Lũ lụt ở Trịnh Châu: 3 người trên ô tô thoát khỏi đường hầm trong gang tấc
Trận lũ ở Trịnh Châu đã khiến đường hầm Kinh Quảng bị ngập chỉ trong 5 phút. Nhiều người đã bị mắc kẹt trong đường hầm và thiệt mạng, có vài người đã may mắn sống sót. Trong đó có 3 người đã thoát ra được nhờ trèo ra khỏi chỗ có lỗ hổng cao bằng đỉnh hầm. Họ nói với các phóng viên rằng họ đã bị các quan viên của thành phố chặn lại trong đường hầm, và phải vật lộn trong sợ hãi và bóng tối ra sao.
Lối ra ở đằng trước bị chặn, buộc phải ở trong đường hầm
Vào khoảng hai hoặc ba giờ chiều hôm 20/7, tài xế Lí Vân (hóa danh), ông chủ Triệu Dũng (hóa danh) và một đồng nghiệp khác đã kết thúc công việc và đang trên đường về nhà.
Lí Vân nói với phóng viên của Epoch Times rằng họ chạy xe vào đường hầm Kinh Quảng từ hướng bắc, lúc đó không có nước bên trong đường hầm. Cách cửa vào đường hầm không xa có một lối ra, sau khi rẽ phải từ chỗ đó là có thể đi lên đường Lũng Hải, rẽ phải lần nữa là lên được đường cao tốc.
Họ định đi lên mặt đất từ lối ra đó, nhưng đã bị chặn lại.
“Có ba người mặc quần áo phản quang màu xanh lá cây, có thể là nhân viên quản lí đường bộ, dù sao cũng không phải là cảnh sát, chúng tôi không rõ, họ đã chặn không cho chúng tôi đi lên. Họ nói hãy đi về phía trước, chúng tôi cũng không thể dừng lại ở đó, chỉ có thể đi về phía trước theo hướng họ đã chỉ”, Lí Vân nói.
“Kết quả là đi về phía trước thì bị kẹt xe, các tài xế đều xuống xem có chuyện gì mà không thấy xe phía trước di chuyển. Sau khi đi được rồi, tất cả chúng tôi đều cùng tiến về phía trước. Ngay khi chúng tôi đi liền thấy có nước ở phía sau. Chẳng phải đường hầm có cống sao? Nước cống bắt đầu chảy ngược lên, nước từ phía Nam cũng bắt đầu tràn vào, các tài xế đều hoảng sợ, tiến không được, lùi cũng không được, anh nói xem lúc đó phải làm sao?”.
Theo quan sát của Lí Vân, phía trước họ có khoảng 70-80 chiếc xe, phía sau có bao nhiêu anh ta không chú ý lắm. Trong số ba người trên xe, Triệu Dũng và người đồng nghiệp kia đều biết bơi, nhưng Lí Vân, người lớn tuổi nhất, đã ngoài năm mươi thì không. “Tôi đã nói với ông chủ rằng hai người nên đi đi, ông chủ nói, ‘tôi không thể bỏ lại anh ở nơi này’”.
Gặp sự cố mất điện, bò dọc theo đường ống mà thoát chết
Xuất phát từ kinh nghiệm, Lí Vân liền mở cửa sổ trời trên nóc xe, cả ba người họ cùng trèo ra ngoài. Vừa lên được nóc thì nước tràn vào xe, khiến chiếc xe nổi lên. Nước lũ dâng lên với tốc độ rất nhanh, tức tốc đẩy dạt các ô tô trong hầm ra xa khỏi cửa ra vào.
May mắn thay, chiếc xe của họ trôi về phía Đông và đến sát mép tường. Có một số đường ống ở chỗ giao nhau của đỉnh đường hầm với bức tường, họ đã nắm vào mấy cái ống.
Lí Vân nói, “Người đồng nghiệp ở phía trước, ông chủ ở phía sau, tôi ở giữa. Vì tôi không biết bơi nên họ giúp tôi bám vịn mà tiến lên. Vịn dọc theo mấy cái ống không được bao xa thì đèn hầm nhấp nháy rồi tắt hẳn”. Từ đó trở đi, đường hầm chìm vào bóng tối.
Vợ của Triệu Dũng, cô Lục Băng (hóa danh), nói với các phóng viên rằng, “Chồng tôi từng là một quân nhân, anh ấy có tố chất tâm lý khá tốt, nhưng khi cúp điện, trong tâm họ đều bắt đầu hoảng sợ, cảm thấy lần này chắc không thoát được rồi”.
Xuất phát từ bản năng sinh tồn, cả ba người tiếp tục ngược dòng nước lũ, tiến từng chút từng chút một. “Anh ấy vẫn dìu người lái xe suốt thời gian đó, người lái xe không biết bơi, hơn nữa còn rất căng thẳng”, cô Lục nói.
“Họ men theo đỉnh đường hầm, cách mặt đất khoảng bảy, tám mét, tiến tới từng chút từng chút. Sau khi ra được ngoài thì đến chỗ có những khoảng trống lộ thiên. Lúc đó nước đang từ từ dâng lên, họ tiếp tục bơi ra, bơi đến cái chỗ bờ giữa những khoảng trống đó thì thoát ra được”.
Lí Vân cũng mô tả, “Ngay khi ra được bên ngoài, tôi liền mượn lực đẩy của nước để đưa người đồng nghiệp lên trước, và sau đó ông chủ đã đẩy tôi lên. Hai chúng tôi bò ra đó để kéo ông chủ lên, thời điểm ông chủ của chúng tôi lên được thì nước đã dâng đến mặt đất rồi”.
“Sau khi chúng tôi ra được bên ngoài, nước trên mặt đường ngập đến nỗi xe buýt cũng không dám băng qua. Ba người chúng tôi dắt tay nhau băng qua đường, đến phía bên đường có vành đai xanh, lúc đó trời còn mưa. Rất nhiều người nói rằng đừng đợi ở đây, không lâu nữa nước sẽ dâng quá người, chúng tôi liền trèo qua bức tường và vào đến sân của Cục đường sắt”.
Sau khi vào trong sân, Lí Vân phát hiện có khoảng 70 người trú ở đó, đều là may mắn thoát ra được. Người chủ lấy nước nóng ra mời mọi người; người đồng nghiệp kia không biết tại sao mà bị nôn và đau bụng, nhưng không cách nào đến bệnh viện được.
Họ đã đợi ở đó suốt đêm, toàn thân ướt sũng, mất cả giày. Ngày hôm sau, cả ba người họ đi bộ chân trần về nhà sau hai, ba giờ đồng hồ trong tình trạng kiệt sức.
Cô Lục nói rằng tay và chân của Triệu Dũng khi về đến nhà đã tê hết cả, cơ thể anh ấy đến ngày 23 vẫn chưa hồi phục hoàn toàn: Lưng khó chịu, cơ bắp toàn thân đau nhức, tinh thần không tốt lắm. Người đồng nghiệp kia tình trạng còn tệ hơn, đang nằm trong viện để kiểm tra.
Thân thể của Lí Vân cũng chưa hoàn toàn bình phục. Anh nói với các phóng viên rằng, “Dòng nước đó lớn biết bao, đẩy vào trong hầm dữ dội, ba chúng tôi đúng là mệnh lớn. Nếu chiếc xe của chúng tôi không dạt vào tường và chúng tôi không nắm được mấy cái ống, tôi đoán chúng tôi sẽ không có cơ hội nói chuyện với các anh bây giờ”.
Thảm họa lần này “phần lớn là do con người gây ra”
Cô Lục cho rằng, thảm họa lần này ở Trịnh Châu nghiêm trọng như vậy phần lớn là do yếu tố con người gây ra. Từ sự việc của ba người Triệu Dũng, có thể thấy một vài điểm.
Cô ấy nói, “Bởi vì nếu có một lối ra khỏi đường hầm thì đã không đến nỗi như thế. Ít nhất cũng cho người lên, bên trên tích nước rất dữ, cùng lắm là mất xe hay gì đó. Nhưng họ chặn bạn lại, bắt bạn đi cái đường đó, đi vào trong đường hầm dài nhất”. “Bạn hãy nghĩ xem, cái đường hầm đó dài như vậy, kì thực lúc đó nên tuyệt đối cấm xe tiến vào”.
Thứ hai, khi mưa lũ thì liên lạc không được với chính quyền để cầu cứu.
Cô Lục cho biết: “Không có nhân viên cứu hộ. Lúc đó muốn quay số cứu hộ ở Trịnh Châu, chồng tôi đã gọi cho tôi, người tài xế cũng gọi cho tôi, cuộc gọi cuối cùng là bảo tôi nhanh chóng gọi 119 hoặc 110, họ gọi không được. Đó là tầm ba, bốn giờ chiều ngày 20”.
“Giờ nghĩ lại thật là sợ. Họ ở chỗ khác lánh nạn cả đêm mà không ai đến cứu. Tôi gọi 110, bên kia nói ‘Tôi hiểu rồi’. Đến tầm mấy giờ sáng, tôi đọc tin tức và có vẻ như có một đội cứu hộ sẽ đi ngang qua, nhưng đội cứu hộ của chính quyền thì vẫn chưa qua, cảnh sát cũng chưa tới. Khi đó tôi không chú ý đến đường hầm Kinh Quảng, vì tuyến số 5 của tàu điện ngầm đã thông thoáng vào thời điểm đó.”
Ngoài ra, đám đông đứng xem ở một vị trí an toàn nhưng dường như không nghĩ đến việc ứng cứu cho người khác.
“Chồng tôi lúc đó cũng đã kêu cứu, nhưng không có ai tới cả, tất cả đều là tự lực cánh sinh.” Cô Lục nói, “Trên cầu đầy người. Chồng tôi lúc đó nói với những người trên cầu rằng giúp anh ấy gọi điện thoại cứu hộ. Cũng không biết họ có nghe rõ hay không, anh ấy chỉ thấy những người trên cầu chụp ảnh anh, không có ai ném đồ vật hay gì ra để giúp anh cả. Chồng tôi lúc đó đã nói với hai người kia rằng: ‘Đừng kêu cứu nữa, hãy giữ sức, chúng ta phải tự cứu lấy mình’”.
Do Cố Hiểu Hoa, Trương Bắc, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: