Khủng hoảng già hóa ở Trung Quốc là cú đòn cuối cùng đối với nền kinh tế này
Cuộc khủng hoảng già hóa dân số của Trung Quốc có thể là đòn cuối cùng đối với một nền kinh tế đang rối ren—vốn đã gặp khó khăn bởi khủng hoảng nợ, bong bóng địa ốc, và tăng trưởng trì trệ.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 5% trong năm nay, ngược với mức 10% của các thập kỷ trước. Một số chuyên gia tin rằng trong năm tới, tăng trưởng có thể giảm xuống dưới ngưỡng 5%. Trong ba quý đầu năm 2021, các khoản vỡ nợ trong nước của các công ty phi tài chính Trung Quốc tăng 19%, lên tới 15.5 tỷ USD; trong khi các khoản vỡ nợ ở ngoại quốc đã tăng 28% lên 7.8 tỷ USD. Địa ốc, vốn chiếm 25 đến 30% nền kinh tế Trung Quốc, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng vỡ nợ, đặc biệt là từ Evergrande, một nhà phát triển địa ốc với khả năng vỡ nợ tới 300 tỷ USD.
Lạm phát đang gia tăng. Chi tiêu của người tiêu dùng đang suy giảm. Sản xuất đi xuống. Và những hạn chế đối với lĩnh vực địa ốc đe dọa tước đi 1 ngàn tỷ USD thu nhập từ bán đất của các chính quyền địa phương .
Nói tóm lại, nền kinh tế Trung Quốc đang có chiều hướng xấu đi. Kịch bản của một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, được hỗ trợ bởi nợ và thị trường địa ốc bị thổi phồng quá mức, khá tương tự như Nhật Bản, trước khi vỡ [nền kinh tế] bong bóng, vào năm 1990, kéo theo 10 năm trì trệ kinh tế.
Điều làm phức tạp thêm cho sự phục hồi của Nhật Bản sau suy thoái kinh tế là hiện tượng dân số nước này đang già đi. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng già hóa tương tự, có lẽ đây là một trong những trở ngại lớn nhất có thể ngăn cản sự phục hồi kinh tế. Quan điểm này được ủng hộ bởi cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Masaaki Shirakawa, người đã viết một cảnh báo cho các nước khác, nói rằng nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản là kết quả của quá trình già hóa, chứ không phải là của các chính sách kinh tế.
Một dân số già hoá đòi hỏi sự mở rộng cơ sở hạ tầng và y tế để phục vụ cho người già, khi chính phủ hiện đang thiếu cơ sở vật chất để cung cấp dịch vụ chăm sóc thể chất và tinh thần cho 264 triệu người cao niên của Trung Quốc. Khi không có các chương trình của chính phủ, gánh nặng chăm sóc cha mẹ già sẽ đổ lên vai con cái. Sau nhiều thập kỷ cưỡng bức kế hoạch hóa gia đình, hầu hết các cặp vợ chồng chỉ có một đứa con có thể chăm sóc họ. Nhiều người già vẫn ở quê và con cái trưởng thành của họ phải từ bỏ công việc ở thành phố, về quê chăm sóc cha mẹ hoặc đưa cha mẹ lên thành phố nơi cuộc sống vô cùng đắt đỏ.
Nhật Bản và các nước phát triển khác nhìn chung phải đối mặt với tình trạng dân số già hoá sau khi GDP bình quân đầu người của họ đạt từ 4,000 đến 10,000 USD. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng già hóa với GDP bình quân đầu người khoảng 1,000 USD, có nghĩa là Trung Quốc đơn giản là không đủ khả năng đối phó với tình trạng già hóa. Trong vòng 5 năm tới, quỹ lương hưu cho người cao niên của nước này dự kiến sẽ thiếu hụt từ 1.25 đến 1.56 ngàn tỷ USD.
Dân số già hoá hạn chế tăng trưởng kinh tế vì số lượng người làm việc giảm dần. Điều này làm giảm cả nguồn thu từ thuế thu nhập của chính phủ và cả GDP của đất nước. Lực lượng lao động của Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 1995, và đã giảm dần kể từ đó. Quy mô lực lượng lao động của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2015. Các yếu tố khác của quá trình già hóa gây áp lực cho nền kinh tế bao gồm giảm chi tiêu và tiêu dùng của những người cao niên, cùng mức giảm với tỷ lệ nhỏ hơn của những lao động trẻ tuổi, những người đang phải chịu gánh nặng hỗ trợ cho việc nghỉ hưu và dịch vụ y tế phục vụ số lượng người cao niên đang ngày càng gia tăng.
Độ tuổi trung bình ở Nhật Bản là 45.9. Độ tuổi trung bình đang là 37.4 của Trung Quốc thấp hơn một chút, nhưng vẫn đáng lo ngại, đặc biệt là với tỷ lệ sinh giảm. Năm 2021, số trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc thấp hơn 12 triệu so với năm trước đó. Dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010, là 127 triệu người. Gần 30% dân số Nhật Bản hiện trên 65 tuổi. Tương tự, những người cao niên, từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 37% dân số Trung Quốc.
Hiện tượng già hoá của Nhật Bản diễn ra trước Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đang già đi nhanh hơn. Trong vòng 20 năm tới, bốn chỉ số chính về dân số già hoá được dự đoán là khả quan hơn đối với Nhật Bản so với Trung Quốc.
Tỷ lệ già hóa của Nhật Bản, là tỷ lệ thay đổi độ tuổi trung bình, dự kiến chỉ tăng 8.38%. Tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi, bằng số người đã nghỉ hưu so với số người đang làm việc, sẽ tăng thêm 22.52%. Hệ số tương quan giữa nhóm cao tuổi nhất và nhóm cao tuổi— là số người từ 50 đến 74 tuổi chia cho số người dưới 85 tuổi — sẽ tăng 8.29%. Tuổi trung vị, độ tuổi chia dân số thành hai nhóm có quy mô bằng nhau, sẽ chỉ tăng 6.20 tuổi.
Ngược lại, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, trong 20 năm tới, tỷ lệ già hóa của Trung Quốc sẽ tăng 13.24%. Tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi sẽ tăng 24.21%. Hệ số giữa nhóm nhất và già nhất sẽ tăng 8.33%. Và độ tuổi trung bình sẽ tăng thêm 8.47 tuổi. Tuổi trung bình của Trung Quốc đã là 38.4, có nghĩa là tuổi trung bình sẽ trên 47 vào năm 2040.
Công dân cao tuổi hơn sẽ tốn nhiều chi phí chăm sóc hơn, kiếm ít tiền hơn, trả ít thuế hơn, tiêu ít tiền hơn và đóng góp ít hơn vào GDP. Một thách thức đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là giữ cho GDP tăng trưởng, bất chấp nợ nần và khủng hoảng kinh tế hiện nay, đồng thời giải quyết các vấn đề dân số già hoá.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã dựa vào sản xuất và xuất cảng như những động lực thúc đẩy nền kinh tế. Với dân số già hoá, không chỉ có ít lao động hơn mà người lao động còn già hơn. Khi lực lượng lao động già đi, năng suất của người lao động giảm xuống. Do đó, Trung Quốc sẽ phải thúc đẩy các ngành công nghiệp và lĩnh vực kinh doanh mới để tận dụng nguồn lao động lớn tuổi hơn của mình. Các ngành thâm dụng vốn sẽ phải thay thế các ngành thâm dụng lao động.
Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đều đã và đang phải đối mặt với tình trạng dân số già và lực lượng lao động giảm sút. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia này đều có thể trụ vững qua những giai đoạn thay đổi về nhân khẩu học bằng cách nâng cao trình độ học vấn và năng suất của người lao động, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là Nhật Bản. Với sự bất bình đẳng lớn về thu nhập, sự phân chia thành thị-nông thôn và GDP bình quân đầu người thấp, Trung Quốc không có vị thế tốt để thực hiện những thay đổi triệt để như vậy ngay cả trong hoàn cảnh tốt nhất. Và kết quả sẽ mất nhiều thập kỷ để có tác động tích cực. Trong khi đó, dân số Trung Quốc đang già đi ở mức báo động.
Trung Quốc không có nhiều thập kỷ [để phát triển]. Nền kinh tế của Trung Quốc hiện đang gần đến khủng hoảng. Hầu hết các chuyên gia cho rằng bong bóng địa ốc sắp vỡ. Và khi điều đó xảy ra, dường như dân số già hoá và lực lượng lao động đang giảm sút sẽ không thể giúp khôi phục đất nước quay trở lại tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng trước đây.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: