Khủng hoảng năng lượng tự gây ra của Âu Châu
Cuộc khủng hoảng năng lượng Âu Châu đã đi từ trạng thái rất tồi tệ đến tồi tệ quá sức tưởng tượng. Trong khi mọi con mắt đang đổ dồn vào Ukraine và Nga, thì những tai ương về năng lượng của Âu Châu phần lớn là do họ tự gây ra chứ không phải do các thế lực bên ngoài.
Âu Châu đã gây dựng nền tảng cho riêng mình, loại bỏ loại nhiên liệu đa dạng có thể điều tiết được bằng cách đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử và than đang hoạt động tốt. Khi làm như vậy, họ đã làm tăng thêm sự phụ thuộc vào một thị trường khí đốt tự nhiên không an toàn và bấp bênh do Vladimir Putin thống trị. Trên thực tế, Âu Châu ngày nay phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga so với thời điểm Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Bà Meghan O’Sullivan, giám đốc Dự án Năng lượng Địa chính trị tại Trường Kennedy của Đại học Harvard, nói với The Wall Street Journal, “Trong tương lai gần, Âu Châu sẽ vẫn phụ thuộc — và có thể là phụ thuộc mãi — vào khí đốt của Nga.”
Âu Châu đã không thể chọn một chiếc cầu dẫn tồi tệ hơn tới tương lai năng lượng lý tưởng của mình, và giờ đây người tiêu dùng Âu Châu đang phải trả một cái giá đắt. Trong quý 4 năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế báo cáo rằng giá điện bán buôn trung bình của Âu Châu cao hơn bốn lần mức trung bình giai đoạn 2015–2020. Các hộ gia đình sẽ phải trả thêm trung bình 54% chi phí năng lượng so với cách đây hai năm. Đây là những mức giá trước khi bùng phát cuộc xung đột tiềm tàng ở Ukraine và thị trường khí đốt vốn đã eo hẹp của Âu Châu bị đảo lộn hoàn toàn.
Ở Vương quốc Anh, giá năng lượng cao hơn có thể đẩy khoảng 2 triệu gia đình khác vào tình trạng thiếu nhiên liệu, nâng tổng số lên 6 triệu hộ, mức thiếu nhiên liệu cao nhất trong hơn 25 năm. Những gì đang xảy ra ở Anh đang diễn ra trên khắp châu lục này. Và ngày càng có nhiều ý kiến thừa nhận rằng đáng lẽ không xảy ra đến mức như vậy.
Nỗi ám ảnh về khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo của Âu Châu đã mở đường cho việc thất thoát một lượng đáng kinh ngạc sản lượng điện nguyên tử và than. Tính đến tháng 3 năm 2021, hơn một nửa nhà máy than vận hành trong năm 2016 của Âu Châu đã ngừng hoạt động hoặc dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2030. Tại Vương Quốc Anh, sản xuất than đáp ứng được 40% nhu cầu điện của một thập niên trước – hiện nay chỉ một số ít các nhà máy than còn hòa với lưới điện. Việc ngừng hoạt động và loại bỏ nhà máy điện nguyên tử – đặc biệt là việc loại bỏ nhà máy điện nguyên tử ở Đức – vẫn tiếp diễn mặc dù người tiêu dùng đang ngắc ngoải với giá điện và khí đốt tăng cao. Đức đã đóng cửa một nửa số [cơ sở] có năng lực điện nguyên tử còn lại vào năm 2021 và ba nhà máy còn lại của nước này dự kiến ngưng hoạt động trong năm nay.
Âu Châu đã tự đưa mình vào thế kẹt. Việc bị mắc kẹt khi phải trả giá cắt cổ cho khí đốt tự nhiên, và các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo đã khiến EU rơi vào một chu kỳ bùng nổ – suy thoái liên tục về sản xuất do yếu tố thời tiết thúc đẩy. Thật không may, một số tuần lạnh nhất cũng là những tuần có ít gió và ánh sáng ban ngày nhất.
Bất chấp những nỗ lực không ngừng nhằm gạt số nhà máy than còn lại sang bên lề, than vẫn đang đóng một vai trò thiết yếu trong việc điều tiết cuộc khủng hoảng này. Như Bloomberg đã đưa tin trong tuần lễ từ ngày 31/01-06/02, “Than đá sẽ đóng một vai trò quan trọng để duy trì việc chiếu sáng ở Âu Châu vào mùa đông này…. Ví dụ mới nhất về tầm quan trọng của nhiên liệu được thể hiện vào thứ Hai khi mức tiêu dùng của Vương quốc Anh đạt mức cao nhất kể từ tháng Ba và giúp thu hẹp khoảng cách về nguồn cung.”
Tại Đức, than đá cũng cho thấy tầm quan trọng của nó trong tháng 11 và tháng 12 năm 2021, với sản lượng điện tăng 16% so với một năm trước đó. Và ở Tây Ban Nha, một nhà máy than buộc phải ngưng hoạt động cách đây ba năm đã được tái khởi động để duy trì việc chiếu sáng và giảm tiêu thụ khí đốt.
Không thể né tránh được việc này. Cuộc khủng hoảng năng lượng của Âu Châu là sự thất bại về chính sách và một trường hợp điển hình rõ ràng về nguy cơ phá vỡ sự ổn định đi kèm với sự đa dạng nhiên liệu theo một cách tiếp cận sai lầm, vội vàng và thiếu trách nhiệm đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. Lời cảnh báo đối với chính sách khí hậu và năng lượng của Mỹ là không thể bỏ qua. Vẫn còn phải xem các nhà hoạch định chính sách có học được những bài học đúng đắn hay không.
Bài viết của RealClearWire
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Conor Bernstein là giám đốc truyền thông cao cấp của Hiệp hội Khai khoáng Quốc gia.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: