Không muốn bị đổ lỗi về đập Tam Hiệp, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm
Ngày 27/6, tin tức từ trang web chính thức của Đại học Lan Châu cho thấy, nhận lời mời của trường, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã viết một lời đề từ giáo huấn cho trường đại học là “Đại đạo vô ngân, tinh thành trí viễn” (Đường rộng mênh mông, chân thành [và] vươn xa). Bí thư đảng ủy trường Mã Tiểu Khiết (Ma Xiaojie), hiệu trưởng Nghiêm Thuần Hoa (Yan Chunhua) và những người khác đã đến thăm ông Ôn Gia Bảo và nhận bức đề từ.
Ông Ôn Gia Bảo tốt nghiệp trường trung học Nam Khai ở Thiên Tân và thi vào Học viện Địa chất Bắc Kinh năm 1960. Năm 1978, ông công tác ở Đảng ủy Bộ Địa chất và Tài nguyên khoáng sản trung ương Bắc Kinh. Sau đó, ông giữ chức phó chủ nhiệm và chủ nhiệm của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Năm 1998, ông giữ chức Phó Thủ tướng Quốc vụ viện phụ trách Nông nghiệp và Tài chính, thư ký Uỷ ban công tác tài chính trung ương; tháng 11/2002, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, ông Ôn Gia Bảo được bầu làm 1 trong 9 thành viên Ủy ban Thường vụ của Ủy ban Chính trị Trung ương, bước chân vào cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, vào tháng 3/2003, ông đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, tháng 3/2008 tái đắc cử vị trí.
Kể từ khi nghỉ hưu vào năm 2012, ông Ôn Gia Bảo có lúc cũng xuất hiện trước công chúng, và thường là trong các chuyến thị sát trường học. Ngày 29/1/2019, một bức ảnh đã được công bố trên trang web chính thức của Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc cho thấy Ban lãnh đạo của nhà trường đã đến nhà thăm hỏi và chúc Tết cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Ngày 12/5/2019 là ngày kỷ niệm 11 năm trận động đất ở Tứ Xuyên. Ông Ôn Gia Bảo đã xuất hiện ở Tứ Xuyên để đi khảo sát, chuyến đi tới Tứ Xuyên lần đó là lâu nhất và dài nhất kể từ khi ông nghỉ hưu.
Ngày 9/5/2019, sau khi đến thăm các nạn nhân của trận động đất ở Tứ Xuyên, đến ngày 15/5/2019, ông Ôn Gia Bảo lại xuất hiện tại thôn Chiếm Kỳ (Zhanqi), thị trấn Đường Xương (Tangchang), huyện Bì Đô (Pidu), thành phố Thành Đô và thăm Bảo tàng Lịch sử Pixian Douban.
Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Ôn Gia Bảo là tại buổi tiếp đãi tối ngày 30/9/2019. Bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ ĐCSTQ và một số nguyên lão nghỉ hưu cũng đã tham dự tiệc chiêu đãi, bao gồm, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Hạ Quốc Cường (He Guoqiang), cựu Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao), và nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin) v.v, còn ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào thì hiếm khi vắng mặt.
Gần đây, mưa lớn và lũ lụt hoành hành ở miền nam Trung Quốc, chất lượng và khả năng kiểm soát lũ của công trình đập Tam Hiệp đã dấy lên nghi ngờ và Tam hiệp có “vỡ đập” hay không đã trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Một bản báo cáo về Lễ khánh thành Tam Hiệp năm đó một lần nữa lại được lưu truyền trên Internet. Báo cáo cho biết rằng khi hoàn thành việc xây dựng con đập với tổng đầu tư 240 tỷ nhân dân tệ, không ai trong số các lãnh đạo cấp cao ở Trung Nam Hải tham dự sự kiện này. Ông Hồ Cẩm Đào, người được đào tạo chuyên nghiệp trong khoa Thuỷ Lợi Đại học Thanh Hoa, trong thời gian 10 năm tại vị cũng chưa từng một lần đến thăm Tam Hiệp, điều này cũng gây nên sự chú ý rộng rãi.
Theo bài phân tích của Đài Á Châu tự do (RFA), tầm quan trọng của Tam Hiệp đối với ĐCSTQ gần như ai ai cũng biết, nhưng buổi lễ khánh thành công trình vào ngày hôm đó chỉ vẻn vẹn trong vòng 8 phút, vừa không có lãnh đạo cấp nhà nước tham dự, lại làm qua quýt cho xong chuyện, điều này không khỏi khiến người ta nhớ lại câu nói của người Trung Quốc xưa: “sự xuất phản thường tất hữu yêu” (nghĩa là sự việc bất thường ắt hẳn có điều kỳ quái). Trong thời mà Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo nắm quyền, từ một Hồ Cẩm Đào xuất thân từ khoa Thuỷ lợi cho đến một Ôn Gia Bảo xuất thân từ ngành Địa chất đều luôn rất thờ ơ với công trình Tam Hiệp. Sau khi Hồ Cẩm Đào nhậm chức, ông chưa bao giờ đến thăm công trường của Dự án Tam Hiệp. Còn Ôn Gia Bảo trong hơn 3 năm kể từ khi ông trở thành thủ tướng chỉ đến khu vực Hồ chứa Tam Hiệp 2 lần, mỗi lần ông đều chỉ chú ý đến vấn đề di dân của Tam Hiệp và ít quan tâm đến chính dự án.
Bài báo phân tích rằng ông Hồ Cẩm Đào, người từng học về công trình thuỷ lợi trong trường đại học, và ông Ôn Gia Bảo, người học về địa chất, cả hai đều nhận thức được những nguy hiểm tiềm ẩn do đập Tam Hiệp gây ra. Hơn nữa nếu có thể hiện sự quan tâm đến công trình Tam Hiệp, dẫu không xuất hiện tai vạ gì thì tất cả công lao cũng sẽ chỉ tính lên cựu Thủ tướng Lý Bằng; nhưng lỡ không may xảy ra cục diện hỗn loạn thì món nợ này ngược lại sẽ tính lên đầu của họ! Vậy nên sau khi tính toán rủi ro của công trình Tam hiệp, việc ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đều tình nguyện khiêm tốn một chút, ấy cũng là điều dễ hiểu.