lý do tại sao anh Bankman-Fried bị bắt ngay trước phiên điều trần đã được sắp xếp của anh trước Hạ viện vào ngày 13/12/2022 và chỉ thị ông Gensler lưu giữ tất cả hồ sơ giữa SEC và Bộ Tư pháp liên quan đến vụ bắt giữ anh Bankman-Fried.
Bức thư này viết, “Thời điểm buộc tội và vụ bắt giữ anh ta đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về quy trình và sự hợp tác của SEC với Bộ Tư pháp.” Người ta cho rằng anh Bankman-Fried sẽ bị thẩm vấn tại phiên điều trần này, trong số nhiều việc khác, liên quan đến các mối quan hệ chính trị và các khoản quyên góp của anh.
Ở đỉnh cao danh vọng, anh Bankman-Fried được ca ngợi là một thiên tài tài chính và nhà từ thiện bác ái, có thời điểm giá trị tài sản ở mức 16 tỷ USD, là người đã tuyên bố sẽ cống hiến tất cả tài sản của mình cho những sứ mệnh cấp tiến như bảo vệ môi trường và ngăn chặn đại dịch. Anh cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ dự luật lưỡng đảng để điều chỉnh thị trường mã kim được gọi là Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng Hàng hóa Kỹ thuật số.
Dự luật này được các Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow (Dân Chủ-Michigan), John Boozman (Cộng Hòa-Arkansas), Cory Booker (Dân Chủ-New Jersey), và John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) bảo trợ. Tất cả các nghị sĩ này đều nhận được ít nhất 5,800 USD trong các khoản quyên góp chính trị từ anh Bankman-Fried. Bà Stabenow là người nhận được nhiều khoản quyên góp cá nhân nhất dành cho các nhà lập pháp, và đã từng nhận được hơn 25,000 USD.
Trong số toàn bộ những người nhận quyên góp lớn nhất là chiến dịch bầu cử năm 2020 của Tổng thống Joe Biden, mà anh Bankman-Fried được cho là đã quyên góp hơn 10 triệu USD dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi được hỏi liệu ông Biden có định trả lại số tiền đó hay không, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre từ chối trả lời, nói rằng: “Việc này tôi được bảo vệ theo Đạo luật Hatch.” Bà Jean-Pierre nói thêm rằng bà “bị giới hạn về những gì tôi có thể nói và về bất cứ điều gì liên quan đến các khoản đóng góp chính trị.”
Đạo luật Hatch, được thông qua vào năm 1939, cấm sử dụng các quỹ liên bang cho các mục đích bầu cử và cũng cấm các quan chức liên bang cưỡng bách trợ giúp chính trị bằng lời hứa về các công việc chính phủ hoặc công quỹ. Không rõ bằng cách nào mà Đạo luật Hatch đã ngăn cản bà Jean-Pierre phúc đáp các câu hỏi của phóng viên.
‘Quý vị phải trả nợ trước đã’
Theo ông Bruce Markell, một cựu thẩm phán về phá sản và hiện là một giáo sư luật tại Đại học Northwestern, câu trả lời cho việc liệu FTX có thành công trong việc thu hồi các khoản đóng góp chính trị trước tòa hay không là “rất có thể.” Các luật sư của FTX có thể sẽ tuyên bố rằng các khoản quyên góp đó là một vụ chuyển nhượng gian lận theo luật phá sản cho phép “con nợ đang sở hữu (DIP)” thu hồi các khoản quyên góp đã thực hiện, trong một số trường hợp, lên đến hai năm trước khi nộp đơn phá sản.
Để tạo ra một trường hợp chuyển nhượng gian lận, các luật sư của FTX có thể sẽ lập luận rằng công ty này đã mất khả năng thanh toán vào thời điểm quyên góp và vì vậy số tiền đó hoàn toàn thuộc về các chủ nợ của FTX.
“Ngạn ngữ có câu, ‘quý vị phải trả nợ trước khi có thể làm từ thiện,’ ông Markell nói. Những công ty nào mất khả năng thanh toán thì “phải trả tiền cho các chủ nợ trước khi làm thiện nguyện.” Tuy nhiên, với việc hạch toán FTX trong tình trạng hỗn loạn đầy tai tiếng và sự biến động cao trong việc định giá các tài sản FTX, thì thời điểm mất khả năng thanh toán của công ty này có thể là một sự mờ ám.
“Google có thể thực hiện tất cả các khoản quyên góp trên thế giới mà họ muốn vì sau khi đóng góp, họ có đủ tiền để trả cho các chủ nợ,” ông giải thích. “FTX là một cơn ác mộng kế toán.” Đạt được một giải pháp tại tòa án, nếu diễn ra theo cách đó, có lẽ sẽ mất nhiều năm.
Một số người nhận các khoản đóng góp đã quyết định không mạo hiểm và đã trả lại số tiền quyên góp cho FTX hoặc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. Những người khác nói rằng họ đã quyên góp số tiền này cho công việc từ thiện, nhưng việc cho đi số tiền đó có thể không giúp họ thoát khỏi rủi ro.
‘Quyên góp cho một bên thứ ba’
FTX cảnh báo: “Người nhận quyên góp được cảnh báo rằng việc thanh toán hoặc quyên góp cho một bên thứ ba (bao gồm cả một tổ chức từ thiện) với số tiền bất kỳ khoản thanh toán nào nhận được từ một Người đóng góp FTX không ngăn được Bên nợ FTX tìm cách thu hồi từ người nhận đó hoặc bất kỳ người nhận chuyển nhượng nào sau đó.”
“Quyên góp từ thiện là một mánh khóe quan hệ công chúng tử tế để thử tạo khoảng cách giữa bản thân hoặc chiến dịch của quý vị với những người đóng góp bị cáo buộc tham nhũng,” ông Wilson nói. “Tuy nhiên, việc quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện không giúp một chính trị gia hoặc chiến dịch tranh cử của người đó thoát khỏi trách nhiệm pháp lý theo Bộ luật Phá sản hoặc luật tiểu bang hiện hành.”
“Các tổ chức từ thiện nhận tiền từ các chính trị gia có thể được xem là ‘những người được chuyển nhượng tiếp theo’ vì những mục đích chuyển nhượng gian lận, và do đó, họ cũng có thể bị kiện,” ông nói. “Trên thực tế, các chính trị gia và các PAC có thể khiến mọi thứ trở nên tệ hại hơn đối với các tổ chức từ thiện mà họ đang quyên góp.”
Bản thân các PAC có thể gặp rủi ro trong việc trả lại hàng triệu USD ngay cả khi số tiền đó đã được sử dụng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times