Khoảng cách về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lớn như thế nào (Phần 2)
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới trong 3 thập kỷ qua, khoảng cách cực lớn về sức mạnh quân sự đã làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới. Sau khi bước vào thế kỷ 21, Trung Cộng đã liều mạng phát triển sức mạnh quân sự với ý định phá vỡ chuỗi đảo đầu tiên và vươn lên sánh ngang với Hoa Kỳ.
Trung Cộng, đứng thứ ba về sức mạnh quân sự trên thế giới, đã công khai khiêu khích Hoa Kỳ; quân đội Hoa Kỳ cũng đã chính thức coi Trung Cộng là đối thủ số một của mình. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ càng gần nhau thì Trung Cộng càng có khả năng khơi mào chiến tranh. Vậy hiện nay khoảng cách về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lớn đến mức nào?
So sánh không quân của Trung Quốc và Hoa Kỳ
Xung đột quân sự trên biển giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là chuyện rất dễ xảy ra, nhưng khoảng cách quá lớn giữa hai lực lượng hải quân đã khiến hải quân Trung Cộng không dám khơi mào phát súng đầu tiên một cách dễ dàng. Ngoài hải quân ra, rất có khả năng sẽ xảy ra xung đột giữa không quân Trung Quốc và không quân Hoa Kỳ.
Đánh giá của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ
Vào ngày 4/6/2021, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã đệ trình lên Quốc hội báo cáo đánh giá mới nhất về Quân đội của Trung Cộng (China’s Military: The People’s Liberation Army). Báo cáo cho rằng, Không quân Trung Cộng đang chuyển từ vai trò lâu nay là bảo vệ lãnh thổ sang dạng thức có thể tiến hành tấn công và phòng thủ ở cự ly xa biên giới, với hướng vươn ra chủ yếu là phía đông nam.
Theo báo cáo, Trung Quốc có hơn 800 tiêm kích cơ phản lực thế hệ thứ tư, bao gồm J-10, J-11, J-16, v.v. Oanh tạc cơ tàng hình thế hệ thứ năm J-20 cũng đã bắt đầu được đưa vào đội hình. Trung Cộng còn có khoảng 450 oanh tạc cơ và cường kích cơ. Trung Cộng cũng đang phát triển các phi cơ cảnh báo sớm, bao gồm KJ-2000, KJ-200 và KJ-500; ngoài ra còn có phi cơ vận tải Y-20 và phi cơ chở dầu tiếp nhiên liệu Ilyushin Il-78 được nhập khẩu từ Nga, cũng như các phi cơ không người lái cỡ lớn.
Không quân Trung Cộng cũng chịu trách nhiệm về phòng không, họ đã mua một số lượng chưa rõ hỏa tiễn đất đối không S-400 từ Nga, có thể đánh chặn một số hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn, và đang mô phỏng nó để phát triển hỏa tiễn HQ-9.
Báo cáo đánh giá rằng, Không quân Trung Cộng đang được hiện đại hóa, và ưu thế quân sự lâu nay của Hoa Kỳ đang bị giảm dần.
So sánh chiến đấu cơ chủ lực
1. Tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không
Các tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không chủ lực của Trung Cộng hiện nay là Su-27 được nhập khẩu từ Nga và bản nhái J-11, tổng cộng đã sản xuất hơn 400 chiếc. Các mẫu phi cơ J-11 về sau phù hợp với các cuộc tấn công trên bộ và trên biển hơn, chúng không còn là tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không theo đúng nghĩa nữa. Do các chiến đấu cơ được sản xuất bởi Nga có tuổi thọ ngắn, nên rất khó để xác định những chiếc phi cơ này thực sự sẵn sàng chiến đấu đến mức nào. Ngoài ra, số lượng tiêm kích cơ tàng hình thế hệ thứ năm J-20 có thể là 22 chiếc.
Các tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không chủ lực của quân đội Mỹ bao gồm 187 tiêm kích cơ tàng hình thế hệ thứ năm Lockheed Martin F-22 Raptor và hơn 250 tiêm kích cơ thế hệ thứ tư McDonnell Douglas F-15 Eagle. Đây là các loại tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không điển hình, không bao gồm 219 chiếc McDonnell Douglas F-15E Strike Eagle kiêm luôn cả nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ năm Lockheed Martin F-22 Raptor của Không quân Hoa Kỳ đã được đưa vào sử dụng hàng loạt, là tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không với các tính năng tổng hợp tốt nhất trên thế giới. Tiêm kích cơ tàng hình thế hệ thứ năm J-20 do Trung Cộng mô phỏng vẫn chưa thể sản xuất hàng loạt, chỉ tuyên bố rằng đã bắt đầu chuyển giao cho quân đội vào đầu năm 2021, nhưng động cơ, cấu trúc tàng hình và thiết bị trên phi cơ vẫn thực sự chưa thể vượt qua quân đội Hoa Kỳ.
Phạm vi tác chiến trên mặt biển của chiếc Su-27 là khoảng 1,340 km, Trung Cộng lại thiếu khả năng tiếp nhiên liệu trên không, nên Su-27 hay J-11 đều không thể thực sự chiến đấu ngoài khơi, chỉ có thể phòng thủ gần bờ. Chúng có thể tham chiến ở eo biển Đài Loan, nhưng khó có thể hỗ trợ cho các cuộc chiến ở trên Biển Đông.
Quân đội Hoa Kỳ có khả năng tiếp nhiên liệu trên không mạnh mẽ, tiêm kích cơ có thể chiến đấu trên quy mô lớn dọc theo bờ biển Trung Quốc. Tuy nhiên, trừ khi tiến sâu vào vùng bờ biển của Trung Quốc, nếu không các tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không của Trung Quốc và Mỹ sẽ không gặp nhau. Ngay cả khi tiêm kích cơ của Hoa Kỳ hộ tống các phi cơ ném bom không kích vào các căn cứ quân sự ven biển của Trung Cộng, vì mang theo các hỏa tiễn không đối đất với tầm bắn khoảng 1,000 km, chúng không cần phải tiếp cận đường bờ biển của Trung Quốc.
Trung Cộng cũng tự phát triển tiêm kích cơ hạng nhẹ J-10 với tầm chiến đấu chỉ 900 km, hơn 400 phi cơ đã được sản xuất, chủ yếu dùng để phòng không trong lãnh thổ, có rất ít cơ hội tham gia phòng không ven biển. Ngay cả khi các tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không của Trung Quốc và Hoa Kỳ gặp nhau, quân đội Hoa Kỳ sẽ chú trọng nhiều hơn đến tác chiến cự ly xa, với việc sở hữu nhiều tiêm kích cơ thế hệ thứ 5 hơn, kết quả thắng bại đã rõ ràng.
2. Tiêm kích cơ đa năng
Các tiêm kích cơ đa năng chủ lực của Trung Cộng là khoảng 70 chiếc Su-30 được nhập khẩu từ Nga và hơn 200 chiếc F-16 có thể đã được sản xuất, một số chiếc F-11 bắt chước Su-27 cũng có thể được coi là chiến đấu cơ đa năng, ngoài ra còn có 24 chiếc Su-35 được nhập khẩu. Các tiêm kích cơ này đều phát triển từ Su-27, đã gia tăng tầm bay và cường hóa khả năng tấn công đối đất cũng như trên biển.
Các tiêm kích cơ đa chức năng của Không quân Hoa Kỳ bao gồm: ít nhất 283 tiêm kích cơ tàng hình thế hệ thứ năm Lockheed Martin F-35 Lightning II (Tia chớp II); 219 tiêm kích cơ đa năng McDonnell Douglas F-15E Strike Eagle; bản F-15EX mới nhất cũng đã được đưa vào sử dụng, và 1,000 tiêm kích cơ đa năng F-16 Fighting Falcon.
Các phi cơ Su-30, J-16 và Su-35 của Trung Cộng có phạm vi tác chiến là hơn 1,500 km, có khả năng tấn công trên biển. Các phi cơ này rất có thể sẽ đụng phải tiêm kích cơ của quân đội Mỹ, nếu đụng phải F-35 hoặc F-22 thì rõ ràng là có sự khác biệt thế hệ, nên đương nhiên không phải là đối thủ của nhau; nếu gặp F-15 hoặc F-16, có thể sẽ là một trận hỗn chiến.
Radar trên không của quân đội Hoa Kỳ có tính năng tối ưu hơn, phù hợp cho tác chiến cự ly xa, đã được kiểm chứng nhiều lần trong thực chiến. Hiệu suất radar mà các tiêm kích cơ của Trung Cộng khoe khoang chưa bao giờ được thử nghiệm trong chiến đấu thực tế. Trong số các bài huấn luyện được Không quân Trung Cộng tiết lộ, bài thường xuyên nhất vẫn là Dogfight (tác chiến trên không cự ly gần). Khả năng tác chiến điện tử mà quân đội Hoa Kỳ trang bị cho các tiêm kích cơ cũng tốt hơn một bậc.
Quân đội Hoa Kỳ có nhiều phi cơ cảnh báo sớm, phi cơ trinh sát, phi cơ chỉ huy và phi cơ tiếp nhiên liệu hơn, khuếch đại hơn nữa ưu thế trên không của mình. Trong các trận không chiến, quân đội Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều hơn vào các tiêm kích cơ chiếm ưu thế trên không, tiêm kích cơ đa năng chủ yếu tập trung vào các cuộc tấn công mặt đất, cả hai loại đều có kinh nghiệm chiến đấu phong phú.
Nếu hai lực lượng không quân Trung Quốc và Hoa Kỳ tranh giành ưu thế trên không với quy mô lớn dọc theo bờ biển Trung Quốc, cuộc diện sẽ diễn ra theo một chiều, nó sẽ sớm trở thành một cuộc không kích liên tục của không quân Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ sẽ tận dụng tối đa các trang thiết bị kỹ thuật và lợi thế kinh nghiệm của mình để đảm bảo tổn thất ở mức thấp nhất. Ở bên ngoài bờ biển Trung Quốc, không quân Trung Cộng cơ bản là không có khả năng chiếm ưu thế trên không.
So sánh phi cơ ném bom
Không quân Hoa Kỳ là lực lượng không quân duy nhất trên thế giới có thể thực sự thực hiện các nhiệm vụ ném bom chiến lược trên phạm vi toàn cầu, sở hữu 59 phi cơ ném bom chiến lược Rockwell B-1 Lancer, 19 phi cơ ném bom tàng hình Northrop Grumman B-2 Spirit và 74 phi cơ ném bom Boeing B-52 Stratofortress. Chúng đều có thể mang một số lượng lớn hỏa tiễn tấn công mặt đất, trên biển, bom thông minh, bom phá bunker hạng nặng, bom hạt nhân, v.v.
Ba loại phi cơ ném bom chiến lược của Không quân Hoa Kỳ đều đã trải qua thực chiến và có thể bay xa khỏi đất liền bất cứ lúc nào, chúng cũng có thể được triển khai lên tuyến đầu. Quân đội Hoa Kỳ còn có 287 phi cơ cường kích Fairchild Republic A-10 Thunderbolt II để tập trung tấn công mặt đất, ngân sách quốc phòng mới nhất hiện tại có thể sẽ khiến phi cơ cường kích A-10 phải nghỉ hưu.
Trung Cộng hiện có khoảng 104 phi cơ ném bom tầm trung Xian H-6, đây vẫn là bản cải tiến của phi cơ ném bom Tupolev Tu-16 của Liên Xô cũ. Phiên bản Xian H-6K và Xian H-6N mới nhất đã thay băng đạn ở bụng thành thùng nhiên liệu, tuyên bố có tầm chiến đấu là 3,500 km, có thể mang tới 6 hỏa tiễn tấn công mặt đất Longsword CJ-20, về mặt lý thuyết có thể đe dọa căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam. Không quân của Trung Cộng không có khả năng ném bom chiến lược tầm xa, ngay cả các cuộc ném bom chiến lược tầm trung cách xa hơn 1,800 km cũng rất khó thực hiện được do thiếu phi cơ tiếp nhiên liệu và phi cơ hộ tống.
Trung Cộng còn có một chiếc Xian JH-7, trong quá trình huấn luyện vẫn sử dụng hỏa tiễn để lao xuống tấn công các mục tiêu trên biển, cơ bản là không có đất dụng võ.
So sánh các loại phi cơ khác
Không quân Hoa Kỳ có hơn 130 phi cơ cảnh báo sớm, phi cơ trinh sát và phi cơ chỉ huy các loại, bao gồm phi cơ trinh sát Lockheed U-2 (Dragon Lady), phi cơ trinh sát cỡ lớn Boeing RC-135, phi cơ chỉ huy Boeing E-3 Sentry, Northrop Grumman E-8 Joint STARS và Boeing E-4 (Ngày tận thế). Ngoài ra còn có 19 phi cơ tấn công điện tử Lockheed EC-130H Compass Call; hơn 500 phi cơ tiếp dầu trên không, hơn 600 phi cơ vận tải và hơn 1,000 phi cơ huấn luyện.
Không quân Hoa Kỳ cũng đang sử dụng một số lượng lớn phi cơ trinh sát không người lái tầm cao và xa, bao gồm Northrop Grumman RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper. Các phi cơ không người lái chi phí thấp cũng đang được thử nghiệm, như Kratos XQ-58 Valkyrie, vân vân. Quân đội Hoa Kỳ đã hình thành một hệ thống toàn diện về trinh sát trên không, phân tích tình báo, truyền tin, can thiệp điện tử, phối hợp chỉ huy và hỗ trợ, tương xứng với khả năng không kích uy lực của quân đội Mỹ mà không một quốc gia nào trên thế giới có thể sánh được.
Trung Cộng đã mô phỏng phi cơ vận tải Antonov An-12 của Liên Xô cũ để phát triển ra phi cơ vận tải Shaanxi Y-8. Về sau lại mô phỏng ra Shaanxi KJ-200, loại phi cơ được cho là đạt tới trình độ của phi cơ chống ngầm Lockheed P-3 Orion đời đầu của quân đội Mỹ, với 11 chiếc hiện đang trong biên chế.
Vào năm 2001, một phi cơ trinh sát Lockheed EP-3 của quân đội Mỹ đã bị chiến đấu cơ Trung Quốc húc phải và phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Trung Cộng đã trả lại nhưng đã nhái nó để tạo ra phi cơ trinh sát Shaanxi Y-8, hiện tại có thể có khoảng 16 chiếc.
Trung Cộng cũng dựa vào Shaanxi Y-8 và bắt chước các mẫu chiến đấu cơ của Nga để sản xuất ra chiếc KJ-2000 (Mắt thần trên không), hiện mới chỉ sản xuất 5 chiếc. Phiên bản mới nhất Shaanxi KJ-500 được tuyên bố rằng tính năng đã có thể gần bằng với phi cơ cảnh báo sớm Northrop Grumman E-2 Hawkeye của Hải quân Hoa Kỳ, và có thể có hơn 30 chiếc đang hoạt động.
Các loại phi cơ trinh sát của Trung Cộng vẫn đang trong giai đoạn mô phỏng, chúng chưa trải qua thử nghiệm thực chiến, cũng như chưa thành thạo các kỹ năng huấn luyện chuyên nghiệp và phương thức tác chiến thống nhất. Trung Cộng lại chỉ có vài phi cơ tiếp dầu Ilyushin Il-78 được nhập khẩu từ Nga, hiện cũng đang mô phỏng lại, nên khả năng hỗ trợ cho không chiến là rất hạn chế.
So sánh trình độ huấn luyện
Hỏa tiễn không đối không, hỏa tiễn không đối đất và hỏa tiễn chống hạm của Trung Cộng đầu tiên là bắt chước của Nga, sau đó là sao chép của Hoa Kỳ. Chúng thường có kích thước lớn và chưa được kiểm chứng trong thực tế chiến đấu. Kinh nghiệm không chiến của không quân Trung Cộng trên quy mô hơi lớn một chút là Chiến tranh Triều Tiên và một số cuộc chạm trán với Không quân Đài Loan trong những năm 1950 và 1960. Không quân Trung Cộng thậm chí còn chưa thực sự thuần thục các bài huấn luyện của tác chiến trên không thời hiện đại, trình độ huấn luyện có thể từ đó mà hình dung ra.
Trung Cộng thiếu các huấn luyện viên cao cấp, tuổi thọ của các tiêm kích cơ thế hệ thứ 4 đang hoạt động chỉ bằng một nửa của Hoa Kỳ, do đó thời gian huấn luyện của các phi công Không quân bị hạn chế nghiêm trọng. Vào tháng 3/2021, mạng lưới quân sự của Trung Cộng tiết lộ rằng một phi công đặc cấp đã nghỉ hưu, người này đã bay hơn 3,000 giờ trong 27 năm, tương đương với trung bình 111 giờ mỗi năm và gần 10 giờ mỗi tháng. Các phi công lái chiến cơ thông thường của quân đội Hoa Kỳ yêu cầu phải bay 200 giờ mỗi năm, thời gian đào tạo dành cho phi công đặc cấp của Trung Cộng hầu như chỉ bằng 55.5% so với tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.
Tất cả các loại vũ khí tấn công tối tân của quân đội Hoa Kỳ đều đã trải qua nhiều lần kiểm chứng trong thực chiến, chúng có lợi thế rõ ràng trong tác chiến cự ly xa, tác chiến điện tử và khả năng tàng hình, vân vân.
So sánh các phương diện khác
Không quân Trung Cộng còn chịu trách nhiệm phòng không, hỏa tiễn Hongqi-9B nhái hỏa tiễn phòng không của Nga có tầm bắn tối đa là 200 km. Sau khi Trung Cộng mua tổ hợp hỏa tiễn S-300 của Nga, đã tiếp tục nhập khẩu tổ hợp hỏa tiễn S-400.
Khả năng phòng không của Trung Cộng còn hạn chế, hiện tại vẫn chưa có hệ thống đánh chặn hỏa tiễn hoàn thiện. Các cảng quân sự ven biển, sân bay và căn cứ hỏa tiễn của Trung Cộng không thể chịu được các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đất đối không tầm xa và hỏa tiễn hành trình đối đất của quân đội Hoa Kỳ.
Không quân Hoa Kỳ không phụ trách việc phòng không trên mặt đất, nhưng vẫn nắm giữ 675 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa, trong đó có 400 hỏa tiễn Minuteman III, mỗi hỏa tiễn mang một đầu đạn hạt nhân với sức công phá tương đương 335,000 đến 475,000 tấn thuốc nổ. Trách nhiệm của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ là thực hiện hai nhiệm vụ phản công hạt nhân ở trên bộ và trên không.
Không quân Trung Cộng có lực lượng đổ bộ vào khoảng 40,000 người, nhưng phi cơ vận tải của Trung Cộng có hạn và không thể đối phó với hỏa tiễn phòng không. Nếu không thể nắm giữ ưu thế trên không, lực lượng đổ bộ sẽ không có ý nghĩa ở trong thực chiến.
Tóm lược
Không quân Hoa Kỳ là lực lượng không quân duy nhất trên thế giới có khả năng tấn công trên phạm vi toàn cầu, đang vận hành những phi cơ tiên tiến nhất, kinh nghiệm thực chiến cũng là phong phú nhất, trình độ huấn luyện và bồi dưỡng chiến thuật cũng là cao nhất, khả năng trinh sát, khả năng kiểm soát trên không, khả năng vận chuyển và khả năng tiếp nhiên liệu đều áp đảo quần hùng. Ngân sách của Không quân Hoa Kỳ vào năm 2020 là khoảng 165 tỷ USD, con số này là chưa từng có.
Ngoài ra, Lực lượng Phòng không Quốc gia của Hoa Kỳ còn vận hành hơn 1,000 phi cơ; Lục quân Hoa Kỳ vận hành hơn 4,400 phi cơ; Hải quân Hoa Kỳ vận hành hơn 2,600 phi cơ; Thủy quân lục chiến vận hành hơn 1,300 phi cơ.
Trang bị của Không quân Trung Cộng về chất lượng và số lượng đều không thể so sánh với Hoa Kỳ. Báo cáo đánh giá mới nhất của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về quân đội Trung Cộng mô tả rằng, Trung Cộng thiếu khả năng tình báo, giám sát và trinh sát tầm xa. Cho dù là phòng không trên biển, chiến đấu đất đối không, hậu cần tầm xa hay tiếp nhiên liệu trên không, đều có những thiếu sót rõ ràng. Chiến cơ chủ lực của Trung Cộng vẫn chưa vượt qua giai đoạn bắt chước của Nga.
Không quân Trung Cộng bảo vệ vùng trời của mình còn không dễ dàng, các cuộc tấn công trên biển bị hạn chế về hành trình, trình độ huấn luyện và khả năng thực chiến có thể còn không nằm trong top 3 thế giới, khoảng cách so với Hoa Kỳ vẫn còn rất lớn. (Còn tiếp)
Do Châu Điền, Cao Nghĩa thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa Ngữ
Xem thêm: