Lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản tới Seoul dự hội nghị ba bên đầu tiên kể từ năm 2019
Các cuộc hội đàm ba bên diễn ra khi Tokyo và Seoul tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Thịnh Đốn trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ ĐCSTQ và Bắc Hàn.
Hôm 26/05, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nhật Bản đã tới Seoul để tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Nam Hàn.
Cuộc gặp ba bên sắp tới diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và Nam Hàn tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đồng minh Bắc Hàn.
Hôm Chủ Nhật (26/05), Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol đã tổ chức các cuộc gặp riêng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trước khi cùng nhau tham dự dạ tiệc tiếp đón tại Seoul. Cuộc đàm phán ba bên của họ dự kiến diễn ra trong ngày 27/05.
Hội nghị thượng đỉnh chính thức này cũng đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 4 năm các nhà lãnh đạo của ba nước láng giềng này ngồi lại để thảo luận trực tiếp.
Năm 2008, các nhà lãnh đạo của ba nền kinh tế chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội thế giới này đã đồng ý triệu tập một cuộc họp thường niên. Nhưng cuộc họp này đã bị trì hoãn kể từ cuộc họp gần đây nhất hồi tháng 12/2019 tại thành phố Thành Đô, miền nam Trung Quốc do đại dịch COVID-19 và các mối quan hệ phức tạp giữa ba nước.
Quan chức phía Nam Hàn cho biết các chủ đề trong nghị trình của các cuộc gặp mặt cấp cao mới nhất này bao gồm những trao đổi qua lại giữa người dân các nước, biến đổi khí hậu, thương mại, các vấn đề y tế, công nghệ, và ứng phó thảm họa.
Trong một cuộc họp báo hôm 23/05 khi công bố hội nghị thượng đỉnh, Phó Giám đốc An ninh Quốc gia Nam Hàn Kim Tae-hyo cho biết: “Cuộc gặp này sẽ đóng vai trò là một bước ngoặt để ba nước khôi phục hoàn toàn và bình thường hóa hệ thống hợp tác.”
Trước khi đến Nam Hàn hôm Chủ Nhật (26/05), Thủ tướng Nhật Bản nói với các phóng viên rằng ông dự kiến sẽ có “các cuộc thảo luận thẳng thắn và trung thực” với ông Yoon và ông Lý, và “đồng tình về sự hợp tác thiết thực hướng tới tương lai.”
‘Lo ngại nghiêm trọng’ về Đài Loan
Trước các cuộc gặp ba bên, ông Kishida đã có một cuộc gặp riêng với ông Lý tại Seoul. Theo thông tin do đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa ra, cuộc họp này đã đề cập đến các vấn đề gồm có Đài Loan và việc Nhật Bản xả nước thải “bị nhiễm hạt nhân” từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hỏng.
Chính phủ Nhật Bản nói rằng loại nước này an toàn và cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đã xác nhận.
Trong một báo cáo tháng 07/2023 đệ trình lên chính phủ Nhật Bản, cơ quan này kết luận rằng nước thải đã qua xử lý nói trên sẽ có “tác động phóng xạ không đáng kể” đến con người và môi trường. IAEA đã cho phép thực hiện kế hoạch xả thải của Nhật Bản và Liên minh Âu Châu đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế đối với nhập cảng hải sản của Nhật Bản.
Tuy nhiên, tháng 08/2023, ĐCSTQ đã công bố lệnh cấm toàn diện đối với việc nhập cảng tất cả các sản phẩm thủy hải sản từ Nhật Bản ngay sau khi Nhật Bản bắt đầu bơm hơn một triệu tấn nước đã qua xử lý vào Thái Bình Dương. Lệnh cấm sâu rộng này đã làm dấy lên sự chỉ trích trong cộng đồng quốc tế và ngành ngư nghiệp, trong đó một số chuyên gia cho rằng có thể có những tính toán chính trị đằng sau quyết định của Bắc Kinh.
Lên tiếng trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp song phương với ông Lý, ông Kishida cho biết ông đã kêu gọi phía Trung Quốc dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm hải sản Nhật Bản.
Ông Kishida cũng nhân cuộc gặp này để truyền đạt “mối lo ngại sâu sắc” của Nhật Bản về việc mở rộng quân sự gần đây của Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng Tokyo tin rằng sự ổn định ở Eo biển Đài Loan là “rất quan trọng” không chỉ đối với khu vực mà còn đối với cộng đồng quốc tế.
Tuần trước, căng thẳng trên Eo biển Đài Loan gia tăng khi ĐCSTQ tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà chế độ cộng sản tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình. Các cuộc tập trận có sự tham gia của hải quân, không quân, và lực lượng hỏa tiễn Trung Quốc — bắt đầu từ hôm 23/05, chỉ vài ngày sau khi tổng thống mới Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) của hòn đảo dân chủ này tuyên thệ nhậm chức — làm dấy lên những chỉ trích từ Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu.
Ông Kishida cho biết Nhật Bản đang “theo dõi sát sao những diễn biến quân sự gần đây” ở Eo biển Đài Loan.
Những lo ngại về Bắc Hàn
Trước cuộc gặp với ông Lý, ông Kishida đã có cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Nam Hàn. Ông Kishida cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các tình huống liên quan đến Bắc Hàn và đồng lòng tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ.
Theo văn phòng của tổng thống Nam Hàn, ông Yeol và ông Kishida nêu lên những lo ngại cụ thể về lực lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong những năm gần đây, chế độ của ông Kim Jong Un đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm vũ khí khác nhau, trong đó có việc bắn phi đạn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới Hoa Kỳ lục địa.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times