Làm thế nào để giúp con trẻ xây dựng nền tảng tài chính vững chắc?
Một cuộc trò chuyện với chuyên gia tài chính Anthony ONeal
Người ta thường than thở rằng các học sinh không được dạy những kỹ năng sống trong trường học, ví dụ như cách cân đối chi tiêu hay quản lý tài chính của mình. Chuyên gia tài chính Dave Ramsey đã thành lập công ty Ramsey Solutions nhằm mục đích thay đổi điều đó với “Ramsey Solutions’ Foundations in Personal Finance,” (Tạm dịch: Những nền tảng tài chính cá nhân của Ramsey Solutions).
Đây là các chương trình có kiến thức về tài chính, được đặc biệt thiết kế cho các học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Những chương trình này dành cho các giáo viên và các bậc phụ huynh dạy học tại nhà, bao gồm những video bài giảng từ đội ngũ nhân viên của Ramsey như Anthony ONeal, một diễn giả năng động và là tác giả của cuốn sách “Debt Free Degree” (Đạt bằng cấp không nợ nần) và “The Graduate Survival Guide” (Hướng dẫn cách sống sót sau tốt nghiệp).
Tôi đề nghị ONeal đưa ra lời khuyên cho những học sinh muốn biết cách quản lý tài chính của mình. Và đây là những gì anh ấy trả lời.
The Epoch Times: Công việc của anh tập trung vào việc truyền cảm hứng cho những người trẻ cách quản lý tốt tài chính của họ. Điều gì đã thôi thúc anh đi con đường này?
Anthony ONeal: Tôi đã tận mắt chứng kiến sự thiếu hiểu biết về tài chính của giới trẻ ngày nay. Họ tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng lại không biết cách quản lý tài chính của mình, bởi vì kiến thức tài chính không phải là một lớp học bắt buộc ở phần lớn các trường học. Và thật không may, nhiều bậc phụ huynh lại không có những cuộc trò chuyện với các con mình về vấn đề này. Đây là nguyên nhân chủ yếu tại sao 73% người dân Hoa Kỳ lại đang sống trong cảnh có đồng nào tiêu đồng nấy {mà không có tiền tiết kiệm, tiền để dành} – họ không được dạy cách quản lý tài chính của mình. Tôi muốn góp phần mình vào việc giúp đỡ mọi người xây dựng sự giàu có thịnh vượng, và khởi đầu với việc dạy thế hệ trẻ cách quản lý tiền của mình một cách khôn ngoan.
The Epoch Times: Việc dạy kiến thức về tài chính cho các học sinh từ khi chúng còn trẻ có những lợi ích gì?
ONeal: Tầm cỡ tương lai của bạn được quyết định bởi những lựa chọn của bạn hôm nay. Chúng ta cần giúp hướng dẫn những người trẻ cách đưa ra những lựa chọn đúng đắn về tài chính. Họ cần được học những điều căn bản, để sau này họ có thể đưa ra những chọn lựa tài chính đúng đắn với thông tin chính xác. Tôi đã có một số quyết định sử dụng tiền không khôn ngoan khi còn trẻ, và tôi muốn giúp các bạn trẻ tránh những lỗi lầm tương tự.
The Epoch Times: Những nguyên tắc cơ bản về tiền bạc mà con trẻ cần biết là gì?
ONeal: Tiền không tự nhiên sinh ra. Nguồn tài chính không phải là vô tận, và bố mẹ bạn sẽ không chu cấp tài chính cho bạn cả đời. Các bạn trẻ cần có một kế hoạch tài chính cho số tiền của riêng họ – một ngân sách thu chi. Một ngân sách thu chi sẽ giúp định hình phân bổ số tiền của họ, và đây là thời điểm họ cần sự định hình này nhất trong đời. Họ cũng cần phải loại bỏ nợ nần, thậm chí không biến nó {nợ nần} thành một sự lựa chọn cho bản thân. Nợ nần sẽ đánh cắp tương lai của bạn, và chúng ta thấy rằng điều này đang diễn ra với cuộc khủng hoảng nợ của sinh viên. Sự chuẩn bị từ khi còn ít tuổi sẽ giúp các bạn trẻ này tiến tới một tương lai tài chính tốt đẹp hơn nhiều.
The Epoch Times: Giới trẻ thường có những hiểu lầm nào về tiền bạc?
ONeal: Những người trẻ thường nghĩ rằng nợ nần là không thể tránh khỏi, và họ học được điều này rất nhiều lần từ cha mẹ họ. Họ nghĩ rằng bạn cần phải có thẻ tín dụng, nếu không, bạn sẽ không thể nhận được điểm tín dụng. Và nếu không có điểm tín dụng, bạn không thể tự tạo dựng cuộc sống của bản thân với tư cách là một người trưởng thành. Điều này không đúng. Có nhiều cách cần đến vay nợ {tín dụng} để đạt được thứ bạn muốn, và đôi khi câu trả lời đơn giản là tiết kiệm tiền và chi trả cho nó bằng tiền mặt. Họ cũng nghĩ rằng bạn không thể học đại học mà không có các khoản vay sinh viên, nhưng điều đó cũng không đúng. Đúng là bạn sẽ cần phải làm việc tận tụy, nhưng về lâu dài, bạn sẽ rất biết ơn vì đã không vay mượn từ tương lai để chi trả cho hiện tại.
The Epoch Times: Làm thế nào anh có thể khiến chủ đề tài chính cá nhân này trở nên thú vị đối với các học sinh?
ONeal: Nó cần có liên hệ thực tế. Hãy nói với các em về cuộc sống tương lai mà chúng có thể có nếu chúng bắt đầu làm việc chăm chỉ ở hiện tại. Hãy để chúng mường tượng ra nó! Giống như phần lớn các thứ khác, chúng sẽ không nhìn thấy những thành quả vào ngày mai hay ngày kia, nhưng những lựa chọn tốt được tích lũy theo thời gian sẽ giúp chúng có một cuộc sống tài chính lành mạnh. Hãy cho chúng một tầm nhìn mục tiêu và chỉ ra các bước cần thực hiện để đạt được điều đó. Nếu chúng muốn kiếm tiền, hãy khuyến khích chúng làm việc nhà để nhận được tiền công cho những việc làm đó (chứ không phải cho tiền tiêu vặt). Tiền tiêu vặt không đòi hỏi phải làm việc, nhưng tiền công thì có. Điều này trao cho chúng quyền được tự kiếm tiền, mà lại giúp chúng học được một điều căn bản, đó là bạn không thể kiếm được tiền nếu không đổ mồ hôi công sức vào công việc đó.
The Epoch Times: Anh có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh và giáo viên, những người muốn khuyến khích con cái và học sinh của họ có trách nhiệm với tài chính của bản thân?
ONeal: Đừng nuông chiều con cái bạn trong vấn đề tài chính. Chúng có khả năng chịu trách nhiệm một số vấn đề tài chính, nhưng bạn phải cho chúng những cơ hội và công cụ để làm điều đó. Khi bạn thiết lập ngân sách thu chi của mình, hãy để chúng ngồi cùng bạn và tự viết ra một bản của chúng. Bất kể khoản thu nhập đó là từ tiền công làm việc nhà hay một công việc [nào đó], hãy cho chúng biết rằng chúng cần phải có một kế hoạch chi tiêu. Nếu chúng chọn tiêu hết số đó, đừng cho chúng thêm nữa. Khi vào đời, những quyết định chi tiêu tiền nong sẽ có nhiều hệ quả và học được điều đó từ sớm là một việc quan trọng. Tôi cũng tin rằng nếu tương lai con bạn đi học đại học, chúng nên tự mình chi trả 10% – 20% khoản tiền đó. Chúng có thể kiếm tiền từ một công việc làm thêm hoặc những học bổng hay trợ cấp. Con trẻ cần bỏ ra công sức tương đương trong việc này.
The Epoch Times: Anh có những câu chuyện thành công nào của học sinh muốn chia sẻ không?
ONeal: Có một cô bé trong nhóm người trẻ mà tôi dẫn dắt nhiều năm về trước đã thực hành những nguyên lý tài chính mà tôi dạy và tin tưởng. Cô bé đã dành 4 năm trung học phổ thông để tiết kiệm tiền cho đại học và dành 1 giờ mỗi ngày để xin học bổng và trợ cấp trong khả năng của mình. Nhờ nỗ lực của mình, cô bé đã có thể tốt nghiệp đại học mà không còn nợ nần gì. Đúng là có vài điều cô bé đã bỏ lỡ ở trường trung học phổ thông, nhưng đó là những điều bây giờ cô ấy thậm chí còn không thể nhớ nổi nếu bạn hỏi cô ấy. Giờ đây, khi những người bạn cũ của cô đang chìm trong khoản nợ sinh viên, thì cô hoàn toàn không nợ nần và đang xây dựng tài sản của mình.
Hãy theo dõi Barbara tại Twitter: @barbaradanza
Barbara Danza
Nhã Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: