Khoảng cách về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lớn như thế nào? (Phần 5)
(Xem lại: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4)
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới trong 3 thập kỷ qua, khoảng cách cực lớn về sức mạnh quân sự đã làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới. Sau khi bước vào thế kỷ 21, Trung Cộng đã liều mạng phát triển sức mạnh quân sự của mình, với ý định phá vỡ chuỗi đảo đầu tiên và bước lên ngang hàng cùng với Hoa Kỳ.
Trung Cộng, đứng thứ ba về sức mạnh quân sự trên thế giới, đã công khai khiêu khích Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ cũng đã chính thức liệt Trung Cộng là đối thủ số một của mình. Sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ càng gần nhau, thì Trung Cộng càng có khả năng chủ động phát động chiến tranh. Khoảng cách hiện tại về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lớn như thế nào?
So sánh khả năng tấn công và phòng thủ trong không gian
Vào năm 2015, Trung Cộng đã thành lập Lực lượng Chi viện Chiến lược, quân đội Trung Cộng đã đề xuất rằng không gian là một “lợi thế trên cao” mới. Tất cả hệ thống không gian của Trung Cộng đều nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, rất khó để biết có bao nhiêu nhân lực và nguồn tài trợ.
Vào tháng 12/2019, Hoa Kỳ đã thành lập Lực lượng Không gian để ứng phó, nhưng lực lượng này chỉ chịu trách nhiệm về các vấn đề quân sự liên quan đến không gian và độc lập với NASA. Hiện tại, Hoa Kỳ có tổng cộng hơn 1,000 vệ tinh và chỉ có một bộ phận trong số đó là vệ tinh quân sự, con số cụ thể đương nhiên được giữ bí mật. Trung Cộng tuyên bố có hơn 300 vệ tinh, có lẽ hầu hết đều là vệ tinh quân sự.
1. So sánh Hệ thống định vị Bắc Đẩu với GPS
Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Cộng sở hữu khả năng dẫn đường cho các hỏa tiễn hạt nhân chiến lược, và mục tiêu chính của nó là Hoa Kỳ, đây cũng là một trong những dự án mà quân đội Hoa Kỳ quan tâm nhất.
Hệ thống định vị toàn cầu GPS của Hoa Kỳ được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 1994, được chia thành dịch vụ định vị tiêu chuẩn dân dụng và dịch vụ định vị tinh chuẩn quân dụng. Ngoài việc có thể cung cấp định vị và dẫn đường trên bộ, trên biển, trên không, nó còn có thể dẫn đường chính xác cho các loại vũ khí.
Hệ thống Bắc Đẩu có các chức năng tương tự như GPS. GPS đã khá hoàn thiện, còn Hệ thống Bắc Đẩu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và cải tiến. Các xe tải ở Trung Quốc đại lục khi liên kết với Hệ thống Bắc Đẩu đã nhiều lần có tình huống bị ngắt kết nối, không biết quân đội Trung Cộng có gặp trường hợp tương tự hay không. Quân đội Hoa Kỳ đã nhiều lần sử dụng GPS trong thực chiến, các hoạt động quân sự thường nhật cũng không thể tách rời hệ thống GPS. Vẫn chưa rõ liệu quân đội Trung Cộng có sử dụng Hệ thống Bắc Đẩu hay không.
2. Các hệ thống vệ tinh khác
Lực lượng Không gian của Hoa Kỳ phụ trách ít nhất 77 hệ thống thiết bị vũ trụ quan trọng, ngoài hệ thống vệ tinh GPS ra còn bao gồm nhiều vệ tinh quân sự khác như hệ thống cảnh báo sớm tên lửa, giám sát không gian và thông tin liên lạc.
Vệ tinh hỗ trợ quốc phòng là hệ thống cảnh báo sớm bằng vệ tinh đầu tiên của Hoa Kỳ. Nó quét trái đất sáu lần mỗi phút để xác định nơi phóng tên lửa hoặc tàu vũ trụ, đồng thời có thể phát hiện các vụ nổ hạt nhân. Nó từng phát hiện thành công tên lửa Scud do Iraq phóng trong Chiến tranh vùng Vịnh.
Hệ thống hồng ngoại trong không gian là một hệ thống giám sát không gian hồng ngoại mới được phát triển của thế kỷ 21, nhằm mở rộng khả năng cảnh báo và phòng thủ sớm đối với các tên lửa chiến lược tầm xa cùng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Với khả năng phát hiện và theo dõi tên lửa trong tất cả các giai đoạn bay, nó sẽ dần dần thay thế các vệ tinh hỗ trợ phòng thủ trước đây.
Hệ thống theo dõi và giám sát không gian là một loại hệ thống vệ tinh phát hiện hỏa tiễn và cảnh báo sớm, nó tập trung nhiều hơn vào việc phát hiện và cảnh báo các vụ phóng hỏa tiễn của đối phương.
Hệ thống vệ tinh giám sát không gian trên vũ trụ có nhiệm vụ phát hiện và theo dõi các vật thể bay quay quanh trái đất. Hệ thống vệ tinh nhận thức tình huống không gian đồng bộ địa lý có thể theo dõi và nhận biết chính xác hơn chuyển động của các tàu vũ trụ.
Quân đội Hoa Kỳ còn có nhiều loại vệ tinh truyền thông khác, bao gồm vệ tinh chuyển tiếp chiến lược và chiến thuật quân sự Milstar, vệ tinh truyền thông toàn cầu băng thông rộng Wideband Global SATCOM, vệ tinh liên lạc tần số siêu cao tiên tiến AEHF vân vân, có thể cung cấp thông tin liên lạc cho các hoạt động quân sự trên bộ, trên biển và trên không một cách liên tục, an toàn và chống gây nhiễu trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài Hệ thống Bắc Đẩu, Trung Cộng có lẽ cũng đang bắt chước các hệ thống vệ tinh khác của quân đội Hoa Kỳ, bao gồm các loại vệ tinh giám sát mặt đất, đại dương và khí quyển, nhưng Trung Cộng chưa thể hình thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh. Trung Cộng vẫn chưa thực sự làm chủ được công nghệ chế tạo các vệ tinh cao cấp. Vào ngày 9/5/2021, mảnh vỡ của hỏa tiễn Trường Chinh 5B đã quay trở lại bầu khí quyển, 3 giờ trước khi nó rơi xuống, Trung Cộng thông báo rằng nó sẽ rơi xuống khu vực Địa Trung Hải; 3 giờ sau, người ta thông báo rằng mảnh vỡ hỏa tiễn đã rơi xuống khu vực Ấn Độ Dương. Từ đó có thể thấy tính hiệu quả của hệ thống giám sát không gian và khả năng tính toán của Trung Cộng.
Ngoài ra, quân đội Hoa Kỳ còn triển khai các trạm giám sát mặt đất trên toàn cầu để phối hợp với các vệ tinh. Trung Cộng không có lợi thế như vậy.
3. Vũ khí không gian
Các hỏa tiễn chống vệ tinh của Trung Cộng đã được thử nghiệm nhiều lần, trước sự lên án của quốc tế, chúng hiện đã phải tiến hành trong bí mật, có thể là dưới chiêu bài nghiên cứu và phát triển hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo.
Sau khi Liên Xô cũ tan rã, Trung Cộng đã tiếp thu công nghệ hàng không vũ trụ của Liên Xô cũ, phát triển phi cơ không gian có người lái và bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ. Các phi hành gia của Trung Cộng đều là quân nhân, và cái gọi là thăm dò không gian vì mục đích hòa bình chỉ là vỏ bọc. Trung Cộng đã mô phỏng trạm vũ trụ của Liên Xô cũ, có lẽ đang cố gắng thiết lập một căn cứ vũ khí có người lái trong không gian.
Về mặt lý thuyết, các vệ tinh của Trung Cộng có thể thay đổi quỹ đạo của chúng và va vào các vệ tinh của Mỹ. Trung Cộng chưa hoàn toàn đạt đến trình độ hàng không vũ trụ của Liên Xô cũ, nhưng nó vẫn có khả năng tiêu diệt các vệ tinh của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã làm chủ công nghệ hỏa tiễn chống vệ tinh và cũng đã thử nghiệm nó, nhưng họ đã dừng lại để tránh tạo thêm rác trong không gian. hỏa tiễn SM-3 trên các tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ có khả năng đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo và cũng có khả năng tấn công các vệ tinh với quỹ đạo bay thấp. Quân đội Hoa Kỳ có thể phóng tàu vũ trụ, sẽ không khó để tấn công các vệ tinh với quỹ đạo cao trong không gian.
Ngoài ra, quân đội Hoa Kỳ đã thử nghiệm phi cơ không gian Boeing X-37, có thể bay liên tục trên quỹ đạo thấp gần Trái đất trong hơn một năm. Nó có khả năng tấn công không gian và thậm chí là khả năng thu giữ vệ tinh của đối phương, nó cũng được trang bị công nghệ gây nhiễu, hiện vẫn chưa rõ nó có vũ khí động năng hay không.
Tóm lược
Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, không gian sẽ có khả năng trở thành chiến trường đầu tiên. Hải quân và Không quân của Trung Cộng rất khó để giành chiến thắng, gần như chắc chắn rằng Trung Cộng sẽ sử dụng vũ khí không gian, ít nhất là hỏa tiễn chống vệ tinh nhằm phá hủy vệ tinh quân sự của Hoa Kỳ, khiến quân đội Hoa Kỳ mất một phần khả năng giám sát không gian và khả năng dẫn đường cho vũ khí.
Quân đội Hoa Kỳ luôn theo dõi các hành động của Trung Cộng. Nếu như cảnh báo được trước, có khả năng Hoa Kỳ sẽ tấn công phủ đầu. Chỉ cần phá hủy một số căn cứ phóng hỏa tiễn đẩy của Trung Cộng, khả năng chống vệ tinh của Trung Cộng sẽ bị tê liệt. Quân đội Hoa Kỳ cũng đang theo dõi chuyển động của các vệ tinh của Trung Cộng, họ cũng có thể tấn công hệ thống chỉ huy và giám sát không gian của Trung Cộng nếu cần thiết.
Quân đội Hoa Kỳ cũng có thể phá hủy một số vệ tinh trong Hệ thống Bắc Đẩu, các hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa của Trung Cộng khi mất đi sự hướng dẫn của vệ tinh sẽ không thể thực hiện các cuộc công kích chuẩn xác.
Ngay cả khi Hoa Kỳ mất một số vệ tinh thì cũng có khả năng nhanh chóng chế tạo và phóng bổ sung lại mới. Nếu Trung Cộng mất vệ tinh và bệ phóng lại bị phá hủy, sẽ không cách nào bổ sung các vệ tinh mới được.
So sánh hành vi tấn công và phòng thủ trên mạng, trong dư luận và tâm lí chiến
Lực lượng Chi viện Chiến lược của Trung Cộng cũng bao gồm cả lực lượng quân đội chuyên tấn công mạng, lực lượng này là đối tượng của các cáo buộc lặp đi lặp lại của Hoa Kỳ và NATO. Trong đó, đơn vị 61726 là đơn vị tấn công mạng nhằm vào Đài Loan; đơn vị 61786 nhắm vào nhiều quốc gia hơn, trong đó Hoa Kỳ là mục tiêu chính. Ngoài ra còn có nhiều lực lượng tấn công mạng bí mật, bao gồm Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Thông tin Quân sự và các trường cao đẳng, đại học liên quan. Các căn cứ lớn hơn nằm ở những khu vực như Bắc Kinh, Nam Kinh, Quảng Châu, Thành Đô, Thẩm Dương và Khai Phong, vân vân.
Phạm vi các cuộc tấn công mạng của Trung Cộng là rất lớn, không chỉ tấn công vào các cơ sở quân sự mà còn cả các cơ quan chính phủ, các công ty công nghệ cao và mạng lưới cơ sở hạ tầng, vân vân. Tạp chí Foreign Affairs của Hoa Kỳ từng đánh giá rằng lực lượng tấn công mạng của Trung Cộng có ít nhất 50,000 đến 100,000 người, con số thực tế có thể còn cao hơn. Trung Cộng có lẽ cũng có một số lượng lớn tin tặc phi quân sự, vừa để mở rộng phạm vi tấn công, vừa để cố gắng che đậy những kẻ thao túng đằng sau nó.
Công nghệ Internet của Trung Cộng chủ yếu là đến từ Hoa Kỳ, có thể không hiện đại, nhưng về khả năng phá hoại thì nó là đứng đầu.
Quân đội Hoa Kỳ cũng có các bộ phận phòng thủ và tấn công mạng chuyên biệt, được phân bổ trong các quân chủng khác nhau và cũng có sự quản lý trên tổng thể. Trung Cộng có thể không phá được hệ thống an ninh mạng của quân đội Hoa Kỳ, nhưng có thể tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, chẳng hạn như làm tê liệt lưới điện và các nhà máy điện hạt nhân để khiến Hoa Kỳ hỗn loạn.
Hoa Kỳ cũng đã chuẩn bị một số biện pháp đối phó và kế hoạch phản công, biện pháp phòng thủ cuối cùng có lẽ là cắt đứt hoàn toàn kết nối giữa Trung Quốc đại lục với mạng Internet. Nếu hệ thống mạng của Trung Cộng trở thành mạng cục bộ và không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài, lực lượng tấn công mạng của Trung Cộng về cơ bản sẽ không còn tác dụng.
Nếu Hoa Kỳ sử dụng sát chiêu này, việc Trung Cộng lợi dụng Internet để tuyên truyền đối ngoại, định hướng dư luận và chiến tranh tâm lý trên quy mô lớn nhắm vào Hoa Kỳ về cơ bản sẽ không còn nữa. Trung Cộng có thể vẫn sẽ sử dụng các phương pháp truyền thống để thúc đẩy các phong trào phản chiến, phong trào chống chính phủ ở Hoa Kỳ, bao gồm liên tục vận động hành lang đối với các chính trị gia và các cuộc biểu tình trên quy mô lớn. Trung Cộng còn có thể gây ra những sự cố nguy hiểm như bạo loạn và thậm chí là các cuộc tấn công khủng bố để khiến Hoa Kỳ rơi vào hỗn loạn. FBI chắc chắn đang theo dõi các hoạt động này, bao gồm cả những gián điệp mà Trung Cộng che giấu và một số lượng lớn những người cung cấp thông tin trong cộng đồng người Hoa, với Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc là trung tâm chỉ huy chính.
Người ta cho rằng Hoa Kỳ cũng sẽ phát động các hoạt động chống lại các quan chức của Trung Cộng và sĩ quan quân đội các cấp, bao gồm tuyên truyền trên diện rộng và liên lạc, tiếp xúc bí mật với một số lượng lớn thành viên trong gia đình và tài sản của các quan chức Trung Cộng ở Hoa Kỳ, đây là một điều kiện thuận lợi của Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ xảy ra chiến tranh, không có gì đáng ngạc nhiên khi sẽ có một số lượng lớn đảng viên Trung Cộng quy hàng, và Hoa Kỳ cũng sẽ kêu gọi người dân Trung Quốc vào thời điểm thích hợp, khuyến khích dân thường cung cấp thông tin và thậm chí đứng lên lật đổ chế độ của Trung Cộng.
So sánh hệ thống chỉ huy quân sự
Có khoảng cách rất lớn giữa lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Một khi chiến tranh bắt đầu, sự khác biệt về quân đội và hệ thống chỉ huy sẽ càng trở nên rõ ràng hơn, đây có thể là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thất bại nhanh chóng của quân đội Trung Cộng.
Báo cáo đánh giá mới nhất của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về Quân đội Trung Cộng vào năm 2021 (China’s Military: The People’s Liberation Army) đã chỉ ra rằng, ưu tiên của quân đội Trung Cộng là bảo vệ đảng. Quyền kiểm soát của Trung Cộng đối với quân đội là tuyệt đối. “Quân đội Trung Cộng” phục vụ đảng chứ không phải đất nước. Quân đội Trung Cộng “tạo ra quyền lực chính trị cho đảng”. Báo cáo đánh giá rằng ông Tập Cận Bình vẫn nghi ngờ lòng trung thành của một số tướng lĩnh quân đội, và nhấn mạnh rằng lòng trung thành chính trị đã tước đi khả năng sáng tạo của các tướng lĩnh.
Có thể thấy trước rằng nếu xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cấp cao của Trung Cộng có thể sẽ không dám ủy quyền cho cấp dưới, do đó sẽ không phản ứng kịp thời với tình huống ở tiền tuyến, thậm chí có thể gây ra hỗn loạn.
Ví dụ, nếu Lực lượng hỏa tiễn của Trung Cộng muốn phóng hỏa tiễn tầm trung để tấn công hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, nó phải được sự chấp thuận của Quân ủy Trung ương, Hải quân không có quyền can thiệp. Ngay cả việc phóng hỏa tiễn tầm ngắn cũng cần phải được Quân ủy chấp thuận, còn Lục quân và Thủy quân lục chiến không thể trực tiếp yêu cầu hỗ trợ. Nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, lực lượng Không quân và Hải quân cần phải chờ Quân ủy chấp thuận mới có thể điều động phi cơ và tàu ở Chiến khu Bắc Bộ yểm trợ. Sau khi lực lượng hỗ trợ đến Chiến khu Nam Bộ hoặc Đông Bộ, tư lệnh chiến khu cũng không có toàn quyền chỉ huy, việc điều động Lục quân giữa các chiến khu cũng là như vậy. Tư lệnh chiến khu chỉ là chức vụ trên danh nghĩa chứ không phải là chỉ huy tiền tuyến thực sự, và vẫn phải thông qua Quân ủy để điều phối. Mọi thứ đều phải thông qua Quân ủy, hầu như không cách nào phá vỡ các quy tắc chính trị, vậy nên rất khó có vị tướng quân đội nào thực sự nắm được quyền chỉ huy tiền tuyến.
Quân đội Hoa Kỳ là quân đội chuyên nghiệp, chịu sự quản lý của quốc gia, nghe lệnh của Tổng thống đương nhiệm và chịu sự điều chỉnh của Quốc hội. Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương được toàn quyền chỉ huy tất cả lực lượng quân đội trong khu vực và có quyền định đoạt tình huống. Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội 7 vân vân, cũng đều có quyền quyết định có lâm chiến hay không. Lực lượng Không quân và Thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam luôn trong trạng thái sẵn sàng.
Tổng thống chỉ quan tâm đến việc ra quyết sách và tuyển người, còn quân đội theo từng cấp có toàn quyền quyết định, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tiền tuyến. Trong nhiều trận chiến thực tế, hệ thống chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ đã được kiểm chứng từ lâu, các sĩ quan được chọn hoàn toàn dựa vào khả năng của họ, những người có năng lực có thể được đề bạt bất cứ lúc nào để thay thế cho những người bình thường.
Cấp lãnh đạo của Trung Cộng luôn lo lắng về việc mất quyền kiểm soát quân đội, sợ bị tạo phản và đảo chính. Trong thời chiến lại càng phải đề phòng bị đoạt quyền khi loạn lạc, hơn nữa còn sợ bị đánh rắn đập đầu. Quân đội Hoa Kỳ gần như chắc chắn sẽ triển khai chiến thuật đánh rắn đập đầu. Một khi thành công, quân đội Trung Cộng có thể sẽ sớm trở thành một mớ hỗn độn. Hoa Kỳ không có vấn đề này, ngay cả khi tổng thống gặp tai nạn, cơ chế thay thế sẽ được kích hoạt ngay lập tức, và một chỉ huy mới của lực lượng quân đội sẽ sớm được chỉ định. Nếu một tai nạn xảy ra đối với sĩ quan các cấp trên chiến trường, họ sẽ ngay lập tức tự động thiết lập quyền chỉ huy theo dựa cấp bậc.
Khoảng cách rất lớn trong hệ thống chỉ huy giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể ngay lập tức quyết định thắng bại ở những thời điểm quan trọng. Quy mô tác chiến càng lớn và chiến sự càng phức tạp thì khoảng cách giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Hoa Kỳ sẽ càng rõ ràng.
Kết luận
Báo cáo mới nhất của quân đội Hoa Kỳ đánh giá rằng, khả năng viễn chinh của quân đội Trung Cộng đang không ngừng tăng lên, khả năng tác chiến trong các lĩnh vực khác nhau cũng đang được cải thiện và đang làm xói mòn ưu thế quân sự của Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, quân đội Trung Cộng thiếu kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện thực chiến không đủ, năng lực tác chiến và khả năng viễn chinh vẫn còn hạn chế, cơ cấu tổ chức mới vẫn chưa được thử nghiệm, và một số thiết bị cùng vật liệu quân sự vẫn dựa vào nước ngoài.
Báo cáo của quân đội Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng, sự kết hợp dân quân và các hoạt động gián điệp của Trung Cộng dường như chưa đủ để đạt được mục tiêu có được công nghệ của nước ngoài và thu hẹp khoảng cách. Mức tăng trưởng kinh tế thấp của Trung Quốc có thể sẽ hạn chế ngân sách quốc phòng của nước này. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang đẩy mạnh việc tăng cường khả năng răn đe ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Quân đội Trung Cộng cũng biết có tồn tại khoảng cách với quân đội Hoa Kỳ. Nếu mạo hiểm tham chiến, nó có lẽ sẽ không theo đuổi một chiến thắng toàn diện. Mục tiêu lớn nhất có lẽ sẽ là tiêu diệt hạm đội hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ hoặc phá hủy một vài căn cứ quân sự quan trọng, gây ra thương vong tối đa cho quân đội Hoa Kỳ và đả kích tâm lý, buộc quân đội Hoa Kỳ phải đình chỉ các cuộc phản công và đàm phán với Trung Cộng, thậm chí là rút khỏi chuỗi đảo thứ nhất.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến ở Thái Bình Dương, quân đội Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát ở Tây Thái Bình Dương. Cũng giống như trận chiến đẫm máu trên đảo Okinawa và vụ thả bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai, quân đội Hoa Kỳ sẽ không chịu thất bại trước Trung Cộng. Báo cáo của quân đội Hoa Kỳ đánh giá rằng, quân đội Hoa Kỳ vẫn có thể giành chiến thắng ở bất cứ đâu, nhưng có thể sẽ phải chịu những tổn thất chưa từng có. Để tránh những rủi ro lớn hơn và giảm thiểu thương vong, quân đội Hoa Kỳ có khả năng sẽ lấy ra những con bài tẩy ngay từ đầu, ví dụ như các vũ khí hạt nhân chiến thuật công suất thấp, ít nhất sẽ loại bỏ được mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Trung Cộng, bao gồm khả năng tấn công của hỏa tiễn tầm trung Đông Phong. Với các phương pháp trinh sát tiên tiến của quân đội Hoa Kỳ và khả năng tấn công trên phạm vi toàn cầu, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Nhật Bản và Úc sẽ trở thành phương án dự phòng lớn nhất cho quân đội Hoa Kỳ, vì nếu quân đội Hoa Kỳ thực sự thua, Nhật Bản và Úc chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Trung Cộng. Ấn Độ, Philippines và các quốc gia châu Á khác ít nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Hoa Kỳ. NATO cũng không có lý do gì để không tham chiến, mức độ tham dự sẽ do chính phủ các nước đánh giá và quyết định, ít nhất cũng sẽ có các hàng không mẫu hạm của Anh và Pháp.
Trung Cộng sẽ chiến đấu một mình, Nga ngồi trên núi nhìn hổ chiến đấu, và Triều Tiên có thể sẽ im lặng vì sợ bị tấn công. Kết quả của cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có khả năng sẽ dẫn đến sự sụp đổ cực kỳ nhanh của chế độ Trung Cộng, người dân ở khắp các địa phương sẽ dỡ bỏ chức vụ của các cấp ủy đảng, còn các quan chức của Trung Cộng có thể đã đào thoát từ lâu.
(Hết)
Do Chu Điền, Cao Nghĩa thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: