Khinh nhờn tượng Thần và quở trách Long Thần, phú ông thời Bắc Tống chịu quả báo
Vào thời Bắc Tống, ở Đức Châu có một phú ông. Ông ta nghe nói ở Ngũ Đài Sơn có một pho nhục thân của Bồ Tát, nên đã cố ý ngàn dặm xa xôi đến triều bái. Nào ngờ, ông ta khinh nhờn Thần Phật nên phải nhận giáo huấn bi thảm.
Thời Tống Triết Tông, ở Đức Châu (nay là quận Lăng Thành, thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông) có một thị dân tên là Vương Tại, gia cảnh vô cùng giàu có sung túc. Vào giữa mùa hạ năm Nguyên Hựu thứ 5 (tức năm Canh Ngọ 1090), ông ta cùng thê tử và nô bộc đi du ngoạn Ngũ Đài Sơn. Buổi tối hôm đó, họ đã nghỉ qua đêm ở viện Chân Dung.
Sáng sớm ngày hôm sau, Vương Tại mặc áo mũ chỉnh tề, đi lễ bái tượng Văn Thù Bồ Tát. Nhưng đến chiều tối, Vương Tại lại tỏ vẻ thái độ khinh mạn. Tăng nhân Tỉnh Ngạn phụ trách tiếp đãi khách, nhìn thấy cảnh này, bèn vội vàng đi gặp Vương Tại.
Tăng nhân Tỉnh Ngạn nói: “Tôi ở đây đã hơn bốn mươi năm, tiếp đãi rất nhiều khách nhân. Hôm nay nhìn lễ nghi mà ngài bái yết tượng Phật, lúc đầu tựa hồ rất cẩn thận, nhưng sau đó lại lãnh đạm. Tại sao ngài lại biểu lộ vẻ mặt không vui như vậy?”
Vương Tại phẫn nộ đáp: “Trước khi tôi tới đây, nghe nói ở đây có pho nhục thân của Bồ Tát, cho nên mới không quản đường xa ngàn dặm mà đến. Hôm nay vừa nhìn, chẳng qua chỉ là một khối bùn mà thôi. Tôi vừa mới nghĩ đến việc lặn lội đường sá xa xôi như thế, đường đi lại gập ghềnh, quả thật vất vả.” Nói bóng nói gió, Vương Tại dường như là đang oán trách chuyến đi này rất không đáng giá.
Tăng nhân Tỉnh Ngạn nói: “Ngài nói gì vậy? Ngày xưa, đại thánh nhân giáng lâm tại Thứu Đài, nhiều lần hiển hiện tướng lành của Thần Thánh. Giữa những năm Cảnh Vân thời Đường (năm 710-711), ẩn sĩ An Sinh đã tận mắt nhìn thấy chân dung Văn Thù Bồ Tát và tự mình tạc tượng. Trong lòng lo lắng tạc tượng không chuẩn xác, vậy nên ông ấy đã khẩn cầu Bồ Tát hiển Thánh. Sau đó, Bồ Tát trước sau đã hiện hóa chân thân của mình bảy mươi hai lần. Dưới thời Đường Duệ Tông (năm 662-716), Hoàng đế đã đặc biệt ban tặng biển ngạch “Chân Dung Mục” treo ở tự viện. Sao ngài có thể khinh nhờn nói ra những lời bất kính như vậy? Hơn nữa, trong ngọn núi này còn có Long Thần hộ vệ. Nếu như những câu nói bất kính của ngài chọc giận tới Long Thần, e rằng ngài sẽ không có chỗ an thân đâu.”
Vương Tại ngạo mạn nói: “Một con rồng làm sao có thể giáng họa cho ta chứ?”
Tăng nhân Tỉnh Ngạn vội vàng khuyên: “Ngài đến đây, khinh nhờn tượng Thần lại không tôn kính Long Thần, sợ rằng sẽ gây ra tai họa khôn lường. Tốt nhất bây giờ ngài hãy nhanh chóng nhận lỗi và sám hối với Thần linh. Nếu không, thân thể ngài sẽ bị nghiền nát dưới móng vuốt của Long Thần.”
Tuy nhiên, Vương Tại vẫn chẳng để tâm, cũng không chịu ăn năn hối cải.
Ba ngày sau, Vương Tại cùng người nhà du ngoạn Đông Đài. Khi đó, có hơn trăm người đang nghỉ qua đêm tại Hóa Hiện Đường trên đỉnh đài này. Một hôm vào giữa đêm, bỗng nhiên có tiếng sét đánh rất lớn, giống như trời nứt đất nẻ. Trong chớp mắt, trên bức vách của đại đường xuất hiện một lỗ thủng, một quả cầu lửa lập tức xuyên vào. Chỉ trong chốc lát, quả cầu lửa lại từ bên trong phun ra. Nhìn lại cơ thể của Vương Tại thì đã bị nát vụn rồi. Còn những người hầu của ông ta đều may mắn sống sót.
Bởi vì qua đêm ở trên đỉnh núi, nhiệt độ rất lạnh, nên trước đó người hầu nhà họ Vương đã mượn một chiếc áo bông của nhà chùa để chống lạnh. Mặc dù toàn bộ quần áo/y phục bên trong và bên ngoài của Vương Tại đều bị cháy hết, nhưng chiếc áo bông vẫn còn nguyên. Thê tử và người hầu của Vương Tại đã hỏa táng hài cốt của ông ta, rồi buồn bã rời khỏi núi. Về sau, những ai nghe được sự việc này đều cảm thấy kinh động và cảm thán.