Kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất thế giới có trước cả nền văn minh của nhân loại
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện một kết cấu kiến trúc bằng gỗ ở Zambia có niên đại từ thời kỳ đồ đá sơ khai (hay kỷ nguyên Pleistocen) vào khoảng 476,000 năm trước. Đây là cách sử dụng gỗ sớm nhất được biết đến trong các kiến trúc của nhân loại. Phát hiện này đã mở rộng sự hiểu biết của các khoa học gia về kỹ thuật của con người thời kỳ đầu trong việc tạo hình thân cây thành các cấu trúc cỡ lớn.
Một nghiên cứu được công bố hôm 20/09 trên tạp chí Nature đã trình bày chi tiết phát hiện này. Bản thân cấu trúc này có trước cả sự xuất hiện của con người theo hiểu biết hiện nay (120,000 năm trước).
Thác Kalambo cao 772 feet (khoảng 235 mét), nằm ở biên giới của Zambia và Tanzania, đây là thác nước cao thứ hai ở lục địa châu Phi. Kết cấu bằng gỗ này được phát hiện ở đó vào năm 2019. Nó bao gồm hai khúc gỗ lồng với nhau bằng các rãnh khớp, và ở trạng thái bảo quản rất tốt. Trên cả hai khúc gỗ có dấu vết dụng cụ. Gần đó, người ta còn tìm thấy một loạt dụng cụ bằng gỗ.
Phát hiện này là bằng chứng sớm nhất về việc con người cố ý ghép hai khúc gỗ lại với nhau. Các nhà nghiên cứu cho rằng những khúc gỗ này có thể đã được sử dụng để xây dựng sân nền, lối đi hoặc nền móng trên cao cho những ngôi nhà ở khu vực bị ngập lụt định kỳ trong khu vực. Các nghiên cứu trước đây cho thấy gỗ chỉ được sử dụng để đào bới, làm giáo và tạo lửa. Trước đó vào năm 1952, một hiện vật bằng gỗ được cải tạo rõ ràng khác đã được tìm thấy ở Nam Phi, có niên đại từ thời kỳ đồ đá giữa (Middle Stone Age).
Đồng tác giả của nghiên cứu, nhà khảo cổ học Larry Barham tại Đại học Liverpool cho biết trong một tuyên bố rằng: “Khám phá này đã làm thay đổi quan điểm của tôi về tổ tiên loài người. Hãy nhìn xem những người này đang làm gì: họ đang tạo ra một thứ gì đó mới mẻ và to lớn từ gỗ. Họ đã sử dụng trí thông minh và trí tưởng tượng để tạo ra một thứ gì đó chưa từng thực hiện trước đây.”
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này đã thách thức quan điểm chung cho rằng con người thời kỳ đồ đá đang ở giai đoạn du mục. Thác Kalambo có thể cung cấp nguồn nước liên tục, còn khu rừng xung quanh cung cấp đủ gỗ để giúp con người xây dựng những kiến trúc kiên cố hoặc bán kiên cố.
Ông Barham nói: “Họ đã biến đổi môi trường xung quanh và làm cho cuộc sống trở nên thoải mái hơn, dù đó chỉ là xây dựng một chỗ đứng bên bờ sông để tiện hoàn thành công việc hàng ngày. Những người này hiện đại hơn chúng ta nghĩ.”
Nhóm nghiên cứu này đã sử dụng kỹ thuật xác định niên đại bằng phát quang (luminescence dating) để tìm độ tuổi của vật thể. Kỹ thuật này có thể ước tính thời điểm các khoáng chất trong hạt cát xung quanh gỗ tiếp xúc lần cuối với ánh sáng mặt trời. Các phân tích ước tính cổ vật này có niên đại gần 500,000 năm tuổi.
Đồng tác giả của nghiên cứu, nhà địa lý học và là khoa học gia về niên đại phát quang Geoff Duller tại Đại học Aberystwyth, cho biết: “Việc xác định niên đại là vô cùng thách thức. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng phát quang để làm điều này.”
“Những phương pháp xác định niên đại mới này có ý nghĩa sâu rộng – cho phép chúng ta ngược dòng thời gian xa hơn, [từ đó] thấy được quá trình phát triển của nhân loại.”
Địa điểm khảo cổ tại Thác Kalambo được khai quật lần đầu tiên vào những năm 1950 và 1960. Thời điểm đó, các kỹ thuật xác định vẫn chưa cho phép các nhà khảo cổ hiểu được tầm quan trọng của những phát hiện này. Nhờ có ý nghĩa khảo cổ, khu vực này hiện đã được liệt vào trong danh sách dự kiến Di sản Thế giới của UNESCO.
Nghiên cứu này là một phần của dự án Deep Roots of Humanity, được sáng lập bởi một nhóm quốc tế gồm các nhà nghiên cứu liên ngành với mong muốn tìm hiểu kỹ thuật của con người phát triển như thế nào trong thời kỳ đồ đá.