Lệnh cấm khai thác Bitcoin của Trung Quốc có phải là một lợi ích ngụy trang?
Việc mở rộng lệnh cấm khai thác mã kim (cryptocurrency) của Bắc Kinh – hiện tại – đã làm tê liệt ngành công nghiệp này và khiến giá bitcoin lao dốc.
Nhưng khi những nhà khai thác bitcoin di chuyển đến các khu vực và quốc gia khác, hành động gần đây của Trung Cộng có thể mở ra một thời kỳ ổn định hơn cho mã kim. Sự phân bổ đa dạng hơn về điện năng khai thác [bitcoin] và việc sử dụng năng lượng tái tạo cao hơn cũng có thể được thực hiện.
Vào cuối tháng 05/2021, Quốc vụ Viện Trung Cộng đã tuyên bố sẽ đàn áp hoạt động giao dịch và khai thác bitcoin. Các thông báo này được đưa ra sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc bắt đầu khai triển tiền điện toán (digital currency) riêng của họ.
Trung Cộng coi các loại tiền mã kim như bitcoin là một mối phiền toái, gây rối loạn trật tự kinh tế và tạo điều kiện cho việc chuyển giao tài sản bất hợp pháp. Ngoài ra, Bắc Kinh đã chỉ trích mức tiêu thụ điện năng khổng lồ của những nhà khai thác bitcoin.
Theo lời kêu gọi của Trung Cộng, một số tỉnh và vùng lãnh thổ, bao gồm Tân Cương, Nội Mông và Tứ Xuyên, đã bắt đầu các biện pháp cưỡng chế để đóng cửa các hoạt động khai thác [mã kim].
Các biện pháp đó đã khiến giá bitcoin giảm xuống dưới mức 30,000 USD vào tuần lễ bắt đầu từ ngày 14/06, sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại là trên 60,000 USD vào tháng 04/2021.
Tại sao có sự suy giảm này? Lệnh cấm khai thác của Trung Cộng đã làm gián đoạn sức mạnh tính toán sẵn có để duy trì và cập nhật chuỗi khối bitcoin.
Trung Quốc được ước tính nắm giữ hơn một nửa công suất khai thác bitcoin, với phần lớn các nhà khai thác bitcoin nằm ở khu tự trị Tân Cương và tỉnh Tứ Xuyên. Theo một phân tích của Chỉ số Tiêu thụ Điện Bitcoin của Cambridge, tính đến năm 2020, khoảng 65% hoạt động đào bitcoin trên thế giới nằm ở Trung Quốc. Trong khi gần đây thị phần đó đã giảm đi phần nào, Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn điện năng khai thác bitcoin.
Không giống như các hoạt động khai thác khoáng sản như vàng và sắt, việc khai thác bitcoin không liên quan đến thiết bị gia công. Những nhà khai thác bitcoin sử dụng các nhà kho chứa các máy điện toán để giải quyết các vấn đề tính toán nhằm xác thực các giao dịch, cập nhật và duy trì chuỗi khối bitcoin. Trên thực tế, các nhà khai thác giữ cho chuỗi khối bitcoin được cập nhật và đổi lại, được đền bù bằng các khối bitcoin mới.
Theo dữ liệu từ công ty mã kim The Block, kể từ khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm, tỷ lệ hàm băm (hash rate, một đơn vị đo lường khả năng giải các thuật toán của các thiết bị khai khác mã kim) của bitcoin – sức mạnh tính toán sẵn có để khai thác mã kim này, phản ánh hiệu quả của hệ thống chuỗi khối bitcoinđã giảm gần 50% trong tháng qua. Riêng các tỉnh Tân Cương và Tứ Xuyên được cho là đã góp tới 30% tổng lượng điện năng khai thác bitcoin.
Đây chắc chắn là một trở lực đối với ngành mã kim trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cuộc đàn áp của Trung Cộng có thể là một sự phát triển tích cực trong dài hạn đối với ngành mã kim này.
Thứ nhất, lệnh cấm của Trung Cộng và sự sụp đổ sau đó về tỷ lệ hàm băm đều không đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, việc có quá nhiều điện năng khai thác bitcoin được tập trung ở Trung Quốc ngay từ đầu là điều rất bất ngờ.
Trung Cộng đã tham chiến với các loại mã kim trong gần một thập kỷ. Vào năm 2013, Bắc Kinh đã cấm tất cả các tổ chức tài chính xử lý mã kim. Sau đó, năm 2017, Trung Quốc đã cấm tất cả các đợt chào bán coin lần đầu tiên. Đến giữa năm 2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã chặn quyền truy cập vào tất cả các sàn giao dịch mã kim trong và ngoài nước để ngăn chặn hoạt động giao dịch.
Mặc dù Trung Cộng đã ngừng tuyên bố quyền sở hữu mã kim là bất hợp pháp, nhưng trên thực tế, Trung Cộng đã cấm tất cả các hình thức mua bán và trao đổi, kể cả việc cấm các tổ chức tài chính trong nước trao đổi tiền điện toán với đồng nhân dân tệ. Những hành động đó chủ yếu tập trung vào việc hạn chế chuyển nhượng của cải, nhưng ý định của Trung Cộng đã rõ ràng kể từ năm 2013.
Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với bitcoin và khai thác bitcoin? Trong thời gian tới, với việc công suất khai thác bitcoin giảm do chính sách đàn áp của Trung Cộng, việc khai thác bitcoin sẽ trở nên sinh lợi hơn nhiều.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của CNBC, ông Kevin Zhang, phó chủ tịch công ty thiết bị khai thác mã kim The Foundry, cho biết: “Khi có nhiều tỷ lệ hàm băm hơn rơi ra khỏi hệ thống, độ khó sẽ điều chỉnh giảm xuống và tỷ lệ hàm băm vẫn hoạt động trên hệ thống sẽ nhận được nhiều hơn cho tỷ lệ phần thưởng khai thác coin của họ.” Nói cách khác, “phần thưởng” gia tăng cho việc khai thác bitcoin sẽ cao hơn khi có ít người khai thác hơn.
Nhưng có những mặt tích cực lâu dài khác.
Ít tập trung về mặt địa lý hơn hứa hẹn sẽ làm cho chuỗi khối của bitcoin ít bị tổn thương hơn trước những ý tưởng bất chợt và các quy định của một quốc gia. Nhiều cơ sở hoạt động khai thác bitcoin của Trung Quốc đã vận chuyển thiết bị ra ngoại quốc, trong đó Hoa Kỳ và Kazakhstan là những nơi hưởng lợi ròng.
Ví dụ, theo một tuyên bố của công ty này, BIT Mining có trụ sở tại Thâm Quyến và được niêm yết trên NYSE đã vận chuyển hầu hết các thiết bị khai thác ra khỏi Trung Quốc. Khoảng 320 máy khai thác đã được chuyển đến một cơ sở ở Kazakhstan và công ty cho biết các hoạt động của họ sẽ trực tuyến trở lại vào ngày 27/06/2021.
Một phần lớn hoạt động khai thác dự kiến sẽ chuyển sang Hoa Kỳ. Cô Eunice Yoon của đài CNBC đã viết trên Twitter vào ngày 21/06/2021 rằng một công ty vận chuyển có trụ sở tại Quảng Châu đang vận chuyển 6,600 pound máy điện toán khai thác bitcoin tới Maryland.
Một nơi được hưởng lợi tiềm năng khác là tiểu bang Texas, nơi cũng có một số chính trị gia ủng hộ bitcoin nhất của Hoa Kỳ. Texas có một số mức giá năng lượng thấp nhất của quốc gia và thị phần ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo.
Đa dạng hóa năng lượng là yếu tố quan trọng. Việc chuyển tỷ lệ hàm băm bitcoin từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ—nơi có nguồn cung cấp năng lượng đa dạng hơn nhiều—sẽ cải thiện lượng khí thải carbon của hoạt động khai thác bitcoin, một chỉ trích chính đối với mã kim.
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk, đã thông báo rằng Tesla sẽ không chấp nhận bitcoin nữa cho đến khi tỷ lệ hàm băm của mã kim này đạt 50% từ các nguồn năng lượng sạch. Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Elizabeth Warren cũng đã lên tiếng phản đối bitcoin vì việc sử dụng năng lượng của nó và hậu quả tác động đối với môi trường.
Trong khi khả năng tồn tại lâu dài hơn của các loại mã kim và bitcoin vẫn còn đang bỏ ngỏ, thì ít nhất việc di chuyển năng lực khai thác ra khỏi Trung Quốc là một bước hữu hình đầu tiên để giải quyết những lo ngại và chỉ trích đó.
Tác giả Fan Yu là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, có đóng góp các bài viết phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Fan Yu thực hiện
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: