LinkedIn chặn tài khoản của một số nhà phê bình Trung Quốc vào đêm trước lễ tưởng niệm Thiên An Môn, gồm cả nhân viên của Epoch Times
LinkedIn đang kiểm duyệt một số nhà phê bình về Trung Quốc – bao gồm một số nhân viên của The Epoch Times – bằng cách xóa sạch sự hiện diện của họ ở Trung Quốc.
Sáng hôm 03/06, một số nhân viên trong mạng lưới của The Epoch Times, trong đó có một số đang làm việc tại Hoa Kỳ, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhận được thông báo nhắc nhở họ về quyết định này.
Tin nhắn, với tựa đề “Official Message from LinkedIn Member Safety and Recovery” (tạm dịch: Thông điệp Chính thức từ Bộ phận Bảo mật và Khôi phục tài khoản Thành viên LinkedIn), mở đầu với lời cảm ơn những người dùng này đã “sử dụng hồ sơ LinkedIn của mình để thể hiện bản thân một cách chuyên nghiệp.”
“Chúng tôi muốn thông báo với quý vị rằng do các yêu cầu pháp lý ảnh hưởng đến khả năng truy cập ở Trung Quốc của một số tổ chức xuất bản, hồ sơ cá nhân và hoạt động của quý vị, chẳng hạn như các tin tức mà quý vị chia sẻ với nhóm của mình, không hiển thị đối với những người truy cập LinkedIn từ bên trong Trung Quốc vào thời điểm này,” mạng xã hội này tuyên bố, và nói thêm rằng hồ sơ cá nhân và hoạt động “vẫn hiển thị ở những nơi khác trên thế giới nơi mà LinkedIn có sẵn.
Con số chính xác những người bị ảnh hưởng trong mạng lưới truyền thông của The Epoch Times vẫn chưa rõ ràng.
Trong một tuyên bố với The Epoch Times, LinkedIn-thuộc quyền sở hữu của Microsoft-cho biết công ty này “là một nền tảng toàn cầu có nghĩa vụ tôn trọng các luật áp dụng cho chúng tôi, kể cả các quy định của chính quyền Trung Quốc đối với phiên bản LinkedIn đã được bản địa hóa của chúng tôi tại Trung Quốc.”
“Do các yêu cầu pháp lý địa phương ở Trung Quốc, hồ sơ và hoạt động của một số thành viên LinkedIn liên kết với các tổ chức xuất bản nhất định không được hiển thị ở Trung Quốc vào thời điểm này,” công ty này cho hay.
Hai ngày trước đó, LinkedIn đã có hành động tương tự đối với nhà phê bình Trung Quốc J Michael Cole. Trong một phiên bản tương tự nhưng trau chuốt hơn của thông điệp này, họ đề nghị làm việc với ông Michael Cole để “giảm thiểu tác động” và cho biết họ “có thể xem xét khả năng truy cập hồ sơ của quý vị ở Trung Quốc nếu quý vị cập nhật phần Ấn phẩm trong hồ sơ của mình.”
Hành động chặn tài khoản này xảy ra vào đêm trước ngày lễ tưởng niệm 32 năm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, một cuộc đàn áp đẫm máu đã chứng kiến chế độ Trung Cộng xả súng vào các nhà hoạt động dân chủ kêu gọi cải cách dân chủ và kinh tế ở Trung Quốc, giết chết hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn người trong số họ.
The Epoch Times là một trong số nhiều trang web quốc tế mà người dùng bên trong Great Firewall (Vạn Lý Trường Thành trên mạng)-cỗ máy kiểm duyệt trực tuyến cho phép chế độ Trung Cộng lọc ra những tiếng nói không mong muốn-vẫn không thể truy cập được.
Ấn phẩm này đã và đang dẫn đầu trong việc đưa tin về các chủ đề liên hệ tới Trung Quốc, chẳng hạn như sự xâm nhập của Trung Cộng ở phương Tây, các vi phạm nhân quyền, hành vi mổ cướp nội tạng của các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc và sự bùng phát của virus Trung Cộng ở Vũ Hán.
LinkedIn, đã ra mắt trang tiếng Trung giản thể vào năm 2014, là một trong số ít các nền tảng mạng xã hội Tây phương vẫn được phép [cung cấp dịch vụ] ở Trung Quốc đại lục bằng cách đồng ý với các hạn chế của Trung Cộng. Ứng dụng này hiện có 53 triệu người dùng tại Trung Quốc đại lục.
LinkedIn đã không hồi đáp sự chất vấn về lý do đằng sau quyết định của mình và các quy định cụ thể của địa phương mà họ đang đề cập đến. Công ty này cũng sẽ không nói rõ liệu họ có các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác hay không. Thay vào đó, công ty đã trích dẫn tuyên bố ngày 24/02/2014 từ giám đốc điều hành của LinkedIn, ông Jeff Weiner, biện minh cho việc mở rộng của công ty sang Trung Quốc.
Mặc dù [vào thời điểm đó] ông Weiner cho biết “LinkedIn ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận và về cơ bản không đồng ý với sự kiểm duyệt của chính phủ,” nhưng họ vẫn quyết định tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt của nhà nước [Trung Cộng], bởi sự vắng mặt của LinkedIn ở Trung Quốc sẽ đặt ra hạn chế cho mỗi một công dân Trung Quốc về “khả năng theo đuổi và hiện thực hóa các cơ hội kinh tế, ước mơ và quyền quan trọng nhất đối với họ.”
“Quyền tự do ngôn luận và phản đối kiểm duyệt là không phù hợp với các quy định của Trung Quốc,” ông Benjamin Weingarten, một thành viên tại Viện nghiên cứu Claremont ở California và là cộng tác viên viết bài cho The Epoch Times, người đã nhận được thông báo từ LinkedIn, cho biết.
Ông nói: “Các quy định của Trung Quốc – tức là sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuối cùng đã bóp nghẹt các cơ hội kinh tế, xóa sổ các ước mơ và vi phạm các quyền của công dân Trung Quốc.”
Lưu ý về thời điểm mà LinkedIn thực thi hành động này, ông Weingarten nói rằng điều đó là “không thể tin được, nhưng lại hoàn toàn có thể tin được.”
Ông nói với The Epoch Times trong một email: “Vào đêm trước ngày lễ tưởng niệm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn – chủ đề này đã bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Trung Quốc và đưa ra khỏi sách giáo khoa Trung Quốc – rõ ràng là phương Tây đã học theo tất cả những bài học sai lầm ấy.”
“Tính toán của bộ máy lãnh đạo Trung Cộng vào thời điểm đó chứng tỏ họ tin rằng tư lợi mà chúng ta cho là có khi chúng ta làm ăn với Trung Quốc sẽ khiến chúng ta nhắm mắt làm ngơ khi đối diện với sự chuyên chế của chế độ này. Thật không may, các nghệ sĩ tuân mệnh phục tùng, các nền tảng kiểm duyệt và các tập đoàn vào luồn ra cúi đã chứng minh điều đó là đúng,” ông viết.
Trong những năm qua, LinkedIn đã thu hút sự chú ý với một số biện pháp kiểm duyệt, bao gồm xóa các bài đăng về các cuộc biểu tình Thiên An Môn, khóa tài khoản của một nhà lãnh đạo biểu tình, và gần đây hơn là đình chỉ tài khoản của một nhà phê bình Trung Quốc sau khi xóa các bình luận gọi Bắc Kinh là “chế độ độc tài đàn áp” của ông này.
Hôm 09/03, LinkedIn đã “tạm thời” ngăn người dùng Trung Quốc đăng ký tài khoản mới ở nước này, một lần nữa viện dẫn các luật Trung Quốc không nêu rõ nguồn.
Chính sách quảng cáo của công ty cũng bao gồm các điều khoản cấm bất kỳ quảng cáo nào có chứa nội dung “chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc Quân Giải phóng Trung Quốc, lời bài hát quốc ca [Trung Quốc],” bất kỳ quảng cáo nào của mạng riêng ảo (VPN)—một công cụ cho phép người dùng vượt qua kiểm duyệt—hoặc các quảng cáo có liên quan đến các dịch vụ vệ tinh.
Ông Cédric Alviani, giám đốc văn phòng Đông Á của tổ chức Ký giả Không Biên giới, nói với The Epoch Times rằng “Ký giả Không Biên giới (RSF) lên án việc chế độ Trung Cộng gây áp lực lên các nền tảng mạng xã hội như LinkedIn [để] buộc họ phải hợp tác với các chiến dịch kiểm duyệt của chế độ này.”
Năm 2021, RSF đánh giá Trung Quốc đứng thứ 177/180 trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của tổ chức này, gọi đại lục là “nhà tù lớn nhất thế giới của những người bảo vệ tự do báo chí.”
“Đúng là mọi người sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu người Trung Quốc được kết nối với những người khác trên khắp thế giới trên một nền tảng tập trung vào học tập và chia sẻ. Nhưng đây không phải là bản chất của LinkedIn,” một nhà đồng sáng lập của tổ chức chống kiểm duyệt GreatFire.org, người có bí danh là Charlie Smith, cho hay.
Ông nói: “LinkedIn là một trang tuyển dụng vô trùng, hài hòa và nhàm chán. Điều cuối cùng mà nền tảng này coi trọng là quyền tự do ngôn luận. Microsoft tưởng thưởng cho những người dùng không dám lên tiếng, những người tránh đặt câu hỏi hóc búa và những người né tránh các vấn đề nhạy cảm.”
The Epoch Times đã liên hệ với Microsoft để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức.
Do Eva Fu thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: