Kỳ 16: Long tộc thời Nguyễn và nền đức trị theo chính Pháp phi thường
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.Là một triều đại thịnh trị bậc nhất cổ kim với các vị vua hiền minh tín Phật, nên không khó hiểu khi các thành viên Long tộc lại hiện diện thường xuyên nhất trong thời đại này.
Kỳ 14: Long tộc thời Lê và công cuộc Nam tiến huy hoàng
Người xưa có câu “Có thể lấy được thiên hạ trên lưng ngựa nhưng không thể trị thiên hạ trên lưng ngựa”. Vì thế nền chính trị thành công sau khi tiếp quản lãnh thổ mới là thứ quyết định tương lai của vùng đất đó, chứ không phải sức mạnh quân sự.
Nhà Nguyễn đã thi hành một nền chính trị xuất sắc kết hợp hoàn hảo giữa Nho và Phật trên vùng đất phương Nam non trẻ và phức tạp, đem lại cho chúng ta dải đất miền Nam tươi đẹp đến ngày nay.
Hoằng dương Chính Pháp, Nho Phật cùng trị thiên hạ
Sau khi Nguyễn Hoàng mất, các con cháu ông nối nghiệp đã tiếp tục mở rộng lãnh thổ Đàng Trong, đánh bại tất cả các cuộc xâm lấn của quân Đàng Ngoài, biến Đàng Trong trở thành một vương quốc hùng mạnh bậc nhất khu vực. Đúng như lời nhận xét của đình thần nhà Thanh khi chúa Minh Vương dâng thư xin sắc phong: “Nước Quảng Nam hùng trị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn.Tuy nhiên nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được”.
Sự hùng mạnh đó của Đàng Trong bắt đầu từ Nguyễn Hoàng và dần phát triển rực rỡ đỉnh cao dưới thời vị Chúa thứ sáu là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu. Tuy các vị Chúa trước của Đàng Trong đều là người có năng lực, thi hành đức chính và chính trị rất tốt nhưng vẫn còn thiếu một thứ vô cùng quan trọng để gầy dựng một vương triều to lớn, đó là Đạo trị quốc. Đàng Trong là một miền đất non trẻ và hoàn toàn khác miền Đàng Ngoài nên Đạo trị quốc càng cần phải phù hợp hơn mới có thể phát huy sức mạnh vùng đất này.
Sau 5 đời Chúa thì đã đến lúc sự phát triển của Đàng Trong cần có một nội lực mạnh mẽ hơn để có thể chuyển mình, và đây chính là lúc mà Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đản sanh để thi hành nhiệm vụ của Trời giao phó, giúp họ Nguyễn gây dựng cơ đồ to lớn hơn (thời Minh Vương cũng là thời mà Đàng Trong mở rộng đến tận Hà Tiên, cũng là năm mà Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược, sáp nhập lãnh thổ Thủy Chân Lạp vào bản đồ Đại Việt). Có lẽ 5 đời thi hành đức chính, hoằng truyền Phật pháp của các chúa Nguyễn đã tích đủ âm đức nên mới có sự việc này xảy ra. Sự kiện giáng sinh của Minh Vương Phúc Chu đến nay vẫn còn lưu truyền như một huyền thoại:
“Trước kia, năm Giáp dần, mùa thu, ở phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vận quanh, ở giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở, người thức giả cho là điềm thánh. Năm sau chúa đúng kỳ giáng sinh, mùi thơm nức nhà”. (Đại Nam thực lục)
Sự kiện vô cùng quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của Đàng Trong là khi Minh Vương mời được vị hòa thượng đức độ, tài hoa bậc nhất là Thiền sư Thạch Liêm về giảng Pháp, nhân đó mà học được Phật Pháp, vận dụng sự viên dung giữa hai trường phái Nho Phật trong việc trị quốc.
1694, thiền sư Thạch Liêm nhận lời của Minh Vương đến Đàng Trong thuyết Pháp.
1695, sau khi đến nơi, Hòa thượng đã tổ chức giới đàn để truyền giới Bồ tát cho Chúa và quyến thuộc, quan lại và 1400 tăng ni ở Phú Xuân. Đồng thời cũng trao cho Chúa một bản điều trần về việc dùng Chính Pháp cai trị quốc gia.
“Ngày sau cáo từ lui về, Vương lại cầu khẩn. Ta bèn đem những việc chính trị bàn luận mấy ngày nay, chép ra từng điều một, nhân điều trần “Lập quốc chánh ước” 18 điều, đều là những việc thương lính, yêu dân, thông thương, lợi quốc, kỷ cương pháp độ, chép từng chi tiết rõ ràng. Vương đọc xem rất mừng, bảo nội quan Chưởng sự rằng: “Nước ta pháp độ dân tình đều chưa được đúng đắn, nay nhờ lão hòa thượng đem lễ phép Trung Quốc chỉ dạy, liệt trần 18 điều; nên khắc bảng yết lên cửa phủ, hiểu dụ văn võ quan dân đều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia loại nêu rõ. Nếu ai trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị thiệt hại, cầm thẻ bài đến kêu. Vô luận văn võ quân dân vương thân quốc thích đều cứ pháp luật trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy”.”
(“Hải ngoại kỷ sự”-Thích Đại Sán)
Đóng góp của thiền sư Thạch Liêm là vô cùng cần thiết trong quá trình phát triển đường lối trị quốc của chúa Nguyễn. Nên biết rằng Đàng Trong thời đó là nơi cư ngụ của rất nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, kết cấu xã hội phức tạp và không có nền tảng trị quốc lâu năm như Đàng Ngoài. Muốn quốc gia phát triển, ắt phải tìm ra một phương pháp trị quốc khả dĩ có thể quy kết lòng dân, giáo hóa văn minh và cai trị hiệu quả.
Đạo Phật có ảnh hưởng lớn ở Đàng Trong, nhưng tầng lớp tăng chúng lại không đủ uyên thâm giáo lý Phật Pháp để có thể giúp vua trị quốc. Nho giáo thì dùng trị quốc rất tốt nhưng lại chỉ phù hợp quan lại và trí thức. Nho giáo không thể quy kết lòng dân cả xã hội như Phật giáo. Trong giáo lý phổ truyền của Nho và Phật lại có chỗ mâu thuẫn với nhau, nếu không phải bậc chân tu hiểu đạo ắt không dễ mà kết hợp để trị quốc được.
Vì thế khi thiền sư Thạch Liêm đến Phú Xuân, cảm tấm lòng thành và nhân duyên đời trước của Minh Vương, ông đã đem sở đắc cả đời của mình truyền cho chúa Nguyễn, vừa hay lại phù hợp với tình hình chính trị Đàng Trong thời đó. Sở đắc của thiền sư chính là Nho Phật nhất trí, sư đã dùng Phật pháp để lý giải và dung hợp những chỗ mâu thuẫn của Phật và Nho giáo, khả dĩ có thể dùng cả hai để cai trị thiên hạ theo Chính Pháp. Bởi vì thiền sư Thạch Liêm hiểu đến chỗ cốt tủy trị quốc nằm ở Đạo Đức của nhà vua và cả hai giáo lý đều nhắm vào việc tu thân dưỡng tính, thuận theo lòng Trời. Nay Minh Vương đã nhất tâm hướng Phật, thể hiện đạo đức cao vời thì việc dung hòa pháp độ Nho gia và Pháp lý nhà Phật sẽ vô cùng dễ dàng.
Điều này thể hiện rõ trong hai câu đối treo tại giới đàn ở Phú Xuân năm 1695:
“Thích thị trì luật, nho giả lý trung, tổng yếu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại.
Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng quy kiến tính minh tâm, đoan do giới thận bất đổ, khủng cụ bất văn.”
Tạm dịch nghĩa :
Cửa Phật giới luật, nhà nho trung dung, chỉ cốt thành ý chính tâm, tự nhiên ngoài có nghĩa phương, trong có kính trực. Quân tử cơ vi, thầy chùa nhập định, đều để minh tâm kiến tính, bởi vì răn chỗ chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe.
Khai phá miền Nam, Cửu Long hộ quốc
Chỉ trong thời gian ngắn sau khi hòa thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong hoằng truyền Chính Pháp và Minh Vương áp dụng pháp độ mới trị quốc, tin vui dồn dập kéo đến với quốc gia non trẻ này. Các tướng lãnh tài năng dưới sự lãnh đạo của vị Chúa trẻ tuổi đã thành công mở rộng bờ cõi về phương Nam rộng hơn bất kỳ thời đại nào trước đó. Trong quá trình đó đã hoàn toàn đánh hạ 2 quốc gia, đưa lãnh thổ phát triển đến cực Tây, thu đất Hà Tiên vào bản đồ.
“Năm Mậu Dần (1698) mùa xuân, chúa sai Hữu Cảnh làm Thống suất, đem quân đi kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đồng Phố, đặt làm phủ Gia Định phân chia đất ấy, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Mở đất nghìn dặm, dân được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính trở vào nam cho ở đất ấy. Đặt xã, thôn, phường ấp, khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm sổ đinh. Đến lúc về, Hữu Cảnh lại lĩnh trấn như cũ”.
(Đại Nam Liệt Truyện – Nguyễn Hữu Cảnh)
Như đã nói ở trên, nhà họ Nguyễn chịu nhận Thiên mệnh phát triển quốc gia về phía Nam để hình thành một cục diện Nam Bắc, Âm Dương cân bằng cho Đại Việt. Song song với quá trình phát triển thế lực của mình về phương Nam, nhà Nguyễn cũng củng cố, làm mạnh thêm cho long mạch khu vực miền Trung và khai phá thêm long mạch mới rất hùng mạnh và vô cùng quan trọng cho tương lai đất nước trong tương lai, là long mạch Cửu Long Giang, vùng đất Chín Rồng.
Vì sao long mạch Cửu Long lại quan trọng như thế? Phong thủy Tả Ao có câu ca quyết như sau:
“Bình dương lấy nước làm thầy
Thứ nhất khai khẩu, thứ nhì nhũ long
Thứ ba mạch thắt cổ bồng
Thứ tư sơn chỉ hồi long càng tài”
Ý nghĩa các câu trên nói về long mạch dạng thủy ở vùng đồng bằng, một loại long mạch gắn liền với quyền lực kinh tế, phải đoạt được sau khi đã thành công về mặt binh quyền và chính trị nếu muốn duy trì triều đại hùng mạnh lâu dài.
Long mạch nước ta tại miền Bắc qua mấy triều đại đã không đủ vượng khí để đáp ứng cho vận hội phát triển mới của đất nước trong đà tiến tới hình thành một quốc gia có địa thế Âm Dương cân bằng hoàn chỉnh. Để có thể phát triển thành một quốc gia thịnh vượng với diện tích lớn hơn gần gấp đôi thì cần phải có thêm sự bổ trợ của vượng khí từ các long mạch vùng đất mới như miền Trung và đặc biệt là miền Nam. Vì miền Nam là long mạch vùng đồng bằng, lấy nước làm chủ đạo, tượng trưng cho tài phú thịnh vượng, vốn là điều quan trọng nhất cho dân sinh của một đất nước.
Điều này thì long mạch đồng bằng sông Hồng cũng như toàn bộ duyên hải miền Trung không đáp ứng được. Long mạch các nơi đó (Bắc và Trung) dùng để bình định thiên hạ qua loạn lạc, để nắm quyền chính trị chứ không để đem lại sự thịnh vượng vững mạnh về đời sống kinh tế cho người dân như đại long mạch Cửu Long được. Long mạch đồng bằng sông Cửu Long vốn bắt nguồn từ sông Mekong, đứng thứ 10 về lưu lượng nước trong các con sông lớn nhất của thế giới. Nó khởi nguồn từ cao nguyên Thanh Hải ở Tây Tạng, như một con rồng khổng lồ vươn mình ra biển Đông tại nước ta với 9 cái đầu hùng vĩ (hay cũng có thể là 9 con rồng).
Với đại long mạch tầm cỡ đó, nếu biết cách dùng, gặp lãnh đạo tài đức và vận hội tốt thì việc đứng top đầu trong các cường quốc thế giới cũng không phải là chuyện khó, chứ nói gì duy hộ cho một triều đại. Và quả thật từ khi đoạt được miền Nam, thì vận khí của nhà chúa Nguyễn đã thay đổi vô cùng lớn. Chính vùng đất này đã giúp chúa Nguyễn vượt qua cơn binh lửa Tây Sơn, vững vàng thống nhất đất nước và cai trị thêm 143 năm nữa.
Lời bàn:
Triều đại nhà Nguyễn vốn nắm giữ Thiên mệnh to lớn, nhận lãnh nhiệm vụ khó khăn mà Trời giao để khai phá mở mang nước ta thành một nước lớn, đầy đủ về Âm Dương Phong thủy có thể đứng ngang hàng trong thế cân bằng với Trung Hoa. Nhìn trên bản đồ thì phải đến khi lãnh thổ chúng ta trải dài thành hình chữ S thì mới thể hiện đầy đủ một đồ hình Âm Dương thu nhỏ. Đó là công lao nghìn năm của tất cả các triều đại mà nhà Nguyễn đã kỳ công hoàn tất.
Họ đã phải trải qua 200 năm khổ nhọc từ khi lấy được ngôi long mạch Thiên táng huyền thoại, sau đó dùng Đức độ của mình, liên tục thi hành các chính sách hợp lòng trời, mở mang bờ cõi, an cư lạc nghiệp cho vô số dân chúng cơ khổ của một nước Đại Việt loạn lạc, chia rẽ. Chính gia tộc này đã bỏ vốn cực lớn với 200 năm mở cõi, và thêm vào đó là hơn 140 năm chiến đấu đẫm máu với một đế quốc Xiêm La hùng mạnh nhất khu vực mới có thể thành công củng cố lãnh thổ miền Nam cho một tương lai giàu mạnh của dân tộc nhiều đời sau.
Thật không thể tưởng tượng đất nước này sẽ bi thảm ra sao nếu như chúng ta không thể thành công đột phá về phương Nam. Đó là kết cục diệt quốc của Nam Chiếu, của Chăm Pa vẫn còn tươi mới trong lịch sử. Và đến thế kỷ 21 này, nước ta có nắm được thời vận để quật khởi trở thành cường quốc hay không, thì không chỉ dựa vào đức độ của lãnh đạo mà còn phải có sự bổ trợ về năng lượng tâm linh của một đại long mạch cỡ như Cửu Long giang.
Thế mà qua một thời gian dài mấy chục năm, triều đại nhà Nguyễn vì đã thể hiện kém lúc thoái trào (bất kỳ chế độ hay triều đại nào cũng sẽ như thế) mà bị bao thế hệ sử gia gần như phủ nhận sạch trơn công đức vĩ đại của dòng họ này. Vì họ Nguyễn nhận mệnh trời mà mở nước, làm thế có khác nào phủ nhận ân sủng của Thần đã ban cho dân ta một vùng đất tươi đẹp như miền Nam hay sao. Vì sao mà mấy mươi năm qua quân dân chúng ta ở vùng đất này mãi vẫn không giàu có, vì sao ở trên đất vàng mà vẫn khốn khó, vì sao không được Thần ân tứ để giàu mạnh? Chẳng phải do cái tâm thái nguy hiểm vô ơn mấy chục năm kia hay sao. Thật là nguy hiểm lắm thay.
Đông Phong
(Còn tiếp)
Xem thêm: