Làm sao để biết một đứa trẻ được giáo dục đúng đắn hay không?
Tôi nở một nụ cười khi đi ngang qua trường học sáng nay. Nó đã không còn là một thị trấn ma hoang vắng nữa; thay vào đó, tôi phải lái xe qua một hàng dài những ô tô và xe bus đang chờ tiến vào bãi đỗ xe để thả lũ trẻ xuống.
Chứng kiến lũ trẻ trở lại trường học là một điều tốt, nhưng tôi không thể ngừng tự hỏi chúng sẽ học được gì khi ngồi trong lớp học. Làm thế nào để các bậc cha mẹ nhận ra con mình có được giáo dục để trở thành một người trưởng thành hay không khi họ luôn trung thành với việc gửi con đến trường học, hay đây chỉ đơn giản là một chiến dịch tuyên truyền được thực hiện từ từ không hơn không kém?
Đây là câu hỏi mà mọi cha mẹ đều phải đặt ra khi đánh giá trường học của con cái họ, dù là trường công, trường tư, dạy trực tuyến hay tại nhà. Không may là khái niệm “nền giáo dục tốt” thường bị bóp méo hiện nay, vì vậy chúng ta không có manh mối nào để nhận thấy việc thực sự được giáo dục là gì.
Trong cuốn sách “Norms and Nobility”, David Hicks đã đưa ra câu trả lời. Dưới đây là 3 dấu hiệu cho cha mẹ đánh giá con mình có đang trải nghiệm việc học hành đúng đắn hay không.
Cư xử tốt
Hicks giải thích học tập không chỉ được đo đếm bằng số bằng cấp một người sở hữu hay những kỹ năng mà anh ta học được. Thay vào đó, “việc học chân chính biểu hiện ở nhân cách.”
Người ta nói nhân cách được bộc lộ qua cách cư xử đúng mực, Hicks tiếp tục. Một học sinh là sản phẩm của nền giáo dục đúng đắn sẽ biết cách cư xử đúng mực trong những tình huống thường nhật. Anh ta sẽ thể hiện sự kiên nhẫn và sẽ có khướu hài hước, và “khi sự hài hước rời bỏ một người đàn ông có giáo dục thì cách cư xử tốt sẽ nâng đỡ anh ta”.
Hãy tự hỏi bản thân: Liệu giáo dục mà con bạn nhận được có khiến chúng biết cư xử? Chúng đặt sự hài lòng của bản thân hay người khác lên trước tiên? Nếu chúng đang học cách làm cho bản thân mình nổi trội – như mong muốn cá nhân, nhu cầu và cái danh của mình – thì có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải điều chỉnh nền giáo dục.
Không kiêu ngạo
Hicks viết, “một người đàn ông có giáo dục không bao giờ hành động hiếu thắng hay kiêu ngạo: đây là dấu hiệu của những người dốt nát, hay những sinh viên hiện đại với biệt tài ‘làm màu’”.
Khen ngợi và công nhận năng lực của một đứa trẻ là tốt và cần thiết. Tuy nhiên, chúng phải được cân bằng với việc rèn luyện đạo đức, nếu không, một đứa trẻ sẽ tự tin mình biết tuốt. Một đứa trẻ là sản phẩm của một nền giáo dục chân chính sẽ tự tin về khả năng của mình, công nhận những người đã giúp nó đạt được thành tựu đó và không khoe khoang kiến thức hay tài năng một cách phô trương.
Theo đuổi chân lý
Một tình trạng phổ biến ngày nay là học sinh có xu hướng tự tạo ra cái của riêng mình và theo đuổi sự thật do chính mình nhận thức, một sự thật dựa trên cảm xúc và cảm giác. Điều này trái ngược với sự học tập chân chính. Hick cho rằng “một học sinh nhận được nền giáo dục chân chính sẽ hiểu điều gì là tốt, theo đuổi điều đó hơn là chỉ nghĩ cho bản thân trước tiên, tạo ra những điều thiện và công nhận rằng trong tri thức ẩn chứa trách nhiệm này.”
Về bản chất, việc học tập chân chính sẽ rèn luyện cho trẻ em cách tìm hiểu chân lý và thực hành nó trong cuộc sống cũng như trong mối quan hệ với người khác.
Có một khoảng thời gian tạm xa rời giáo dục cho chúng ta cơ hội để lùi lại và đánh giá các trường học của con mình với một góc nhìn mới. Liệu giáo dục con bạn nhận được có khiến chúng được học tập đúng đắn hay chỉ khiến chúng vô cùng chán nản? Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ mặc kệ điều này và đi theo số đông hay chúng ta sẽ phải hy sinh một số điều để bảo đảm rằng con cái chúng ta trưởng thành toàn diện, được giáo dục tốt và học hỏi cả đời?
Annie Holmquist là biên tập viên của tờ Intellectual Takeout. Bài báo này được đăng tải lần đầu tiên trên Intellectual Takeout.
Annie Holmquist
Thiên An biên dịch
Xem thêm: