Lãnh đạo một tổ chức Black Lives Matter đứng về phía các tù nhân trong sự kiện ngày 01/06, tán thành cựu TT Trump
Ông Mark Fisher nói: “Đây là những điều chính phủ làm đối với những người thể hiện tư tưởng độc lập và muốn đứng lên vì những gì họ tin tưởng.”
Người sáng lập một tổ chức theo phong trào Black Lives Matter (BLM) đang lên tiếng ủng hộ các tù nhân trong sự kiện ngày 06/01 và không ngần ngại tán dương cựu Tổng thống (TT) Donald Trump là “ứng cử viên sáng giá nhất mà chúng ta có.”
Ông Mark Fisher — người đã rời khỏi vị trí lãnh đạo tại BLM Rhode Island, tổ chức do ông đồng sáng lập và hiện là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của BLM Incorporated có trụ sở tại Maryland — đã ủng hộ những người đứng đầu nhóm Proud Boys và chủ trì các buổi cầu nguyện cho những người mà ông tin là tù nhân chính trị.
“Họ là những con cừu non bị xẻ thịt để làm gương cho tất cả những ai muốn thể hiện sự bất đồng chính kiến trong tương lai,” ông Fisher nói với The Epoch Times. “Đây là điều mà chính phủ làm đối với những người bày tỏ tư tưởng độc lập và muốn đứng lên vì những điều họ tin tưởng.”
Ông nói, những gì ông nhìn thấy trong cách cư xử đầy thù nghịch đối với các tù nhân trong sự kiện 01/06 cũng giống như cách người Mỹ gốc Phi Châu bị đối xử, và khát vọng của ông trong việc liên tưởng như vậy là tìm ra điểm chung.
“Một trong những điều tôi nhấn mạnh khi trò chuyện với họ là giờ đây họ có một sự hiểu biết hoàn toàn mới về những gì người Mỹ gốc Phi Châu đã phải trải qua với tình trạng quản thúc quá mức, sự tàn bạo của cảnh sát, và sự đối xử bất công trong hệ thống tư pháp hai tầng cũng như cách mà hệ thống này áp bức và lạm quyền như thế nào,” ông Fisher nói.
Truyền thông bóp méo sự thật
Tương tự như cách các hãng truyền thông chính thống đã bóp méo những gì xảy ra tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ hôm 06/01/2021 bằng cách cáo buộc những người ủng hộ cựu Tổng thống (TT) Trump về một cuộc nổi dậy bạo lực, ông Fisher cho biết BLM đã bị quy chụp trong cuộc bạo loạn vào mùa hè năm 2020, mặc dù có cả những nhóm khác như nhóm cánh tả cực đoan Antifa, vốn là nguồn gốc của sự hỗn loạn.
Ông nói: “Antifa có liên quan rất nhiều đến cuộc bạo loạn năm 2020, và có rất nhiều nhóm theo chủ nghĩa vô chính phủ chỉ muốn lợi dụng thời điểm này để lộ diện ra phá hoại.”
Ông Fisher cho biết Black Lives Matter đã tồn tại nhiều năm trước khi ông George Floyd qua đời trong lúc bị cảnh sát bắt giữ ở Minneapolis vào năm 2020. Cựu cảnh sát Minneapolis Derek Chauvin đã bị kết tội sát nhân trong vụ án này.
“Đó là lúc Black Lives Matter trở thành một phong trào chính trị và là trung tâm của sự chú ý trên cả nước và toàn cầu,” ông Fisher cho biết. “Các hãng truyền thông đã biến chúng tôi thành con cưng của họ, điều mà họ rất thích làm, và họ đã có thể biến chúng tôi thành kẻ thế tội khi mọi thứ bắt đầu tệ đi.”
Ông Fisher là một người theo đạo Cơ Đốc có bằng thần học với kinh nghiệm làm mục sư. Ông bày tỏ thái độ không xem trọng cả chính phủ lẫn giới truyền thông.
“Tôi chẳng tin tưởng chính phủ liên bang hoặc tiểu bang chút nào, và giới truyền thông đang cố gắng ngăn cản chúng ta hiệp lực,” ông nói. “Chính giới truyền thông đã gây ra sự chia rẽ giữa tất cả các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội này ngay từ đầu, để khiến chúng ta luôn phải đối đầu với nhau.”
BLM có nghĩa là gì
Theo ông Fisher, người ta đã hiểu sai mục đích ban đầu trong sứ mệnh của BLM.
Chính cái tên của tổ chức này đã đưa đến sự tức giận.
“Tên của tổ chức này không mang ý nghĩa mạng sống của người Mỹ gốc Phi Châu cao quý hơn,” ông nói. “Không phải mạng sống của người Mỹ gốc Phi Châu quan trọng hơn hay mạng sống của người Mỹ gốc Phi Châu đáng giá hơn. Đó chỉ đơn giản có nghĩa là mạng sống của người Mỹ gốc Phi Châu có quan trọng. Bản thân câu nói đó đã có nhiều nghĩa đến mức mọi người đã hiểu nó theo những cách khác nhau thông qua lăng kính và trải nghiệm của chính họ.”
Ông nói, việc không thể nhìn nhận ý nghĩa của tuyên bố này từ góc độ của một người Mỹ gốc Phi Châu đồng nghĩa với thất bại trong việc nhìn nó qua lăng kính của lòng trắc ẩn.
Ông Fisher phủ nhận việc nhìn nhận BLM là một tổ chức theo chủ nghĩa Marx.
“Người Mỹ gốc Phi Châu muốn điều giống với điều mà người da trắng mong muốn,” ông nói. “Chúng tôi muốn có cuộc sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc. Chúng tôi muốn kiếm tiền và có một gia đình. Liệu những điều đó nghe có vẻ giống với các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx hay không? Đối với tôi, đó cơ bản là những nguyên tắc của người Mỹ, của các doanh nhân và chủ nghĩa tư bản. Chúng tôi muốn có được sự giàu có và để lại thứ gì đó cho con em mình — như Kinh Thánh dạy chúng ta.”
BLM Incorporated, tổ chức hiện tại của ông Fisher, tập trung vào giáo dục khởi nghiệp và trao quyền tài chính cho người Mỹ gốc Phi Châu.
Trang web cũng tuyên bố rằng tổ chức này không liên kết với bất kỳ đảng phái hoặc lập trường chính trị nào, “trừ khi những hoạt động chính trị đó nhằm mục đích xóa bỏ hệ thống phân biệt chủng tộc và xóa bỏ tư tưởng chủ nghĩa thượng đẳng của người da trắng cũng như sự tàn bạo của cảnh sát được chính phủ cho phép đối với cũng như việc sát hại người Mỹ gốc Phi Châu.”
‘Một đảng phân biệt chủng tộc’
Ông Fisher không đánh giá cao Đảng Dân Chủ.
“Đó là một đảng phân biệt chủng tộc với các chính sách phân biệt chủng tộc có tác động tiêu cực đến các gia đình người Mỹ gốc Phi Châu,” ông nói. “Về mặt tinh thần, người Mỹ gốc Phi Châu bị mắc kẹt trong một đồn điền (nơi cha ông họ từng bị làm nô lệ). Họ là nô lệ trong tâm trí của chính mình vì họ từ chối nhìn vào bức tranh toàn cảnh, và cách chúng tôi bị Đảng Dân Chủ lợi dụng và lạm dụng với những chính sách hoàn toàn trái ngược với những gì người Mỹ gốc Phi Châu khao khát ở đất nước này, đó là cuộc sống, tự do, tự tại, mưu cầu hạnh phúc, và một gia đình để nuôi dưỡng.”
Ông Fisher cũng không tin tưởng vào Đảng Cộng Hòa, đảng phái mà ông cho rằng là một tổ chức tham nhũng.
“Đây là lý do tại sao ông Donald Trump lại được yêu thích đến vậy,” ông nói. “Ông ấy chống lại thể chế. Ông ấy không thể bị mua chuộc. Ông ấy không thể bị đem ra mua bán. Ông ấy sẽ thẳng thắng nói với quý vị và giữ cho điều đó luôn là sự thật, và những ai đồng cảm với nét tính cách này đều yêu thích ông ở điểm đó. Nếu quý vị nhìn vào cả hai đảng và các ứng cử viên tiềm năng — gồm cả tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm — thì tôi nghĩ ông ấy là ứng cử viên sáng giá nhất mà chúng ta có. Đó là điều không cần phải suy nghĩ.”
Mặc dù bị các hãng truyền thông lớn xem như là kẻ phân biệt chủng tộc và bài ngoại, ông Fisher cho biết cựu TT Trump đã giúp đỡ cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu “100%.”
“Nếu quý vị nhìn vào các chính sách của ông ấy, quý vị sẽ thấy những điều ông ấy làm cho cộng đồng của chúng tôi đều không được chú ý và ông ấy không hề khoe khoang về điều đó,” ông nói. “Ông ấy không cố gắng thuyết phục bất cứ ai rằng ông ấy không phải là người phân biệt chủng tộc, giống như tôi sẽ không cố gắng thuyết phục quý vị rằng tôi không phải là người phân biệt chủng tộc. Những gì quý vị thấy là những gì quý vị nhận được, và khi quý vị biết tôi, thì quý vị sẽ hiểu được tâm của tôi.”
Tuy nhiên, TT Joe Biden đã thường xuyên đưa ra những tuyên bố phân biệt chủng tộc trong thời gian được làm vị chính trị gia là trung tâm của sự chú ý, ông Fisher nói.
Ông nhớ lại những tuyên bố của TT Biden trên một chương trình phát thanh khi tranh cử vào năm 2020, khi ông nói, “Tôi nói cho quý vị biết điều này, nếu quý vị gặp khó khăn trong việc xác định xem quý vị ủng hộ tôi hay ông Trump, thì quý vị không phải là người Mỹ gốc Phi Châu.”
“Câu nói đó phải phân biệt chủng tộc đến mức nào chứ?” ông Fisher hỏi. “Đó là cách đồn điền của Đảng Dân Chủ nói với người Mỹ gốc Phi Châu rằng họ quá ngốc để suy nghĩ độc lập, quá ngốc để suy nghĩ chín chắn, và rằng chúng tôi phải tuần hành đến các điểm bỏ phiếu và làm những gì chúng tôi được yêu cầu.”
Người Mỹ gốc Phi Châu ủng hộ ông Trump
Ông Fisher không phải là người duy nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu mong muốn được nhìn thấy cựu TT Trump trở lại nắm quyền vào năm 2024.
“Ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Phi Châu ủng hộ ông ấy,” ông bày tỏ. “Hãy nhìn những rapper. Người gần đây nhất đã phản đối Đảng Dân Chủ là Waka Flocka Flame, người đã thông báo trên Twitter rằng anh ấy sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.”
Hôm 16/10, rapper này đã đăng một bức ảnh của anh ấy và cựu TT Trump, và một bài đăng khác chỉ đơn giản là “TRUMP2024.”
Ông Fisher nói thêm: “Hãy xem một khu dân cư người Mỹ gốc Phi Châu ở quận Fulton đã ủng hộ ông Trump như thế nào trên đường đến nhà giam của quận.”
Họ biết rằng chính phủ đang quấy rối ông vì họ đã chứng kiến điều đó trong cuộc sống của chính họ, ông nói, và họ nhận ra sự đàn áp.
Ông Fisher cho biết ông không ngại bị người khác trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu chỉ trích vì ủng hộ TT Trump.
“Trong việc này, tôi đoán rằng tôi sẽ vấp phải sự phản đối tương tự như điều mà tôi đã phải đối mặt khi thành lập tổ chức, không chỉ từ cộng đồng người da trắng mà còn từ chính cộng đồng của tôi,” ông bày tỏ. “Đó chỉ là điều phù hợp trong phạm vi của quý vị khi quý vị là một người dẫn đầu. Quý vị phải mạnh dạn lên. Quý vị không thể lo sợ sẽ bị chế giễu.”
Ông Fisher cho biết, nhiều người trong cộng đồng da màu đang bí mật đứng về phía cựu TT Trump và muốn thấy ông quay lại nhiệm kỳ của ông.
Ông nói: “Họ sẽ không nói điều đó trước công chúng vì sợ phản ứng dữ dội từ cộng đồng vì họ có danh tiếng, công việc kinh doanh và các mối quan hệ mà họ không muốn gây ra sự tổn hại, nhưng họ sẽ trò chuyện bằng lá phiếu của mình.”
‘Thức tỉnh’ nghĩa là gì
Đối với ông Fisher, thuật ngữ “thức tỉnh” từng tượng trưng cho lòng trắc ẩn, nhưng hàm ý đó giờ đây đã không còn nữa.
Ông chỉ ra lời chỉ trích của ông Trump về từ ngữ này.
“Tôi không thích thuật ngữ thức tỉnh vì tôi nghe thấy ‘thức tỉnh thức tỉnh thức tỉnh,’” cựu TT Trump nói với khán giả tại Câu lạc bộ Bảo tồn truyền thống Westside ở Iowa vào tháng 06/2023. “Đó chỉ là một thuật ngữ họ sử dụng, một nửa trong số họ thậm chí không thể hiểu được định nghĩa từ này, họ không hiểu được đó là gì.”
Ông Fisher nói, mọi người có những quan niệm hoàn toàn khác nhau về sự thức tỉnh, nhưng việc sử dụng nó để lên án sẽ có hại cho quan hệ chủng tộc.
“Độ bao hàm của từ này lớn đến mức giờ đây không ai biết nó có nghĩa gì,” ông nói. “Nó đã hoàn toàn đủ rồi.”
Khi giới truyền thông tiếp tục tạo ra sự chia rẽ, ông Fisher cho rằng điều quan trọng là tất cả mọi người phải lấy lại câu chuyện của mình và cởi mở với quan điểm của nhau, ngay cả khi họ không đồng tình.
Những hành động nhỏ, như lắng nghe người khác thay vì nghe truyền thông, sẽ có tác dụng lâu dài.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times