Khủng bố Fulani gây ra chiến tranh lương thực ở miền Bắc Nigeria
Một nửa số dân vùng nông thôn của Nigeria ở Tiểu bang Plateau ở miền trung có thể phải đối mặt với nạn đói vào năm tới sau hoạt động phá hủy mùa màng hàng loạt của quân khủng bố Fulani, những kẻ đang tiến hành một cuộc chiến tranh lương thực, khiến cho hàng triệu người bị đói.
Fulani là một nhóm dân tộc Hồi giáo đang tiến hành một cuộc chiến tranh giáo phái bên trong Nigeria, với chiến thuật mới nhất của họ là phá hủy mùa màng. Theo ông Solomon Dalyop, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Giải phóng cho Nạn nhân Khủng hoảng ở Nigeria (ECCVN), một tổ chức phi chính phủ địa phương chuyên theo dõi các vụ tấn công khủng bố, thì ít nhất 1,042 trang trại trồng trọt đã bị cướp phá trong sáu tháng qua.
Ông Dalyop nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng, các trang trại trồng ngô, khoai tây và rau quả đã chín, trải dài hơn 5,210 mẫu đã bị bọn khủng bố chặt phá bằng dao rựa dưới ánh trăng ở bốn quận.
Theo Hiệp hội Phát triển Irigwe (IDA), tại Quận Bassa, cách Jos 15 dặm về phía tây, hơn 700 nông trại trị giá 4,860,000 USD đã bị hủy hoại trong những cuộc càn quét khác nhau kể từ tháng Một.
Theo ông Peter Gyendeng, một nhà lập pháp của tiểu bang, những kẻ khủng bố đã sát hại hai nông dân ở Quận Bassa trong lúc đang chặt phá mùa màng. “Một người đã bị sát hại ở làng Ancha, cùng ngày thống đốc tiểu bang ra tuyên bố lên án sự phá hoại, và người thứ hai bị sát hại hôm qua [26/07] khi tôi dẫn đầu các thành viên Hạ viện Tiểu bang đi thị sát các ngôi làng bị tàn phá,” ông Gyendeng, Chủ tịch Ủy ban An ninh Hạ viện nói với The Epoch Times qua điện thoại.
Thống đốc Tiểu bang Plateau, ông Simon Lalong, hôm 21/07 đã mô tả sự phá hoại có chủ đích này là “nhẫn tâm, phạm pháp, vô nhân đạo và độc ác,” và rắp tâm gieo rắc đói nghèo.
Ông Lalong nói trong một thông cáo báo chí, “Đây là một hành động được lên kế hoạch và thực hiện một cách kỹ lưỡng không chỉ nhằm gây ra khủng hoảng, nghi ngờ và bất ổn trong khu vực này, mà còn khiến các nạn nhân trở nên đói nghèo.”
Không có vụ thu hoạch
Bà Kaneng Ishaya, một nông dân và là mẹ của năm đứa con, cho biết bảy trang trại nhỏ của bà đã bị phá hủy chỉ trong một đêm, dập tắt hy vọng mang lại cho con cái của bà thực phẩm và nền giáo dục có chất lượng.
Bà Ishaya nói, “Tôi đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để trồng trọt ở những trang trại đó, hy vọng có thể nuôi sống và hỗ trợ cho các con tôi đi học trở lại sau khi hai đứa trong số chúng bỏ học trong hai năm qua vì thiếu tiền, nhưng Fulani đã phá hủy mọi thứ.”
Theo cựu Thiếu tá Quân đội và chuyên gia cố vấn kinh tế Gabriel Ad’Ofikwu, hơn một nửa trong số 3.5 triệu dân ở các vùng nông thôn của Plateau có nguy cơ bị đói trong vài tháng tới.
“Điều này có nghĩa là – mùa này sẽ không có lương thực để thu hoạch. Sẽ không có thu nhập cho người nông dân. Trong thời gian sắp tới, nạn đói là điều hiển nhiên,” ông Ad’Ofikwu nói với The Epoch Times qua điện thoại.
“Hoạt động của nền kinh tế Tiểu bang Plateau là nông nghiệp trồng trọt. Nền nông nghiệp này có 85 đến 90% là theo mùa vụ, dựa vào mùa mưa tự nhiên.”
Ông Ad’Ofikwu cho biết, “Nếu 85 đến 90% số cây trồng này được canh tác vào mùa mưa, và những kẻ có tâm địa xấu xa chặt chúng sớm, ngay khi chúng sắp được thu hoạch vào cuối mùa mưa, thì rõ ràng là nhằm mục đích chấm dứt cuộc sống của người dân – bởi vì đây là chiến tranh lương thực, và chiến tranh lương thực là yếu tố quyết định chính trong bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào.”
Theo ông Mark Lipdo, người sáng lập Stefanos Foundation ở Jos, việc tàn phá mùa màng ảnh hưởng chủ yếu đến những người sống sót sau các cuộc tấn công sát thương trước đây. Ông Lipdo gọi đó là một “cuộc thánh chiến kiểu mới” đối với những dân làng phần lớn theo đạo Cơ đốc này.
Ông Lipdo nói với The Epoch Times, “Chúng đã tấn công những người nông dân phần lớn là người theo đạo Cơ đốc này, sát hại các thành viên trong gia đình họ, đốt nhà và kho lương thực của họ và buộc họ phải ở trong các trại không thể ở được dành cho người di cư trong nước.” Ông Lipdo nói, “Hầu hết các trại này đều đã đóng cửa do thiếu lương thực, và những người nông dân đã phải đến ở cùng với thân nhân ở các cộng đồng khác để bắt đầu lại cuộc sống, và bây giờ chúng đã bám theo họ bằng một cuộc thánh chiến kiểu mới, có thể là vì chúng dường như vẫn chưa đạt được mục tiêu xóa sổ những người dân này bằng súng và các vũ khí khác.”
Bà Nina Shea của Viện Hudson nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó rằng những kẻ khủng bố Fulani đang tiến hành “một cuộc xâm lược nhân khẩu tàn nhẫn trên các khu vực rộng lớn của đất nước này, trong đó sự hiện diện của các nhóm dân tộc và tôn giáo khác là mục tiêu để xóa sổ và những cộng đồng của họ, ít nhất là một phần, đã bị phá hủy.”
Cáo buộc về sự đồng lõa
Hầu hết các trang trại bị tàn phá đều nằm gần các đồn quân sự, theo ông Daniel Shaga, một cựu ứng cử viên thống đốc của tiểu bang Adamawa thuộc vùng đông bắc. Ông Shaga nói với The Epoch Times rằng, “Đó là một dấu hiệu rõ ràng về âm mưu giữa quân đội do người Hồi giáo kiểm soát và những kẻ khủng bố nhằm chiếm thêm nhiều vùng đất ở Tiểu bang Plateau.”
Ông Shaga cho biết “Những kẻ khủng bố đang hoạt động ngoài rìa của một trong những doanh trại quân đội lớn nhất ở Nigeria [Căn cứ quân sự Maxwell Khobe, trụ sở của Sư đoàn 3 Quân đội Nigeria đặt tại Bassa], tự do sát hại người dân địa phương, khủng bố họ và khiến họ sợ hãi và bỏ chạy với mục đích cuối cùng là làm những gì chúng đã làm [như chiếm đất] ở [làng] Mahanga và các khu vực khác ở [Quận] Riyom, ở [các quận] Barkin Ladi và Bokkos, điều này đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của [bộ phận] an ninh của chúng tôi. Không có kẻ sát nhân nào của nhóm Fulani đã bị bắt và truy tố. Tôi nghe nói một số trong số chúng sống bên trong những doanh trại đó và được một số binh sĩ hỗ trợ.” Ông cho biết, ít nhất 20 mẫu trang trại ngô của mình ở Tiểu bang Plateau đã bị cướp phá hồi tháng trước.
Hàng trăm phụ nữ và trẻ em đã tuần hành trên đường cao tốc để trút bỏ nỗi bức xúc của họ. Như đã đưa tin trên The Epoch Times, một đám đông gồm 500 phụ nữ hôm 14/07 đã tổ chức một cuộc tuần hành về phía nam của Jos để cáo buộc Chiến dịch Safe Haven, một Lực lượng Đặc nhiệm quân sự địa phương, đã lập mưu với những kẻ khủng bố. Các cuộc biểu tình này diễn ra sau vụ xả súng của những người đàn ông trong quân phục ngụy trang vào những thường dân không có vũ khí ở Quận Riyom. Thiếu tướng Ibrahim Ali, Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm, đã phủ nhận các cáo buộc này.
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội nước này bị công dân buộc tội đồng lõa với những kẻ khủng bố ở Tiểu bang Plateau. Ngày 11/03/2010, hàng ngàn phụ nữ đã tuần hành phản đối việc sát hại hơn 500 nông dân ở làng Dogon Nahawa, cách Jos, Thủ phủ Tiểu bang Plateau, 15 dặm về phía đông nam.
Trong một cuộc biểu tình tương tự ngày 31/01/2011, hàng ngàn phụ nữ đã mang biểu ngữ yêu cầu quân đội rút khỏi tiểu bang này sau các vụ sát hại bị cáo buộc là do nhà nước hậu thuẫn.
Tuy nhiên, sự đồng lõa của quân đội một phần là kết quả của sự thất bại trong việc cai trị [đất nước], theo ông Kichime Gotau, thành viên của Viện Lãnh đạo và Quản trị, Hoa Kỳ. Ông Gotau nói trong một tin nhắn thoại cho The Epoch Times “Cả tầng lớp chính trị và quân đoàn tinh nhuệ đều đã khiến quốc gia này thất vọng. Khi quý vị nhận thấy quân đội có sự thỏa hiệp, thường đặc biệt là do sự thông đồng với các chính trị gia và các quan chức chính phủ.”
Tiến sĩ Gideon Para-mallam, cựu Phó Giám đốc Quốc tế, Phong trào Lausanne, một tổ chức truyền giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết các cuộc khủng hoảng ở Nigeria có “tác động bao quát” đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Ông Para-mallam nói với The Epoch Times rằng, “Khi những cuộc tấn công này được phép tiếp tục và mở rộng với tình trạng chiếm đất hiện đang được chứng kiến ở một số khu vực của Vành đai giữa ngày càng tăng, tôi lo ngại rằng toàn bộ đất nước có thể sớm bị nuốt chửng. Và những người tị nạn từ một tiểu bang ở Nigeria có thể làm quá tải toàn bộ Ghana và Kenya và điều đó có thể có tác động nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định kinh tế ở cấp độ quốc tế, và thậm chí có khả năng những xung đột này lan sang các quốc gia khác.”
Do Masara Kim thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: