Lũ lụt tại Trung Quốc tàn phá nặng nề các ngành công nghiệp đất hiếm và phân bón
Lũ lụt hoành hành ở lưu vực sông Trường Giang, làm tê liệt hoạt động của nhiều nhà máy sản xuất. Việc này gây tổn thương nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã đang gánh chịu dịch bệnh virus Trung Cộng (virus corona).
Một loạt các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm đất hiếm, phân bón và ngành sản xuất đa tinh thể Polysilicon (nguyên liệu sử dụng cho ngành công nghiệp điện tử và điện quang mặt trời), v.v.
Mặc dù chính quyền ĐCSTQ không tiết lộ tổng số thiệt hại kinh tế do lũ lụt gây ra kể từ tháng 6, nhưng số liệu tiết lộ bởi nhiều công ty sản xuất bị ngập lụt, và phải ngừng hoạt động đã đủ để phản ánh mức độ thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do lũ lụt gây ra.
Theo báo cáo của “Thời báo bình luận Á Châu” (Nikkei Asian Review) ngày 24/8, công ty “Thịnh Hoà Tư Nguyên” (Shenghe Resources), Tứ Xuyên, là một trong số ít các công ty sản xuất đất hiếm tại Trung Quốc. Hôm 19/8, công ty này cho biết lũ lụt đã làm hư hỏng tài sản cố định, bao gồm thiết bị và hàng tồn kho trong hai nhà máy.
Một trong những nhà máy bị hư hỏng đã sản xuất 28,227 tấn sản phẩm đất hiếm loại nước muối trong năm 2019, nó chiếm khoảng 8% doanh thu của “Shenghe Resources”. Vật liệu này là một trong 17 yếu tố hết sức quan trọng để sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Giá cổ phiếu của công ty này đã giảm xuống còn 7,90 Nhân dân tệ vào hôm 24/8, và đã giảm 11% so với tuần trước.
Theo ước tính ban đầu của công ty niêm yết ở sàn chứng khoán Thượng Hải này, thiệt hại do lũ lụt gây ra sẽ từ 3,9 tỷ đến 5,2 tỷ Nhân dân tệ (56 triệu USD đến 75 triệu USD), hiện vẫn chưa rõ con số chính xác. Do mưa lũ nên nhân viên công ty không thể vào nhà máy để đánh giá thiệt hại thực tế.
Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, năm ngoái Trung Quốc đã sản xuất 132 nghìn tấn quặng đất hiếm, chiếm gần 2/3 sản lượng toàn cầu.
“Công ty TNHH cổ phần Công nghệ sinh học Hòa Bang Tứ Xuyên” sản xuất phân bón đã thông báo vào hôm 20/8, các nhà máy của công ty đã bị ngập lụt. Tổn thất sản xuất và hàng trong kho bị thiệt hại ước tính khoảng 350 triệu Nhân dân tệ. Các nhà phân tích tại công ty môi giới chứng khoán Everbright Securities cho biết, công ty “Hòa Bang Tứ Xuyên” và tập đoàn Phúc Hoa chiếm 24% sản lượng quặng Phosphorite tại Trung Quốc. Không biết lúc nào hoạt động sản xuất có thể hồi phục. Phosphorite là một khoáng chất được sử dụng rộng rãi trong sản xuất phân bón và thức ăn gia súc.
Nhà máy polysilicon tại Tứ Xuyên của công ty Vĩnh Tường, một công ty con của tập đoàn sản xuất năng lượng mặt trời Thông Uy Trung Quốc, cũng vì lũ lụt mà phải ngừng sản xuất. Tập đoàn cổ phần Thông Uy là công ty đứng thứ ba trên thế giới về sản xuất silicon, tất cả các thiết bị sản xuất polysilicon của công ty con Vĩnh Tường Tứ Xuyên đã ngừng hoạt động.
Tổng năng xuất polysilicon hàng năm của Công ty năng lượng mặt trời Thông Uy lên tới 80 nghìn tấn, chiếm 1/5 tổng công suất của Trung Quốc. Tạp chí về tài chính và nguồn năng lượng Bloomberg cho biết, nhà máy ở Tứ Xuyên của Thông Uy có thể sản xuất 20 nghìn tấn polysilicon hàng năm, chiếm 4% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2019.
Nạn lũ lụt này cũng ảnh hưởng đến công ty “TNHH Cổ phần Tứ Xuyên Chấn Tĩnh” chuyên sản xuất đồ da. Nhà máy rộng khoảng 157 nghìn mét vuông của nó đã bị ngập. Công ty này chuyên cung cấp hàng cho ngành ô tô và đóng giày đã cho biết, cần tốn ít nhất ba tháng mới có thể hoạt động trở lại.
Trận lũ hiếm gặp tại lưu vực sông Trường Giang ngày càng đáng lo ngại. Vào lúc 8h sáng ngày 20/8, Đập Tam Hiệp, xuất hiện đỉnh lũ lớn nhất kể từ khi được xây, lưu lượng dòng chảy vào lên đến 75 nghìn m3/s, khi đó cơ quan chức năng đã cho mở 11 cửa xả nước lũ.
Người dân tại khu vực hạ du sông hàng ngày sống trong lo lắng. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo vào hôm 22/8 rằng mực nước dọc theo các dòng nước chính vẫn đang rất cao, hơn nữa sẽ còn có nhiều trận mưa.
Theo báo cáo, lũ lụt năm nay đã ảnh hưởng đến hơn 63 triệu người, ít nhất có khoảng 4 triệu người đã được sơ tán.
Phóng viên: Trương Đình Tống