Liệu chính phủ TT Biden sẽ có chính sách mới với Trung Quốc?
Không còn chút nghi ngờ gì, trong số những thách thức mà TT Joe Biden đang phải đối mặt, thì vấn đề về mối bang giao Hoa Kỳ – Trung Quốc đang ở vị trí hàng đầu.
Một số giới tinh hoa chính trị “thân Trung” (ôm gấu trúc) đã hy vọng rằng, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Biden sẽ đảo ngược cuộc đối đầu dưới thời ông Trump và quay trở lại giai đoạn “trăng mật” như thời ông Obama. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Biden vẫn thực thi cách tiếp cận “im lặng và không hành động” đối với Trung Quốc, bất chấp các hành động gây hấn không ngừng của nước này.
Điều này đã khiến Bắc Kinh khá lo lắng.
Dù TT Biden có thích hay không, thì chính phủ TT Trump vẫn có ảnh hưởng lâu dài đối với mối bang giao Hoa Kỳ – Trung Quốc. Trong năm thứ tư nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, căng thẳng đã leo thang thành “chiến tranh lạnh”. TT Biden có thể đảo ngược xu hướng này hay không? Trên thực tế, ý đồ và hành động của Bắc Kinh mới là yếu tố quyết định cốt yếu, bất kể ông Biden nghĩ gì.
Chiến tranh Lạnh Hoa Kỳ – Trung Quốc sẽ sớm kết thúc ngay sau khi bắt đầu?
Nhiều thành viên Nội các của ông Biden và nhân viên Tòa Bạch Ốc đều là các quan chức dưới thời Obama. “Những người thân Trung” này đã tạo ra cái gọi là thời kỳ trăng mật với Bắc Kinh, dẫn đến sự trỗi dậy của Trung Cộng. “Những người thân Trung” này chắc chắn sẽ không thừa nhận những sai lầm của họ. Hiển nhiên, họ muốn chấm dứt căng thẳng với Trung Quốc và quay trở lại kỷ nguyên của “đối thoại và hợp tác.”
Đó chính xác lại là những gì Trung Cộng muốn.
Các quan chức và học giả thân Trung có một đặc điểm chung: Họ không thích và cũng không hiểu về chiến tranh lạnh. Họ không hiểu về Liên Xô trước đây và cũng không muốn biết thêm về nó. Thêm nữa, hầu hết những người thân Trung không có nền tảng về quân sự, thế nên họ không biết cách giải quyết mối xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Một số người thân Trung thậm chí còn ước rằng xung đột này sẽ kết thúc, để họ không còn phải đối mặt với nó. Hôm 14/01, tạp chí The Diplomat đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Khuôn khổ chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: 3 điểm kỳ lạ.” Giữ nguyên tư duy địa chính trị điển hình, bài báo này chỉ trích Khung chiến lược Hoa Kỳ của chính phủ TT Trump đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói rằng nó đã bỏ qua tầm quan trọng của Mông Cổ trong khu vực này.
Sau đó, hôm 01/02, người phụ trách chuyên mục của New York Times là ông Nicholas Kristof đã viết một bài bình luận có tiêu đề “Cơn ác mộng của ông Biden có thể là Trung Quốc.” Ông Kristof tuyên bố rằng “Hoa Kỳ rất có thể sẽ bị lôi kéo vào cuộc đối đầu có lẽ là nguy hiểm nhất với một cường quốc hạt nhân khác kể từ sau cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba,” và rằng “những lời chỉ trích phản ánh sự cứng rắn đối với Bắc Kinh trên bình diện chính trị, khiến chỉ còn lại một không gian hẹp cho ngoại giao. Điều đó khiến tôi lo lắng.”
Do những sai lầm trong chính sách Trung Quốc dưới thời chính phủ Obama và những chính sách trước đó, Hoa Kỳ không chuẩn bị gì cho cuộc đối đầu này. Chỉ có một báo cáo về sự sẵn sàng về quân đội, được xuất bản vào năm 2016 bởi tổ chức RAND Corp. Báo cáo có tiêu đề “Chiến tranh với Trung Quốc: Xem xét kỹ lưỡng những điều không tưởng,” chỉ ra rằng trong số các tài liệu nghiên cứu đã xuất bản về cách Hoa Kỳ chuẩn bị trong trường hợp có chiến tranh với Trung Quốc, không đưa ra phân tích chi tiết và nghiêm túc. Đó là một thiếu sót lớn. Nhận định này vẫn đúng ngay cả đến hiện tại.
Với việc ông Biden lên làm tổng thống, liệu tình hình căng thẳng Hoa Kỳ – Trung Quốc có dịu đi chút nào không? Thế giới hiện đang theo dõi. Khi con “gấu trúc” Trung Cộng tiến đến những người ôm gấu trúc [thân Trung] với một con dao sắc bén trên tay, họ sẽ làm gì? liệu họ có tiếp tục ôm con gấu trúc này không? Thực tế là những người ôm gấu trúc sẽ buộc phải đối mặt với thực tế rằng con “gấu trúc” này thực sự là một “con hổ đỏ” vốn đã được Hoa Kỳ nuôi dưỡng.
Trung Cộng muốn có mối bang giao mới với Hoa Kỳ
Kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống, Trung Cộng đã háo hức muốn thấy những thay đổi trên ba khía cạnh. Một là việc dỡ bỏ thuế quan để Trung Quốc có thể tiếp tục xuất cảng sang Hoa Kỳ. Một vấn đề khác là việc dỡ bỏ các lệnh cấm đầu tư nhắm vào các công ty Trung Quốc, từ đó họ có thể tiếp tục huy động vốn từ Hoa Kỳ. Thứ ba là việc dỡ bỏ các hạn chế nhập cảng đối với công nghệ nhạy cảm có xuất xứ từ Hoa Kỳ, để Trung Cộng có thể tiếp tục thâu tóm tài sản trí tuệ.
Nhưng ngoài việc trì hoãn một số hạn chế đối với các công ty có liên kết với quân đội Trung Cộng, ông Biden hiện đã theo đuổi lộ trình mà ông Trump vạch ra trong tất cả các lĩnh vực khác.
Ngay cả trước khi ông Biden bước vào Tòa Bạch Ốc, Bắc Kinh đã ra lệnh cho ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, vào hồi tháng 12/2020, sắp xếp một loạt các cuộc gặp cao cấp giữa các quan chức Hoa Kỳ với nhà ngoại giao đứng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì. Sau cùng, họ tìm cách sắp đặt một cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập.
Trung Cộng đã gửi một loạt thông điệp mạnh mẽ thông qua các bài diễn văn chính thức cũng như các phương tiện truyền thông ngôn luận của họ.
Hôm 26/01, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Tăng Bồi Viêm (Zeng Peiyan) đã nói tại một diễn đàn ở Hồng Kông về bang giao Hoa Kỳ – Trung Quốc rằng nên tiến hành một vòng đàm phán thương mại mới và nên xóa bỏ các thuế quan từ phía Hoa Kỳ. Hôm 28/01, ông Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, cho biết liên quan đến các chính sách đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ “buộc phải đổi ngược lại hướng đi sai lầm” của mình. Hôm 29/01, Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn, đã hô hào gia tăng hợp tác và giảm bớt xung đột trong một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cựu quan chức Hoa Kỳ. Hôm 02/02, bài diễn thuyết của nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong một sự kiện tại Ủy ban Quốc gia về mối bang gia Hoa Kỳ-Trung Quốc đã bày tỏ rõ ràng mong muốn của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy chính sách với Trung Quốc của chính phủ TT Biden.
Ông Dương nói rằng chính phủ TT Trump đã áp dụng các chính sách sai lệch đối với Trung Quốc, và do đó, Hoa Kỳ hiện giờ nên thực hiện bốn điều sau: 1. Sửa chữa tất cả các “sai lầm” của chính phủ TT Trump; 2. Khôi phục lại bình thường chương trình trao đổi sinh viên, và loại bỏ các hạn chế đối với các phương tiện truyền thông và công ty vận hành bởi nhà nước Trung Quốc; 3. Tuân thủ chính sách một Trung Quốc; 4. Khởi động hợp tác cùng có lợi.
Luận điệu mạnh mẽ của Bắc Kinh đã vạch ra lằn ranh đỏ cho chính sách Trung Quốc của ông Biden. Ba điều đầu tiên là những yêu cầu thẳng thừng, trong khi điều thứ tư là về “hợp tác,” một từ mà đã được ông Dương lặp lại 24 lần trong bài diễn văn của mình. Tổng thể bài diễn văn của ông Dương là ngạo nghễ và mang tính yêu sách; ông này thậm chí còn mắng nhiếc Hoa Kỳ và cảnh báo nước này không được động đến vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ với Bắc Kinh.
Thế hòa về quân sự tiếp diễn ở Thái Bình Dương
Cho đến nay, chính phủ TT Biden đã hành động một cách thờ ơ trước sức ép của Trung Cộng. Mối quan tâm chính của nước này là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trung Cộng đã tăng cường các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những tuần gần đây, trong khi hải quân nước này đang tăng cường các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của họ vào sâu trong Thái Bình Dương.
Để đến được khu vực giữa Thái Bình Dương, Bắc Kinh cần vượt qua chuỗi đảo trên Biển Đông, hòng ẩn nấp và tấn công bất ngờ. Căn cứ chính cho các tàu ngầm của hải quân Trung Cộng là tỉnh Hải Nam gần thành phố Tam Á, trên đảo Hải Nam. Có ba tuyến đường biển sâu từ đó đến giữa Thái Bình Dương, vốn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi Hải quân Hoa Kỳ. Về phía đông bắc của Tam Á là Eo biển Ba Sĩ (Bashi Channel, phía tây nam của Đài Loan), là con đường ngắn nhất dẫn đến Hoa Kỳ. Do đó, vùng biển phía tây nam Đài Loan đã trở thành một khu vực trọng yếu đối với cả hai cường quốc này.
Kể từ tháng 10/2020, các tàu ngầm của Trung Cộng đã hoạt động trong khu vực này. Từ ngày 02/01 đến ngày 09/01, sau đó là từ ngày 11/01 đến ngày 20/01, và từ ngày 22/01 đến ngày 31/01, hải quân Trung Cộng đã cử phi cơ chống tàu ngầm đến khu vực mà tàu ngầm Hoa Kỳ thường xuyên lui tới. Đáp lại, hôm 23/01, Nhóm tấn công Hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông để tiến hành các hoạt động thường lệ.
Trung Cộng không chỉ cố gắng tăng cường các tàu ngầm qua Eo biển Ba Sĩ mà còn sử dụng các phương tiện không người lái dưới nước ở Biển Laut Jawa ở Indonesia để tạo lập bản đồ dưới nước. Mục tiêu là mở ra “tuyến đường phía nam” để các phương tiện quân sự có thể di chuyển từ Biển Laut Jawa qua miền bắc Australia đến vùng giữa Thái Bình Dương.
Dưới áp lực ngôn luận cùng các hành động khiêu khích quân sự từ Trung Cộng, chính phủ TT Biden không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp nối các chính sách giống như dưới thời ông Trump, ít nhất là vào thời điểm này.
Tiến sỹ Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) là một học giả về chính trị và kinh tế của Trung Quốc cư ngụ tại New Jersey. Ông Trình là nhà nghiên cứu chính sách và là phụ tá của cựu lãnh đạo Đảng Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), khi ông Triệu còn là thủ tướng. Ông cũng từng là tổng biên tập của tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại (Modern China Studies).
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Cheng Xiaonong thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: