Lòng hiếu nghĩa cảm động vạn vật: Bề tôi trung liệt khiến Võ Tắc Thiên xúc động giải oan
Lòng hiếu nghĩa của ông cảm động trời đất, khiến ngay cả vùng đất cằn cỗi cũng có nước suối phun trào. Ông làm quan trung liệt, dùng tấm lòng kiên trinh và hành động nghĩa khí để bảo vệ chủ nhân (Đường Duệ Tông). Lòng trung thành của ông khiến Võ Tắc Thiên cảm động, kịp thời giải được một vụ án oan.
Nhân sĩ thời nhà Đường An Kim Tàng, quê gốc ở Trường An, Kinh Triệu, là người hiếu nghĩa trung liệt và vô cùng hiếu thảo. Thân mẫu của ông qua đời vào năm đầu niên hiệu Thần Long, ông đã mai táng bà ở vùng ngoại ô phía bắc Nam Quyết Khẩu của đô thành. Ông dựng một lều nhỏ bên cạnh ngôi mộ của mẫu thân để thủ hiếu, đồng thời tự xây dựng mộ đá và thạch tháp, ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ. Địa phương này vốn rất khô cằn, nhưng được cảm hóa bởi lòng hiếu thảo của An Kim Tàng, một dòng suối đột nhiên chảy ra bên cạnh lều tranh của ông. Không chỉ vậy, cây mận còn nở hoa trong mùa đông khắc nghiệt, chó và hươu đều đến chơi đùa.
Khi đó, Bổn đạo sứ Lư Hoài Thận (từng làm Giám sát ngự sử, Lại bộ viên ngoại lang, Hữu ngự sử đài Trung thừa, Tể tướng) nghe được chuyện An Kim Tàng hiếu nghĩa cảm động trời đất, bèn báo cáo sự việc lên triều đình. Nhờ vậy, An Kim Tàng được ban thưởng một tinh kỳ (lá cờ) khen ngợi lòng hiếu thuận. Trong những năm niên hiệu Cảnh Vân, An Kim Tàng nhiều lần được thăng chức, trở thành Hữu vũ vệ Trung lang tướng. Sau khi Huyền Tông lên ngôi, nhớ lại lòng trung nghĩa của An Kim Tàng, liền hạ chiếu ca ngợi công lao của ông. Đường Huyền Tông thăng ông làm Hữu kiêu vệ Tướng quân, đồng thời lệnh cho sử quan ghi chép sự tích của ông vào sử sách.
Dưới thời trị vì của Đường Duệ Tông, An Kim Tàng là Thái thường nhạc công (trông coi nhạc công cho các nghi lễ ở tông miếu). Lúc bấy giờ, ông có một hành động trung nghĩa bảo vệ Chủ nhân đã được ghi vào sử sách. Chuyện xảy ra vào thời gian Võ Tắc Thiên lâm triều chấp chính.
Khi đó, Đường Duệ Tông Lý Đán bị giáng xuống làm Hoàng tự, ban họ Ngô, chuyển đến Đông Cung, mọi lễ nghi đều chiểu theo tiêu chuẩn của Hoàng thái tử. Còn Hoàng thái tử thì bị giáng xuống làm Hoàng tôn. Kể từ đó, Lý Đán trở thành mục tiêu công kích của chư hầu họ Võ và các quan viên có dã tâm, bắt đầu cuộc sống khó khăn của một Hoàng tự. Có một lần, Thiếu phủ giám Bùi Phỉ Cung và Nội thị Phạm Vân Tiên âm thầm yết kiến Lý Đán, bị Võ Tắc Thiên biết được nên đã bị xử tội chém ngang lưng. Võ Tắc Thiên tước bỏ quyền tiếp kiến công khanh bá quan của Lý Đán. Từ đó trở đi, từ công khanh trở xuống đều không cách nào gặp mặt Hoàng tự Lý Đán. Chỉ có An Kim Tàng và những viên quan khác của Đông Cung mới có thể theo hầu bên cạnh Lý Đán.
Về sau, Võ Thừa Tự (con trai của người anh cùng cha khác mẹ của Võ Tắc Thiên) vọng tưởng chiếm lấy ngôi vị Thái tử. Bởi vậy, Lý Đán bị gièm pha, bị vu cáo mưu đồ phản loạn. Võ Tắc Thiên lệnh cho Ngự sử trung thừa Lai Tuấn Thần đi tra hỏi để tìm ra sự thật. Viên ác quan Lai Tuấn Thần đã bắt giữ tất cả những người hầu cận bên cạnh Lý Đán, dùng cực hình tra tấn, liên tục bức họ phải thú nhận. Dưới cực hình tàn khốc như vậy, những gia nhân này phải chịu đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Họ chịu đựng không nổi, đành thừa nhận tội trạng mà bản thân vốn không làm. Duy chỉ có An Kim Tàng vẫn kiên trì với sự thật, không nói một lời nào vu khống Hoàng tự Lý Đán. Ông hét lớn với Lai Tuấn Thần: “Nếu đại nhân không tin lời Kim Tàng này, thì hãy moi tim tôi ra, để chứng minh Hoàng tự tuyệt không hề có ý đồ phản loạn.” Vừa nói, ông vừa rút đao tự đâm vào ngực, tạng phủ rơi ra khỏi cơ thể, máu chảy khắp sàn nhà. Cuối cùng, ông tắt thở ngã xuống.
Võ Tắc Thiên nghe được chuyện này, liền sai người dùng kiệu khiêng An Kim Tàng vào cung, phái ngự y nhanh chóng đến chữa trị. Ngự y đặt lục phủ ngũ tạng của ông trở lại cơ thể, dùng vỏ dâu tằm khâu vết thương và bôi thuốc. Sau một đêm, An Kim Tàng đã tỉnh lại một cách thần kỳ.
Võ Tắc Thiên đến gặp ông, thở dài nói: “Con trai ta không có cách nào chứng minh vô tội, không bằng lòng trung thành của ngươi.” Sau đó, bà lệnh cho Lai Tuấn Thần dừng cuộc điều tra. Nhờ vậy, Hoàng tự Duệ Tông cũng may mắn thoát nạn. Khi đó, các sĩ đại phu trong triều đều ca ngợi lòng trung thành của An Kim Tàng. Họ đều cho rằng, đó là điều khó có thể làm được.
Vào năm Khai Nguyên thứ 20, Hoàng đế Đường Huyền Tông đặc biệt phong An Kim Tàng làm Đại quốc công, đồng thời khắc tên ông trên hai bia đá ở Thái Sơn và Hoa Sơn. An Kim Tàng sống trường thọ và gắn bó với triều đình Duệ Tông. Trong những năm niên hiệu Đại Lịch, ông được truy tặng chức Binh bộ Thượng thư, thụy hiệu là “Trung.” Con trai của ông, An Thừa Ân, nhờ ân ông mà được bổ nhiệm làm Trưởng sử Lư Châu. Trong năm niên hiệu Trung Hòa, cháu họ xa của ông là Kính Tắc được phong làm Thái tử Hữu Dụ Đức [1].
Chú thích:
[1] Hữu Dụ Đức: Vào năm Long Sóc thứ ba (năm 663) thời Đường Cao Tông, sắc phong Thái tử Hữu Dụ Đức, chức vị tương đương với Thường thị. “Cựu đường thư – Quan chức chí tam” viết: Hữu Dụ Đức (Hàng Chánh tứ phẩm).
Nguồn tài liệu: “Cựu Đường thư”, “Tân đường thư”