Lối sống “nghiện công nghệ” góp phần vào thảm họa lũ lụt ở Trung Quốc
Cư dân Hà Nam, tỉnh bị lũ lụt tàn phá của Trung Quốc, đã chứng kiến lối sống thiên về kỹ thuật số của họ bị gián đoạn bởi tình trạng mất điện trên diện rộng. Do sự phổ biến của các ứng dụng thanh toán trực tuyến, tình trạng mất điện ở thành phố Trịnh Châu đã cản trở sinh hoạt hàng ngày của người dân, chẳng hạn như việc đặt hàng thực phẩm và tiếp cận các nhu cầu thiết yếu khác.
Nhiều khía cạnh trong đời sống thường nhật của người dân Trung Quốc được tích hợp vào điện thoại thông minh của họ. Người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp xã hội chủ yếu thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ bằng điện thoại của họ thông qua việc sử dụng các ứng dụng được phát triển nội địa gắn với tài khoản ngân hàng của họ.
Với việc ngắt kết nối Internet trên điện thoại thông minh, người dân ở Trịnh Châu đã bị cản trở nghiêm trọng trong việc quản lý các hoạt động tài chính của họ.
Một bài báo đang lưu hành rộng rãi được đăng lên mạng xã hội Trung Quốc hôm 22/07, có tiêu đề “Trịnh Châu sau thảm họa: Khi một thành phố đột ngột mất Internet,” đã nêu chi tiết những thay đổi rõ nét trong hành vi chi tiêu của các cư dân thành phố.
Một số doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch tiền mặt trong khi những doanh nghiệp khác phải quay trở lại phương thức hàng đổi hàng.
“Trong một siêu thị thực phẩm tươi bên bờ sông Seven Mile, người chủ ngồi lo lắng trước cửa hàng trong khi một người đàn ông trung niên bước ra từ tòa nhà tối om, mang theo một túi hành tây và một quả bí đỏ nhỏ,” ông Đỗ Cường (Du Qiang), tác giả của bài báo viết.
Người chủ chỉ chấp nhận tiền mặt, ông Đỗ viết. Người đàn ông yêu cầu sử dụng Alipay, ứng dụng thanh toán qua điện thoại lớn nhất ở Trung Quốc, nhưng chủ cửa hàng từ chối với lý do không có điện. Người đàn ông tìm một gói thuốc lá có giá trị tương đương và đổi chúng lấy hàng tạp hóa.
Ông Đỗ cho biết rằng các dịch vụ giao đồ ăn, đặt phòng khách sạn và đi taxi đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện. Ông nói thêm rằng thành phố đã thụt lùi về công nghệ khoảng 20 năm do hậu quả của trận lụt.
Ông Đỗ đã viết rằng việc cứu trợ thiên tai là hạn chế. Khó mà tìm được nước sạch để uống và cho biết chính những người tốt bụng đang điều phối giao thông xung quanh các hố sụt lún chứ không phải các quan chức công quyền.
Sự kết nối là “giám sát kỹ thuật số toàn diện”
Ông Thái Y Tranh (Tsai I-Chen), một nhà bình luận Đài Loan, đã viết trên Facebook rằng mặc dù điện thoại thông minh mang lại sự tiện lợi, nhưng quan trọng hơn là chúng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giám sát người dân Trung Quốc của nhà cầm quyền cộng sản. Ông Thái cho rằng thảm họa lũ lụt ở Trịnh Châu cho thấy việc các quan chức đảng cộng sản sử dụng công nghệ kỹ thuật số không phải vì lợi ích của người dân.
Ông viết: “Trung Quốc có chính phủ duy nhất trên thế giới có sự giám sát kỹ thuật số toàn diện đối với từng người dân. Nhưng khi thảm họa xảy ra, người dân Trịnh Châu không được liên lạc hoặc được thông báo rằng họ không nên đi tàu điện ngầm, rằng họ nên nhanh chóng chạy thoát lên các nơi cao hơn.”
“[Đó là] bởi vì công dân sống hay chết không phải là mối quan tâm. Người dân phản đối chính quyền mới là mối quan tâm thực sự,” ông nói.
Ông Thái cho hay người dân Trung Quốc đã mất đi sự tự do và quyền riêng tư của họ vì những tiện ích nhỏ nhặt.
“Điều này cho thấy công nghệ kỹ thuật số mang lại cho mọi người sự tiện nghi chi phí thấp bằng cách đánh đổi bằng sự giám sát chính trị vĩnh viễn bởi Trung Cộng và các tập đoàn tài chính. Nhưng khi nói đến việc thực sự cứu người, Trung Cộng khoanh tay ngồi đó.”
Do Sophia Lam thực hiện
Với sự đóng góp của Daniel Holl và Jiang Yuchan
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: