Không còn luận điệu ‘chiến lang’: Ông Tập kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ‘hợp tác’
Hôm 16/07, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay đổi giọng điệu “chiến lang” của mình thành “hợp tác” và “hợp nhất” với các quốc gia khác tại hội nghị trực tuyến cùng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Vladimir Putin của Nga và các nhà lãnh đạo thế giới khác trong nhóm thương mại Á Châu-Thái Bình Dương APEC.
Ông Tập cho biết, “Chúng ta nên phá bỏ các bức tường [rào cản giữa các quốc gia], thay vì dựng lên các bức tường. Chúng ta nên mở rộng biên giới thay vì cô lập. Chúng ta nên hợp nhất [với nhau], thay vì tách rời nhau. Hợp tác và đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi là cách đúng đắn duy nhất.”
Trong bài diễn văn mới nhất này, ông Tập đã không đề cập đến các chủ đề trước đây, vốn hầu như được đề cập khi ông đưa ra thông điệp ở hải ngoại, chẳng hạn như tham vọng “định hướng tương lai chung của nhân loại” của Trung Cộng, chỉ trích các quốc gia Tây Phương “đang cố gắng giáo huấn Trung Cộng” bằng việc nêu ra các vấn đề nhân quyền của Trung Cộng, và lời đe dọa ‘đập cho chảy máu đầu’ các cường quốc nước ngoài nếu họ đối đầu với Bắc Kinh.
Trong bài bình luận mới nhất đăng trên Epoch Times Hoa ngữ hôm 16/07, ông Dương Uy (Yang Wei), nhà bình luận về chính trị Trung Quốc, phân tích rằng tính hung hăng của Trung Cộng đã chọc giận một số quốc gia hùng mạnh trên thế giới và giờ họ đang cố gắng lấy lại sự ủng hộ.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) là một diễn đàn liên chính phủ được thành lập vào năm 1989 nhằm thúc đẩy tự do thương mại trong toàn khu vực. Giờ đây, tổ chức này đã có 21 nền kinh tế thành viên trong Vành đai Thái Bình Dương và cuộc họp hôm thứ Sáu (16/07) là do New Zealand chủ trì.
Chiến lược mới của ông Tập
Nội dung chính của cuộc họp APEC là các giải pháp cho đại dịch COVID-19. Ông Tập đã có bài diễn văn tập trung vào hợp tác với các quốc gia khác ở mức độ lớn hơn, thay vì chỉ giới hạn trong lĩnh vực vaccine.
“Mở cửa biên giới và giao lưu với nhau là xu hướng chung. Chúng ta nên thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, khiến nó trở nên dễ dàng hơn. Sau đó, chúng ta có thể gìn giữ được hệ thống thương mại đa phương với trụ cột là Tổ chức Thương mại Thế giới,” ông Tập cho biết.
Trung Cộng có sự kiểm soát chặt chẽ cũng như hạn chế đối với đầu tư ngoại quốc và các hoạt động thương mại đơn phương. Trong bài diễn văn, ông Tập không đề cập đến việc khi nào chế độ sẽ dỡ bỏ những rào cản này hoặc lên kế hoạch xây dựng một hệ thống tự do như ở phương Tây.
Sau đó, ông Tập kêu gọi các quốc gia “tăng cường hợp tác kinh tế và kỹ thuật.” Về chủ đề này, ông tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ rất vui khi được chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo của mình. Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã xóa sạch đói nghèo vào năm 2021. Nhưng các nghiên cứu cho thấy tình trạng nghèo đói trầm trọng vẫn đang tồn tại ở Trung Quốc.
Ông Tập cho biết nhà cầm quyền [Trung Cộng] muốn giúp các quốc gia thành viên APEC khác phát triển “nền kinh tế kỹ thuật số” và “Các Thành phố Thông minh.” Các kế hoạch như vậy bao gồm hệ thống giám sát toàn diện do Bắc Kinh thiết kế và phát triển trong nhiều thập kỷ qua với mục đích theo dõi và kiểm soát người dân.
Về chủ đề đại dịch, ông Tập kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, điều này sẽ cho phép Trung Quốc có được vaccine Pfizer, Moderna, và Johnson & Johnson miễn phí và có thể tái sản xuất chúng.
Đổi lại, ông Tập muốn chia sẻ với thế giới về việc Trung Quốc đã sản xuất vaccine COVID-19 như thế nào.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi một tổ chức ở Hồng Kông được đăng trên tạp chí The Lancet Microbe hôm 15/07, vaccine Pfizer được xác nhận là tạo ra lượng kháng thể gấp 10 lần so với CoronaVac của Trung Quốc.
Theo bà Jen Psaki, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, ông Tập đưa ra bài diễn văn này bằng cách phát đoạn video vốn được quay từ trước.
Kết thúc cuộc họp APEC hôm 16/07, các nhà lãnh đạo thế giới đã tán thành “đẩy nhanh việc tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả, bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý,” từ đó có thể khắc phục được đợt bùng phát trầm trọng do biến thể Delta của virus corona gây ra.
Do Nicole Hao thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: