Lũ lụt tàn phá Trung Quốc trên diện rộng, đặt ra yêu cầu thanh tra các lỗ hổng cấu trúc của đập Tam Hiệp
Mưa lớn đang hoành hành trên một nửa đất nước Trung Quốc, khiến một chuyên gia thủy văn cảnh báo rằng dưới áp lực gia tăng, đập Tam Hiệp có thể vỡ và đe dọa hàng triệu người sinh sống gần đó.
Theo báo cáo của chính quyền địa phương, từ đầu tháng Sáu, mưa lớn và lũ lụt trên diện rộng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ít nhất 11,2 triệu người tại 26 tỉnh thành trên khắp miền Trung và miền Nam Trung Quốc. Hơn 9.300 ngôi nhà đã bị phá hủy và 171.000 ngôi nhà khác bị tổn hại nặng. Thiệt hại tài chính đã vượt quá 24,1 tỷ nhân dân tệ (3,4 tỷ USD).
Theo dự báo, đợt mưa lớn kỷ lục này sẽ tiếp tục kéo dài trong 10 ngày tới.
Tại Quý Châu, một tỉnh miền núi phía Tây Nam Trung Quốc, lượng mưa có lúc lên tới gần 5 mét, cao hơn nhiều so với ngưỡng cho phép.
Lũ lụt ở huyện Duyên Hà khiến nước tràn qua một cây cầu, tạo thành thác lũ cuốn trôi những ngôi nhà phía dưới.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Lưu, một cư dân của quận Kỳ Giang phía Tây Nam thành phố Trùng Khánh nói: “Lũ lụt như một nồi lẩu đang sôi. Đây là hồi chuông cảnh báo cho phần còn lại của Trung Quốc”. Nếu bây giờ đập Tam Hiệp bị vỡ, thì hạ lưu sông Dương Tử, một trong những vùng đất màu mỡ và đông dân nhất, sẽ bị đặt vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng, ông cảnh báo.
“Sức ép từ hai đầu”
Được xây dựng với mục tiêu đặt ra là thuần hóa sông Dương Tử [dễ bị lũ lụt] và tạo nguồn năng lượng sạch, dự án khổng lồ trị giá 180 tỷ nhân dân tệ (25,4 tỷ USD) đã trở thành vấn đề nổi cộm bởi nạn tham nhũng và tác động về môi trường. Hơn 1 triệu cư dân bị cưỡng chế di dời, điều này càng làm gia tăng sự phẫn nộ từ công chúng.
Ông Wang Weiluo, một nhà nghiên cứu thủy văn của Trung Quốc hiện đang cư trú tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, nói với The Epoch Times: “Có hay không việc đập Tam Hiệp có thể đóng vai trò ngăn chặn lũ lụt trong tình hình hiện tại, hay là ngay từ đầu chính phủ Trung Quốc đã lừa dối nhân dân thì những năm vừa qua đã cho mọi người thấy rõ rồi.
Ông Wang cho biết, sông Dương Tử chảy qua 11 tỉnh thành miền Trung và miền Tây của Trung Quốc, bao gồm Tây Tạng, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc và Thượng Hải. Nhiều khu vực có mực nước dưới mực nước dự trữ trong hồ, khiến họ bị đặt vào vị trí dễ dàng bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Nhiều năm qua, giới chức đã không ngừng “bịt miệng” những ai lên tiếng chỉ trích con đập.
Về vấn đề đập Tam Hiệp, ngày 23/6, The Epoch Times gọi điện cho Fan Xiao, một kỹ sư cao cấp của Cục Khai thác Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên của Trung Quốc. Ông Fan cho biết, ông vừa được cấp trên chỉ thị “không nhận phỏng vấn của truyền thông nước ngoài”.
Tuy nhiên, ông Fan đã viết rất nhiều về các vấn đề xung quanh đập Tam Hiệp. Chẳng hạn trong một bài báo xuất bản năm 2004 đã tìm hiểu về vấn đề động đất và lở đất xuất phát từ hồ chứa nước. Một bài viết khác vào năm 2016 của ông đã tính toán chi phí giải tỏa mặt bằng và đền bù di dân địa phương, cũng như đặt câu hỏi về sức chứa tổng thể để ngăn ngừa lũ lụt.
Có một mâu thuẫn cơ bản giữa cư dân vùng thượng lưu và vùng hạ lưu, ông Wang cho biết. Khi có mưa lớn, thượng lưu cần xả lũ, nhưng hạ lưu thì lại không thể chống đỡ được lũ lụt.
Ông Wang nói: “Đập tam Hiệp phải chịu sức ép từ cả hai đầu”. Hiện tại, hồ chứa đang giữ mực nước thấp hơn bình thường để đảm bảo an toàn cho con đập.
Các vấn đề có tính hệ thống
Trong những năm qua, các thông tin trên truyền thông của Trung Quốc đã đem đến cảm giác thiếu tự tin về đập Tam Hiệp.
Năm 2003, một tiêu đề bài viết của Tân Hoa Xã cho thấy con đập có thể chịu được lũ lụt trong 10.000 năm; năm 2007, từ ngữ đã thay đổi thành 1.000 năm, sau đó, vào năm 2008 là 100 năm; và vào năm 2010, một người dẫn chương trình truyền hình CCTV đã trích dẫn Ủy ban Tài nguyên sông Trường Giang, cơ quan giám sát trực tiếp lưu vực sông Dương Tử, nói rằng người dân “không thể đặt mọi hy vọng vào đập Tam Hiệp”.
Năm 2019 đã chứng kiến rất nhiều cuộc tranh luận rộng rãi về tính toàn vẹn của cấu trúc con đập. Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy rõ ràng rằng con đập đang bị cong, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ vỡ đập.
Mặc dù công ty vận hành đập Tam Hiệp đã bác bỏ những quan ngại này, chỉ ra những yếu điểm của hình ảnh từ vệ tinh của Google, nhưng rốt cuộc, họ đã thừa nhận trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng con đập đã bị chệch gần 2,7 cm. Công ty cho biết điều này nằm trong biên độ chấp nhận được.
Giới chức cho biết họ đang tiến hành xả lũ tại khoảng 980 hồ chứa nước dọc theo sông Dương Tử. Tuy nhiên, họ đang lưỡng lự cân nhắc việc xả lũ bên trong đập Tam Hiệp, mặc dù mực nước đã vượt quá mức cho phép hai mét và có thể gây lũ lụt bất cứ lúc nào. Gần đây, cư dân mạng đã lưu hành một video cáo buộc chính quyền bí mật xả lũ mà không thông báo trước, khiến thảm cảnh của họ trở nên tồi tệ hơn.
Ông Wang đang kêu gọi cư dân sống gần đập Tam Hiệp chuẩn bị bộ dụng cụ cấp cứu để tự bảo vệ bản thân. Ông nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không bao giờ đứng ra chịu trách nhiệm đâu. Đối với họ, mạng người chỉ là con số mà thôi”.
Ông Chen, một người dân ở tỉnh Tứ Xuyên thổ lộ, ông đang lo lắng rằng sự lãnh đạo của ĐCSTQ sẽ đem lại cho Trung Quốc một tương lai thảm khốc hơn nữa.
Nguyên Hương