Lãnh đạo thương mại Hoa Kỳ, Trung Quốc không tìm được điểm chung
Hôm 25/05, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào. Hai bên đã trao đổi những lời phàn nàn nhưng không đạt được bước tiến mới trong mối quan hệ thương mại Trung-Mỹ đang gặp khó khăn.
Theo một tuyên bố do Bộ Thương mại đưa ra, bà Raimondo “nêu những lo ngại” về các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Một tuyên bố từ Bộ Thương mại của ĐCSTQ cho biết, tương tự như vậy, ông Vương bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn chính quyền này có được chất bán dẫn tiên tiến và các công nghệ quan trọng khác.
Báo cáo của Bộ Thương mại cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán bao gồm “các cuộc thảo luận thẳng thắn và thực chất về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc.” Những cuộc thảo luận này bao gồm thảo luận về các lĩnh vực thương mại và đầu tư đã đến lúc sẵn sàng cho “sự hợp tác tiềm năng,” nhưng không bên nào đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cuộc thảo luận đó mang lại kết quả, họ cũng không nêu rõ những lĩnh vực hợp tác có thể diễn ra.
Cả hai tuyên bố đều không cung cấp thêm chi tiết về tính chất của các cuộc đàm phán này và dường như không có tiến triển nào trong việc giải quyết các tranh chấp đang diễn ra của các quốc gia về công nghệ, an ninh, và thương mại này. Tuy nhiên, bà Raimondo và ông Vương hứa sẽ tăng cường trao đổi về các vấn đề thương mại trong tương lai.
Chính phủ ông Biden tìm kiếm đối thoại trong khi ĐCSTQ đàn áp các doanh nghiệp ngoại quốc
Cuộc họp của các nhà lãnh đạo thương mại đã diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về một loạt các cuộc đàn áp mới đây ở Trung Quốc, trong đó ĐCSTQ đã đột kích các công ty tư vấn và các doanh nghiệp ngoại quốc khác, thu giữ các tài liệu cá nhân và giam giữ nhân viên mà không có lý do rõ ràng. Các cuộc bố ráp này, có cả các công ty Bain & Co., Capvision, và Mintz Group của Hoa Kỳ, tuân theo sự mở rộng đầy tranh cãi của luật tình báo và an ninh quốc gia ở Trung Quốc, vốn cho phép nhà cầm quyền này từ chối quyền rời đi của bất kỳ ai ở quốc gia này.
ĐCSTQ đã không đưa ra lời giải thích nào cho các cuộc bố ráp đó, vốn đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới và làm dấy lên lo ngại về việc nhà cầm quyền này sẽ gia tăng lạm dụng nhân quyền đối với nhân viên của các công ty ngoại quốc. Tuy nhiên, những cuộc bố ráp này dường như là một phần trong cuộc đàn áp rộng lớn hơn đối với các công ty ngoại quốc của ĐCSTQ, mà điều này đã khiến các nhà đầu tư ngoại quốc phải thoái lui khỏi Trung Quốc .
Bất chấp sự thù địch ngày càng tăng đối với các công ty ngoại quốc ở Trung Quốc, chính phủ ông Biden đang tăng cường nỗ lực để lôi kéo ĐCSTQ trở lại bang giao ngoại giao thông thường. Do đó, cuộc gặp của bà Raimondo với ông Vương là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính phủ này nhằm thiết lập lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc kể từ khi ông Biden gặp lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình ở Bali vào tháng Mười Một năm ngoái (2022).
Ban đầu, Tòa Bạch Ốc ca ngợi cuộc gặp đó ở Bali như một sự tan băng trong quan hệ Trung-Mỹ và là bằng chứng về khả năng của chính phủ trong việc tham gia đối thoại một cách có ý nghĩa với đối thủ cạnh tranh hàng đầu của quốc gia này. Tuy nhiên, những hy vọng đó đã tan thành mây khói hồi tháng Hai, khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đi ngang qua lục địa Hoa Kỳ, trong đó có các địa điểm quân sự nghiêm ngặt có liên quan đến chương trình hạt nhân của quốc gia.
Kể từ đó, chính phủ đã phải chật vật để tái tạo thời khắc quan trọng ở Bali của mình, với việc các quan chức thường viện dẫn điều này trong nỗ lực đưa Trung Quốc trở lại.
Trong một cuộc họp báo hồi đầu tuần, Điều phối viên phụ trách Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby đã mô tả quá trình này là nỗ lực của toàn chính phủ nhằm tái tạo “tinh thần của Bali.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times