Lịch sử mối liên hệ giữa phương Đông và phương Tây
Chưa bao giờ nền văn minh vĩ đại của phương Đông và phương Tây lại gần nhau đến thế
Năm 1684, một người đàn ông không được mời đã bước vào cung điện của vua Louis XIV để thuyết trình một vài điều đơn giản mà sau đó đã khiến tiến trình lịch sử thay đổi. Người đàn ông đó là Shen Fuzong, một linh mục Dòng Tên, người Trung Hoa, sống ở Âu Châu. Ông đã trao cho vua Louis XIV bản dịch tiếng Latinh của ba tác phẩm kinh điển Nho giáo.
Ông cũng trình diễn thư pháp và hội họa Trung Hoa, giải thích ý nghĩa của các ký tự tượng hình, và thỉnh cầu vua Louis XIV cử người truyền giáo đến Trung Quốc. Lấy cảm hứng từ thư pháp, nghệ thuật và triết học, vua Louis XIV, còn được gọi là Vua Mặt Trời, đã phái một chuyến tàu với năm nhà truyền giáo đến Trung Quốc. Đây là sự khởi đầu của một chương mới trong lịch sử tạo nên nhiều sự thay đổi.
Khi đến nơi, các vị du khách đã được gặp vị vua tối cao, Hoàng đế Khang Hy. Giống như vua Louis XIV, ông lên ngôi khi còn nhỏ và giúp cho quốc gia và dân chúng hưng thịnh trong suốt thời gian trị vì lâu dài của mình. Hoàng đế Khang Hy là người sưu tầm thơ triều đại nhà Đường, khuyến khích trồng những giống lúa mới nhất, và phát triển khoa học tự nhiên. Ông cũng là vị vua xuất sắc về võ thuật, bắn cung, âm nhạc, và nhiều lĩnh vực khác.
Những vị khách bất ngờ mới đến được hoàng đế trọng dụng đến mức hoàng đế cho phép họ ngồi trên ghế bành bên cạnh ngài trong cung điện hoàng gia. Các nhà truyền giáo đã chỉ dẫn cho vua về hình học, thiên văn học, và lý thuyết âm nhạc Tây phương. Ngoài ra, họ còn trao cho vua những thiết bị khoa học Tây phương và kể cho ông nghe về vua Louis XIV. Hãy tưởng tượng niềm vui của Hoàng đế Khang Hy khi bất ngờ được tiếp cận với kiến thức của một lục địa khác. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu trong văn hóa Trung Quốc.
Hoàng đế Khang Hy đã ra lệnh xây dựng các trường học theo cách của các trường ở Pháp, dịch các sách giáo khoa y học Tây phương sang tiếng Trung Quốc, và với sự giúp đỡ của người Tây phương ông cho vẽ một bản đồ Trung Quốc hoàn chỉnh. Với mong muốn tiếp tục giao thương, ông đã cử một nhà truyền giáo trở lại Pháp với những món quà dành cho vua Louis XIV. Chúng ta cũng có thể hình dung về sự huyên náo khi tàu cập bến. Khi mở tất cả các thùng chứa các bản ghi chép của Trung Quốc cổ đại, các tác phẩm nghệ thuật, trang phục, đồ nội thất, các phát minh và các báu vật phương Đông khác … một kỷ nguyên mới hiện diện ở Âu Châu. Các giá trị văn hóa như triết học Đông phương, đồ gốm sứ, trà, tơ lụa đã trở thành niềm đam mê và nguồn cảm hứng hàng thế kỷ của người Pháp.
Giống như một hình ảnh phản chiếu, trong thời kỳ hoàng kim của văn hóa Trung Quốc ở Pháp, người Âu Châu đã đào tạo đều đặn cho người Trung Quốc cách sử dụng các công cụ và kỹ thuật, tạo nên những thành tựu đáng kinh ngạc: giới thiệu các trường phái mỹ thuật, chế tạo thủy tinh, nghiên cứu y học, và nhiều thứ hơn thế nữa.
Vào năm 40 tuổi, Hoàng đế Khang Hy bị bệnh sốt rét, lúc đó thuốc của Trung Quốc tỏ ra không công hiệu. Hai nhà truyền giáo đã dâng lên vua thuốc ký-ninh (quinine), và thuốc này đã chữa khỏi bệnh cho vua. Sau khi hồi phục, ngài ban thưởng cho họ hai ngôi nhà ở Cổng Tây An.
Mặc dù họ chưa bao giờ gặp mặt, cả hoàng đế Khang Hy và vua Louis XIV đều ảnh hưởng lẫn nhau về cách trị vì và tổ chức chính quyền, và ở cả hai quốc gia đều có những cải tiến. Người Âu Châu cảm động trước lòng nhân từ khi vị hoàng đế này thường xem xét lại những trường hợp tù nhân bị tội tử hình. Truyền thống Âu Châu là ban tặng và bổ nhiệm các vị trí, danh hiệu trong hệ thống chính trị, thường là được lưu truyền cho các thành viên trong gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng phương thức này đã được sửa đổi theo hệ thống thi tuyển quan lại của Trung Quốc.
Kỹ thuật, đồ gốm sứ, sách, và bản đồ được tạo ra trong thời đại khám phá xuyên lục địa này được trưng bày trong các cuộc triển lãm bảo tàng trên khắp thế giới. Những ảnh hưởng trên lĩnh vực khác như là mô hình quản trị mới, mỹ thuật, và nghiên cứu khoa học – là những kho báu kết tinh trong cuộc sống hiện đại của chúng ta.
Bất chấp sự cách biệt hàng ngàn dặm, và sự khác biệt lớn giữa các dân tộc, Hoàng đế Khang Hy của triều đình Đại Thanh Trung Quốc và Vua Louis XIV, quốc vương quyền lực của Pháp, vẫn chuyển giao kiến thức văn hóa to lớn có tác động lớn lao cho đến ngày nay. Những thành tựu khoa học mới nhất đã đến được với Vương quốc Trung Hoa và khiến vua rất đỗi kinh ngạc, và triết học sâu sắc của phương Đông đã hiện diện trước các nhà tư tưởng của toàn bộ Lục địa già cỗi.
Từ Tây sang Đông
≡
Một hình ảnh mang tính biểu tượng của thời kỳ này ghi lại sự giao thoa: các nhà truyền giáo Dòng Tên mặc trang phục quan lại nhà Thanh đứng cạnh một quả cầu trong hoàng cung Trung Quốc. Thiên văn học, toán học, vật lý và hóa học mà họ đem đến đã cuốn hút vị hoàng đế trẻ tuổi.
Thời trẻ, vua Khang Hy đặc biệt quan tâm đến các thiên thể. Ông Ferdinand Verbiest, tu sĩ Dòng Tên người Flemish, người trở thành bạn thân của hoàng đế, đã đề cập trong một bức thư riêng khi đi thị sát với nhà vua như sau:
“Dưới bầu trời đêm quang đãng, hoàng đế quan sát bầu trời và yêu cầu tôi nói cho ông ấy biết về các chòm sao bằng ngôn ngữ Trung Quốc và bằng ngôn ngữ của ông [tiếng Mãn]. Tôi nghĩ rằng ông đã quan tâm đến khoa học tự nhiên từ rất lâu rồi.”
Vua Khang Hy đã phong cho những người truyền giáo làm gia sư của mình, và dưới sự hướng dẫn cẩn thận của họ, ông đã có được những kiến thức phong phú trong lĩnh vực thiên văn học và toán học. Họ sử dụng toán số học để tính toán kinh tuyến mặt trời, và các vành đai thiên văn để đo độ xa của các ngôi sao. Trong một lần đến thăm miền nam Trung Quốc, vua Khang Hy đã sử dụng phương pháp mức độ cồn (spirit level) để đo mực nước và phát hiện ra sai lầm trong cách các quan lại của ông kiểm soát mực nước hồ Hồng Trạch (Hongzehu).
Nhiều người ở Trung Quốc đã rất ngạc nhiên khi hoàng đế Trung Quốc đã có được kiến thức hoàn hảo về công nghệ phương Tây. Nhưng mối quan tâm của vua Khang Hy vượt ra ngoài các ngành khoa học chính xác: ông tìm hiểu về chế độ quân chủ của phương Tây và bắt đầu hệ thống hóa thông tin từ ngoại quốc và phổ truyền trong dân chúng.
Ông yêu cầu hoàng tử thứ ba là Vân Chi (Yinzhi) thành lập viện toán học – nơi người Mãn Châu và người Hán tài năng làm việc cùng nhau, nghiên cứu và quan sát các định luật toán học và thiên văn. Trong các buổi thiết triều, vua Khang Hy đã giảng về khoa học tự nhiên từ Âu Châu, dạy các hoàng tử trẻ và chín đại thần về thiên văn học, hệ thống lịch, số học, và kỹ thuật công nghệ. Những người xuất sắc được gửi đến các viện nghiên cứu thiên văn, hoặc được cử đi khảo sát vương quốc và lập bản đồ bằng các kỹ thuật mới học được.
Vua Khang Hy đã cho phép các nhà truyền giáo phương Tây mặc trang phục cung đình Trung Hoa tại triều đình và đeo thánh giá, một biểu tượng của đức tin Cơ đốc giáo. Sự tận tâm của họ đã khiến hoàng đế cảm động và đơm hoa kết trái khi vào năm 1692, Công giáo được triều đình chấp thuận chính thức. Lúc này xung đột tôn giáo vẫn diễn ra ở Âu Châu; đây được xem là một sự nhượng bộ hào phóng của hoàng đế Trung Quốc, mặc dù có nhiều ý kiến bất đồng.
Các nhà truyền giáo đến phương Đông chủ yếu đến để chuyển đổi người phương Đông sang đức tin Cơ Đốc, nhưng khi đến Vương quốc Trung Hoa này, họ nhận thấy rằng cư dân ở đây đã có kiến thức và cách giải thích riêng về thế giới. Cũng như địa lý Tây phương, số học và một loạt các thành tựu khoa học, chiều sâu và sự bí ẩn của các giáo lý tâm linh truyền thống Trung Quốc vẫn lưu truyền mạnh mẽ. Đó là thuyết ‘trung dung’ của Khổng Tử giáo và Đạo đức kinh của Lão Tử. Điều này đã gây ấn tượng sâu sắc cho các nhà truyền giáo.
Từ Đông sang Tây
≡
Giáo lý Trung Quốc cũng thâm nhập vào Âu Châu. Bản dịch tiếng Latinh đầu tiên của Analects về những lời dạy của Khổng Tử, có những lời sau đây trong phần mở đầu:
“Không có sự chỉ dẫn từ Thượng Đế, khả năng nhận thức đối với sự đúng đắn và lý trí của con người chưa bao giờ được hoàn hảo đến vậy, chưa bao giờ đạt được sức mạnh tuyệt vời như vậy.”
Vào thế kỷ 16 và 17, chiến tranh tôn giáo vẫn diễn ra ở Âu Châu, nhưng triết lý nhân văn, hòa bình từ đế chế Đông phương này đã được mọi người đón nhận với sự tôn trọng và ngưỡng mộ.
Ông Gottfried Wilhelm Leibniz, một triết gia nổi tiếng người Đức, đã là trở thành người sáng lập tư tưởng Trung Quốc ở Âu Châu. Có lần ông đã viết:
“Xét về sự băng hoại của đạo đức đã đi xa đến mức nào, tôi thấy rằng cần phải đưa các nhà truyền giáo Trung Hoa đến với chúng ta để giảng dạy về mục đích và thực hành thần học tự nhiên, cũng giống như chúng ta cử các nhà truyền giáo hướng dẫn họ về thần học Khải Huyền.”
Trong suy nghĩ của ông Leibniz, hiểu biết sâu sắc hơn về triết học Trung Quốc sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Do đó, ông đã truyền lại một cách có hệ thống những kiến thức uyên thâm về truyền thống Nho giáo ở Âu Châu.
Những tư tưởng uyên thâm của người Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của nhà văn Pháp Voltaire, người từng tuyên bố rằng triết học đạo đức Trung Quốc là “khoa học quan trọng nhất”. Ông cho rằng Trung Quốc là “quốc gia văn minh thông thái nhất vũ trụ” và từng nổi tiếng với một nhận xét đầy thiện cảm.
“Nếu một người, là một triết gia, muốn có ý tưởng về những gì đã xảy ra trên thế giới, trước hết người đó phải hướng nhìn về phương Đông, cái nôi của mọi nghệ thuật, nơi mà phương Tây mắc nợ mọi thứ.”
Matteo Ricci, nhà truyền giáo Dòng Tên, là người đầu tiên tiết lộ những bí mật của nền văn hóa đạo đức của Trung Quốc và bắt đầu quá trình lâu dài để truyền bá với người Âu Châu. Paris trở thành thủ đô của nghiên cứu về chinoiserie [Trung Hoa học], nơi thu thập nhiều tài liệu để chuyển ngữ. Năm 1814, Viện Hàn lâm Khoa học ở Pháp tổ chức một khóa giảng về Trung Hoa học, và nghiên cứu về Trung Quốc lần đầu tiên trở thành một phần chính thức của chương trình học thuật Tây phương.
Nhìn lại, có thể nói rằng nhiều người sau này đã hiểu sai những gì họ gặp phải trong văn hóa Trung Quốc. Nhưng những người như triết gia Leibniz đã chân thành, và kiên nhẫn để hiểu truyền thống triết học Trung Quốc với đạo lý kính Trời và tự nhiên. Họ tin rằng điều này có thể dẫn nhân loại đến một con đường tốt hơn và hoàn hảo hơn.
Nhờ sự giao thoa rộng rãi giữa các nền văn hóa, thời kỳ này rất tráng lệ. Chưa bao giờ hai nền văn minh vĩ đại của Đông và Tây lại gần nhau đến thế. Phải chăng số phận đã định trước rằng Hoàng đế vĩ đại Khang Hy và Vua Louis XIV, dựa vào trí tuệ của mình, đã đem đến cho dân tộc của cả hai quốc gia những cơ hội tuyệt vời để cải thiện và hoàn thiện bản thân thông qua việc nghiên cứu sâu sắc về nền văn hóa của nhau?
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times