Khuôn vàng thước ngọc của thương nhân thời cổ đại
Trong xã hội ngày nay, nhiều người coi việc kiếm tiền, phát tài, giàu có sau một đêm trở thành mục đích sống, vì tiền mà việc xấu gì cũng làm. Bởi vậy mà những tệ nạn như thực phẩm độc hại, sữa độc, dầu cống, gạo nhựa, trứng gà giả ngày càng nhiều, làm hại người hại mình.
Có người nói: “Vô thương bất gian” (không có việc buôn bán nào mà không gian dối). Thương nhân xưa đều giống như vậy sao? Đương nhiên là không phải vậy. Ý nghĩa ban đầu của câu thành ngữ này không phải như bạn nghĩ. Chúng ta hãy cùng nhau thảo luận một chút, điểm lại trí tuệ kinh doanh ngàn năm của cổ nhân nhé!
Thời xa xưa, khắp nơi đều là “tiêm thương”. Chữ “Tiêm” (尖) trong “vô thương bất tiêm” mặc dù đồng âm nhưng không phải là chữ “Gian” (奸) trong “gian trá giảo hoạt”.
Vậy chữ “Tiêm” ở đây là có ý nghĩa gì?
Điểm thứ nhất: Nhượng lợi
Chữ “Tiêm” (尖) trong câu “Vô tiêm bất thương, vô thương bất tiêm” không phải là chữ đồng âm “Gian” (奸) trong “gian trá giảo hoạt”, mà là “Tiêm” trong “mạo tiêm” (冒尖), nghĩa là ‘nhú lên, nổi trội hơn một chút’. Vậy nó xuất phát từ đâu?
Vào thời cổ đại, việc mua bán ngũ cốc thường sử dụng ‘thăng’ hoặc ‘đấu’ để đo lường. Đây là vật có hình dạng trên to dưới nhỏ như hình thang, nhưng kích thước lớn hơn nhiều chiếc bát. Sau khi thương nhân đong đầy một thăng hay một đấu gạo, thì gạt bằng mặt, như vậy lượng gạo bán cho mỗi người sẽ được đong chính xác, không nhiều không ít. Một số thương nhân lại cho khách hàng thêm một nhúm gạo nhỏ, tạo thành một “tiêm” 尖 (đỉnh nhọn), gọi là “thiêm đầu” (添头) để cho người mua vui vẻ. Thời cổ đại, rất nhiều người bán đều làm như vậy.
Dần dà, xã hội sinh ra lối nói “vô thương bất tiêm”, miễn là thương nhân thì sẽ nhường lợi ích cho khách hàng. Khách hàng vui vẻ hài lòng, thương nhân có danh tiếng tốt, khách hàng sẽ quay lại, chuyện làm ăn mới có thể tốt hơn. Ngoài việc bán lương thực, người bán vải cũng có lối nói “túc xích phóng tam”, khi đo đến thước vải cuối cùng họ còn cho thêm 3 tấc nữa. Còn khi bán dầu, bán dấm, thương nhân vào lúc cuối sẽ múc thêm một muôi cho khách hàng.
Cho nên, hành vi nhượng lợi “vô thương bất tiêm” là khuôn vàng thước ngọc mà các thương nhân cổ đại áp dụng trong làm ăn, và đó cũng là bí quyết thành công đã được nghiệm chứng qua thời gian.
Thời xưa, các thương nhân làm ăn chú trọng đến thành tín, đều cho khách hàng một số lợi ích.
Vào thời nhà Tống, có một người tên là Tăng Thúc Khanh. Một lần, ông mua một lô đồ gốm và dự định sẽ chuyển lên phương bắc để bán, nhưng không may đúng lúc thiên tai xảy ra, đồ gốm không bán được.
Lúc này, có người đến gặp Tăng Thúc Khanh và ngỏ ý mua lại lô đồ gốm, thế là Tăng Thúc Khanh giao lô đồ gốm cho anh ta. Sau khi thu tiền xong, Tăng Thúc Khanh bèn hỏi anh ta một câu: “Anh định vận chuyển những thứ này đi đâu?”. Người đó nói: “Tôi muốn làm tiếp kế hoạch ban đầu của ông”.
Tăng Thúc Khanh mặc dù rất nghèo khổ, ăn đói mặc rét, gặp được cơ hội thoát khỏi cảnh hàng hóa tồn đọng nhưng ông vẫn nói cho người này biết chuyện phương bắc đang gặp thiên tai. Sau đó ông cũng không bán lô đồ gốm cho anh ta nữa. Tăng Thúc Khanh nói: “Lẽ nào tôi lại giấu anh sự việc này, để anh chịu thiệt thì làm sao?”.
Câu chuyện trên đã cho thấy người xưa rất thành tín, không dối gạt, phẩm hạnh đạo đức là xả bỏ lợi ích để giữ nghĩa.
Điểm thứ hai: Thành tín
Người xưa mười phần coi trọng thành tín, thương nhân lại càng như thế, bởi một khi tín nhiệm bị tổn hại thì sẽ không còn ai đến mua nữa. Thời cổ đại một cân là 16 lượng, câu thành ngữ “nửa cân tám lượng” (bán cân bát lưỡng) có nguồn gốc từ đây.
Vậy, tại sao một cân có 16 lượng? Cổ nhân nhận thấy trên trời chòm sao Bắc Đẩu có bảy ngôi sao, Nam Đẩu có sáu ngôi sao, bên cạnh còn có ba ngôi sao Phúc, Lộc, Thọ, tổng cộng là 16 ngôi sao, tương ứng với một cân chia ra 16 lạng.
Người làm ăn tin rằng, nếu như cân thiếu thì các vị Thần cai quản ba sao Phúc, Lộc, Thọ sẽ trừng phạt họ. Nếu thương nhân cân thiếu một lạng thì Thần tiên sẽ giảm phúc khí của họ, nếu cân thiếu hai lạng thì giảm bổng lộc, cân thiếu ba lạng thì sẽ tổn thọ. Vì vậy, thương nhân cổ đại không hề lừa dối khách hàng để thu lợi nhỏ. Ngược lại, họ dù chịu tổn thất cũng phải bảo trì thành tín.
Trong《Dung trai tùy bút》của Hồng Mại vào thời nhà Tống kể rằng, có một người đàn ông tên là Trần Sách ở thành Lữ Nam. Có lần khi mua con lừa, ông ta đã mua phải một con không thể đóng yên. Trần Sách không cam tâm bán lừa cho người khác, nên ông nuôi nó trong ngôi nhà tranh ở ngoài đồng, định bụng sẽ nuôi nó đến già.
Một ngày nọ, một vị quan đi ngang qua đây, con ngựa của ông ta đột nhiên chết đi. Con trai của Trần Sách cùng với người quản lý chợ đã lập kế, giả trang như con lừa này chở được đồ, như vậy thì có thể bán cho vị quan nhân. Trần Sách sau khi nghe được, tự mình đuổi theo gặp vị quan nhân đó, kể lại chuyện con lừa không có khả năng chở đồ, sau đó giữ lấy con vật này và còn bồi thường tiền mua lừa rồi mới quay về.
Điểm thứ ba: Xả đắc
Hơn hai nghìn năm trước có một kỳ nhân tên là Phạm Lãi, đã dành hơn 20 năm phò tá Việt vương Câu Tiễn phục quốc. Sau khi thành công, Phạm Lãi không nhận thưởng mà tay không rời đến Tề quốc.
Tại nước Tề, Phạm Lãi lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Bởi ông làm ăn rất tốt nên được Tề vương triệu làm tướng. Ông nghe tin bèn bỏ hết gia tài, giao lại ấn tướng, hai bàn tay trắng rời đi, cùng cả gia đình chuyển đến Đào Địa. Tại nơi này Phạm Lãi khởi đầu kinh doanh lại lần nữa, bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Trong suốt 19 năm, ông đã ba lần tích lũy tài phú ngàn vàng, lại ba lần sơ tán mà vứt bỏ hết.
Bài thơ của Lý Bạch có câu: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, thiên kim tán tẫn hoàn phục lai” (Trời sinh ta có tài ắt dùng được, ngàn vàng phân tán hết vẫn làm lại được). Đó là câu chuyện về Phạm Lãi, người được đời sau tôn vinh là Thương Thánh. Nhưng trong mắt ông, quan cao lộc dày, gia tài vạn tiền đều là vật ngoại thân, thuận tay là có thể vứt đi, có thể xả bỏ mới có thể được.
Vào thế kỷ 19, đệ nhất thương nhân của Hàn Quốc thời cổ đại là Lâm Thượng Ốc khi còn sống đã không lưu lại bất kỳ di sản nào, tất cả tài sản đều được quyên hiến cho quốc gia. Phần lớn đại phú ông, đại phú hào phương Tây cũng đều là đại gia từ thiện, tiền lời kiếm được họ đều dùng vào việc giúp đỡ những người cơ nhỡ.
Thật ra đây là một đạo lý rất giản đơn: Tài phú tựa như nước chảy. Ngay cả khi không ở hình thức tiền hay vàng, nó cũng được hồi báo bằng những phúc lành khác, chứ tuyệt đối không hoàn toàn mất đi.
Điểm thứ tư: Đạo nghĩa
Hơn 2,500 năm trước Khổng Tử đã bàn về thái độ nên có của con người đối với tài phú. Khổng Tử nói: “Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xử dã; bần dữ tiện, thị nhân chi sở ác dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất khứ dã. Quân tử khứ nhân, ác hồ thành danh? Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tạo thứ tất vu thị, điên phái tất vu thị”. Có nghĩa là: Phú (giàu có) và Quý (sang trọng) thì ai cũng muốn, nhưng nếu không dùng cách chân chính để có được nó thì người quân tử sẽ không hưởng thụ. Bần cùng và đê tiện thì ai cũng ghét, nhưng nếu không dùng cách chân chính để gạt bỏ nó đi thì cũng không thể nào thoát khỏi nó được. Quân tử nếu như rời bỏ đức Nhân, thì làm sao có thể gọi là quân tử? Quân tử mà không ngừng vơ vét sẽ xa rời nhân đức, ngay sau đó ắt sẽ trở nên thô lỗ, khinh suất, ngay sau đó ắt sẽ lâm cảnh long đong, hoạn nạn.
Quân tử nếu rời xa nhân đức làm sao có thể gọi là quân tử? Người quân tử không bao giờ xa rời nhân đức, ngay cả trong những lúc áp lực nhất cũng phải chiểu theo nhân đức mà làm, vào lúc lưu lạc hoạn nạn cũng y như vậy.
Vào thời Minh Thanh, câu nói này của Khổng Tử trở thành “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý). “Bất quản tố thập ma, đô bất năng vi bối nguyên tắc dữ đạo nghĩa” (bất kể làm gì, đều không thể vi phạm nguyên tắc và đạo nghĩa), đây là nguyên tắc cơ bản của đạo lý làm người. Trái lại với loạn tượng trong xã hội ngày nay, người ta vì tiền mà không việc ác nào không làm, chỉ vì chút lợi nhỏ mà hãm hại lừa gạt, thậm chí sát nhân phóng hỏa, điều này hoàn toàn đi ngược lại giá trị đạo đức hàng nghìn năm của tiền nhân.
Tác giả: Ái Lệ
Lê Trần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ