Lập trường gây tranh cãi của Moscow về Bắc Kinh: Hoa Kỳ có phải là ‘cái nêm’ ngăn đôi Nga và Trung Quốc?
Cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống (TT) Vladimir Putin với TT Hoa Kỳ Joe Biden tại Geneva hôm 16/06 đã mở ra một chủ đề nóng khác-lập trường của Moscow đối với Bắc Kinh.
Mặc dù Trung Quốc không tham dự vào các cuộc hội đàm chính thức giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng nước này đã không bị bỏ quên bởi cả những người ủng hộ Điện Kremlin lẫn các hãng thông tấn tự do của Nga phân tích về cuộc gặp này.
“Ông Biden đang phá vỡ mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc,” ông Dmitry Bavyrin tuyên bố trên trang tin tức Vzglyad, một kênh thông tấn trực tuyến ủng hộ Điện Kremlin.
Ông Nezavisimaya Gazeta, một người theo khuynh hướng tự do đã hưởng ứng quan điểm này: “… chiến lược lớn của Hoa Kỳ là nhắm tới việc kiềm chế một cách có hệ thống, toàn diện và lâu dài đối với Trung Quốc. Để thành công trong chiến lược này, về căn bản, điều quan trọng là phải ngăn chặn mối liên kết đồng minh giữa Bắc Kinh và Moscow.”
Tờ báo đã nêu bật điều này trong một bài xã luận sau cuộc gặp thượng đỉnh có tiêu đề “Ông Biden và ông Putin đã khởi động cuộc chơi. Rất có thể là một cuộc chơi tuyệt vời.”
Bản chất và mục tiêu của cuộc chơi lớn này vẫn chưa rõ ràng, nhưng một số chuyên gia Nga đồng tình rằng Hoa Thịnh Đốn đang cho Moscow “tạm thời nghỉ ngơi” vì Hoa Kỳ lo ngại về sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc hơn là về chính sách độc tài của Điện Kremlin.
Trong nhiệm kỳ của TT Donald Trump, Tòa Bạch Ốc đã gọi cả Nga và Trung Quốc là hai cường quốc “theo chủ nghĩa xét lại” trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2017, nhưng giờ lại đang tìm cách thay đổi cách tiếp cận đó.
Truyền thông Nga đã nhấn mạnh rằng cuộc phỏng vấn của NBC với TT Putin trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh bao gồm các câu hỏi về “mối đe dọa có thể có đối với Nga” về mặt quân sự của Trung Quốc.
Khi hồi đáp câu hỏi của phóng viên Keir Simmons của NBC về việc liệu Nga có lo ngại Trung Quốc quân sự hóa hay không, ông Putin đã nói rằng ông hoàn toàn không thấy như vậy.
“… Chúng tôi không cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với chúng tôi. Đó là một điểm. Trung Quốc là một quốc gia thân thiện. Họ đã không tuyên bố chúng tôi là kẻ thù, như Hoa Kỳ đã làm.”
Nhưng đề cập đến cuộc phỏng vấn của TT Putin, ông Nikolay Zlobin, người đứng đầu Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết trong một chương trình phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước Russia 1, rằng việc lặp lại không ngừng tuyên bố Nga không có giao kèo với Trung Quốc, “mang đến sự nghi ngờ.”
Cung dưỡng cho con rồng Trung Quốc
Thoạt nhìn, liên minh giữa Nga và Trung Quốc có vẻ mạnh mẽ. Nga đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia, hỗ trợ Bắc Kinh phát triển hệ thống cảnh báo sớm của nước này và tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường xuyên với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Nhưng theo các báo cáo gần đây của các hãng thông tấn, đã có một vài trường hợp nổi bật về một số khoa học gia hoặc quan chức cao cấp của Nga bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
Trường hợp gần đây nhất liên can đến ông Valery Myitko, Chủ tịch học viện Bắc Cực. Nhà khoa học này là một chuyên gia nổi tiếng về Bắc Cực bị giới chức an ninh Nga cáo buộc đã chuyển dữ liệu nhạy cảm cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nhóm biện hộ cho ông này tuyên bố rằng các thông tin được đề cập đến có thể được tìm thấy tại các nguồn công khai.
Báo cáo gần đây của FAN news wire gọi Trung Quốc là “đối tác” nguy hiểm nhất của Nga. “Ngay khi tình hình trở nên bất lợi cho họ, người Trung Quốc sẽ quay lưng lại và thậm chí có thể trở thành đối thủ của chúng ta. Cho đến nay, không có điều kiện tiên quyết nào cho việc này, nhưng trong tương lai, ai mà biết được.”
“Nhìn chung, khi mà con rồng đang no, y tốt bụng và thân thương, nhưng nếu y đói, y có thể xơi tái,” báo cáo cho biết.
Trớ trêu thay, FAN news wire lại được điều hành bởi một doanh nhân có liên hệ với Điện Kremlin, ông Yevgeny [Prigozhin], người bị thông tấn phương Tây gắn nhãn “đầu bếp của ông Putin.” Ông Prigozhin, người ban đầu cung cấp dịch vụ ăn uống cho Điện Kremlin, được cho là có can dự với Tập đoàn Wagner, một công ty tư nhân cung cấp dịch vụ quân sự ở nhiều quốc gia Phi Châu khác nhau. Phát ngôn viên của ông Prigozhin nói với tờ The Bell Russian vào năm 2019 rằng doanh nhân này không có bất kỳ sự liên đới nào với Wagner.
Phi Châu là lục địa mà các lợi ích của Nga và Trung Quốc có thể xung đột trong tương lai gần, bởi cả hai nước đều tìm cách thăm dò nền khoáng sản dồi dào tại địa phương. Tuy nhiên, dẫu cho Nga đã tuyên bố tầm quan trọng của khu vực này sau khi ông Putin tổ chức hội nghị thượng đỉnh Phi Châu vào năm 2019 tại Sochi, Nga sẽ khó mà sánh ngang với vị thế của Trung Quốc trong khu vực. Năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Phi Châu đã đạt 110 tỷ USD.
“Hoạt động của Trung Quốc tại Phi Châu thường dây mơ rễ má với lợi ích của Nga ở Phi Châu. Nhưng người ta cũng biết rằng người Trung Quốc chẳng mấy được ưa chuộng ở đó vì họ mang theo nhân lực của riêng họ và không tạo ra các nơi làm việc mới,” ông Gregory Vinnikov, một học giả truyền hình người Mỹ gốc Nga và là nhà bình luận chính trị chuyên nghiệp, nói với The Epoch Times.
Một nhà ngoại giao Nga và một nhà lập pháp cao cấp am hiểu về trạng huống này, đã trò chuyện với The Epoch Times với điều kiện giấu đi danh tính, đều xác nhận rằng việc kinh doanh ở Phi Châu đang trở nên khó khăn hơn do quyền được ưu tiên của Trung Quốc tại đây.
Ông Vinnikov, nổi tiếng với lập trường chống Trung Quốc, cho biết ông tin rằng “sự gia tăng hiểu lầm” giữa Trung Quốc và Nga có thể giúp Hoa Kỳ “đẩy Nga ra khỏi Trung Quốc.”
Ông Vinnikov nói, “Tôi cho rằng Hoa Kỳ có thể mang đến cho Nga nhiều hơn Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố rằng họ có công nghệ, nhưng nhiều trong số đó là công nghệ mà họ đánh cắp từ các nước khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.”
Một phần của tâm thái đó thậm chí có khả năng có thể đã được chia sẻ ngay bên trong Điện Kremlin. Giáo sư Andrei Bezrukov của Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), một cựu điệp viên bất hợp pháp bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ năm 2010, đã nói với người dẫn chương trình Vladimir Soloviev trên Kênh 1 của Nga rằng “một phần của giới thượng lưu Nga” không muốn đi lại thân thiết với Trung Quốc.
Nhưng ông Dmitry Kosyrev, một chuyên gia về Trung Quốc, người thường xuyên viết các bài báo chuyên mục về mối bang giao Trung-Nga, lại nói rằng những quan điểm đó là “bên lề:” “Ngay cả khi Hoa Kỳ không tồn tại, chúng tôi cũng sẽ thân thiết với Trung Quốc. Chúng tôi là hai quốc gia có quan điểm bảo thủ về thế giới. Có những lĩnh vực mà chúng tôi bất đồng, nhưng mối bang giao của chúng tôi dựa trên các nguyên tắc kinh tế và sẽ vẫn như vậy trong tương lai gần.”
Do Dusya Parkova và Alexander Bratersky thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: