Làm sao chúng ta có thể tin tưởng các tổ chức dối trá?
Chúng ta được bảo rằng hãy tin tưởng vào các Nhà chức trách, tin tưởng vào các Chuyên gia, và tin tưởng vào Khoa học. Thông điệp về sức khỏe cộng đồng trong đại dịch COVID-19 chỉ đáng tin cậy khi bắt nguồn từ giới chức y tế của chính phủ, Tổ chức Y tế Thế giới, và các công ty dược phẩm, cũng như các nhà khoa học, những người đã lặp đi lặp lại những dòng thông điệp của họ mà không có chút tư duy phản biện nào.
Nhân danh ‘bảo vệ’ công chúng, các nhà chức trách đã nỗ lực hết mình, theo như mô tả trong Hồ sơ Twitter mới được công bố gần đây (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7) ghi chép lại việc FBI thông đồng với các nền tảng mạng xã hội, để tạo ra ảo tưởng về sự đồng thuận trong việc phản ứng thích hợp với dịch bệnh COVID-19.
Họ dập tắt “sự thật,” ngay cả khi điều đó bắt nguồn từ các nhà khoa học rất đáng tin cậy, hủy hoại cuộc tranh luận khoa học và ngăn cản việc khắc phục các sai sót của khoa học. Trên thực tế, toàn thể bộ máy kiểm duyệt đã được tạo ra, bề ngoài là để đối phó với cái gọi là MDM — thông tin sai lệch (thông tin không chính xác do lỗi của con người nhưng không có ý định gây hại); thông tin giả (thông tin nhằm đánh lừa và thao túng); thông tin gây hại (thông tin xuất phát từ sự thật nhưng có mục đích gây hại).
Từ những bên kiểm chứng dữ kiện như NewsBoard, đến Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act) của Ủy ban Âu Châu, Dự luật An toàn Trực tuyến (Online Safety Bill) của Vương Quốc Anh, và Sáng kiến Tin tức Đáng tin cậy (Trusted News Initiative) của BBC, cũng như nhóm Big Tech và phương tiện truyền thông xã hội, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào công luận để ngăn chặn ‘thông tin sai lệch/giả’ của họ.
“Cho dù đó là mối đe dọa đối với sức khỏe hay mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta, thông tin sai lệch đều phải trả giá bằng sinh mạng con người.” — theo ông Tim Davie, Tổng giám đốc BBC.
Nhưng liệu có khi nào các tổ chức ‘đáng tin cậy’ này còn gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều cho xã hội bằng cách phát tán thông tin sai sự thật không?
Mặc dù vấn đề lan truyền tin sai sự thật thường được coi là xuất phát từ công chúng, nhưng trong đại dịch COVID-19, các chính phủ, tập đoàn, tổ chức siêu quốc gia, và thậm chí cả các tạp chí khoa học cũng như tổ chức học thuật đã góp phần tạo ra một câu chuyện sai sự thật.
Những điều sai lầm như “Phong tỏa để giữ mạng sống” và “Không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn” gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sinh kế và sinh mạng của con người. Thông tin sai sự thật đến từ các tổ chức này tràn lan trong thời kỳ đại dịch. Dưới đây chỉ là một ví dụ mẫu minh họa.
Giới chức y tế đã thuyết phục công chúng một cách sai sự thật rằng vaccine COVID-19 ngăn ngừa được sự lây nhiễm và lây truyền mặc dù các nhà sản xuất vaccine thậm chí còn chưa bao giờ thử nghiệm những kết quả này. CDC đã thay đổi định nghĩa của họ về việc chích ngừa để mang tính “toàn diện” hơn đối với các loại vaccine công nghệ mRNA mới. Thay vì người ta kỳ vọng vào việc vaccine sẽ tạo ra khả năng miễn dịch, thì giờ đây vaccine đã đủ tốt để tạo ra sự ngăn ngừa.
Các nhà chức trách cũng lặp lại câu thần chú (mantra – ở trong video phút thứ 16:55) về “tính an toàn và hiệu quả” trong suốt đại dịch mặc dù đã xuất hiện bằng chứng về tác hại của vaccine.
FDA đã từ chối công bố đầy đủ các tài liệu mà họ đã xem xét trong 108 ngày khi cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine. Sau đó, để đối phó với một yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin, họ đã cố gắng trì hoãn việc công bố các tài liệu này trong tối đa 75 năm. Những tài liệu này đã đưa ra bằng chứng về các biến cố bất lợi của vaccine. Điều quan trọng đáng chú ý là từ 50% đến 96% kinh phí của các cơ quan quản lý dược phẩm trên toàn thế giới đến từ các Đại công ty dược phẩm (Big Pharma) dưới hình thức tài trợ hoặc người dùng trả phí. Liệu chúng ta có thể lờ đi sự thật rằng thật khó để có thể ăn cháo đá bát hay không?
Các nhà sản xuất vaccine tuyên bố rằng vaccine có mức độ hiệu quả khá cao về mặt giảm thiểu rủi ro tương đối (từ 67 đến 95%). Tuy nhiên, họ đã không chia sẻ với công chúng rằng biện pháp giảm thiểu rủi ro tuyệt đối đáng tin cậy hơn này chỉ ở mức khoảng 1%, bằng cách đó phóng đại lợi ích mong đợi của những loại vaccine này.
Họ cũng tuyên bố rằng “không quan sát thấy mối lo ngại nghiêm trọng nào về an toàn” mặc dù báo cáo an toàn sau khi cấp phép [cho vaccine] của chính họ tiết lộ nhiều biến cố bất lợi nghiêm trọng, một số trường hợp có thể gây tử vong. Các nhà sản xuất vaccine cũng không công khai nói ra tình trạng ức chế miễn dịch trong hai tuần sau khi chích ngừa và hiệu quả của vaccine suy giảm nhanh chóng, trở nên vô hiệu chỉ sau 6 tháng hoặc nguy cơ nhiễm bệnh gia tăng sau mỗi lần chích bổ sung. Sự thiếu minh bạch về thông tin quan trọng này đã tước đi của người dân quyền chấp thuận sau khi được nắm rõ thông tin.
Họ cũng tuyên bố rằng miễn dịch tự nhiên không đủ khả năng bảo vệ mà cần phải có khả năng miễn dịch kết hợp (kết hợp giữa miễn dịch tự nhiên và chích ngừa). Thông tin sai sự thật này là cần thiết để bán các sản phẩm tồn kho của họ khi đối mặt với các ca nhiễm đột phá (ca nhiễm sau khi đã chích đủ liều vaccine).
Trên thực tế, mặc dù khả năng miễn dịch tự nhiên có thể không ngăn ngừa hoàn toàn việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong tương lai, nhưng lại có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong. Do đó, việc chích vaccine sau khi đã nhiễm bệnh tự nhiên là không cần thiết.
WHO cũng tham gia vào việc đưa ra các thông tin sai sự thật cho công chúng. Họ đã bỏ qua các kế hoạch trước đại dịch của chính mình, và phủ nhận rằng việc phong tỏa và đeo khẩu trang là không đem lại hiệu quả trong việc cứu mạng sống và gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Họ cũng khuyến khích chích ngừa hàng loạt, vốn đi ngược lại với nguyên tắc y tế công cộng về “các can thiệp dựa trên nhu cầu cá nhân”.
Thậm chí họ còn loại trừ khả năng miễn dịch tự nhiên ra khỏi định nghĩa về khả năng miễn dịch cộng đồng và tuyên bố rằng chỉ có vaccine mới có thể giúp đạt được ngưỡng cuối cùng này. Sau đó, định nghĩa này đã bị lật ngược dưới áp lực của cộng đồng khoa học. Một lần nữa, ít nhất 20% kinh phí của WHO đến từ Big Pharma và các nhà hảo tâm đầu tư vào dược phẩm. Đây có phải là trường hợp mà ai chi tiền thì người ấy có quyền hay không?
The Lancet, một tạp chí y khoa uy tín, đã xuất bản một bài báo tuyên bố rằng Hydroxychloroquine (HCQ) — một loại thuốc được chuyển sang sử dụng cho việc điều trị COVID-19 — có liên quan đến việc làm gia tăng nhẹ nguy cơ tử vong. Điều này khiến FDA cấm sử dụng HCQ để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và NIH tạm dừng các thử nghiệm lâm sàng về việc sử dụng HCQ như một phương pháp điều trị COVID-19 tiềm năng. Đó là những biện pháp mạnh mẽ được đưa ra dựa trên một nghiên cứu mà sau đó đã bị rút lại do xuất hiện bằng chứng cho thấy dữ liệu được sử dụng là không đúng.
Trong một trường hợp khác, tạp chí y khoa Các vấn đề Hiện tại về Tim mạch (Current Problems in Cardiology) đã rút lại — mà không có bất kỳ lý do nào — một bài báo cho thấy nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim ở những người trẻ tuổi sau khi chích vaccine COVID-19 tăng lên, sau khi bài báo này được bình duyệt và xuất bản. Các tác giả của bài báo ủng hộ nguyên tắc thận trọng trong việc chích ngừa cho những người trẻ tuổi và kêu gọi thực hiện nhiều nghiên cứu an toàn dược phẩm hơn để đánh giá độ an toàn của vaccine. Việc xóa bỏ những phát hiện như vậy khỏi tài liệu y học không chỉ ngăn cản khoa học đi theo con đường tự nhiên của mình, mà còn chặn đứng những thông tin quan trọng từ công chúng.
Một câu chuyện tương tự đã xảy ra với Ivermectin, một loại thuốc khác được sử dụng để điều trị COVID-19, lần này có khả năng liên quan đến giới học thuật. Ông Andrew Hill tuyên bố (ở phút thứ 5:15) rằng kết luận trong bài báo nghiên cứu của ông về Ivermectin là dưới sự ảnh hưởng của Unitaid, thật trùng hợp, là nhà tài trợ chính của một trung tâm nghiên cứu mới tại nơi làm việc của ông Hill — Đại học Liverpool. Phân tích tổng hợp của ông cho thấy Ivermectin giúp giảm 75% tỷ lệ tử vong do COVID-19. Thay vì ủng hộ việc sử dụng Ivermectin như một phương pháp điều trị COVID-19, thì ông lại kết luận rằng cần có thêm các nghiên cứu.
Việc ngăn chặn các phương pháp điều trị có khả năng cứu sống mạng người đã giúp sức trong việc cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine COVID-19 khi thiếu vắng một phương pháp điều trị, vốn là một điều kiện đối với EUA (trang 3).
Nhiều phương tiện truyền thông cũng đã góp ‘sóng’ trong việc chia sẻ thông tin sai sự thật. Điều đó được thể hiện dưới dạng đưa tin thiên vị hoặc bằng cách chấp nhận trở thành một nền tảng cho các chiến dịch quan hệ công chúng (PR). PR là một từ vô thưởng vô phạt để chỉ sự tuyên truyền hoặc nghệ thuật chia sẻ thông tin nhằm tác động đến dư luận để phục vụ các nhóm lợi ích đặc biệt.
Sự nguy hiểm của PR chính là khiến những người không rành tin vào các quan điểm báo chí độc lập. Các chiến dịch PR làm cho các phát hiện khoa học nghe có vẻ chấn động, để có thể gia tăng mức độ tiếp nhận của người tiêu dùng đối với một phương pháp điều trị nhất định, thu hút nhiều tài trợ hơn cho nghiên cứu tương tự, hoặc khiến cổ phiếu tăng giá. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, các công ty dược phẩm đã chi 6.88 tỷ dollar cho quảng cáo trên TV vào năm 2021. Có lẽ nào khoản tài trợ này đã ảnh hưởng đến việc đưa tin của các phương tiện truyền thông trong đại dịch COVID-19 không?
Sự thiếu liêm chính và xung đột lợi ích đã dẫn đến một đại dịch tin sai sự thật từ các tổ chức chưa từng có tiền lệ. Công chúng có quyền quyết định xem những trường hợp trên có phải là thông tin sai lệch hoặc tin giả hay không.
Niềm tin của công chúng vào giới truyền thông đã sụt giảm nghiêm trọng nhất trong 5 năm qua. Nhiều người cũng đang thức tỉnh trước thông tin sai sự thật từ các tổ chức lan tràn. Công chúng không còn có thể tin tưởng vào các tổ chức “có thẩm quyền” được kỳ vọng sẽ chăm sóc lợi ích của họ. Bài học này quả là đắt giá. Nhiều sinh mạng đã mất đi do sự ngăn cản các biện pháp điều trị sớm và chính sách chích ngừa không hợp lý; doanh nghiệp bị hủy hoại; việc làm bị mất; thành tích giáo dục thụt lùi; nghèo đói trầm trọng hơn; và cả kết quả sức khỏe thể chất và tinh thần trở nên tồi tệ hơn. Một thảm họa hàng loạt có thể ngăn ngừa được.
Chúng ta có một sự lựa chọn: hoặc chúng ta tiếp tục chấp nhận một cách thụ động thông tin sai sự thật từ các tổ chức hoặc chúng ta chống lại thứ này. Chúng ta phải thực hiện những biện pháp kiểm tra và cân bằng nào để giảm thiểu xung đột lợi ích trong các tổ chức nghiên cứu và y tế công cộng? Làm thế nào chúng ta có thể phân tán quyền lực các phương tiện truyền thông và tạp chí học thuật để giảm thiểu ảnh hưởng của quảng cáo dược phẩm lên chính sách biên tập của họ?
Về mặt cá nhân, làm thế nào chúng ta có thể cải thiện óc suy xét của bản thân để trở thành những người tiếp nhận thông tin có lý trí hơn? Chẳng có điều gì giúp đánh tan những câu chuyện sai sự thật tốt hơn ngoài sự tìm tòi của cá nhân và tư duy phản biện. Vì vậy, lần tới khi các tổ chức xung đột vờ kêu gào thống thiết về một mối đe dọa hoặc biến thể rất nguy hiểm hay hiện tượng khí hậu thảm khốc, thì chúng ta cần phải suy ngẫm thật kỹ lưỡng.
Xin chân thành cảm ơn ông Jonathan Engler, ông Domini Gordon, và ông Chris Gordon vì những nhận xét và phản hồi quý báu của họ.
Từ Viện Brownstone
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times