Lộ trình chuyển số tiền lớn bị tiết lộ, chủ tịch tập đoàn địa ốc China Evergrande nộp đơn khai phá sản ở Hoa Kỳ
Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Tập đoàn địa ốc China Evergrande, đã bị bắt. Ông đã nộp đơn khai phá sản tại Hoa Kỳ. Quốc tịch kép của “vợ cũ” ông Hứa bị lộ, nên lộ trình chuyển khoản lợi nhuận 50 tỷ nhân dân tệ cũng bị lộ. Liệu người “vợ cũ” này có tránh được nợ nần hay không? Điều này thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận.
Hôm 28/09, toàn bộ giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn China Evergrande trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã bị đình chỉ. Evergrande thông báo rằng Chủ tịch hội đồng quản trị Hứa Gia Ấn phải chịu các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật vì nghi ngờ phạm pháp.
Hôm 27/09, truyền thông ngoại quốc loan tin cho hay, ông Hứa Gia Ấn đã bị công an đưa đi vào đầu tháng Chín và đang “bị giám sát cư trú tại một địa điểm được chỉ định.”
Trước đó, ông Hứa Gia Ấn được cho là đang sống ở Quảng Châu. Một trang Weibo ở Hoa lục cho biết ông Hứa bị chỉ định giám sát cư trú tại một dinh thự ở Bắc Kinh, nhưng trang weibo này đã nhanh chóng biến mất không lâu sau đó.
“Bị chỉ định giám sát cư trú” khác với “giám sát cư trú.” Ông Cao Trí Thịnh, một luật sư Trung Quốc nổi tiếng cho đến nay vẫn mất tích, từng tiết lộ sự thật về việc ông bị chỉ định giám sát cư trú. Ông Cao đã viết một bài viết cáo buộc rằng nơi “bị chỉ định giám sát cư trú” chính là nhà tù bí mật của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Có rất nhiều nhân chứng cho biết họ đã bị tra tấn bức cung trong thời gian “bị chỉ định giám sát cư trú.” Họ không được phép nghỉ ngơi hoặc ngủ trong một thời gian dài, bị tấn công dồn dập bởi các cuộc thẩm vấn mệt mỏi, v.v. Công an dựa theo lời khai của họ để đi bắt người. Khi công an cảm thấy các nhân chứng, vật chứng, và lời khai có thể hợp lại để kết án, thì họ sẽ tuyên bố bắt và giam giữ người đó, sau đó chuyển người đó đến trại tạm giam.
Luật pháp của ĐCSTQ quy định rõ rằng quá trình thẩm vấn trong trại tạm giam phải lưu trữ trong video giám sát. Tuy nhiên, những người “bị chỉ định giám sát cư trú” không có video giám sát khi thu thập chứng cứ, cũng không được gặp luật sư, hơn nữa không được áp dụng thời gian hạn chế giam giữ của trại tạm giam. Đây là phương thức bắt giữ và thẩm vấn được ĐCSTQ sử dụng phổ biến nhất.
Xét từ góc độ này, ông Hứa Gia Ấn có thể đang trải qua giai đoạn đen tối và thống khổ nhất trong cuộc đời mình. Hầu hết những trợ lý thân cận nhất của ông cũng gặp phải tình cảnh tương tự.
Theo thông tin công khai, con trai thứ hai của ông Hứa Gia Ấn là ông Hứa Đằng Hạc (Peter Xu) đã bị công an bắt cùng với ông. Ngoài ra, nhiều giám đốc điều hành cốt cán khác của Evergrande cũng đã bị bắt và không rõ tung tích, bao gồm cựu Giám đốc điều hành Evergrande Hạ Hải Quân (Xia Haijun), cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Bảo hiểm Nhân thọ Evergrande Chu Gia Lân (Zhu Jialin), Giám đốc điều hành Tài chính Evergrande Đỗ Lượng (Du Liang), cựu Giám đốc tài chính Evergrande Phan Đại Vinh (Pan Darong), cựu Chủ tịch Evergrande Property Tắng Lập Đào (Zeng Litao), cựu Chủ tịch Evergrande Property Kha Bằng (Ke Peng), v.v.
“Vợ cũ” đã xuất cảnh là công dân Canada
Bà Đinh Ngọc Mai, “vợ cũ” của ông Hứa Gia Ấn đã xuất cảnh an toàn. Theo hai nguồn tin khác nhau, bà Đinh rời khỏi Hồng Kông trước tháng 08/2023 và hiện đang ở ngoại quốc. Trước đây, bà từng trợ giúp các bộ phận liên quan ở Hồng Kông trong việc tái cấu trúc nợ của Tập đoàn Evergrande.
Thân phận công khai trước đây của bà Đinh Ngọc Mai là Chủ tịch hội đồng quản trị của Evergrande. Trong “Danh sách nữ doanh nhân Hurun 2019,” bà Đinh đứng thứ 26 với tài sản ròng là 17 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.4 tỷ USD).
Thông tin từ Cơ quan ghi danh công ty Hồng Kông cho thấy bà Đinh Ngọc Mai có hai sổ thông hành là Trung Quốc và Canada. Theo các quy định có liên quan của Canada, chỉ những người đã nhập quốc tịch Canada mới có thể sử dụng sổ thông hành Canada. Vì vậy, rõ ràng là bà Đinh có quốc tịch Canada. Canada cho phép công dân có hai quốc tịch. Thông tin bà Đinh Ngọc Mai mang sổ thông hành Trung Quốc cho thấy bà chưa hủy bỏ quốc tịch và hộ khẩu Trung Quốc. Trong khi ĐCSTQ không công nhận quốc tịch kép.
Ông Hứa Gia Ấn và vợ cũ “ly hôn” vào năm 2023
Vụ bắt giữ ông Hứa Gia Ấn nhìn có vẻ bất ngờ, nhưng vụ việc đã bắt đầu lộ ra từ hai năm trước, khi Evergrande hứng chịu “giông bão.” Ông Hứa dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này, nên ông và bà Đinh Ngọc Mai đã âm thầm ly hôn.
Hôm 14/08, trong thông báo phát hành cổ phiếu của Evergrande New Energy Auto, bà Đinh Ngọc Mai được liệt kê là “bên thứ ba độc lập với công ty và các bên liên quan.”
Do các công ty niêm yết ở Hồng Kông có yêu cầu nghiêm ngặt về việc dùng chức danh, do đó cụm từ “bên thứ ba độc lập với những người có liên quan” có nghĩa là bà Đinh Ngọc Mai và ông Hứa Gia Ấn không còn là vợ chồng. Vì vậy, lúc đó tin tức về việc ông Hứa ly hôn đã khiến dư luận xôn xao. Mọi người cho rằng đây là một cuộc ly hôn mang tính hình thức, mục đích là để lại tài sản cho bà Đinh Ngọc Mai, còn các khoản nợ thì để lại cho Công ty Evergrande của ông Hứa Gia Ấn.
Trên mạng có tin đồn rằng ông Hứa và bà Đinh đã ly hôn vào năm 2022. Phóng viên của The Epoch Times đã điều tra và phát hiện vụ việc ly hôn này có thể diễn ra trước tháng 06/2023.
Trong tài liệu thay đổi vốn sở hữu của Evergrande Property do Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông tiết lộ ngày 14/12/2022, bà Đinh Ngọc Mai là “Vợ của ông Hứa Gia Ấn.” Trạng thái này kéo dài đến cuối năm 2022. Trong báo cáo thường niên năm 2022 của Evergrande Property sau này, bà Đinh Ngọc Mai được gọi là “bà Hứa” trong danh sách cổ đông lớn. Trong báo cáo tạm thời vào năm 2023, hai từ “bà Hứa” và “Đinh Ngọc Mai” đã không còn nằm trong số các cổ đông lớn.
Hàng chục tỷ cổ tức của ông Hứa Gia Ấn đã được chuyển cho “vợ cũ” ở ngoại quốc
Theo thống kê từ dữ liệu công khai của Evergrande, từ năm 2016 đến năm 2020, lợi nhuận của Tập đoàn China Evergrande đạt tổng cộng 93.933 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13.42 tỷ USD). Trong đó lợi nhuận trong năm 2020 lên tới 57.779 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8.25 tỷ USD), chiếm 61.5%.
Kể từ khi Evergrande niêm yết sàn giao dịch vào năm 2009, vợ chồng ông Hứa đã nắm giữ khoảng 70% cổ phần trong nhiều năm. Có thể họ đã có trong tay tổng cộng hơn 50 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.14 tỷ USD).
Trong khi đó, việc chia cổ tức cao của Evergrande bị nghi ngờ là gian lận tài chính trong thời gian dài, được cho là thổi phồng công trạng để đạt được cổ tức cao.
Một nhà quan sát cao cấp trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp cho biết, Tập đoàn Evergrande sắp xếp niêm yết tại Hồng Kông thông qua cơ cấu “vi mạch bán dẫn đỏ siêu nhỏ” (small red chip), trước đó đã tích lũy được hơn 90 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13.42 tỷ USD) cổ tức. Do các công ty ngoại quốc ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và Quần đảo Cayman lần lượt được ông Hứa Gia Ấn và bà Đinh Ngọc Mai kiểm soát 100%, nên trước và sau khi vụ việc xảy ra, phần lớn cổ tức đã được lấy thông qua China Evergrande và chuyển ra ngoại quốc, cuối cùng rơi vào túi của người “vợ cũ” Đinh Ngọc Mai đang ở hải ngoại.
Ngoài ra, trước khi ông Hứa tuyên bố Evergrande phá sản, con trai ông đã nhận được quỹ ủy thác gia đình với số tiền 2.3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 330 triệu USD). Đây được gọi là “Kế hoạch bảo vệ phú nhị đại” của ông Hứa Gia Ấn dành cho con trai mình.
The Epoch Times vẫn chưa thể liên hệ với Evergrande và bà Đinh Ngọc Mai để đề nghị bình luận.
Bà Đinh Ngọc Mai có thể tránh được nợ nần không?
Ông Hứa Gia Ấn và bà Đinh Ngọc Mai đã ly hôn, vậy bà Đinh Ngọc Mai liệu có thể tránh được nợ nần và các vấn đề tài chính khác không?
Điều 1064 của Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định rằng các khoản nợ phát sinh từ sự thể hiện ý định chung như chữ ký chung của cả hai vợ chồng hoặc sự phê chuẩn sau sự việc của một trong hai người, cũng như các khoản nợ do một bên vợ hoặc chồng đứng tên trong thời kỳ hôn nhân để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, đều được xem là khoản nợ chung của hai vợ chồng. Trừ trường hợp chủ nợ chứng minh được khoản nợ được dùng cho cuộc sống chung, sản xuất và kinh doanh chung của hai vợ chồng hoặc dựa trên suy nghĩ chung của hai vợ chồng.
Theo quy định này, ngay cả khi ly hôn, bà Đinh Ngọc Mai cũng không thể loại bỏ các khoản nợ chung mà họ phải gánh chịu trong thời gian hôn nhân. Vì vậy, bà Mai khó có thể tránh được hoàn toàn rủi ro nợ nần.
Ông Hứa Gia Ấn nộp đơn khai phá sản ở Hoa Kỳ
Báo cáo tài chính của Evergrande hồi tháng Bảy năm nay cho thấy Evergrande đã vỡ nợ. Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ mà Evergrande phải trả là 2.44 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 348.6 tỷ USD), tổng tài sản là khoảng 1.84 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 262.9 tỷ USD).
Theo thông tin bài đăng hôm 27/09 từ trương mục “Cự Hỏa PLUS” (炬伙PLUS) công khai trên WeChat ngày 18/08, Evergrande đã đến Hoa Kỳ để nộp đơn khai phá sản theo Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ. Điều này làm dấy lên cảnh báo từ các bộ phận liên quan của ĐCSTQ. Tháng 09/2023, chính quyền ĐCSTQ bắt đầu điều tra và bắt người nhằm ngăn chặn dòng vốn của Evergrande tiếp tục chảy ra ngoài.
Thông tin này tiết lộ lộ trình chuyển số tiền khổng lồ của ông Hứa Gia Ấn và các phương thức trốn nợ trong nước sau đây:
Trước đây, ông Hứa Gia Ấn đã ủy thác vốn chủ sở hữu cho một công ty ngoại quốc ở Cayman thông qua mô hình sở hữu đặc biệt (Variable interest entity, VIE), sau đó gián tiếp nắm quyền kiểm soát Evergrande thông qua phương thức ủy thác mà không có bất kỳ trách nhiệm pháp lý thực tế nào. Có nghĩa là, Evergrande ở Trung Quốc đang gặp khó khăn và không thể truy ra trách nhiệm của ông Hứa.
Trong vài năm qua, Evergrande phát hành một số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao ở ngoại quốc, chỉ có gia đình ông Hứa và người thân của ông mới có thể mua được. Bằng cách này, một lượng vốn lớn đã được chuyển đổi thành ngoại hối để trả lãi, và trốn tránh được sự kiểm soát vốn ở Trung Quốc. Đây là một phương thức để chuyển tiền từ Trung Quốc ra ngoại quốc, đồng thời cũng là một quá trình đào rỗng Evergrande. Năm 2018, ông Hứa đã dùng tiền riêng của mình để mua trái phiếu bằng USD do Evergrande phát hành ở ngoại quốc với lãi suất coupon là 13.75%. Từ người khống chế cổ phần, ông đã trở thành chủ nợ của Evergrande.
Tiền của Evergrande đã được ông Hứa Gia Ấn và những người thân cận của ông chuyển ra ngoại quốc, khiến Evergrande ở quốc nội ngập trong nợ nần. Nếu muốn tránh việc truy đòi nợ trong nước, ông Hứa không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khai phá sản ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là: phương án tái cấu trúc nợ nhất định phải được thông qua trước.
Để tổ chức phương án cấu trúc lại chủ nợ, bắt buộc phải có một chủ nợ biểu quyết thông qua kế hoạch tái cơ cấu. Bằng cách này, tòa án Hoa Kỳ sẽ áp dụng biện pháp bảo hộ phá sản đối với China Evergrande.
Vậy, liệu kế hoạch tái cấu trúc nợ của Evergrande có được thông qua hay không? Bài viết trên WeChat trên cho biết, vì những người mua trái phiếu bằng USD của Evergrande “đều là thành viên trong gia tộc của ông Hứa Gia Ấn. Họ chỉ cần thông qua kế hoạch tái cấu trúc. Điều đó có nghĩa là gia đình ông Hứa Gia Ấn đã được Hoa Kỳ bảo hộ.”
Evergrande đã công bố kế hoạch tái cấu trúc nợ ngoại quốc hồi tháng Ba năm nay, nhưng sau đó giao dịch cổ phiếu của Evergrande đã bị đình chỉ. Ngày 28/08, Evergrande đã khôi phục giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, cho thấy họ đã đạt được những tiến triển nhất định trong việc tái cấu trúc nợ.
Đầu tháng 09/2023, chính quyền ĐCSTQ bắt đầu bắt giữ người, khiến cuộc họp tái cấu trúc nợ của Evergrande phải hủy bỏ. Evergrande chỉ có thể tiến tới phá sản và thanh lý trong tương lai.