Lô đất tư nhân nhỏ nhất ở thành phố New York, có kích thước chỉ bằng một chiếc bánh pizza
Đất ở thành phố New York rất đắt đỏ và việc có thể sở hữu một mảnh đất ở đây là ước mơ của rất nhiều người. Thế nhưng bạn biết không? Ở thành phố New York có một lô đất với kích thước chỉ bằng một chiếc bánh pizza. Đây là lô đất tư nhân nhỏ nhất trong thành phố và là một trong những lô đất đắt đỏ nhất.
Lô đất hình tam giác được gọi là “Tam giác Hess” (Hess Triangle), nằm ở giao lộ của Đại lộ số 7 và phố Christopher trong khu West Village của thành phố New York, có diện tích 0.0000797113 mẫu Anh. Đây là lô đất tư nhân nhỏ nhất ở thành phố New York và có thể là nhỏ nhất thế giới.
Tấm bảng “Tam giác Hess” có nội dung: “Tài sản của gia đình Hess không bao giờ được sử dụng cho mục đích công cộng.” Tấm bảng là kết quả của một cuộc tranh chấp đất đai giữa chính quyền thành phố New York và chủ nhà David Hess.
Câu chuyện này bắt đầu vào đầu năm 1910. Vào thời điểm đó, chính quyền thành phố New York quyết định phá bỏ 253 tòa nhà, trưng thu đất của họ để mở rộng Đại lộ số 7 và đường tàu điện ngầm. Trong đó có một tòa nhà chung cư năm tầng thuộc sở hữu của gia đình Hess tên là Voorhis.
Đến năm 1913, gia đình Hess đã dùng mọi cách hợp pháp nhưng không thể ngăn được việc tòa chung cư năm tầng bị trưng thu. Tuy nhiên, sau đó người thừa kế di sản của gia tộc Hess phát hiện thành phố đã bỏ sót một góc nhỏ của lô số 55 trong quá trình trưng thu. Vì vậy, họ đã nộp đơn thông báo quyền sở hữu. Đây chính là nguồn gốc của “Tam giác Hess”.
Sau khi người thừa kế di sản của gia tộc Hess lên tiếng về quyền sử dụng “Tam giác Hess,” chính quyền thành phố New York đề nghị họ quyên mảnh đất nhỏ này cho công chúng để sử dụng cho mục đích công cộng, nhưng họ từ chối. Vào tháng 07/1922, họ đã đặt một biểu tượng có khắc chữ mang ý nghĩa đối kháng, và nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Ông Andrew Berman, giám đốc điều hành của Hiệp hội Bảo tồn Lịch sử Làng Greenwich, nói với đài WABC rằng, về mặt nào đó, đây là câu chuyện điển hình của New York về việc duy trì bản sắc cá nhân trong một thành phố lớn.
Năm 1938, gia đình Hess bán “Tam giác Hess” cho cửa hàng Village Cigars ở bên cạnh, với giá 1,000 USD. Nếu tính đến lạm phát, mức giá này tương đương với khoảng 17.500 USD ngày nay.
Sau đó, “Tam giác Hess” đã đổi chủ nhiều lần nhưng chủ nhân của nó vẫn giữ nguyên diện mạo của lô đất. Ngày nay, nó đã trở thành một địa điểm có tuổi đời hàng thế kỷ, thu hút đông đảo khách du lịch. Khi người dân đi qua đây, rất dễ “xâm phạm” đất tư mà không hề hay biết.