Kiểu người nào tin vào hiện tượng tâm linh? Bạn là ‘cừu’ hay ‘dê’?
Không dễ để lập ra hồ sơ tâm lý của một người tin vào các hiện tượng tâm linh (parapsychic), có nhiều kiểu người khác nhau tin vào hiện tượng đó, tuy nhiên dường như có tồn tại một số đặc điểm phổ biến.
Các nghiên cứu tâm lý về những người tin vào các hiện tượng tâm linh cho thấy tuổi tác và trình độ học vấn dường như không quan trọng. Quan điểm chính trị có lẽ cũng không có bất kỳ ảnh hưởng nào. Tuy nhiên, Tiến sĩ Erlendur Haraldsson, một nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng những người tin vào điều này có thể có xu hướng làm việc cho công ty tư nhân cao hơn một chút, trong khi những người không tin có thể thích tham gia vào một doanh nghiệp do chính phủ điều hành hoặc doanh nghiệp liên doanh.
Những người tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thì có nhiều khả năng dễ tin hơn, họ nhìn thấy các mối liên hệ thay vì cho đó là sự tình cờ hay ngẫu nhiên. Mối quan tâm tự do hoặc chung chung về tâm linh có thể khiến người ta tin vào các hiện tượng siêu nhiên hơn. Ngoài ra, phụ nữ có xu hướng tin vào tâm linh cao hơn một chút so với nam giới.
“Những người có niềm tin về tâm linh có thể có xu hướng làm việc trong công ty tư nhân cao hơn một chút.”
Tiến sĩ Haraldsson đã thực hiện một số nghiên cứu theo hướng này trong những năm 1980 và đầu những năm 2000. Các khía cạnh trong những phát hiện của ông đã được những nhà tâm lý học khác xác nhận trong các nghiên cứu tương tự.
Trong một nghiên cứu năm 1980 để đánh giá một cách rộng rãi các đặc điểm tính cách cùng với niềm tin tâm linh, Tiến sĩ Haraldsson nhận thấy rằng rất khó để tìm ra mối liên hệ giữa tính cách với đức tin.
Ông sử dụng các thuật ngữ “cừu” và “dê” vì cho rằng chúng là những thuật ngữ phổ biến trong cận tâm lý học để mô tả tương ứng về những người tin và không tin. Ông đã viết:
“Biến số cừu-dê thường chỉ liên quan đến 7% phương sai trong các phép đo tính cách. Đây là một phần lý do tại sao, trong cả hai nghiên cứu, dự đoán tình trạng cừu-dê trong một mẫu mới tương đối không thành công: tính cách không phải là yếu tố mạnh mẽ để xác định về việc một người là cừu hay dê.”
(Phương sai: là phép đo mức chênh lệch giữa các số liệu trong một tập dữ liệu trong thống kê, đo khoảng cách giữa mỗi số liệu với nhau và đến giá trị trung bình của tập dữ liệu).
- “Cừu” là một thuật ngữ được các nhà cận tâm lý học sử dụng để chỉ một người tin vào hiện tượng tâm linh.
- “Dê” là một thuật ngữ được các nhà cận tâm lý học sử dụng để chỉ một người không tin vào hiện tượng tâm linh
Tiến sĩ Erlendur Haraldsson, Giáo sư danh dự, Trường Khoa học Sức khỏe, Khoa Tâm lý, Đại học Iceland, đã viết “Tính cách không phải là yếu tố chính để xác định một người là cừu hay dê.”
Năm 1981, ông xem xét cụ thể hơn các quan điểm tôn giáo và chính trị. Khoảng 25% trong số 900 người, trong độ tuổi từ 30 đến 70 tuổi, được chọn ngẫu nhiên từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Iceland, cho biết họ đã có trải nghiệm thực tế về tôn giáo hoặc tâm linh. Con số này tương tự như con số được tìm thấy trong các cuộc khảo sát ở Hoa Kỳ và Anh Quốc vào thời điểm đó, Tiến sĩ Haraldsson lưu ý. Những người này có xu hướng tin vào các hiện tượng tâm linh cao hơn. Ông nhận thấy mối tương quan tích cực ở cấp độ nhẹ với việc đọc Kinh Thánh, nhưng mối tương quan lại là đáng kể hơn nhiều với việc đọc về các tôn giáo phương Đông. Ông viết: “Điều này có thể chỉ ra rằng niềm tin vào các hiện tượng tâm linh có liên quan nhiều đến mối quan tâm tôn giáo tự do hoặc tôn giáo chung hơn là niềm tin Cơ đốc giáo chính thống hoặc các giáo phái.”
Mối tương quan lớn nhất là với niềm tin vào thế giới bên kia. Ông cũng tìm thấy mối tương quan tích cực cấp độ nhẹ với tần suất nhớ lại giấc mơ và cách giải thích giấc mơ.
Ông đã lặp lại cuộc khảo sát này một vài lần, với những điều chỉnh nhỏ, và ở quy mô nhỏ hơn, trong số sinh viên của Đại học Iceland, và mỗi lần đều thấy kết quả tương tự.
Về xu hướng giải thích giấc mơ của những người có đức tin, Tiến sĩ Haraldsson suy đoán rằng việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống có thể liên quan rộng hơn đến niềm tin vào các hiện tượng tâm linh.
Ông viết: “Thật thú vị khi một số nhà xã hội học về tôn giáo … giải thích tôn giáo như một cuộc tìm kiếm ý nghĩa của cá nhân–như một nỗ lực để xây dựng hiện thực thành một thế giới có ý nghĩa hoặc xây dựng một hệ thống ý nghĩa.”
“Việc gán nhãn một trải nghiệm là ‘tâm linh’ thường phụ thuộc vào việc đánh giá của một cá nhân về các sự kiện là có mối liên hệ có ý nghĩa chứ không phải là sự trùng hợp thuần túy. Trên cơ sở này, người ta có thể đặt ra câu hỏi rằng xu hướng nhìn nhận khác nhau ở các cá nhân để đánh giá các sự kiện dưa theo quan hệ nhân quả, là nguồn gốc chung của các mối quan hệ nhỏ nhưng quan trọng giữa tôn giáo (theo nghĩa rộng) và niềm tin vào các hiện tượng tâm linh hay không,” ông nói thêm.
Vào năm 2011, Tiến sĩ Bruce Greyson của Đại học Virginia nhận xét về xu hướng tương tự của những người tin vào các hiện tượng huyền bí để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
Trong bài báo có tiêu đề “Những điều trùng hợp có ý nghĩa và những trải nghiệm cận tử” được xuất bản trên tạp chí Psychiatric Annals, ông Greyson cho biết, “Nhận thức về sự trùng hợp và ghi nhận ý nghĩa của chúng có liên quan đến niềm tin và trải nghiệm về các hiện tượng huyền bí, niềm tin vào các phương thức tư duy trực quan, một mối quan tâm đến tinh thần và một phong cách xử lý thông tin mang tính trải nghiệm hơn là dựa trên lý tính.”
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng không rõ định hướng về nhân quả ở đây là gì: những người có đức tin tìm kiếm ý nghĩa, hay việc tìm kiếm ý nghĩa là nguồn cảm hứng cho đức tin?
Năm 2003, Tiến sĩ Haraldsson thực hiện một nghiên cứu về những đứa trẻ ở Liban, những người thường xuyên nói về những ký ức của tiền kiếp. Luân hồi là một hiện tượng tâm linh (“parapsychic,” mặc dù thường được kết hợp với dự đoán tương lai, v.v., là một thuật ngữ chỉ bất kỳ hiện tượng tâm thần nào, bất cứ điều gì liên quan đến linh hồn hoặc tinh thần con người hoặc điều gì đó thuộc về tâm linh và vượt ra ngoài kiến thức khoa học). Ông so sánh những đứa trẻ này với một nhóm trẻ chưa bao giờ đề cập đến tiền kiếp.
Ông phát hiện ra rằng những đứa trẻ có ký ức về tiền kiếp “tỷ lệ cao hơn về khả năng mơ mộng, tìm kiếm sự chú ý và sự tách biệt, nhưng không có sự cô lập xã hội hay tính dễ bị ám thị.”
Những đứa trẻ nói về tiền kiếp sẽ mơ nhiều hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy chúng có nhiều khả năng tạo ra những trải nghiệm tưởng tượng hơn. Chúng cũng không được cho là dễ bị ám thị hơn. Trong một nghiên cứu của mình ở Sri Lanka, ông phát hiện ra rằng những đứa trẻ như vậy có vốn từ vựng phong phú hơn, đạt điểm cao hơn trong một bài kiểm tra trí thông minh ngắn gọn và học tập tốt hơn các bạn cùng lứa tuổi.
Do Tara Macisaac thực hiện
Ngọc Quỳnh biên dịch
Tham khảo bản gốc tại Epoch Times Pháp ngữ
Xem thêm: