Không biết chữ nhưng vì sao lại trở thành sủng thần của Hoàng đế?
Lý Vệ là sủng thần của Ung Chính Hoàng đế, ông tuy biết chữ không nhiều, tấu chương cũng không biết viết, nhưng hiệu quả làm việc thì không ai bằng, nên rất được Hoàng đế tin tưởng. Một lần nọ, ông muốn nhờ vào sự ân sủng của Hoàng đế để khẩn cầu được sắc phong, không ngờ phản ứng của thuộc hạ lại khiến ông cảm thấy khó xử.
Thuộc hạ từ chối viết thay tấu chương
Một ngày nọ, Lý Vệ đang ngồi ở công đường, liền sai thuộc hạ của mình là Điền Phương giúp ông viết tấu chương, ý muốn khẩn cầu Hoàng thượng sắc phong cho 5 đời con cháu nhà mình. Điền Phương nói: “Không được, theo hiến pháp của Thanh triều, thụ phong chỉ có thể 3 đời, không có 5 đời. Tiểu nhân không thể viết thay đại nhân được” .
Lý Vệ hết lời năn nỉ nhưng Điền Phương đều một mực từ chối. Lý Vệ bừng bừng nổi giận, vỗ bàn mắng lớn rằng: “Ngươi sao lại cứng nhắc như vậy? Lẽ nào ta không thể lập tiền lệ sao? Sao ngươi cứ phải chống đối với ta như vậy?”
Thân là đại thần, sao có thể làm trái với nhân luân
Điền Phương cũng tức giận, đứng bật dậy nghiêm mặt mà nói rằng: “Đại nhân, ngài thật là sai lầm. Ngài cậy vào sự ân sủng nhất thời của Thiên tử mà quên đi hiến pháp của Đại Thanh. Con cháu 3 đời của ngài đều đã được thụ phong ban thưởng, nhưng ngài vẫn cảm thấy chưa hài lòng. Con cháu của tiểu nhân đây, một đời còn chưa được thụ phong. Ngài thân là công khanh, sao lại có thể làm trái nhân luân như vậy? Tiểu nhân không phục, tiểu nhân không phục!” .
Điền Phương trong lúc tức giận đã vô ý làm gãy dụng cụ nơi công đường. Lý Vệ vừa xấu hổ vừa khó xử, không còn cách nào khác, đành tiếp tục quở mắng: “Dù ta có sai đi chăng nữa, ngươi không phục thì sao chứ?”.
Điền Phương tiếp tục khuyên nhủ rằng: “Ngài là đại thần trong triều, còn tiểu nhân chỉ là một nha dịch. Lẽ đương nhiên biết rằng đại nhân mắng nhiếc tôi thì tôi cũng không làm gì được ngài; cho dù ngài có đánh chết tôi thì tôi cũng không làm gì được ngài. Chỉ tiếc rằng đại nhân chỉ có thể lạm dụng uy quyền trên thân xác tôi mà thôi, còn đạo lí của tôi thì có thể trực tiếp đi vào tai của đại nhân”, nói rồi Điền Phương liền rời khỏi công đường.
Nhờ ngay thẳng mà có được công danh
Tối hôm đó, Lý Vệ sai người mời Điền Phương đến dự tiệc. Điền Phương nghĩ: Chắc là vì sáng nay ta đã có xung đột với đại nhân, giờ ông ấy vẫn còn giận, chuẩn bị xử phạt ta đây mà.
Điền Phương vừa đến phủ của Lý Vệ, không ngờ Lý Vệ chào đón Điền Phương với một vẻ mặt hết sức vui vẻ. Lý Vệ nắm lấy tay Điền Phương rồi nói rằng: “Ngươi thật gan dạ và sáng suốt, chỉ tiếc là lòng can đảm của ngươi không có đất dụng võ, lại bị mai một bởi các công việc vặt vãnh ở nơi này. Ta cho ngươi mượn 1200 lượng bạc, giúp ngươi có được một chức quan huyện. Sau này, khi ngươi làm việc cho cấp trên, cũng nên hành sự một cách thẳng thắn cương trực như hôm nay vậy” .
Ban ngày, Điền Phương một lòng ngay thẳng chính trực, do vậy mà đã đắc tội với tâm phúc bên cạnh Hoàng đế; tối đến, sự thẳng thắn cương trực của ông đã giúp ông có được chức huyện lệnh huyện Phụng Tường. Vì ông thương xót chăm lo cho bách tính nên về sau nổi tiếng là vị quan hiền đức.
Công danh, công danh, trước tiên phải có công đức, thì sau mới có thể dương danh. Lý Vệ không biết chữ, nhưng ông là người lương thiện, kính trọng người có tài; Điền Phương là người ngay thẳng, may mắn được làm quan phụ mẫu địa phương. Câu chuyện của họ được biên soạn và sao lục trong các câu chuyện được ít người biết đến về các danh nhân dưới triều đại nhà Thanh, chắc hẳn cũng có ý nghĩa riêng của nó.
Theo Lí Mẫn Đạt dật sự trong Đại Thanh danh nhân điệt sự tập lãm
Do Hồng Hy thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: