Khóa học dành cho cha mẹ (P.61): Cơ thể con người thần kỳ đến mức nào?
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Khóa học dành cho cha mẹ.”
Hai tập cuối khám phá vấn đề trong câu chuyện của một bé gái 8 tuổi bị bài xích ở trường mới. Theo ý kiến của cô Trần, mẹ của bé gái cũng cần phải nhanh chóng điều chỉnh. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ không xây dựng cho con sự tự tin, nên trẻ không biết mình có năng khiếu gì, cũng không biết cách thể hiện sức hấp dẫn vượt trội của mình để thu hút những bạn nhỏ khác. Có câu nói: “Nếu hoa nở rộ thì bướm sẽ tự bay tới; nếu bạn nổi bật thì ông Trời tự có an bài”.
Lần trước chúng ta nói về việc dạy trẻ “ngửi mùi thơm,” điều này có liên quan gì đến việc kết bạn của cô bé?
(Cô Trần) Vẫn là triết lý “cái đẹp luôn thu hút mọi người.” Bởi vì trẻ vẫn còn lưu luyến những người bạn cũ, nên bạn hãy tổ chức một bữa tiệc để cô bé chuẩn bị mọi thứ cho những người bạn cũ của mình. Từ đó giúp trẻ khám phá ra vẻ đẹp của ngũ quan của chính mình. Khi chế biến thức ăn, trẻ có thể nhận ra: “Con chưa bao giờ biết mũi của mình lại nhạy đến thế!”. Có thể trẻ đã ngửi thấy những thứ mà người mẹ không ngửi được; Cũng có thể trẻ sẽ phát hiện ra những màu sắc mà người mẹ không thể phân biệt được, hoặc có thể trẻ sẽ làm được món salad đầy màu sắc mà người mẹ không thể làm được!
Hãy tận dụng tài năng của mình để phục vụ người khác
Điều này có thể giúp cha mẹ và con cái hiểu được những đặc tính thiên phú trên khuôn mặt của mình. Đó là những giác quan được tạo hóa ban tặng, nhưng chúng ta thường không sử dụng, thậm chí lãng phí chúng.
(Người dẫn chương trình) Chúng ta nghĩ rằng mình phải trở thành ngôi sao thể thao, nghệ sĩ violin, nghệ sĩ piano mới cần dùng đến những ưu điểm này. Nhưng trên thực tế, khi học sinh tiểu học kết bạn, điều đó không phụ thuộc vào tài năng, mà hầu hết phụ thuộc vào năng lực thu hút của bạn. Cho nên, để xây dựng sự tự tin cho trẻ, chúng ta không chỉ dạy những đạo lý lớn lao, mà cần giúp trẻ thực sự yêu bản thân mình, biết được điểm mạnh của mình ở đâu.
(Cô Trần) Hơn nữa, rèn luyện sự nhạy bén của năm giác quan không phải để phô trương, mà là để phục vụ người khác. Như vậy, bạn mới có thể thành công. Ví như chiếc mũi nhạy bén của tôi có thể giúp được gì, đôi mắt tinh tường của tôi có thể giúp được gì, v.v. Thông thường khi trẻ đến nói với tôi những chuyện nhỏ nhặt, thì tôi thường sẽ bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với trẻ. Bởi vì trẻ thật có con mắt tinh tường khi nhìn thấy những điều nhỏ nhặt như vậy! Bạn phải đưa ra phản hồi cho đứa trẻ một cách chính diện, tích cực và biết ơn. Khi cha mẹ dùng thái độ này để dẫn dắt con chuẩn bị một bữa tiệc, cả năm giác quan của trẻ đều được vận dụng. Lúc này, bạn chắc chắn sẽ phát hiện được điểm mạnh của con mình.
Nếu trẻ có khứu giác nhạy bén thì bạn có thể giúp khứu giác của trẻ tạo được một thành quả tốt hơn. Chẳng hạn như trẻ có thể làm bánh quy có hương vị đặc biệt, chứ không phải hương vị socola hay chuối thông thường. Lúc này, bạn có thể đặc biệt sử dụng khứu giác của trẻ để làm ra những chiếc bánh quy thơm ngon mà thường không thể mua được trong siêu thị. Việc này là để áp dụng những gì trẻ đã học và thể hiện những điểm mạnh của mình để mọi người cùng thưởng thức. Bạn có biết lương hàng năm của người làm nước hoa là bao nhiêu không? Làm sao bạn biết đứa trẻ này không có khả năng đó? Bởi vì bạn căn bản không thử sức ở phương diện này.
Trẻ có khả năng nhạy bén với màu sắc, trẻ có thể giúp mẹ, bạn cùng lớp hoặc chính mình phối đồ đẹp hơn và sử dụng màu sắc để trang trí. Thậm chí, trẻ có thể giúp trường học, lớp học trang trí môi trường học tập. Ở Hoa Kỳ, mọi người đều được khuyến khích giúp đỡ người khác và làm tình nguyện. Chúng ta không cần phải đợi đến khi nộp đơn vào đại học mới bắt đầu viết tài liệu theo mẫu. Cha mẹ nên thực hiện từng bước từ khi trẻ còn nhỏ và thực sự phát huy tối đa tinh thần phục vụ của các con. Thành công của một người chính là phụ thuộc vào việc bạn có thể phục vụ được bao nhiêu người.
Người tự tin không dễ bị tổn thương
Nếu trẻ xây dựng được sự tự tin trong quá trình này, liệu rằng chúng có dễ bị tổn thương không? Những trẻ tự tin làm sao có thể bị người khác làm tổn thương? Vì vậy, trẻ sẽ trở thành một người rất tự tin mà không cần phải cầu xin sự thương hại, đồng cảm hay tán thành từ người khác. Chúng cũng không làm tổn thương người khác, không kiêu ngạo và có thể giúp đỡ người khác. Như thế, trẻ sẽ trở thành một nhân tài vô cùng xuất sắc.
(Người dẫn chương trình) Mặc dù sự việc này xảy ra với một bé gái 8 tuổi đang học tiểu học, nhưng bé cần phải cùng mẹ hoàn thành bài tập về nhà. Thông qua quá trình này, đem những thiếu sót trong tám năm qua, những điều mà chúng ta chưa làm tốt, từ đó bù đắp trở lại, như cô Trần đã nói. Cha mẹ có thể nói với con: “Thật tuyệt quá, cảm ơn con gái đã cho cha mẹ một cơ hội như thế này. Trước đây cha mẹ không hiểu, bây giờ chúng ta hãy cùng nhau thực hiện nhé!” Điều này cũng sẽ giúp bạn trở thành người cha mẹ tự tin và con gái cũng sẽ trở thành một người tự tin.
(Cô Trần) Tôi nghĩ đến một triết lý do một giáo viên tiểu học của tôi dạy. Ông ấy nói rằng, khi bạn chỉ một ngón tay vào người khác thì ba ngón tay cũng chỉ vào chính bạn. Vì vậy, chúng ta học một ngôn ngữ cơ thể khác “mời” (Duỗi các ngón tay ra và khép sát lại, lòng bàn tay hướng lên). Khi muốn nói điều gì đó với con, bạn có thể dùng tư thể “mời” (duỗi cả mười ngón tay ở hai tay) để biểu thị rằng, mẹ có thể chấp nhận con, có thể tôn trọng con và mời con, chứ không phải giọng điệu mệnh lệnh “Hãy đến đây!” Khi bạn che mặt lại và chỉ nhìn vào cử chỉ ngón tay, có sự khác biệt rất lớn giữa việc chỉ một ngón tay vào ai đó và duỗi ra năm ngón tay. (Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 61
Uyển Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ