Lithuania kêu gọi vứt bỏ điện thoại thông minh Trung Quốc vì lo ngại bảo mật và kiểm duyệt
Hôm thứ Ba (21/09), Lithuania đã khuyến cáo người tiêu dùng ngừng sử dụng các thiết bị di động của Trung Quốc — được phát hiện có khả năng kiểm duyệt tích hợp làm suy yếu quyền tự do ngôn luận và bảo mật dữ liệu cá nhân.
Sự việc này được đưa ra sau một báo cáo của chính phủ vào ngày 21/09 cho thấy dòng điện thoại chủ lực của nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Xiaomi được bày bán ở Âu Châu có các kỹ thuật tích hợp và điều khiển từ xa để phát hiện và chặn các cụm từ nhạy cảm mà không có sự cho phép của người dùng.
Trung tâm An ninh mạng Quốc gia (NCSC) đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào điện thoại thông minh 5G do Trung Quốc sản xuất được cung cấp trong nước từ năm 2020. Các nhà sản xuất được lựa chọn bao gồm đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai Trung Quốc Xiaomi.
Các nhà điều tra đã xác định một danh sách với 449 thuật ngữ tiếng Trung từ một thiết bị Xiaomi, có thể bị kiểm duyệt bởi trình duyệt Internet mặc định của hãng, bao gồm “free Tibet” (trả tự do cho Tây Tạng), “long live Taiwan independence” (Đài Loan độc lập muôn năm) và “democratic movement” (phong trào dân chủ).
Trung tâm An ninh mạng Quốc gia cho biết danh sách từ khóa này cũng được cập nhật định kỳ.
Trong khi đó, một thiết bị của Xiaomi đã chuyển dữ liệu được mã hóa đến một máy chủ ở Singapore, theo báo cáo. Một lỗ hổng bảo mật cũng được tìm thấy trong một chiếc điện thoại 5G của Huawei.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Margiris Abukevicius khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua mẫu điện thoại mới này của Trung Quốc và vứt bỏ những chiếc điện thoại đã mua, đồng thời giới thiệu báo cáo trên với các phóng viên.
Trung tâm An ninh mạng Quốc gia cho biết trong báo cáo, “Điều này không chỉ quan trọng đối với Lithuania mà còn đối với tất cả các quốc gia sử dụng thiết bị của Xiaomi.”
Xiaomi đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Bà Rita Li là một phóng viên của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2018.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: