Lào giới hạn bán ngoại tệ trong bối cảnh đối mặt rủi ro vỡ nợ
Ngân hàng trung ương Lào đã áp đặt giới hạn bán ngoại tệ như một phần của một tập hợp các biện pháp nhằm ổn định đồng kip, vốn đã giảm xuống giá trị thấp nhất trong nhiều thập niên.
Tờ Vientiane Times đưa tin, những quy định mới này cấm các văn phòng thu đổi ngoại tệ bán ngoại tệ cho các pháp nhân và tổ chức quốc tế, thay vào đó chỉ cho phép các ngân hàng thương mại được cấp phép làm điều đó.
Ông Sonexay Sitphaxay, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào cho biết: “Các đơn vị thu đổi ngoại tệ sẽ chỉ được phép đổi tiền cho cá nhân và khách du lịch, tối đa là 15 triệu kips (1,004 USD)/người mỗi ngày.
Ông Sitphaxay cho biết, các pháp nhân sẽ chỉ được phép thực hiện giao dịch ngoại hối tại các ngân hàng thương mại, ưu tiên các tổ chức nhập cảng nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác từ ngoại quốc.
Đồng kip đã giảm xuống giá trị thấp nhất so với USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu năm 1997, với việc ngân hàng đổ lỗi cho nhu cầu ngoại tệ gia tăng để nhập cảng hàng hóa là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm này, theo các bản tin địa phương.
Tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng 12.8% trong tháng Năm, mức cao nhất trong 15 năm do giá cả hàng hóa và nhiên liệu tăng.
Lào đối mặt với rủi ro vỡ nợ
Hồi tháng Năm, Ngân hàng Thế giới cho biết tỷ giá hối đoái của Lào đã giảm giá mạnh 30% so với USD trong năm tính đến tháng 04/2022, cho thấy “những hạn chế đáng kể về thanh khoản đối ngoại”.
Ngân hàng cho biết, quốc gia cộng sản này đang phải đối mặt với những thách thức về thanh khoản và khả năng thanh toán do “gánh nặng thánh toán mức chi trả nợ cao, thu ngân sách kém, các lựa chọn tài chính hạn chế và dự trữ ngoại tệ thấp.”
Moody’s Investor Service cũng hạ xếp hạng tín nhiệm của Lào xuống “Caa3” — nước có rủi ro tín dụng rất cao — với các khoản mức chi trả nợ của nước này lên tới 1.1 tỷ USD vào năm 2022 và 1.4 tỷ USD vào năm 2023.
Công ty xếp hạng này nhận định rằng rủi ro vỡ nợ của Lào sẽ “vẫn ở mức cao do quản trị rất yếu kém, gánh nặng nợ rất cao và không đủ khả năng chi trả các khoản nợ nước ngoài đến hạn” bởi dự trữ ngoại hối.
Công ty này cho biết, “Trước các lựa chọn tài chính bị thu hẹp, thậm chí là để đáp ứng nhu cầu tài chính hạn chế, sự phụ thuộc của Lào vào nguồn tài trợ thương mại bên ngoài và trong nước sẽ tăng lên, dẫn đến việc dễ bị tác động bởi cảm tính thị trường hơn.”
Vai trò của Trung Quốc ở Lào
Lào đã chi rất nhiều cho các dự án thủy điện, nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ, với mục đích trở thành “Pin điện của Đông Nam Á”. Nhưng những dự án đó, cùng với một tuyến đường sắt cao tốc mới của Trung Quốc, đang là tâm điểm của một cuộc khủng hoảng nợ.
Nước này đã khánh thành tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD do Trung Quốc xây dựng vào tháng 12/2021, vốn nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh mà các nhà phê bình đã lên án là một “cái bẫy nợ” đối với các quốc gia nhỏ hơn.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng dự án đường sắt này có thể khiến Lào khó trả nợ nước ngoài, có khả năng buộc nước này phải giao tài sản cho Trung Quốc. Điều này đã xảy ra khi Lào nhượng lại phần lớn quyền kiểm soát lưới điện của mình cho một công ty Trung Quốc vào tháng 09/2020.
Lào cũng đã ký một thỏa thuận (pdf) với Singapore hôm 23/06 để bán điện. Dự án kéo dài hai năm sẽ cho phép Singapore nhập khẩu tới 100 MW thủy điện từ Lào.
Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về Á Châu Thái Bình Dương cho The Epoch Times.