Kịch bản nhân sinh: Hạnh phúc là một ‘vở kịch của nội tâm’
Nhân sinh giống một vở kịch, mỗi người đều có câu chuyện và kịch bản nhân sinh của riêng mình, không thể tự chọn nhân vật hoặc vở kịch mà mình thích để diễn. Vậy quy luật vận hành của bộ kịch bản này là gì?
Tác giả Thiên Lý Thuần Phong (Qianli Chunfeng) là một người nghiên cứu tướng mệnh với hơn chục năm kinh nghiệm, người hâm mộ gọi ông là “đại thúc”. Càng tính toán đoán mệnh cho nhiều người, ông càng cảm nhận sâu sắc rằng ý nghĩa quan trọng nhất của số mệnh là để cho con người có cơ duyên đề cao và cải thiện bản thân. Hãy luyện cho mình có ý thức nhận thức bản thân, tu chỉnh nội tâm, đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời, thì có thể buông bỏ một số việc nào đó, và tìm được con đường phù hợp nhất.
***
Tôi có quen biết hai anh em, từ nhỏ họ đã biểu hiện ra sự khác biệt rất lớn.
Người anh ở mọi phương diện đều biểu hiện khá xuất sắc, được người cha thành công trong sự nghiệp yêu quý và bồi dưỡng, một mạch học đến viện nghiên cứu của đại học hàng đầu.
Trong kế hoạch của người cha và bản thân anh, sau khi anh tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thì có thể về nhà giúp đỡ cha, đồng thời tiếp nhận sự nghiệp của gia tộc.
Còn người em, từ bậc tiểu học đã có thành tích không tốt, đến khi học trung học cũng bởi vì ham chơi mà đã gây ra không ít chuyện xấu. Vì vậy, người cha không mấy yêu thích cũng không có kỳ vọng gì.
Không cần phải nói, mọi người rất coi trọng đối với tiền đồ của người anh. Chỉ tiếc rằng, thế sự tự có quy luật vận động của nó, khó mà vận hành dựa theo kỳ vọng của con người.
Sau khi người anh trở về làm việc cho gia đình được vài năm, công ty của người cha vốn kinh doanh có tiếng tăm, đột nhiên gặp phải thua lỗ về tài chính nghiêm trọng, nhất thời không đủ vốn quay vòng, cứ như vậy thất bại không gượng dậy nổi. Không bao lâu sau, công ty chấm dứt hoạt động kinh doanh, người anh phải đến Đài Bắc tìm việc làm, trở thành một người đi làm bình thường như bao người khác.
Năng lực của người anh vốn rất giỏi, vì vậy con đường thăng tiến cũng rất thuận lợi, hiện đã là quản lý của một công ty nổi tiếng. Có điều anh cũng không hài lòng về bản thân mình, mỗi lần nói chuyện vẫn khó nén được nỗi thất vọng.
Anh nói rằng, em trai anh hiện mở cửa hàng kinh doanh điện nước, đồng thời thầu các công trình trang trí, có riêng một đội thợ. Việc làm ăn buôn bán của em trai rất tốt, cũng đã lấy vợ sinh con, cuộc sống gia đình tương đối mỹ mãn.
Nhìn lại chính bản thân mình, sắp 40 tuổi rồi vẫn chưa kết hôn, không sự nghiệp, không có gia đình, hoàn toàn không như kỳ vọng trước đây.
Tình cảm giữa anh và em trai vẫn luôn tốt đẹp, nhưng anh không thể nào hiểu được, tại sao mình như vậy mà lại “thua kém so với em trai”?
Trong nhân sinh, không thể chỉ diễn nhân vật mà mình yêu thích
Nói thật ra, hai anh em này mỗi người đều có sở trường riêng, mỗi người đều đảm đương rất tốt vai trò của mình, cho nên cũng không có chuyện người nào tốt hơn hay kém hơn so với người kia. Hơn nữa, “tái ông mất ngựa”, làm sao biết được không phải là phúc. Người anh mặc dù không còn có sự nghiệp gia tộc để kế thừa, nhưng chính bởi vì như thế, anh lại đi trên một con đường thích hợp hơn.
Bởi vì trong mệnh của người anh không có tướng tinh (sao làm tướng), cũng không thích hợp với sự nghiệp kinh doanh hay làm lãnh đạo. Mà ngược lại, mệnh của anh có sao làm quan, thích hợp làm trong tổ chức được thể chế hóa hoặc cơ quan nhà nước. Nếu có thể làm việc tuân thủ chế độ, thì mệnh có cơ hội thăng chức. Có điều người anh sau khi nghe phân tích của tôi thì từ chối cho ý kiến.
Tôi biết, anh ấy không vượt qua được cái vướng mắc kia trong tâm của mình.
Kỳ thực, anh ấy quá cố chấp. Nhiều khi, chúng ta đều không để ý kịch bản mà ông Trời an bài cho chúng ta là rất có thâm ý.
Suy nghĩ kỹ sâu hơn, nhân sinh giống như một vở kịch, mỗi người đều tự có câu chuyện và kịch bản của riêng cuộc đời mình, không thể chỉ chọn nhân vật hay phần kịch mà mình thích để diễn.
Tương tự như vậy, cha mẹ cũng có vở diễn của cha mẹ. Thành công, thất bại trong gây dựng sự nghiệp, đó là số mệnh của họ, người bên ngoài rất khó chi phối được.
Tất nhiên, kịch bản nhân sinh của cha mẹ rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến con cái. Thế nhưng, con cái cùng lắm chỉ là một vai phụ phối hợp diễn, không thể đi quá sâu vào vở diễn, thậm chí lầm tưởng rằng thành tựu của cha mẹ là thành tựu của mình.
Chúng ta mới là nhân vật chính trong cốt chuyện của chính mình, mới có thể làm chủ bản thân. Trước tiên phải hiểu được trong kịch bản nhân sinh của mình là viết cái gì? Đi tuyến đường nào mới có thể dễ dàng thành công? Bản thân làm sao để thành tựu chính mình? Đây mới là cách tiếp cận thiết thực.
Ngoài ra, bản thân kịch bản cũng không phân ra hay-dở, nó tùy thuộc vào cách nhìn và lý giải của người trong cuộc. Cái gọi là lành – dữ, họa – phúc, nói trắng ra là, thường chỉ là “vở diễn nội tâm” của một người. Tâm cảnh khác nhau, lý giải cũng sẽ không giống nhau.
Rất nhiều người đã từng nghe qua một câu chuyện. Có ba người thợ cùng nhau xếp gạch xây nhà.
Người thợ thứ nhất nói: “Tôi đang xếp gạch, công việc rất vất vả, lại kiếm không được mấy đồng.”
Người thợ thứ hai nói: “Tôi đang xây một ngôi nhà, công việc này đủ để cho tôi nuôi sống gia đình.”
Người thợ thứ ba nói: “Tôi đang xây một tòa giáo đường vĩ đại, để nhiều người có thể đến gần với Thượng Đế và nhận được sự ban ân.”
Đều là công việc xếp gạch giống nhau, nhận tiền lương cũng như nhau, nhưng đối với ba người này, tâm cảnh khi làm việc lại khác nhau rất lớn. Có thể thấy được rằng, cảm nhận hạnh phúc và ý nghĩa đối với nhân sinh của họ là hoàn toàn khác nhau.
La Hinh thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ