Ký giả Danny Fenster của Hoa Kỳ được trả tự do khỏi nhà tù Miến Điện
Ký giả Hoa Kỳ Danny Fenster, người từng phải đối mặt với bản án 11 năm lao động khổ sai trong nhà tù của Miến Điện – đất nước chịu sự cai trị trực tiếp của quân đội, được trả tự do hôm 15/11 sau gần sáu tháng giam giữ.
Quyết định trả tự do cho ông Fenster được đưa ra sau các cuộc đàm phán giữa chính quyền quân sự cầm quyền của quốc gia này và cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ Bill Richardson hiện đang có chuyến thăm nhân đạo tới quốc gia Đông Nam Á còn được gọi là Myanmar này.
“Việc thả ông Danny đã được bảo đảm sau chuyến thăm riêng tư với sứ mệnh nhân đạo tới Myanmar của Thống đốc Richardson và các cuộc đàm phán trực tiếp với Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh của Myanmar,” theo Trung tâm Richardson, một tổ chức bất vụ lợi hỗ trợ cựu thống đốc tiểu bang New Mexico, cho biết trong một tuyên bố trên Twitter.
Tuyên bố này cho biết nhóm của ông Fenster và ông Richardson sẽ bay trở lại Hoa Kỳ thông qua hãng Qatar trong một ngày rưỡi tới. Tổ chức này cũng đã đăng một bức ảnh trên Twitter cho thấy cả hai cùng nhau chuẩn bị lên một chiếc phi cơ.
Governor Bill Richardson and the Richardson Center are thrilled to announce the release of American journalist Danny Fenster from prison in Myanmar. pic.twitter.com/kBGvlY8e1G
— Richardson Center (@RichardsonCNTR) November 15, 2021
“Đây là ngày mà bạn hy vọng sẽ đến khi bạn làm công việc này,” ông Richardson nói. “Chúng tôi rất vui mừng vì Danny cuối cùng sẽ có thể đoàn tụ với những người thân yêu của ông ấy, những người đã luôn ủng hộ ông ấy suốt thời gian này, bất chấp những khó khăn chồng chất.”
Ông Fenster, biên tập viên quản lý [nội dung] của tạp chí trực tuyến Frontier Myanmar, đã bị kết tội hôm 12/11 vì phát tán thông tin được cho là sai sự thật hoặc có tính chất kích động, liên lạc với các tổ chức bất hợp pháp và vi phạm các quy định về thị thực. Ông là một trong hơn 100 ký giả, quan chức truyền thông, hoặc nhà xuất bản đã bị giam giữ kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ đắc cử của bà Aung San Suu Kyi – người từng đoạt giải Nobel – hồi tháng Hai; bản án của ông là bản án hà khắc nhất.
Trước đó ông đã bị từ chối bảo lãnh và bị giam giữ kể từ khi bị bắt tại Phi trường Quốc tế Yangon ở Mingaladon vào cuối tháng Năm, trong khi ông đang cố gắng rời khỏi đất nước này để thăm gia đình ở Hoa Kỳ.
Mặc dù vẫn chưa thấy được bằng chứng chính xác về những gì mà ông Fenster được cho là đã thực hiện, nhưng phần lớn vụ kiện của cơ quan công tố này dường như chỉ xoay quanh việc chứng minh rằng ông ấy đã làm việc cho một trang web tin tức trực tuyến khác mà đã bị yêu cầu đóng cửa vào năm nay trong một cuộc đàn áp truyền thông sau khi quân đội của nước này lên nắm quyền. Ông Fenster trước đây từng làm việc cho trang web này nhưng đã bỏ công việc đó vào năm ngoái.
Việc trả tự do cho ông Fenster đã được ca ngợi trong một tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người đã nói rằng nhà báo này đã “bị giam giữ một cách sai trái trong gần sáu tháng”.
Ông Blinken nói, “Tôi khen ngợi Đại sứ Tom Vajda cũng như đội ngữ của ông ấy tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở thành phố Rangoon, Đặc phái viên của Tổng thống Chuyên về Vấn đề Con tin Roger Carstens, chuyên gia về Lãnh sự và các đối tác trung thành, bao gồm Thống đốc Bill Richardson, người đã giúp tạo điều kiện cho ông Danny được thả. Chúng tôi rất vui vì ông Danny sẽ sớm được đoàn tụ với gia đình khi chúng tôi tiếp tục kêu gọi trả tự do cho những người khác cũng đang bị tống giam một cách phi lý ở Miến Điện.”
Theo Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 126 ký giả, quan chức truyền thông, hoặc nhà xuất bản đã bị quân đội này giam giữ kể từ khi tiếp quản đất nước. Mặc dù 47 người vẫn đang bị giam giữ, nhưng không phải tất cả những người đó đều bị buộc tội.
Trong số bảy ký giả được biết là đã bị kết án, thì có sáu người mang quốc tịch Miến Điện và bốn người đã được thả trong một cuộc ân xá quy mô lớn hồi tháng Mười.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: