Làm thế nào để thay đổi các Big Tech?
Bình luận
Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đều đồng ý rằng các Big Tech đã trở nên quá mạnh và cần được thay đổi. Ngay cả Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cũng đồng tình.
Ông nói trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 10/2020 rằng, “Tại Facebook, chúng tôi không nghĩ rằng các công ty công nghệ nên đưa ra quyết định về những vấn đề quan trọng một mình. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Quốc hội về các vấn đề liên quan đến luật lệ.”
Nhưng có nên thực hiện thay đổi dưới hình thức các quy định? Khi yêu cầu Facebook và tất cả các công ty còn lại của lĩnh vực công nghệ cần được quản lý, thì Zuckerberg đang dùng một “lá bùa hộ mệnh” từ cha đẻ của quy định độc quyền ở Hoa Kỳ, ông Samuel Insull, người đã gây sửng sốt hơn một thế kỷ trước khi yêu cầu chính phủ ban hành quy định về quản lý độc quyền đối với công ty điện lực Chicago của ông ta.
Mặc dù ban đầu các công ty độc quyền cung cấp điện khác của Hoa Kỳ còn chần chừ với ý tưởng này, nhưng họ sớm nhận ra rằng đây thực sự là một thiên tài. Họ không bị hạn chế bởi cạnh tranh, các dịch vụ cung cấp điện độc quyền trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý chính phủ để đặt ra các quy tắc cho ngành, các công ty độc quyền về dịch vụ tiện ích đã “chặn đường” của các đối thủ cạnh tranh, đạt mục tiêu lợi tức và củng cố quyền lực của họ. Rất ít người đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các công ty độc quyền cung cấp điện cho đến khi bà Margaret Thatcher phá bỏ độc quyền tại Vương quốc Anh vào năm 1990, nhờ đó đã đưa ra mức giá thấp hơn và cải thiện dịch vụ dân sinh thông qua cạnh tranh.
Nếu các chính phủ ban hành quy định để chỉnh lý Big Tech trong khi vẫn để chúng nguyên vẹn như hiện nay thì kết quả sẽ tồi tệ hơn nữa. Những công ty đại công nghệ sẽ có con dấu bảo chứng của chính phủ, và từ đó họ sẽ dễ dàng tác động đến các nhà quản lý và lập pháp để tạo ra các quy tắc ngăn chặn đối thủ cạnh tranh hiệu quả. Ngay cả khi không có quy định chính thức của chính phủ, họ đã thuyết phục các chính trị gia thông qua vận động hành lang và quyên góp để ban hành các quy tắc phân biệt đối xử chống lại những công ty mới thành lập.
Tệ nhất là ngày nay một số Big Tech đang duy trì ảnh hưởng bao trùm đối với việc ra quyết định chính trị, điều mà họ coi là thành tích.
“Chúng tôi đã hiển thị các cảnh báo về hơn 150 triệu nội dung đã được xác minh bởi những người kiểm tra thông tin từ bên thứ ba của chúng tôi,” ông Zuckerberg tự hào trích dẫn, trong số các ví dụ khác mà ông ta cung cấp cho Quốc hội để chứng minh thành tích của Facebook trong việc giữ Internet an toàn cho những bên cần được bảo vệ, ngăn chặn những hình ảnh bài viết không phù hợp. “Ngoài ra, chúng tôi chặn các quảng cáo chính trị và bình luận mới trong tuần cuối cùng của chiến dịch bầu cử, cũng như tất cả các quảng cáo chính trị và bình luận sau khi bầu cử kết thúc vào đêm hôm đó.”
Zuckerberg báo cáo rằng Facebook đã gỡ xuống 250 triệu nội dung vi phạm chính sách của họ chỉ trong nửa đầu năm 2020.
Khả năng của Big Tech trong việc kiểm soát những gì công chúng có thể được đọc hoặc không được đọc, sẽ vẫn tiếp tục như vậy kể cả nếu việc đó được quy định khác, vì đã có một quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ năm 1978 nói rằng các công ty có quyền thực hiện các quan điểm chính trị tín ngưỡng hoàn toàn không liên quan đến lợi ích kinh doanh của họ. Quyết định này được thông qua theo tỷ lệ 5-4, đã kết thúc 200 năm tiền lệ, xác định rằng các công ty (pháp nhân) được hưởng quyền tự do ngôn luận của Tu chính án Thứ Nhất như các thể nhân, bất chấp những quan điểm bất đồng gay gắt đã được chứng minh là có cơ sở trong quá khứ.
Thẩm phán Tối cao Pháp viện William Rehnquist, sau này trở thành Chánh án, và là người phản đối quyết định năm 1978 nêu trên, đã cảnh báo về những nguy cơ đối với đời sống chính trị khi trao cho các tập đoàn quyền dùng sức mạnh kinh tế của họ để đạt được những lợi ích mà ngay cả những tác giả khi soạn thảo điều lệ thành lập doanh nghiệp cũng không thể tưởng tượng nổi. Những ý kiến đối ngược của các thẩm phán của các tiểu bang khác nói rằng chính quyền các tiểu bang đã biết cách “ngăn cản các doanh nghiệp được phép làm giàu từ những lợi thế đặc biệt mà chính quyền tiểu bang dành cho vì mục tiêu kinh tế nào đó, khỏi việc dùng lợi tức của họ để đạt được các lợi thế không công bằng trong chính trị”.
Phớt lờ các cơ sở truyền thống, các lợi thế không công bằng được cấp cho các tập đoàn, ngăn cản sửa đổi Hiến pháp hoặc ngăn cản quyết định ngược lại của Tối cao Pháp viện, giờ đây đã trở thành hiện thực bất biến. Big Tech được quyền vận dụng quyền lực chính trị không thể phủ nhận theo Hiến pháp, điều mà 4 thẩm phán đã cảnh báo nhưng 5 thẩm phán còn lại cho là lo lắng thái quá về các giả thuyết.
Cách duy nhất hiện nay để hạn chế quyền lực chính trị của Big Tech là biến Big Tech (Công ty công nghệ lớn) trở thành Small Tech (Công ty công nghệ nhỏ) đối với Facebook, Google, Twitter và các cộng sự. Họ buộc phải chia nhỏ, tách rời các công ty con mà họ đã sở hữu từ các thương vụ thâu tóm nhằm xóa bỏ đối thủ cạnh tranh, và phải tước bỏ những lợi thế do chính phủ tạo ra cho chúng từ chính sách tự do kinh doanh, buộc chúng trở nên đủ nhỏ để không còn là mối đe dọa quá lớn trong chính trường.
Những lợi thế kiếm được một cách không chính đáng này bao gồm khả năng vi phạm bản quyền.
Ca sĩ Neil Young than thở: “Các công ty Tech-khổng lồ đã tìm ra cách để được dùng tất cả các bản nhạc tuyệt vời của mọi tác giả của mọi thời đại mà không cần báo cáo số lượt nghe tác phẩm cho nghệ sĩ hoặc trả tiền dù là một xu cho các nhạc sĩ.” Những lợi thế còn bao gồm cả Mục 230 của Đạo luật về chuẩn mực trong thông tin truyền thông, đạo luật này miễn trừ trách nhiệm ràng buộc đối với lĩnh vực công nghệ, nhưng đây lại là điều khoản hạn chế đối với các nhà xuất bản truyền thống. Và lợi thế còn bao gồm trợ giúp tiền mặt và ưu đãi thuế của chính phủ ở mức độ mà những công ty khác không có.
Việc chia nhỏ các công ty Big Tech về quy mô và bãi bỏ quy định dành lợi thế cho các mảng kinh doanh đó để cạnh tranh trên thị trường tự do trở thành kỷ luật trong ngành công nghệ, chứ không phải là ban hành các quy định của chính phủ như Zuckerberg đang dẫn dắt.
Quyền lực sau đó sẽ ra khỏi tay các đại công ty công nghệ và, trở về khởi điểm, sẽ đến tay người dân.
Ông Lawrence Solomon là nhà bình luận, và là giám đốc điều hành của Viện Chính sách Người Tiêu dùng có trụ sở tại Toronto, do bà Jane Jacobs thành lập.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Quý độc giả vui lòng đón đọc Phần 3 – “Kiềm chế quyền lực doanh nghiệp để bảo vệ thị trường tự do”.
Do Lawrence Solomon thực hiện
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: