Lệnh cấm xuất cảng cát tự nhiên của Trung Quốc sang Đài Loan có ít tác động đến ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn
Truyền thông Trung Quốc tiết lộ rằng Trung Quốc nhập cảng phần lớn cát tự nhiên
Trung Quốc đã tấn công Đài Loan bằng một số biện pháp trừng phạt kinh tế sau chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo này. Trong số đó có lệnh cấm xuất cảng cát tự nhiên sang Đài Loan nhằm làm tổn hại một số ngành công nghiệp của nước này, bao gồm cả chất bán dẫn. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Trung Quốc gần đây tiết lộ rằng Trung Quốc không sản xuất cát có độ tinh khiết cao cần thiết cho ngành sản xuất vi mạch bán dẫn mà phụ thuộc vào nhập cảng.
Hôm 03/08, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đình chỉ việc xuất cảng cát tự nhiên sang Đài Loan. Hành động này được nhiều người coi là một phần trong các biện pháp trả đũa mà Bắc Kinh thực hiện vì chuyến thăm của bà Pelosi.
Mọi người thường liên kết cát với silicon, nguyên liệu chính cho vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, silicon có nguồn gốc từ cát thạch anh có độ tinh khiết cao chỉ có thể được sản xuất ở một số ít quốc gia, chủ yếu là Hoa Kỳ và Úc.
Một bài báo gần đây trên NetEase, một nền tảng tin tức trực tuyến của Trung Quốc, tiết lộ rằng Trung Quốc không sản xuất loại cát để sản xuất vi mạch bán dẫn mà thay vào đó chi hơn 1.3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 192 triệu USD) hàng năm để nhập cảng cát tự nhiên.
Bài báo viết: “Nhiều người nghĩ rằng cát tự nhiên là nguyên liệu cốt lõi để sản xuất vi mạch bán dẫn và Trung Quốc có nguồn tài nguyên dồi dào như vậy, nhưng thực tế không phải thế.”
“Cát tự nhiên chủ yếu là cát dùng cho mục đích công nghiệp hoặc xây dựng, chẳng hạn như cát sông, cát biển, v.v. Chỉ cát thạch anh mới được sử dụng để sản xuất vi mạch bán dẫn và nó cũng phải có độ tinh khiết cao, với hàm lượng silic là 99.999%. Và ngay cả điều đó, các quá trình tinh chế tiếp theo là cần thiết để tạo ra một tấm đĩa bán dẫn (wafer) silicon đạt yêu cầu.”
Bài báo nói thêm rằng Trung Quốc không có cát thạch anh có độ tinh khiết cao, trong khi Hoa Kỳ gần như độc quyền.
Ông Vương Cửu Nhất (Wang Jiuyi), một nhà nghiên cứu tại Viện Tài nguyên Khoáng sản thuộc Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, cho biết trong một bài báo của mình rằng tiểu bang North Carolina của Hoa Kỳ có các mỏ thạch anh có độ tinh khiết cao lớn nhất được biết đến trên thế giới. Ông nói thêm Khu khai thác Spruce Spine của tiểu bang này là mỏ duy nhất có trữ lượng hơn 10 triệu tấn nguyên liệu thô.
Ông Vương cho biết trong bài báo của mình, mặc dù Trung Quốc giàu tài nguyên silic, nhưng hầu hết các mỏ đều là quặng silic thông thường để làm thủy tinh, đá và cát xây dựng thông thường. Ngoài ra, Trung Quốc không có mỏ chuyên sản xuất nguyên liệu thạch anh có độ tinh khiết cao. Vì vậy, họ phải nhập cảng một lượng lớn cát thạch anh có độ tinh khiết cao, quặng thô và các sản phẩm thạch anh cao cấp hàng năm.
Cát tự nhiên được hình thành chủ yếu thông qua quá trình phong hóa đá, một quá trình tự nhiên. Các hạt đá có kích thước hạt nhỏ hơn 5mm được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, bê tông, máy móc, đúc và các mục đích công nghiệp khác, bao gồm cát thạch anh, nguyên liệu cốt lõi để sản xuất vi mạch bán dẫn.
Bài báo trên NetEase chia xuất nhập cảng cát tự nhiên của Trung Quốc thành hai loại chính: cát silica (hay còn gọi là cát thạch anh) và các loại cát tự nhiên khác.
Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc đã nhập cảng cát tự nhiên từ năm 2014. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, lượng nhập cảng thấp hơn lượng xuất cảng. Khi nhu cầu về cát tự nhiên trong xây dựng và các ngành công nghiệp khác mở rộng, trong năm 2018, lần đầu tiên nhập cảng cát tự nhiên của Trung Quốc đã vượt xuất cảng.
Đến năm 2021, lượng nhập cảng cát tự nhiên của Trung Quốc đã gấp 4 lần lượng xuất cảng của nước này, đạt giá trị nhập cảng trên 1.3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 192 triệu USD) mỗi năm.
Trong nửa đầu năm 2022, lượng nhập cảng của Trung Quốc đạt 2.012 triệu tấn chỉ tính riêng cát silica (và cát thạch anh), tổng giá trị là 680 triệu nhân dân tệ (khoảng 101 triệu USD).
Mặt khác, giá trị xuất cảng hàng tháng cao nhất vào năm 2022 chỉ là 1.297 triệu nhân dân tệ (khoảng 192,000 USD).
Báo cáo chỉ ra rằng quặng thô mà đại công ty thạch anh Thạch anh Thái Bình Dương (Jiangsu Pacific Quartz) của Trung Quốc sử dụng để tinh chế cát thạch anh có độ tinh khiết cao chủ yếu có nguồn gốc từ ngoại quốc, với lượng nhập cảng đạt 90% vào năm 2020. Mỏ Spruce Pine ở North Carolina vẫn là nguồn cung cấp lớn nhất quặng nguyên liệu thạch anh có độ tinh khiết cao.
“Quý vị phải biết rằng Thạch anh Thái Bình Dương là công ty duy nhất ở Trung Quốc có khả năng sản xuất cát thạch anh có độ tinh khiết cao trên quy mô lớn. … Về căn bản, nó đại diện cho toàn bộ ngành công nghiệp trong nước. Nhưng thực tế là, chìa khóa của nguyên liệu thô nằm trong tay người khác.”
Đài Loan: Tác động là có giới hạn
Để đối phó với việc Trung Quốc ngừng xuất cảng cát tự nhiên, Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết sự phụ thuộc của nước này vào cát và sỏi của Trung Quốc trong năm nay đã giảm đáng kể bất kể lệnh cấm này, và nhập cảng cát tự nhiên của Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 1%.
Bộ cho biết năng lực sản xuất trong nước hiện đang tự cung tự cấp và lệnh cấm dự kiến sẽ ít ảnh hưởng đến các ngành liên quan của nước này, đồng thời cho biết thêm rằng việc Đài Loan nhập cảng cát và sỏi từ Trung Quốc đạt đỉnh điểm vào năm 2016 và từ đó đã giảm.
Theo Cục Mỏ, cát tự nhiên nhập cảng vào năm 2021 chiếm khoảng 0.75%, tương đương 540,000 tấn nhu cầu nội địa hàng năm của Đài Loan. Và chỉ có 170,000 tấn được nhập từ Trung Quốc vào năm 2021. Ngoài ra, chỉ có khoảng 20,000 tấn cát tự nhiên được nhập cảng từ Trung Quốc từ tháng Một đến tháng Sáu năm nay, cho thấy tác động không đáng kể.
Cô Jessica Mao là nhà văn của The Epoch Times với chủ đề tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2009.