Khóa học dành cho cha mẹ (P.30): Ngôn ngữ tích cực là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ
Các bé từ 6 tháng tuổi đã biết nhai đồ ăn, bắt đầu ngồi được và nâng các đồ vật, đây là một việc vô cùng quan trọng. Lúc này, trẻ cầm một thứ gì đó là có mục đích và lý do, là vì trẻ thích nó và có thiện cảm với nó, mà không chỉ là việc ngẫu nhiên. Trẻ đã thể hiện những điều trong nội tâm của mình rõ ràng hơn, đây là thời điểm quan trọng để chúng ta hướng dẫn trẻ học tập.
Làm thế nào để kích thích động lực học tập của trẻ?
Trong cuộc sống, các bậc cha mẹ sẽ thấy rằng khi con cái của họ vui vẻ thì chúng đang ở trong trạng thái học tập tốt, được gọi là “ngụ giáo ư lạc” (học tập thông qua việc vui chơi). Khi ngày càng lớn lên thì trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy càng học càng thống khổ, và sẽ nảy sinh mâu thuẫn khi cha mẹ ép trẻ học.
Khi trẻ nắm bắt đồ vật có mục đích, thì đó chính là một loại động lực. Đây là một điều rất quan trọng. Khi động lực này được thể hiện ra thì việc học của trẻ sẽ theo đó mà phát triển. Nếu trẻ không thể hiện được động lực này thì chúng ta hãy quan tâm và tìm hiểu trẻ nhiều hơn: Tại sao đến độ tuổi này mà năng lực đó lại chưa thể hiện ra.
Chúng ta hãy sử dụng một vài món đồ chơi để huấn luyện trẻ, cho trẻ lấy một món đồ chơi hình vuông nhỏ hoặc quả bóng nhỏ (những món đủ lớn để trẻ không thể cho vào miệng) rồi để trẻ đặt chúng vào trong những đồ rỗng có hình dạng khác nhau, mục đích là rèn luyện tính chuẩn xác và kích thích hứng thú học tập của trẻ. Một hoàn cảnh chính thường và phong phú sẽ giúp trẻ tiếp tục phát triển và đặt nền tảng cho việc học tập vui vẻ của trẻ.
Trong “Giáo dục năng khiếu” có một bài kiểm tra quan trọng để đánh giá một đứa trẻ có năng khiếu hay không, đó là kiểm tra khả năng phân biệt. Trong rất nhiều hình ảnh gần như giống nhau, nếu trẻ có thể phát hiện ra sự khác biệt giữa chúng càng nhanh thì chứng tỏ rằng khả năng tiếp thu, sự nhạy bén và óc quan sát của trẻ đã tương đối cao rồi.
Tình cảm chứa đựng đằng sau ngôn ngữ là điều vô cùng quan trọng
Đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể nói một cách bập bẹ với những âm thanh bi bô và bắt đầu bắt chước giọng nói của người khác, đây là bước khởi đầu tốt cho việc giao tiếp và học tập ngôn ngữ của trẻ. Lúc này, việc cho trẻ bầu bạn với các bài hát thiếu nhi là điều vô cùng quan trọng. Trong bài hát có tên các đồ vật, tên xưng hô của các thành viên trong gia đình, bạn dạy trẻ nói lặp đi lặp lại những từ này thì trẻ sẽ rất nhanh có thể học được.
Có một trường hợp trong sách giáo khoa trước đây của chúng tôi như thế này: Vào thế kỷ XIII, một vị quốc vương ở Âu Châu đột nhiên có ý một tưởng kỳ quái, ông ấy muốn nghiên cứu làm cách nào mà con người nói chuyện được. Ông ấy thu nhận một số trẻ sơ sinh, tập trung chúng trên một hòn đảo hoang, xây những ngôi nhà xinh đẹp, cung cấp thức ăn ngon và đưa đến những bảo mẫu được đào tạo chuyên nghiệp để có thể vỗ về và ôm ấp chúng. Tuy nhiên, duy chỉ có một điều kiện: Không được nói chuyện với những đứa trẻ. Vị quốc vương này muốn nghiên cứu xem đứa trẻ sẽ bắt đầu mở miệng nói chuyện như thế nào, nhưng ông ấy đã thất bại. Vì những đứa trẻ trên hòn đảo khép kín này đã lần lượt mắc bệnh, cuối cùng tất cả đều qua đời.
Những đứa trẻ mắc bệnh và qua đời là vì thiếu giao tiếp ngôn ngữ. Ngôn ngữ không chỉ là việc hỏi chúng rằng “Con có muốn ăn hay uống không”, mà nó còn có cảm xúc rất quan trọng đằng sau. Lý do tôi nói chuyện với đứa trẻ là bởi vì tôi quan tâm đến đứa trẻ, nội hàm này đã bị bỏ qua. Đứa trẻ không cảm thấy được chăm sóc, không được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương, chỉ được cho ăn một cách máy móc. Chúng ta đều biết, chất lượng và mùi vị của gà được nuôi công nghiệp rất khác với gà nuôi thả vườn.
Khi trẻ 6 tháng tuổi có khả năng ngôn ngữ, cha mẹ nên biết rằng tình yêu thương đằng sau ngôn ngữ quan trọng như thế nào. Chúng ta cần có ý thức cho đứa trẻ biết rằng: Các bộ phận trên cơ thể trẻ, tên gọi của tay, chân và những gì trẻ có thể làm được. Ví dụ, khi trẻ nắm chặt tay bạn thì có nghĩa là trẻ chấp nhận và thích bạn; Bạn nghĩ xem trẻ nhỏ có muốn được người khác yêu thích hay không?
Sự quan tâm nhiều hơn có thể làm giảm bệnh tật
Bước tiếp theo chính là việc đứa trẻ cần đứng lên. Lúc này cần phải mát-xa hoặc kéo chân của trẻ, nói cho trẻ “đây là chân của con, con có thể đứng lên bằng đôi chân của mình”. Ngoài ra còn có tên gọi của ngũ quan, mắt có thể nhìn đồ vật, và những thứ khái niệm chức năng như “nói chuyện”, “đứng lên”, “ăn cái gì” v.v. là đều có thể dạy trẻ, hãy dạy trẻ lặp lại nhiều lần.
Sau đó là dạy trẻ tình cảm. Khi nắm tay trẻ, bạn nhất định cần phải nói rằng “mẹ yêu con”. Cho nên tôi cho rằng con người có bệnh là bởi vì bạn đã cắt đứt hoặc kìm nén những cảm xúc mà con người tự nhiên cần phải có và phát triển. Những thứ vốn rất nhịp nhàng và thể hiện sự quan tâm giữa con người với nhau lại bị cắt đứt và kìm nén. Bạn nghĩ xem, như vậy người ấy có thể không mắc bệnh sao?
Trước đây khi tôi học về lĩnh vực phát triển trẻ em, thậm chí còn học “khi con người mắc bệnh đến bệnh viện thì người đó sẽ được chữa trị ra sao”. Bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân mắc những bệnh nan y, cần có người chăm sóc suốt 24/24 nên chi phí chữa trị rất cao. Bệnh viện đã cố gắng hết sức để tìm ra một phương pháp điều trị khác ngoài thuốc, gọi là “tiếp xúc”. Bởi vì người thân của những người bệnh này ở quá xa, không thể thường xuyên đến thăm họ được. Bệnh viện đã huấn luyện những con chó và mèo ở cộng đồng để tương tác với bệnh nhân. Kết quả những bệnh nhân này đã xuất viện sớm hơn những bệnh nhân không được tương tác như vậy.
Ngôn ngữ tích cực tràn ngập năng lượng và niềm vui
Khi học “môn giải phẫu và sinh lý học” ở trường, chúng ta nhìn thấy da, dây thần kinh, mạch máu… Khi bạn học đến “môn phát triển học” thì sẽ không chỉ là những thay đổi bên ngoài của cơ bắp, mà sẽ nhìn được những thay đổi bên trong của cơ bắp. Ví dụ khi nói những câu như “cảm ơn, xin mời, xin lỗi” [nói bằng tiếng Trung] thì khuôn mặt của bạn đang mỉm cười.
“Môn sinh lý học” đã cho chúng ta một đạo lý rất tuyệt vời: Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau khi nói chuyện cả ngày thì nhất định bạn đã nói gì đó sai rồi. Chỉ cần bạn nói những lời tích cực thì bạn sẽ dùng đến dây thần kinh và cơ bắp ít hơn là lúc bạn nói những lời tiêu cực. Lúc này, lời mà bạn nói ra sẽ tràn đầy niềm vui và năng lượng.
Đây là điều rất quan trọng. Nó đóng vai trò như một chiếc gương cho các bậc cha mẹ: Nếu nội tâm của bạn bắt đầu cảm thấy “ai ya, mình cần phải làm nhiều việc như vậy cho con cái”, vậy bạn sẽ bắt đầu thấy mệt mỏi và có thể có những suy nghĩ tiêu cực cũng như thói quen không tốt. Điều này sẽ cản trở hạnh phúc gia đình của bạn.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 30